Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 07/2012
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 07/2012
Với lần viếng thăm Tòa Nhà Trắng lần đầu tiên trong
tuần này, người đứng đầu nhà nước và đảng trong tương lai, Tập Cận
Bình, tự giới thiệu mình với cả thế giới. Ông ấy dẫn dắt cường quốc mới
đi đến đâu vẫn còn là điều chưa rõ.
Chủ nhà Washington không biết nhiều về con người quyền lực trong
tương lai này, chỉ là ông ấy thích khiêu vũ và thích chơi bóng bàn.
Nhưng cả người khách cũng không chắc chắn. Ông ấy xem như là đã thành
công, nếu như tránh được những lỗi ngớ ngẩn về mặt ngoại giao trong Tòa
Nhà Trắng.
Đấy là trước đây gần mười năm. Thời đấy, Trung Quốc giới thiệu người
Phó Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào của mình cho thế giới như là người đứng đầu
nhà nước và Đảng trong tương lai. "Who is Hu?", tờ tạp chí Mỹ
"Newsweek" đã hỏi nửa bất lực nửa nhìn xuống ngay từ trước lần viếng
thăm của người cán bộ cứng đơ đấy. Hồ tuy biết nước Triều Tiên Stalin,
nhưng chưa từng bao giờ viếng thăm nước Mỹ tư bản.
Vào ngày thứ Ba của tuần này, nghi lễ giới thiệu trong Tòa Nhà Trắng
sẽ được lập lại – tuy vậy, với những nhân vật khác và dưới những tương
quan lực lượng địa chính trị đã thay đổi rất nhiều: lần này thì lãnh tụ
tương lai từ Bắc Kinh có tên là Tập Cận Bình. Hiện giờ, ông ấy cũng giữ
chức vụ Phó Chủ tịch nước, nhưng ông ấy đại diện cho một cường quốc đang
vươn lên, sắp sửa thách thức cường quốc cho tới nay là số một. Tập được
chọn ra bởi một chính quyền đã nhìn thấy các quốc gia công nghiệp
Phương Tây suy yếu đi trong cuộc khủng hoảng tài chính và euro, những
quốc gia mà trong quá khứ đã đối xử như kẻ thù và người xâm chiếm kiêu
hãnh, và bây giờ xuất hiện ở Bắc Kinh như những người cầu xin. Sự tự tin
của người khách ngày hôm nay cũng tương ứng như thế.
Chuyến viếng thăm của Tập, 58 tuổi, tạo cơ hội cho giới công chúng
quốc tế ném một cái nhìn mới đến cán cân quyền lực của chính trị thế
giới: từ nhiều tháng nay, giới truyền thông Phương Tây hầu như không
biết đến một đề tài nào hấp dẫn hơn là các cuộc tranh cử của Đảng Cộng
hòa cho ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ngay đến những người tranh cử đã bị
đánh bại cũng còn được họ hồi hộp thăm hỏi. Thế nhưng về con người trong
tương lai sẽ thống trị một đế chế 1,3 tỉ người, người mà về lâu dài có
thể vươn lên trở thành người có nhiều quyền lực nhất của thế giới, thì
nhiều người lại còn không biết cả việc phải phát âm tên họ của ông ấy ra
sao: Chi Dshiping.
Trong khi đấy, nhân sự ở Bắc Kinh ít nhất là cũng quan trọng như cuộc
thay đổi có thể có trong Washington: người xuất hiện ở Tòa Nhà Trắng
trong tương lai sẽ giám sát khoản dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, chủ
của trên 3,2 nghìn tỉ dollar, người chủ chốt trong những quyết định tập
thể về việc có thể lợi dụng sự suy yếu hiện tại của Hoa Kỳ và người Âu
cho Trung Quốc như thế nào. Đồng thời, người đứng đầu nhà nước và Đảng
trong tương lai này cũng là người phải dàn xếp với các láng giềng châu
Á, như với Việt Nam, vì trong nỗi lo sợ một Trung Quốc đang mạnh lên về
quân sự, họ ngày càng tìm đến sự bảo vệ của địch thủ ở Thái Bình Dương,
Hoa Kỳ, nhiều hơn. Và Tập cũng là người phải giải quyết thách thức lớn
nhất của xã hội Trung Quốc, những bất ổn xã hội đang tăng lên trong công
xưởng thế giới, những cái mà có thể gây nguy hại lớn cho điều kỳ diệu
kinh tế ở Viễn Đông.
Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong tháng 12
năm 2011 tại một chuyến đi thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Chine Nouvelle
/ Sipa Press.
Cho tới nay, Tập cũng kiên quyết im lặng như Hồ lúc trước. Thế nhưng
con người mới này có một cách xuất hiện hoàn toàn khác, bắt đầu từ gia
đình của ông ấy. Trong điểm này, con người Trung Quốc cao lớn đấy khác
với Hồ người tiền nhiệm – một người cứng đơ, thăng cấp dần trong Đảng,
người trong gần mười năm đương chức không bao giờ lột bỏ chiếc mặt nạ
của một cán bộ chính trị.
Tập cũng xuất thân từ giới quý tộc trong đảng của ông ấy, ông thuộc
trong số các "hoàng tử" đỏ, ông có đặc quyền được lớn lên cùng với những
đứa con của các cán bộ khác ở trong cung điện của nhà độc tài Mao Trạch
Đông tại Bắc Kinh.
Nhưng trước hết, ông ấy chính là hiện thân của những mâu thuẫn rõ rệt
của một nước Cộng hòa Nhân dân Cộng sản trong thời của Chủ nghĩa Tư
bản: về một mặt, ông ấy xuất thân từ một gia đình tương đối tự do về
chính trị, mặt khác, ông ấy lại nổi danh là một cán bộ gương mẫu trung
thành với đường lối.
Người cha của ông ấy, Tập Trọng Huân (1913-2002) đã tham gia chiến
đấu du kích dưới Mao, trở thành chính ủy, và thăng tiến tới Phó Thủ
tướng. Tuy vậy, ông ấy đã bị lật đổ ngay từ trước cuộc Cách mạng Văn hóa
và bị giáng chức phải đi làm việc trong nhà máy – ông ấy đã cho xuất
bản một quyển sách phê bình Mao. Mãi đến năm 1978 mới có lần phục hồi
danh dự tiếp theo sau cú rơi xuống vực sâu đấy.
Rồi dưới thời của nhà cải cách Đặng Tiểu Bình, Tập cha đẩy mạnh mở
cửa kinh tế trong tỉnh Quảng Đông làm hàng xuất khẩu ở miền Nam của
Trung Quốc. Ông ấy đã phê bình lần đàn áp đẫm máu những cuộc biểu tình
trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Người lãnh tụ tương lai của Trung Quốc cũng đã nổi bật trong giới
lãnh đạo nhờ vào người vợ nổi tiếng của mình. Bà Bành Lệ Viên rực rỡ, 49
tuổi, hát vang những bài ca yêu nước trên truyền hình; bà ấy là ngôi
sao của một nhóm ca nhạc của Quân đội Giải phóng Nhân dân, ở cấp bậc
thiếu tướng.
Người con gái của họ học đại học dưới một cái tên khác tại Đại học
Harvard ưu tú của Mỹ. Tuy vậy, ở Washington Tập chắc hẳn sẽ làm cho
những hy vọng về một Trung Quốc mới, có tinh thần hòa giải hơn, tiêu tan
nhanh chóng. Với lá phiếu phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an LHQ
chống lại một nghị quyết về Syria, Bắc Kinh mới vừa cùng với nước Nga
bước ra đứng trước một nhà độc tài khát máu. Và ngay cả khi Tập có những
ý tưởng cải cách bí mật đi chăng nữa – ông ấy vẫn còn phải tránh việc
đặt người sếp hiện giờ của mình, Hồ, vào bóng tối.
Trong Đại hội Đảng vào mùa Thu, Tập được cho sẽ là sếp của Đảng Cộng
sản, trong mùa Xuân 2013 ông ấy hẳn cũng sẽ thay thế Hồ như là người
đứng đầu nhà nước. Vẫn còn chưa rõ là liệu Hồ có giao lại cho ông ấy
chức vụ Chủ tịch Quân ủy hầu như còn quan trọng hơn nữa hay không – và
qua đó là quyền tổng chỉ huy Quân đội Giải phóng Nhân dân. Đồng thời,
người hiện giờ là Phó Thủ tướng, Lý Khắc Cường, 56 tuổi, sẽ bước lên
lãnh đạo chính phủ.
Tuy Bắc Kinh công khai xem sự thay đổi này như là một bí mật quốc
gia. Nhưng ở hậu trường, cuộc giành giật quyền lực trong Thường vụ của
Bộ Chính trị đã bùng nổ – bảy của chín vị trí trong ủy ban ban hành
những quyết định quan trọng nhất này của Đảng sẽ được giao cho người
mới. Tuần vừa rồi, một ứng cử viên có nhiều triển vọng dường như bất
thình lình lại vấp ngã: Bạc Hy Lai, con người khó hiểu đang đứng đầu
Đảng tại Trùng Khánh. Ông ấy để cho người dân hát những bài hát Mao và
nổi bật lên như một người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Thế nhưng bây giờ người cộng sự thân cận của ông ấy, sếp cảnh sát thành
phố, được cho là cố chạy trốn sang Hoa Kỳ.
Cho đến khi hai người đứng đầu Tập và Lý củng cố được sự kiểm soát
của họ ở trong Đảng, trong quân đội và ở các tỉnh thì hẳn là sự tê liệt
trong chính trị và trí thức vẫn còn kéo dài, sự tê liệt mà chính quyền
đã đẩy cả đất nước khổng lồ này vào đó ở khắp mọi nơi. Những người thống
trị ở Bắc Kinh đang bồn chồn lo lắng: kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời
năm 1976, lần chuyển giao sang Tập chỉ mới là lần thay đổi quyền lực lần
thứ hai của những người Cộng sản mà không có những cuộc tranh chấp
quyền lực cần phải được giải quyết trước đó. Vì thế mà các nhà lãnh đạo
già cũng như trẻ đều e sợ rủi ro. Hàng loạt nhà văn phê bình chế độ và
luật sư đã phải vào tù hay biến mất.
Cường quốc đang vươn lên mặc kệ phần còn lại của thế giới nghĩ gì về
những lần thanh trừng này: ngay đến nữ Thủ tướng Liên bang [Đức] Angela
Merkel trong chuyến đi thăm Trung Quốc mới vừa rồi cũng bị các cơ quan
an ninh ngăn chận không cho gặp các nhà phê phán nổi tiếng.
Những người Cộng sản cho phép giới truyền thông toàn những gì tẻ
nhạt. Trên truyền hình, họ đã cúp nhiều chương trình được ưa thích – các
nhà kiểm duyệt phát hiện ra những nội dung khiêu dâm. Và trong
Internet, họ đã thuần hóa mạng thông tin có thời đã nổi loạn: "Sina
Weibo". Mới đây, người dùng dịch vụ Trung Quốc tương đương với dịch vụ
Twitter này đã phải đăng ký với số thẻ căn cước của mình.
Người vợ Bành Lệ Viên: Ngôi sao của Quân đội Giải phóng Nhân dân ở cấp bậc thiếu tướng. Ảnh: Xiao Li / Picture Alliance / DPA.
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tập vì vậy cũng chiếu sáng sự tương phản
giữa dân chủ Phương Tây và chuyên quyền Trung Quốc. Người Mỹ còn chưa
biết ai sẽ vào Tòa Nhà Trắng trong tháng 1 tới đây – và những thay đổi
đường lối nào có thể sẽ là hậu quả của việc đấy. Người Trung Quốc ngược
lại có kế hoạch dài hạn.
Người đang giữ chức hiện giờ được Đặng, "Hoàng đế đỏ" cuối cùng của
Trung Quốc, lựa chọn làm kẻ nối ngôi. Cả sự thăng tiến của Tập cũng đã
được thương lượng trước đây hơn năm năm trong Trung Nam Hải, khu nhà
được canh gác cẩn mật của giới lãnh đạo ở bên cạnh Tử Cấm Thành trong
Bắc Kinh.
Thật ra, Hồ người đứng đầu Đảng đã chọn Phó Thủ tướng Lý hiện giờ để
làm người kế nhiệm. Lý cũng như Hồ đều dựa trên Đoàn Thanh niên có nhiều
ảnh hưởng của Đảng. Nhưng Giang Trạch Dân, người tiền nhiệm nhiều quyền
lực của Hồ, đã phá hỏng kế hoạch này. Con người 85 tuổi đấy đã thành
công trong việc đưa Tập lên làm người kế nhiệm.
Tập tỏ lòng trung thành với người cha nuôi Giang một cách gián tiếp
năm 2009 nhân dịp Hội chợ Sách Frankfurt: như món quà tặng mang nhiều
biểu tượng, ông ấy đã trao cho nữ Thủ tướng Liên bang Merkel hai quyển
sách được dịch ra tiếng Anh của người cựu lãnh đạo Đảng, một kỹ sư điện.
Tựa các bài luận dai nhách: "Nghiên cứu về những câu hỏi năng lượng
trong Trung Quốc" và "Về sự phát triển của công nghệ thông tin Trung
Quốc".
Tập là một ứng cử viên thỏa hiệp, người mà hầu như tất cả các phe
phái trong Đảng đều có thể chấp nhận được. "Ông ấy dễ dàng chiếm được
trái tim của người khác, ông ấy tự nhiên và thực tế", Lu Housheng nói,
56 tuổi. Người nông dân này hẳn phải biết điều đấy, ông ấy quen biết với
lãnh tụ tương lai của Trung Quốc từ lúc người này 15 tuổi.
Lu tiếp khách trong một căn hộ truyền thống ở trong hang tại làng
Liangjiahe của tỉnh Thiểm Tây ở phía Bắc. Nhà cửa ở đây được đào vào
trong những ngọn núi hoàng thổ có màu vàng xám giống như những tổ ong
lớn.
Lu khập khiển bước qua sân và mở cửa vào trong một hang động khác,
bây giờ nó được dùng làm nhà kho. "Tập đã sống ở đây", ông ấy nói. Vẫn
còn dựa vào tường là cái bàn gỗ thô sơ với chiếc đèn dầu, mà Tập đã từng
đọc dưới ánh sáng của nó.
Như hàng triệu người Trung Quốc khác, Tập được Mao gửi về nông thôn
năm 1969 trong thời của cuộc Cách mạng Văn hóa. Sau này Đảng có thể mở
rộng cái hang động này thành Viện bảo tàng Tập – để tưởng nhớ đến thời
niên thiếu chịu nhiều thiếu thốn của con người nổi tiếng ở Bắc Kinh,
ngay giữa quần chúng.
Và là biểu tượng cho bản năng sinh tồn chính trị hiện rõ ở Tập: Vì
mặc dù cha của ông bị đi đày nhưng Tập đã viết đơn xin gia nhập Đảng
Cộng sản tại đây. Đảng đã từ chối người con trai chín lần. Thế rồi, năm
1974, tính kiên trì của Tập đã chiến thắng, chẳng bao lâu sau đấy ông ấy
còn trở thành bí thư Đảng của cái làng vắng vẻ đấy.
Sau đấy, Tập học Hóa tại trường đại học danh tiếng Thanh Hoa và nhanh
chóng thiết lập những mối quan hệ quý báu với giới quân đội. Nhờ sự môi
giới của người cha, thời gian này đã được phục hồi, ông ấy làm trợ tá
cho một tướng lĩnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ở đây, sự nhạy cảm
về quyền lực của ông ấy cũng chiến thắng: trước khi sếp của ông ấy bị
thất sủng trước giới lãnh đạo, ông ấy đã từ bỏ chức vụ.
Thay vào đấy, năm 1982 ông ấy đã bắt đầu một chuyến đi đầy cực nhọc
qua các tỉnh – trong Đảng Cộng sản trước sau vẫn là con đường vòng an
toàn nhất để tiến lên đến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Lúc đầu, ông ấy phục
vụ cho Đảng trong tỉnh Hà Bắc ở miền Bắc Trung Quốc và đã nổi tiếng như
một chuyên gia nuôi lợn. Cùng với một phái đoàn nông dân, thời đấy ông
ấy đã đến thăm bang Iowa của Hoa Kỳ – vào ngày thứ Tư này, ông ấy định
gặp những người đã từng tiếp đón ông thêm lần nữa để chụp ảnh lưu niệm.
Tiếp theo sau đấy, ông đến tỉnh Phúc Kiến ở cạnh biển – nơi ông tạo
những mối liên kết kinh tế với Đài Loan nằm đối diện, hòn đảo Cộng hòa
dân chủ mà bị Bắc Kinh căm ghét như một "tỉnh phản bội."
Trong năm 2007, Tập nhảy vào làm bí thư Đảng của thành phố Thượng Hải
trong bảy tháng – người tiền nhiệm của ông ấy đã bị đưa xuống vì một xì
căng đang tham nhũng. Qua đó, Tập cũng đã củng cố mối quan hệ với Giang
là người nâng đỡ mình, ông bố già đầy quyền lực của cái được gọi là
Nhóm Thượng Hải.
Là cán bộ tỉnh, Tập đã quen biết với doanh nhân Phương Tây, trong số
đó là Henry Paulson, thời đấy là giám đốc của ngân hàng đầu tư Goldman
Sachs và sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Từ đấy, người Mỹ này ca ngợi
Tập như là một "người thực dụng" và "người lãnh đạo mạnh mẽ".
Thật sự thì người Mỹ có khó khăn trong việc đánh giá người sẽ đứng
đầu cường quốc châu Á trong tương lai này. Các bức điện của Đại sứ quán
Mỹ ở Bắc Kinh, những bức điện được WikiLeaks tiết lộ trước đây hơn một
năm, cho thấy thông tin về Tập của họ ít ỏi đến mức đáng sợ cho tới đâu.
Tập "cực kỳ tham vọng", các nhà ngoại giao Mỹ tường trình về
Washington, nhưng tuy vậy vẫn là một anh chàng tốt. Ông ấy thích xem
phim Hollywood về Đệ nhị Thế chiến. Cả những chuyện ngồi lê đôi mách xưa
cũ cũng được họ hâm nóng lại: người vợ đầu đã ly dị của ông ấy sống ở
Anh. "Hầu như ngày nào họ cũng cãi nhau" là câu về cuộc hôn nhân đã thất
bại của Tập với người con gái của một nhà ngoại giao. Một người chị của
Tập sống ở Canada, người em trai ở Hongkong.
Để có thể đánh giá ông ấy và đường lối trong tương lai của ông ấy,
những lần xuất hiện công khai trước đây của Tập thích hợp hơn: trong một
chuyến đi thăm Mexico năm 2009, hoàng tử đỏ đã để cho người ta nhận
biết được sự không hài lòng của mình về Phương Tây: ngay trong cuộc
khủng hoảng tài chính, Tập đã mắng nhiếc trước một nhóm người đồng
hương, rằng Trung Quốc đã tạo cái ăn cho dân tộc khổng lồ của nó và qua
đó đã đóng góp "phần lớn nhất vào cho sự tốt lành của nhân loại".
Thế nhưng "một vài người nước ngoài với những cái bụng đã no đủ"
chẳng biết làm gì tốt hơn là chỉ tay vào nước Cộng hòa Nhân dân.
Người Tây Tạng đang bị đàn áp không thể chờ đợi Tập nới lỏng chế độ
đàn áp cứng rắn. Sau khi nhiều nhà sư đã tự thiêu công khai, Bắc Kinh đã
để cho các lực lượng an ninh phong tỏa rộng khắp những vùng dân cư của
người thiểu số. Người ta cho rằng một vài người Tây Tạng đi biểu tình đã
bị cảnh sát bắn chết.
Trong thủ đô Lhasa của Tây Tạng, ngay từ mùa hè vừa rồi Tập đã yêu
cầu phải "đập tan mỗi một mưu đồ phá hỏng sự ổn định của Tây Tạng".
Cho tới khi quyền lực của ông ấy được củng cố, đấy sẽ là câu khẩu
hiệu quan trọng nhất từ Bắc Kinh. Trong một lần đón tiếp nhân dịp năm
mới, ông ấy đã nhắc nhở các cán bộ đào tạo là phải chỉnh đốn các trường
đại học nhiều hơn nữa về mặt tư tưởng, hướng đến "hài hòa và ổn định".
Con người mới của Trung Quốc còn có thể tuyên bố điều gì khác được nữa đâu?
Trong Bộ Chính trị, ông ấy sẽ là người đầu tiên trong số những người đồng quyền phải mặc cả với nhau về các thỏa hiệp.
Ngay đến Lu, người bạn thời niên thiếu từ Thiểm Tây, cũng không tin
rằng trong tương lai Tập còn có thể tiếp đón ông như trong những năm vừa
rồi. Ông ấy nói: "Là lãnh tụ quốc gia, Tập không còn là một người tự do
nữa".
Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 07/2012
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 07/2012