Người Buôn Gió
Năm Tân Mão. Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66, đời Vệ Kính Vương thứ nhất.
Năm đó loạn khắp nơi. Mùa hè đến suốt mùa thu năm Tân Mão dân sĩ kinh
thành tụ họp phản đối chuyện Tề chiếm lãnh hải, việc đó kéo dài đến mấy
tháng. Sau này triều đình mới tóm người nổi bật trong đám ấy là một nữ
nhi, tống vào trại giáo dục như trại tù. Chuyện đó mới tạm yên.
Từ khi con cháu của khai quốc công thần là Cù tiến sĩ bị đưa ra xét
xử vì tội mưu phản triều đình. Nước Vệ càng rối ren hơn. Ngay sau khi
xử, triều đình tầm nã ráo riết, bủa lưới khắp nơi bắt thêm vài chục mống
thanh niên với tội mưu phản, đến đầu năm sau lại bắt thêm nhóm khác ở
phía Nam thuộc phái Công Luận Công Án đến cả chục người cũng tội mưu
phản.
Bấy giờ ở đất Lãng ven biển, có người họ Đoàn thi đỗ cử nhân không
làm quan bỏ về quê ra công lấn biển, đắp đê, quai đập ròng ra mười mấy
năm trời. Cơ nghiệp cha ông để lại cùng mưu sức dồn cả vào đó. Lập nên
một trang trại mênh mông, dân trong vùng nương nhờ con đập mà ổn định sự
sống. Tưởng đâu đời sống thái bình, chí thú làm ăn đến lúc tuổi già.
Ngày nọ quan anh đất Lãng là Lê Liêm Khiết cùng quan em là Lê Hiền
Lành đi tuần thú, thấy đất đai của Đoàn màu mỡ, thẳng cánh cò bay. Quan
anh mới hỏi quan em rằng.
- Ơ! đất đâu ra mà ngon thế nhỉ?
Quan em thưa.
- Đất này do Đoàn cử nhân, lấn biển mà có. Nay họ Đoàn đang sử dụng.
Quan anh.
- Thế tên Đoàn cử nhân ấy sống có biết lẽ trời không?
Quan em.
- Tên họ Đoàn ấy ỷ công sức lấn biển, coi thường quan sở tại,
hàng năm không có cống nạp gì. Gặp quan lại trong quán chỉ dương mắt mà
nhìn. Thật vô lễ. Lẽ đời còn chưa biết, nói chi là lẽ trời.
Quan anh nói.
- Nhà Sản chúng ta thay trời hành đạo, cai trị đất nước này đã
mấy chục năm. Bốn cõi phẳng lặng, yên bình, ấy là do chúng ta hành đạo
sâu sát, khiến dân chúng ý thức được bổn phận con đen. Anh em chúng ta
là quan nhà Sản tức là vâng mệnh trời mà hành đạo. Sao để có đứa vô lễ
như vậy. Nếu không làm cho ra nhẽ, đứa khác a dua theo, chúng ta còn mặt
mũi nào mà cầm thẻ ngà nhà Sản mà hành đạo nữa. Mau ra lệnh thu hồi gấp
để giao đứa nào biết lễ nghi sử dụng.
Thế rồi kẻ nách thước, người tay đao, súng ống tề tựu dưới sự chỉ huy
của anh em nhà quan sở tại họ Lê, ngày nọ dẫn cả đám kéo đến trang
trại nhà họ Đoàn thu hồi đất. Họ Đoàn thấy đám nọ xâm phạm đất nhà
mình,từ xa bèn lấy súng đạn ghém bắn dọa chơi một cái. Khiến quan quân
sợ vỡ mật, ôm đầu mà chạy. La đến tận hàng tổng, khiến quan tổng binh
thành Hoa Cải là Đậu Ka phải vận dụng hết binh pháp, sáng tạo thêm lối
đánh tài tình. Trên bến, dười thuyền, thủy bộ toàn dùng quân đặc nhiệm
nhịp nhàng tác chiến do Ka trực tiếp chỉ huy. Đến nơi khai hỏa, khói
súng mịt mù trời đất, rồi xông vào thì chả còn ai. Quan sở tại họ Lê
nhân lúc đó bèn cho người bắt chó, bắt cá, đập phá nhà cửa khiến cơ ngơi
mấy mươi năm họ Đoàn thành bình địa, vườn không nhà trống. Triệt luôn
tang tích, dấu ấn của họ Đoàn.
Họ Đoàn ra đầu thú, quan tổng binh trấn Hoa Cải là Đậu Ka bắt cả họ
vào ngục, sau thả vài mống đàn bà về. Anh em nhà họ Đoàn bị giam vào
ngục vì tội có ý giết quân triều đình. Tiếng tăm vụ án này bay khắp
nước, nhân sĩ, quan văn, lão thành, cựu chiến binh nghe thấy đều bất
bình với hành động của quan sở tại đất Lãng làm đơn khiếu nại, rồi bàn
tán bất bình.
Vua tôi nhà Sản họp cả tháng trời không biết quyết sao. Lúc đang phân
vân, dằng co tính định thì lão khai quốc công thần mới sốt ruột gửi tờ
hối thúc. Tờ đó ý rằng cả năm nay nhà Sản bắt bao người dân thường, trí
sĩ với tội mưu phản, khiến lòng dân đã hồ nghi sao lắm người làm phản
thế. Nay lại chính quan lại nhà Sản cũng gây phức tạp thêm, nếu không
quyết xử thì người ta lại đổ tại là vì quan lại ác bá mà dân làm phản.
Triều đình nhà Sản nghe thấy cao kiến, bèn quyết định bãi chức anh em
nhà họ Lê đất Tiên Lãng. Việc rành rành cả tháng trời mới quyết xong,
bàn đi tính lại mãi. Ấy cũng bởi cách làm phân vân giữa luật và lệ. Phàm
khi dân phạm luật thì có án ngay, quan lại phạm luật dùng dằng để cả
năm chưa xong. Vụ xứ Lãng nhờ dư luận gay gắt thế mà cũng phải mất tháng
trời.
Thế mới biết, nhà Sản hành đạo thì hay, nhưng hành pháp vẫn còn lúng túng lắm.