Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Syria : giới blogger Trung Quốc phản đối Bắc Kinh dùng quyền phủ quyết

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì  tại Liên Hiệp Quốc (REUTERS)
Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại Liên Hiệp Quốc (REUTERS)
Anh Vũ
Cùng với Nga, Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết LHQ về Syria hôm 04/02/2012. Điều đó gây khó chịu cho phương Tây, làm hồ sơ Syria trở nên bế tắc. Nhưng điều bất ngờ là các blogger Trung Quốc đã lên tiếng phản đối quyết định của Bắc Kinh. Báo Le Monde có bài viết : "Quyền phủ quyết của Bắc Kinh về Syria bị chỉ trích tại Trung Quốc".

Báo chí chính thức Trung Quốc mấy ngày qua cố gắng biện hộ cho việc dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria theo đề nghị của các nước phương Tây, là vì Bắc Kinh coi dự thảo nghị quyết đó là can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.
Mặc dù các tin tức về những sự kiện diễn ra tại Syria không được truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi, nhưng thái độ của Bắc Kinh trên vấn đề quốc tế nóng bỏng này lại được đông đảo giới Blogger ở đất nước có trên 500 triệu người sử dụng internet này quan tâm. Một làn sóng phản đối quyết định dùng quyền phủ quyết của Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an hôm 4 tháng Hai vừa rồi đang dấy lên trong cộng đồng mạng Trung Quốc.
Theo Le Monde, những tiếng nói phản đối chủ yếu ở trong tầng lớp trí thức. Nhà văn nổi tiếng có bút danh Mộ Dung Tuyết Thôn ngay hôm mùng 5 đã viết trên Blog « Nguyên tắc không can thiệp nội bộ không được tước đi những giá trị nhân đạo và việc hậu thuẫn cho những kẻ độc tài, chứng tỏ là một hành động tàn bạo đối với nhân dân ». Còn nhà kinh tế Ngô Giá Tường thì than rằng Liên Hiệp Quốc giờ đây chỉ còn là khúc « ruột thừa », hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đang phục vụ cho những thể chế độc tài. Ông viết tiếp : « họ mạnh lên sẽ là một thảm họa cho nhân loại ».
Một blogger khác viết : « Với tư cách là một công dân Trung Quốc, tôi xin bày tỏ lời xin lỗi đến nhân dân Syria. Lá phiếu phủ quyết của đất nước tôi là vô nghĩa. Tôi luôn đứng về phía nhân dân Syria ».
Le Monde cho biết, những hình ảnh về các vụ tàn sát ở Homs lan truyền trên mạng internet khiến người Trung Quốc liên tưởng đến sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Vì thế mà họ dễ đồng cảm với người dân Syria. Le Monde nhận thấy Bắc Kinh có vẻ tỏ ra lo ngại trước tác động của làn sóng dư luận Trung Quốc lên chế độ.
Tờ báo dẫn nhận xét của nhà nghiên cứu Trung Quốc người Pháp Valérie Niquet cho rằng : « Bắc Kinh tin phương Tây có ý đồ dùng internet và công luận để lật đổ chế độ ở Trung Quốc…. cuộc can thiệp quân sự dẫn đến thay đổi chế độ Libya là một bài học nhỡn tiền khiến Bắc Kinh phải lo sợ ».
Nhà nghiên cứu xã hội học Trung Quốc Thôi Vệ Bình giải thích với Le Monde « Ngoại giao Trung Quốc vẫn là sự tiếp nối mở rộng chính sách đối nội. Bỏ phiếu ủng hộ (nghị quyết của Liên Hiệp Quốc) tức là đồng ý với logic dân chủ. Đây chính là thách thức đối với chính quyền ».
Theo Le Monde, trong một viễn cảnh như vậy thì hồ sơ can thiệp chính trị của phương Tây cũng có ý nghĩa làm mất ổn định Trung Quốc. Lập trường truyền thống của Bắc Kinh vẫn là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và lên án phương tây « giật dây » các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập.
Theo các nhà quan sát thì Bắc Kinh lẽ ra có thể vắng mặt không bỏ phiếu vì chỉ còn chưa đầy hai tuần sau, phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm chính thức Hoa Kỳ. Tờ báo kết luận, ngày 14 tháng Hai tới đây, nhân vật số 1 tương lai của Trung Quốc sẽ tới Washington với 2 hồ sơ khó xử. Đó là quyết định phủ quyết của Trung Quốc và hồ sơ Tây Tạng , nơi đang diễn ra những cuộc trấn áp mạnh tay chưa từng thấy kể từ năm 2008. 
Phụ nữ Hoa Lục đến Hồng Kông sinh con
Libération có bài viết về hiện tượng các bà mẹ người Trung Quốc lục địa tràn sang Hồng Kông ngày càng đông để sinh con. Thực tế này đang làm cho dân chúng của đặc khu hành chính này khó chịu. Tờ báo Hồng Kông Apple Dayly ví làn sóng này như là « cuộc xâm lược của đàn châu chấu cần phải ngăn chặn ».
Gần 45% trong tổng số 88.500 trẻ em sinh ra ở Hồng Kông trong năm 2010 là của các bà mẹ đến từ Trung Hoa lục địa. Những bà mẹ sinh con trên đất Hồng Kông biết là họ không được hưởng chăm sóc y tế miễn phí theo quy định có từ thời thuộc địa Anh. Nhưng họ lại nhìn thấy những cái lợi khác.
Đó là mọi trẻ em sinh ra ở Hồng Kông, hiển nhiên được hưởng quy chế như người Hồng Kông, được chăm sóc y tế, giáo dục ưu việt và miễn phí. Người mang hộ chiếu Hông Kông được miễn thị thực nhập cảnh ở nhiều nước và người cầm hộ chiếu Hồng Kông được tự do bày tỏ chính kiến. Vì từ khi trở về với Trung Quốc với mô hình « một đất nước, hai chế độ », Hồng Kông vẫn là mảnh đất ít nhiều dân chủ vẫn còn được tôn trọng.
Theo tác giả bài báo, dù Trung Quốc là một nước « xã hội chủ nghĩa », chi phí giáo dục vẫn rất tốn kém và một vài tuần nằm viện có thể làm khuynh gia bại sản cả một gia đình. Tại những cơ sở y tế tốt ở Bắc Kinh, một bệnh nhân muốn được chăm sóc đầy đủ phải đặt cọc trước 8000 euro. Đó là những lý do giải thích cho làn sóng các bà mẹ Trung Quốc lục địa đi « du lịch sinh con » ở Hồng Kông. Trước thực tế này chính quyền Hồng Kông đã ra định mức năm 2012 số trẻ sơ sinh đến từ Trung Quốc lục địa không được vượt quá 34.400 trường hợp. 
Mượn danh hội từ thiện để buôn tân dược về Việt Nam
Nhật báo La Provence ngày 8/02/2012 đề cập đến phiên tòa xét xử một người Pháp gốc Việt mượn danh hiệp hội nhân đạo để buôn lậu tân dược về Việt Nam.  Theo báo La Provence, hôm nay tòa án thành phố Marseille sẽ ra phán quyết đối với bị cáo Grégory, 36 tuổi bị tình nghi từ năm 2005-2007 điều hành một đường dây buôn lậu thuốc chữa bệnh qua Việt Nam.
Năm 2001, bị cáo thành lập công ty Interpharm chủ yếu nhằm bán xỉ thuốc tân dược cho các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động của công ty khi đó là hợp lệ tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nhưng ba năm sau, do có những thay đổi quy định ở Việt Nam buộc các bệnh viện chỉ được phép sử dụng thuốc của do các công ty quốc doanh cung cấp.
Hết nguồn khách hàng, Interpharm phải đóng cửa. Grégory mở một hiệp hội nhân đạo mang tên Solidarité Santé, tiến hành thu thập các loại thuốc chữa bệnh không sử dụng hết. Có điều là số thuốc này được Gregory đưa về Việt Nam đều đặn hàng tháng để bán thông qua một dược sĩ tên là Ba Linh. Mỗi tháng anh nhận từ 2000 đến 2500 euros. Đây là một việc làm bất hợp pháp.
Theo tờ báo trong khi tiến hành điều tra, cảnh sát Marseille đã gặp nhiều khó khăn không được hỗ trợ tư pháp từ phía Việt Nam. Interpol Việt Nam nhận định vụ việc này « rất phức tạp » để né tránh điều tra. Trước tòa, Grégory đã thừa nhận tính chất bất hợp pháp của việc buôn bán thuốc nêu trên. Với việc làm này anh ta bị kết tội buôn lậu hàng cấm và hành nghề bán dược phẩm bất hợp pháp. 
Cuba đang ngoi đầu lên khỏi mặt nước
Libération hôm nay chú ý đến Cuba qua bài viết mang tựa đề « Cuba nhô đầu lên khỏi mặt nước ».Tờ báo trở lại sự kiện hội nghị toàn quốc đảng cộng sản Cuba lần đầu tiên họp hai ngày (28/01 và 29/01/2012) tại La Habana với sự tham dự của 811 đại biểu để bàn về cải cách nhằm cứu vớt chủ nghĩa xã hội ở Cuba.
Đặc phái viên của tờ báo đã có bài phóng sự tìm hiểu những suy nghĩ của người dân Cuba sau sự kiện này. Libération nhận thấy, trong hội nghị, chủ tịch Raul Castro khẳng định quyết tâm hiện đại hóa đất nước. Dân chúng lạc quan nhưng vẫn thận trọng quan sát thăm dò.
Theo Libération, hàng loạt các chương trình được đưa ra thảo luận tại hội nghị như trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, thay đổi tư duy , chống tham nhũng, chỉnh đốn « khiếm khuyết trong quá khứ »… Mục đích là để « cập nhật hóa chủ nghĩa xã hội. Kết quả thu về xem chừng không được là bao nhưng dường như cũng tạo được không khí lạc quan cho người dân.
Neysa một nhà đấu tranh ở Cuba, tuổi khoảng bốn mươi nhận định cỗ máy Cuba trước đây « quá nặng nề , ì ạch, các quyết định khó có thể được triển khai nhanh … rõ ràng là mọi việc đang thay đổi ở đất nước chúng tôi ». Cùng chia sẻ nhận định này ông Andres, 86 tuổi cho biết : « Tôi nghĩ là Cuba đang ngoi lên khỏi mặt nước kể từ sau khi người anh Liên Xô bị sụp đổ. Chúng tôi đang đi đúng hướng và Raul đã có những biện pháp thích hợp ».
Libération cũng nhận thấy, kể từ khi lên nắm quyền năm 2008 thay người anh Fidel Castro, ông Raul Castro đã tạo được sự chuyển biến bằng một lọat các quyết định như tạo điều kiện cho thương mại tư nhân, giảm 1,3 triệu biên chế nhà nước. Chủ tịch Cuba cũng đã mạnh dạn giao đất cho nông dân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đang bị thiếu hụt trầm trọng. Chính quyền cũng bãi bỏ nhiều lệnh cấm phi lý với người dân Cuba như là quyền sử dụng máy tính, điện thoại di động, lui tới các khách sạn quốc tế hay mua bán ô tô nhà cửa.
Theo Libération, để thoát ra khỏi khó khăn kinh tế. Đất nước Cuba hy vọng vào nguồn dầu mỏ đang được tìm kiếm ở ngoài khơi với sự trợ giúp của Tây Ban Nha, Na Uy và Ấn Độ. Cuba cũng có thể dựa vào Trung Quốc và Việt Nam và đặc biệt là hai đối tác thương mại khu vực Mỹ Latin là Venezuela và Brazil. Hơn 100000 thùng dầu được Caracas chuyển đến Cuba mỗi ngày để đổi lại, hàng trăm bác sĩ giáo sư sang lao động tại Venezuela.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"