Bách Việt
Bài của tác giả Bách Việt. Nguồn: người Việt ở Philippines sưu tầm.
Tầu Trung Quốc tấn công tầu VN. Ảnh: CS Biển VN
Việc đưa dàn khoan vào khu vực biển của Việt Nam, Trung Quốc đã gần
như lật ngửa ván bài của một chính sách đối ngoại dựa trên bạo lực hơn
là đàm phán hòa bình. Trong khi đó, Việt Nam còn quá yếu về mọi mặt để
có thể tạo thế đối đầu có trọng lượng với Trung Quốc. Việt Nam ở thế
tiến thoái lưỡng nan vì không thể leo thang và chạy đua trong chính sách
ngoại giao bạo lực với Trung Quốc, nhưng cũng không có đường lùi và
không thể nhượng bộ.
Tóm lại, mọi động thái ứng xử của Việt Nam hiện nay vẫn rất lúng
túng, và mục đích chính vẫn chỉ để trì hoãn, hơn là thực sự giải quyết
vấn đề về lâu dài trên cơ sở hòa bình. Vận mệnh của Việt Nam do vậy đang
là “ngàn cân treo trên sợi tóc”. Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào sự
tỉnh táo của Việt Nam vào lúc này.
Để có được sự tỉnh táo, ngoài niềm tự hào về lịch sử giữ nước vẻ
vang, Việt Nam cũng cần nhìn vào những thất bại trong lịch sử để từ đó
rút ra bài học cho các quyết sách sáng suốt đối phó với Trung Quốc.
Bài viết này tập trung vào thất bại quân sự của triều Hồ năm 1407 và
thất bại của Việt Nam năm 1975-1977 trong bình thường hóa quan hệ với
Mỹ và Tây Âu, vì những giai đoạn này có rất nhiều tương đồng sâu sắc với
thời điểm hiện nay.
QUÂN ĐỘI HỒ QUÝ LY VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Lịch sử chống ngoại xâm là đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam và
giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc trước nguy cơ xâm lược và
đô hộ. Chính cuộc đấu tranh sống còn này đã rèn luyện nên nhiều phẩm giá
cao quý và phát huy đến cao độ trí thông minh, sáng tạo của dân tộc. Vì
vậy, lịch sử chống ngoại xâm là niềm tự hào vô tận của dân tộc. Tuy
nhiên, trong nhiều giai đoạn, lịch sử Việt Nam không được thể hiện đầy
đủ và khách quan, quá nhấn mạnh các thắng lợi của các cuộc kháng chiến,
dẫn đến việc đơn giản và thậm chí không phản ảnh hết tính ác liệt đến
tàn khốc của các cuộc kháng chiến, và đặc biệt là những thất bại về quân
sự của Việt Nam trước các thế lực xâm lược phương bắc.
Một thất bại quân sự cay đắng trong lịch sử vệ quốc của Việt Nam là
của Hồ Quý Ly với cuộc xâm lăng của nhà Minh. Một điểm đáng kinh ngạc là
những thách thức của vương triều Hồ với quân xâm lược phương bắc vào
năm 1400-1407 là hoàn toàn giống với những gì Việt Nam đang phải đổi mặt
hiện nay, và rất nhiều khả năng thất bại của vương triều Hồ sẽ lặp lại
với Việt Nam hiện nay nếu không có sự thay đổi trong nội bộ của Việt
Nam.
Hồ Quý Ly đã biết rõ âm mưu xâm lược của nhà Minh từ năm 1400. Nhà
Hồ đã một mặt áp dụng những biện pháp ngoại giao khôn khéo đế trì hoãn
chiến tranh, mặt khác tích cực lo chuẩn bị kháng chiến chống xâm lược.
Nhà Minh liên tục gây sức ép và tạo bất ổn với Việt Nam từ cả phía
Bắc và phía Nam. Phía bắc, nhà Minh gây hấn và lấn chiếm đất đai. Năm
1404, nhà Minh đòi chiếm đất Lộc Châu, Tây Bình, Vĩnh Bình, lấy cớ những
đất đó thuộc phủ Tư Minh (Quảng Tây). Năm 1405, nhà Minh lại sai sứ đòi
đất Lộc Châu (Lạng Sơn), và 7 trại Mãnh Man thuộc châu Ninh Viễn một
cách gay gắt. Hồ Quý Ly đã bất đắc dĩ phải nhượng đất để kéo dài thời
gian hòa hoãn, lo chuẩn bị kháng chiến, nhưng trước sau vẫn kiên quyết
bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ đất nước.
Ở phía Nam, giữa nhà Hồ và vương triều Chăm Pa có những xung đột
phức tạp. Nhà Minh tìm mọi cách khoét sâu và lợi dụng những xung đột đó
để quấy rối hậu phương nước ta. Năm 1403, nhà Minh phái 9 chiến thuyền
vào giúp Chăm-pa chống lại nhà Hồ, và gây ra những vụ xung đột biên giới
để phân tán quân đội nhà Hồ.
Việc nhượng bộ đất của Hồ Quý Ly đã gây bất mãn sâu rộng trong quần
chúng. Tuy nhiên, mặt khác cũng tạo được một khoảng thời gian gần 5 năm
để vương triều Hồ xây dựng quân đội và trang bị vũ khí với ảo tưởng rằng
với quân đội hùng mạnh và vũ khí hiện đại (theo thời đó) thì sẽ chặn
được sự xâm lược của quân Minh.
Năm 1401 nhà Hồ ra lệnh kiểm kê dân số và từ đó tiến hành tổng động
viên. Quân đội được chia thành Nam Ban và Bắc Ban với 12 vệ (tương đương
sư đoàn), quân Điện Hậu Đông và Tây gồm 8 vệ. Ngoài quân chủ lực, còn
tổ chức thêm hương binh của làng xã, và quân dũng hãn chiêu mộ từ nông
dân lưu vong.
Hồ Quý Ly cũng tăng cường chế tạo vũ khí và đạt được những thành tự
khoa học quân sự đáng nể. Bên cạnh các loại vũ khí thông thường như cung
tên, giáo mác, kiếm lao, máy bắn đá…..còn có súng thần cơ do Hồ Nguyên
Trừng chế tạo có sức công phá và sát thương hơn hẳn các loại súng của
quân Minh.
Ngoài ra, nhà Hồ cũng lập những phòng tuyến quân sự kiên cố như
phòng tuyến phía bắc chạy dài từ chân núi Tản Viên, Ba Vì, men theo sông
Đà, tiếp theo sông Nhị qua Đông Đô, rồi theo sông Hải Triều, sông Hy
(sông Luộc) chuyển qua sông Ma Lao (sông Thái Bình) đến Chí Linh, Hải
Dương. Tất cả các phòng tuyến đều được đóng cọc dưới sông, cắm chông dày
đặc trên bờ, và phía ngoài có bẫy ngựa và quân lính.
Cho dù có sự chuẩn bị kỹ càng về quân sự, nhà Hồ đã thất bại nặng nề
trong cuộc chiến chống quân Minh. Với một đạo quân gần một triệu (cả
chủ lực lẫn tiếp vận), và bất chấp sự kháng cứ mãnh liệt của quân đội
vương triều Hồ, quân Minh đã thôn tính được Việt Nam vào năm 1407, sau 6
tháng chiến đấu ác liệt.
Lịch sử phải công minh ghi nhận rằng vương triều Hồ và Hồ Quý Ly đều
chủ trương kiên quyết đánh giặc giữ nước, và đã đánh đến cùng. Tuy
nhiên, lịch sử cũng phải thừa nhận rằng nguyên nhân thất bại chủ yếu của
triều Hồ là không đoàn kết được toàn dân đánh giặc.
Một điểm đáng lưu ý là những mâu thuẫn nội bộ giữa nhà Trần bị lật
đổ và vương triều Hồ (tạm gọi là “ý thức hệ) rất sâu sắc. Nhà Minh lợi
dụng khoét sâu thêm mâu thuẫn này để gây rối trong nội bộ nhà Hồ.
Trước tình hình đó, lẽ ra nhà Hồ phải biết đặt lợi ích của đất nước
lên trên hết, giải quyết các mâu thuẫn bên trong theo hướng đáp ứng xu
hướng chủ đạo của phát triển chính trị xã hội, để từ đó thắt chặt sư
đoàn kết của toàn dân, và huy động sức mạnh của cả nước vào chống giặc
cứu nước. Nhưng nhà Hồ đã không làm được như vậy.
Do đó, khi quân Minh tiến sang, triều Hồ không thu phục được lòng
dân, không dấy lên được sức mạnh của cả nước đánh giặc, toàn dân đánh
giặc, thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm.
Từ hạn chế trên đã đưa nhà Hồ đến những sai lầm về quân sự, đó là
dựa chủ yếu vào quân mà không dựa vào dân, dựa chủ yếu vào vũ khí và
thành quách, mà không dựa vào lòng người và địa hình. Suy nghĩ về những
sai lầm và thất bại của nhà Hồ trong kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi
viết:
Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,
Khóa sông xích sắt cũng vậy thôi.
Lật thuyền mới rõ dân như nước
(Quan Hải)
Những thất bại trong lịch sử chống ngoại xâm Phương Bắc nói trên cho
thấy không phải lúc nào Việt Nam cũng chiến thắng. Những thất bại quân
sự dẫn đến mất nước Việt Nam chỉ do một nguyên nhân chính đó là: Mâu
thuẫn, đấu đá tranh giành quyền lực nối bộ, thiếu dân chủ dẫn đến mất
lòng dân. Từ chỗ mất lòng dân, những triều đại thất bại trước đây buộc
phải dựa vào vũ khí (Nỏ Thần, Đại Thần Cơ) và quân chủ lực.
Trong chiến tranh với Phương Bắc, nếu Việt Nam chỉ dựa vào quân đội
và vũ khí thì thất bại là nắm chắc trong tay vì Việt Nam ở bất cứ thời
đại nào cũng không thể đủ lính và đủ vũ khí để áp đảo Trung Quốc. Những
gì đang diễn ra hiện nay cho thấy Việt Nam với Quân đội Nhân dân Việt
nam, đã và đang có những nét tương đồng đáng sợ với đội quân chủ lực của
Hồ Quý Ly.
Thứ nhất, Việt Nam cho dù đã và rất kiên quyết, nhưng cũng đã và sẽ
tiếp tục phải nhượng bộ với Trung Quốc với mục đích là kéo dài thêm được
thời gian hòa bình càng lâu càng tốt. Đây là điều nhà Hồ đã làm, thậm
chí phải nhượng cả một số đất của Việt Nam để kéo dài thời gian hòa hoãn
cho việc xây dựng quân đội.
Thứ hai, Việt Nam đang dốc tiền đầu tư vào xây dựng quốc phòng như
mua tầu ngầm, tầu chiến, máy bay chiến đấu, v.v….đúng như những biện
pháp hiện đại hóa quân sự mà nhà Hồ đã thực hiện vào năm 1401-1405. Cái
hơn của quân đội Hồ Quý Ly so với Quân đội Nhân dân Việt nam hiện nay là
nhà Hồ đã chế tạo ra đại thần công có uy lực công phá đáng sợ hơn cả
thần công của nhà Minh.
Việt Nam hiện nay không có vũ khí nào có uy thế vượt trội so với
Trung Quốc. Cái Việt Nam rất cần làm và phải làm ngay hôm nay là xây
dựng “lòng dân” vững mạnh, bên cạnh xây dựng quốc phòng. Trung Quốc
không sợ một Việt Nam mạnh về quốc phòng, mà Trung Quốc chỉ sợ một Việt
Nam đoàn kết, dân chủ, toàn dân một lòng.
Thứ ba, nội bộ nhà Hồ lủng củng, chia rẽ và đây là điểm nhà Minh đã
lợi dụng để làm yếu nhà Hồ. Nội bộ của Việt Nam hiện nay cũng đang bị
chia rẽ sâu sắc và Trung Quốc hiện nay cũng đã và đang triệt để khoét
sâu mâu thuẫn nội bộ này của Việt Nam để làm suy yếu Việt Nam.
Một điều phải khăng định rằng Quân đội Nhân dân Việt nam sẽ chiến
đấu mãnh liệt đến cùng để chống ngoại xâm Trung Quốc, cũng giống như đội
quân Hồ Quý Ly đã làm.
Nhưng liệu Quân đội Nhân dân Việt nam có thể chiến thắng sự xâm lược
của Trung Quốc hay không, hay lại lặp lại thất bại mất giang sơn đau
đớn của đội quân Hồ Quý Ly vào năm 1407.
Điều này hoàn toàn phụ thuộc Việt Nam liệu có đủ can đảm để thực
hiện những cải cách dân chủ ngay lập tức hay không. Chỉ có một Việt Nam
dân chủ thật sự mà trong đó người dân có quyền làm chủ thật sự mới có
thể chống lại được bành trướng Trung Quốc. Tiến trình cải tổ dân chủ đó
phải được bắt đầu ngay lập tức nếu không muốn mọi việc trở nên quá muộn.
THẤT BẠI TRONG BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VỚI MỸ VÀ TÂY ÂU NĂM 1978
Trong lịch sử cận đại khi thế giới chia làm đa cực, một nguyên tắc
có tính quy luật với các nước nhỏ để tránh bị lôi vào vòng cuốn gây ảnh
hưởng của các nước lớn là tuyên bố chính sách phát triển trung lập. Tuy
nhiên, trên thế giới, rất ít nước nhỏ thực hiện được thành công chính
sách phát triển trung lập, ngoại trừ Thụy Sĩ ở Châu Âu, Thái Lan ở Đông
Nam Á, hay Nepal và Bhutan ỏ Nam Á do địa hình quá hiểm trở khiến hai
nước này không bị đô hộ.
Việt Nam nằm trong nhóm những nước nhỏ đã liên tục thất bại trong
việc theo đuối chính sách ngoại giao trung lập, độc lập, và không bị phụ
thuộc vào các nước lớn.
Phần này tập trung phân tích trong giai đoạn 1975- 1979, vì đây là
giai đoạn lịch sử có những nét tương đồng đáng kinh ngạc với thời điểm
hiện nay về bối cảnh lịch sử, về chính sách đối ngoại của Việt Nam, và
về các quyết sách của Trung Quốc và Mỹ với Việt Nam.
Ngay sau ngày 30/4/1975, và thậm chí trước đó một năm vào năm 1974,
Việt Nam đã có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây
để làm đối trọng với Trung Quốc. Trong năm 1975 đã có những biểu hiệu
Trung Quốc và Pol Pot liên kết với nhau để chống Việt Nam.
Ngày 4/5/1975, chỉ bốn ngày sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Pol Pot
tấn công Việt Nam. Ba tháng sau, vào ngày 18/8/1975, Trung Quốc tuyên bố
viện trợ toàn diện cho Pol Pot. Để tranh thủ Trung Quốc, TBT Lê Duẩn đã
có chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc ngày 25/9/1975. Nhưng chuyến
thăm chính thức không đạt kết quả gì và Trung Quốc không có cam kết
viện trợ thêm cho Việt nam.
Cùng thời điểm, Liên Xô tăng cường lôi kéo Việt Nam vào trong khối
Đông Âu để chống Trung Quốc. Ngày 30/10/1975, Liên Xô tuyên bố sẽ viện
trợ kinh tế cho Việt Nam trị giá gần 2 tỉ đô la, một con số khổng lồ vào
thời điểm đó, với hy vọng Việt Nam sẽ bỏ Trung Quốc và theo Liên Xô.
Liên Xô cũng ra sức thuyết phục Việt Nam tham gia khối COMECOM, khối hợp
tác kinh tế XHCN.
Tuy nhiên, bất chấp những ve vãn của Liên Xô để lôi kéo Việt Nam
chống lại Trung Quốc, Việt Nam chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ
và phương Tây, hơn là tăng cường quan hệ với Trung Quốc hoặc Liên Xô.
Việt Nam muốn theo đuổi một chính sách cân bằng và độc lập trong đối
ngoại.
Vì vậy, trong năm 1976, cho dù Trung Quốc và Liên Xô liên tục đòi
Việt Nam cho mở Tổng Lãnh Sự Quán ở TP HCM, Việt Nam không để hai nước
này mở Tổng Lãnh Sự Quán ở TP HCM. Nhưng thay vào đó, đã để Pháp, Ý, Đức
và các nước phương Tây khác mở lãnh sự quán. Thậm chí hãng thông tấn xã
Sự Thật của Liên Xô cũng không được mở văn phòng đại diện ở TP HCM,
trong khi các hãng thông tấn của Mỹ và Phương Tây được mở lại văn phòng
báo chí thường trú.
Trong lúc Việt Nam treo cờ ở toàn bộ các ĐSQ nước ngoài đang bị bỏ
hoang ở TP HCM sau ngày 30/4/75, CP Việt Nam không treo cờ Việt Nam ở
Tòa Đại Sứ Mỹ (cũng đang bị bỏ trống) với hàm ý để ngỏ chờ cơ hội mở cửa
và bình thường hóa quan hệ.
Vì thế, vào năm 1976, cả Liên Xô và Trung Quốc đã bày to thất vọng
với Việt Nam và cả hai công khai chỉ trích Việt Nam là một đất nước “vô
ơn”.
Về kinh tế, Việt Nam cũng từ chối lời mời tham gia COMECOM của Liên
Xô. Thay vào đó, IMF và Ngân Hàng Thế giới đã đến Việt Nam tháng 12/1976
và bắt đầu thiết kế khoản vay 60 triệu đô la đầu tiên cho Việt Nam.
Năm 1977 khi Liên Xô ngỏ ý định không hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà
máy thủy điện sông Đã, Việt Nam đã liên hệ với Ngân Hàng Phát Triển Châu
Á (ADB) để tìm hiểu khoản vay xây dựng nhà máy thủy điện Sông Đà.
Trong giai đoạn 1976 và 1977, Trung Quốc và Pol Pot tăng cường hợp
tác quân sự và kinh tế. Được Trung Quốc bật đèn xanh, Pol Pot tiến hành
các hoạt động tấn công hủy diệt tàn bạo ở các tỉnh biên giới phía Nam
của Việt Nam.
Đứng trước một nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Quốc ở
phía bắc và một cuộc chiến tranh ở biên giới phía nam với Pol Pot, Việt
Nam đã buộc phải vượt qua rào cản ý thức hệ để thúc đẩy hết sức việc
bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước Tây Âu bằng mọi giá với mục
đích tạo đối trọng với Trung Quốc.
Nhận lời mời của Việt Nam, đặc phái viên của Tổng Thống Carter, Đại
sứ Leonard Woodcock đã tiến hành một chuyển viếng thăm bí mật đến Hà Nội
ngày 16/3/1977 để bàn về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Ngay sau đó, TTg Phạm Văn Đồng đã tiến hành công du một loạt các nước Tây Âu vào ngày 25/4/1977.
Để đáp lại, dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc, Pol Pot đã tiến hành một
cuộc tiến công toàn diện vào các tỉnh biên giới phía Nam của Việt Nam
ngày 30/4/1975 như một tín hiệu cảnh báo những nỗ lực bình thường hóa
quan hệ với phương Tây và Mỹ của Việt Nam
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn quyết tâm đẩy mạnh bình thường hóa quan hệ
với Mỹ và ngày 3/5/1977, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành đàm phán bình
thường hóa quan hệ ở Pháp.
Sau đó, trong suốt nửa cuối năm 1977 cho đến ngày 11/10/1978 là cuộc
chạy đua giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc bình thường hóa quan hệ
với Mỹ.
Một mặt, Trung Quốc liên tục kích động Pol Pot tấn công Việt Nam để
buộc Việt Nam phải tự vệ và từ đó cáo buộc Việt Nam gây hấn để tạo cớ
gây sức ép với Tây Âu không bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Mặt khác, Trung Quốc tiến hành một chiến dịch ngoại giao để gây sức
ép với Mỹ và buộc Mỹ phải cân nhắc lựa chọn giữa Trung Quốc hay Việt Nam
trong chiến lược ngoại giao và quân sự của Mỹ.
Ngày 25/12/1977, Việt Nam phản công tự vệ và chiếm một số tỉnh miền
tây của Pol Pol. Sau đó, trong miền nam, Việt Nam tiến hành chiến dịch
“đánh tư sản”, thực ra là nhắm vào người Hoa vì phần lớn tư sản và nhà
giàu Sài Gòn là người Hoa.
Hậu quả của việc đánh tư sản đã kích động làn sóng di tản của người
Hoa vào tháng 3/1978 cả trên bộ, trên biển và lan rộng khắp Việt Nam vào
năm 1978-1980. Những phản ứng này của Việt Nam đã mắc đúng vào bẫy của
Trung Quốc.
Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế bằng xử dụng vũ
lực đánh lại một nước nhỏ là Cambodia, và đã vi phạm nhân quyền trong
việc đẩy đuổi người Hoa Kiều.
Do vậy, bất chấp sự nhượng bộ của Việt Nam bỏ tất cả các yêu cầu về
bồi thường chiến tranh trong buổi đàm phán với Mỹ ngày 27/9/1978 ở New
York, dưới sức ép của dư luận trong nước, chính quyền Carter đã buộc
phải đưa ra tuyên bố vào ngày 11/10/1978 đình chỉ toàn bộ việc đàm phán
bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Quyết định này của Mỹ đã đẩy Việt Nam vào thế buộc phải dựa vào Liên
Xô như là một đối trọng với Trung Quốc. Sau nhiều lần trì hoãn ký hiệp
định hợp tác hữu nghị toàn diện với Liên Xô, ngay sau tuyên bố của Mỹ
không bình thường hóa quan hệ, Việt Nam lập tức cử một phái đoàn cao cấp
sang LX vào ngày 3/11/1978 để ký một Hiệp đinh hợp tác toàn diện trong
25 năm.
Tóm lại, Trung Quốc đã đạt được ba thắng lợi lớn sau năm 1975.
Một là cô lập và ngăn chặn quá trình bình thường hóa quan hệ của
Việt Nam với Mỹ. Đây là một đòn giáng rất nặng đến Việt Nam và đã đẩy
Việt Nam phải từ bỏ chính sách ngoại giao trung lập sau năm 1975.
Hai là, Trung Quốc đã cài Việt Nam vào bẫy bằng cách xử dụng Pol Pot
để buộc Việt Nam phải tự vệ bằng vũ lực, và tạo ra làn xóng di cư của
Hoa Kiều để bôi xấu hình ảnh của Việt Nam, từ đó dọn đường dư luận thế
giới ủng hộ Trung Quốc – hoặc làm ngơ với Trung Quốc – trong cuộc chiến
tranh biên giới 1979 để triệt phá toàn bộ cơ sở hạ tầng của các tỉnh
biên giới Việt Nam.
Ba là Trung Quốc đã thành công làm kiệt quệ nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi Việt Nam lao đao vì cấm vận kinh tế, Trung Quốc đã nhân cơ hội
bình thường hóa quan hệ với Mỹ để tạo ra một thị trường xuất khẩu rộng
lớn cho phát triển kinh tế trong ba thập niên 70,80, và 90. Chỉ trong
vòng ba thập niên, nền kinh tế Trung Quốc nhờ tăng cường xuất khẩu vào
Mỹ và Tây Âu đã bứt phá mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế Việt Nam liên tục
suy thoái trong ba thập kỷ 70, 80 và đầu những năm 90 do cấm vận kéo
dài.
NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM HÔM NAY
Việt Nam cần tấn công chính trị để phòng thủ quân sự. Một
trong các chiến lược quân sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân của Việt
Nam là chiến lược tấn công để phòng thủ của Lý Thường Kiệt. Việt Nam
không thụ động đợi quân địch tiến đánh, mà chủ động đánh thẳng vào hậu
phương địch. Vào thời điểm hiện nay, Việt Nam không thể áp dụng chiến
lược quân sự này trong chiến tranh hiện đại.
Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động tấn công Trung Quốc với
biện pháp chính trị bằng cách thực hiện cải tổ chính trị, hướng tới dân
chủ ngay tại Việt Nam. Đây sẽ là đòn giáng nặng nhất vào hậu phương
chính trị và quân sự của Trung Quốc. Nó sẽ tiếp nguồn cho phong trào đòi
dân chủ hiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc, và buộc Trung Quốc phải quay
ra đối đầu với nội bộ, không thể quấy nhiễu bên ngoài.
Hiện nay, ngoại trừ Bắc Triều Tiên là một trường hợp ngoại lệ, chỉ
có ba nước theo hệ thống chính trị đóng với quyền lực tập trung vào một
đảng, đó là Trung Quốc, Việt Nam và Miến Điện.
Miến Điện hiện đã thực sự cải tổ chính trị và đang hướng tới dân
chủ. Như vậy, chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc luôn tuyên
truyền để trấn an các phong trào đòi dân chủ trong nước rằng Trung Quốc
có thể chế chính trị ưu việt hơn của Việt Nam vì Trung Quốc hiện có 9
đảng đối lập (cho dù là không có quyền lực).
Do vậy, nếu Việt Nam cải cách dân chủ, Trung Quốc sẽ bị sức ép nội
bộ rất nặng cho việc cải tổ, và sẽ làm phân tán sự hung hăng gây hấn bên
ngoài.
Nếu phải đặt lên bàn cân, các nước dân chủ tiên tiến luôn sẽ chọn Trung Quốc cộng sản thay vì chọn Việt Nam cộng sản.
Về kinh tế, nếu cùng một chủng hàng, cùng chất lượng, mẫu mã giống
nhau, và giá cả không chênh lệch nhiều, ai cũng sẽ chọn hàng có khối
lượng hoặc số lượng lớn.
Thất bại về bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1978 cho thấy khi
phải đặt lên bàn cân giữa Trung Quốc cộng sản và Việt Nam cộng sản, Mỹ
đã chọn Trung Quốc.
Thế nhưng, các nước dân chủ tiên tiến buộc phải cân nhắc khi phải
lựa chọn giữa một Trung Quốc cộng sản với một Việt Nam dân chủ.
Đây là một bài toán hoàn toàn khác vì một Việt Nam dân chủ có tầm
quan trọng trong toàn bộ chiến lược phát triển dân chủ ở khu vực Châu Á.
Trong khi một Việt Nam cộng sản với một ít tiềm năng về kinh tế thì
không thể so bì với những cơ hội kinh tế của một Trung Quốc cộng sản, và
do vậy họ sẽ sẵn sàng đánh đổi Trung Quốc cộng sản với Việt Nam cộng
sản.
Hiện nay, sự lựa chọn này đang diễn ra rất gay gắt trong nội bộ của
Mỹ. Vấn đề Ukraine và hạn chế ảnh hưởng của Nga hiện nay là một trong
vấn đề nóng nhất trong c/s đối ngoại của Mỹ.
Trung Quốc nắm được điều này nên đã chơi con bài đúng như năm 1978
là gây sức ép với Mỹ phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay Việt Nam.
Nếu Mỹ lựa chọn Trung Quốc, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Mỹ trong việc làm
trung gian giữa Mỹ và Nga. Nếu Mỹ lựa chọn Việt Nam, Trung Quốc sẽ đẩy
quan hệ chiến lược với Nga làm đối trọng với Mỹ.
Do vậy, đừng quá ảo tưởng về những tuyên bố gần đây của Mỹ phản đối
Trung Quốc về biển Đông. Việt Nam chỉ có thể vượt trội trong bàn cân
chiến lược nếu Việt Nam là một nước dân chủ tiến bộ.
Vì điều này sẽ tạo một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trong nội bộ Quốc hội
Mỹ và bất cứ tính toán thực dụng nào thiên về phía Trung Quốc cũng sẽ
vấp phải phản ứng của Quốc Hội Mỹ ủng hộ cho một Việt Nam dân chủ.
Không thể áp đảo và thắng Trung Quốc bằng số lượng quân đội và vũ khí.
Đây là bài học muôn thủa, nhưng vẫn bị quên lãng. Hiện đại quốc phòng
là cần thiết. Nhưng phải xác định không thể thắng Trung Quốc bằng số
lượng quân hay vũ khí. Thất bại của nhà Hồ là điển hình.
Thậm chí ngay cả An Dương Vương vì quá coi trọng vào Nỏ Thần, và dựa
vào thành Cổ Loa, mà không thật sự dựa vào dân, đã để thua Triệu Đà và
đẩy Việt Nam vào một nghìn năm Bắc thuộc.
Chiến tranh nhân dân, toàn bộ Việt Nam là chiến trường, phi thành
quách, toàn bộ người dân là quân, chỗ nào cũng đánh khiến cho địch
“không thể cởi giáp và bỏ cung kiếm trong nhiều năm, dẫn đến kiệt quệ và
bị tiêu diệt….” (Nguyễn Trãi). Nhưng để làm được như vậy thì phải thực
hiện dân chủ, phải thay đổi, nếu không muốn Việt Nam lại rơi vào một
thời kỳ Bắc thuộc thế kỷ 21.
Không bị sa bẫy làm “chảy máu kinh tế”. Trung Quốc
đã áp dụng rất thành công chiến lược làm kiệt quệ Việt Nam vào năm 1978.
Với thành công trong việc ép Mỹ và Tây Âu cấm vận Việt Nam vì lý do
nhân quyền, và xử dụng vũ lực, Việt Nam đã bị rơi vào cô lập kinh tế mà
hậu quả cho đến nay vẫn còn nặng nề.
Những vụ manh động vừa qua đã làm tổn hại nghiêm trọng đến đầu tư
lâu dài của nước ngoài ở Việt Nam và những tác động này là hết sức
nghiêm trọng về kinh tế. Từ năm 2012 đến nay, nhà đầu tư dài hạn đang có
xu hướng chuyển sang xuất từ Trung Quốc đến các nước ASEAN do nhân công
ở Trung Quốc đã quá cao.
Nhưng những vụ biểu tình bạo lực tuần trước đã là tiếng chuông báo
động cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tính đến khả năng đầu tư dài
hạn ở Việt Nam. Họ đang tính chuyển dần sang Nam Á hơn là Việt Nam, nhất
là sau bầu cử thắng lợi của Ấn độ ngày 19/5/2014.
Trung Quốc sẽ liên tục gây sức ép căng thẳng để kích động và tạo tâm
lý chiến tranh để từ đó uy hiếp các nhà đầu tư rút dần ra khỏi Việt
Nam. Đây là một độc chiêu rất nguy hiểm của Trung Quốc. Hiện nay, Trung
Quốc cũng đã loan tin về sự bất ổn về đầu tư dài hạn ở Việt Nam với các
nhà đầu tư Đài Loan, và các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Không thể ảo tưởng về ngoại giao “khôn khéo và linh hoạt”. Nhà
Hồ đã áp dụng các biện pháp ngoại giao uyển chuyển và linh hoạt trong
suốt 5 năm, 1401 – 1406, thậm chí buộc phải nhượng lại một số đất đai
phía bắc cho nhà Minh nhưng cũng không tránh được một cuộc chiến tranh
với Trung Quốc.
Xung đột vũ trang với Trung Quốc trước sau cũng xảy ra, chỉ là vấn
đề thời gian, phạm vi, và mức độ. Việc xử dụng vũ lực đơn phương và
không bị quốc tế trừng phạt – hoặc quốc tế không thể trừng phạt – diễn
ra như cơm bữa trong thế kỷ 20 và 21.
Mỹ đánh Iraq không cần nghị quyết LHQ (Nghị quyết số 1441 của LHQ không đồng thuận cho Mỹ đánh Iraq đơn phương).
Việt Nam đánh Cambodia năm 1979 cũng không được LHQ ủng hộ (mà lẽ ra LHQ phải ủng hộ vì Pol Pot thực sự là chế độ diệt chủng).
Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy Trung Quốc có thể bất cứ lúc nào đánh Việt Nam, bất chấp dư luận quốc tế phản đối.
Cũng không thể có nước nào có thể áp dụng trừng phạt kinh tế với
Trung Quốc vì sự ràng buộc thương mại và đầu tư với Trung Quốc là quá
lớn với tất cả các nước có khả năng áp dụng trừng phạt kinh tế.
Trung Quốc đã có thể chiếm các đảo của Việt Nam ngay trong ngày mai, mà Việt Nam khó có thể đánh chiếm lại.
Điều này cho thấy sự khẩn cấp của việc cải tổ chính trị ở Việt Nam
càng sớm càng tốt để củng cố lòng tin của dân, củng cố vị thế dân chủ
của Việt Nam trên thế giới, từ đó Việt Nam sẽ nằm trong liên minh của
các nước dân chủ để đối trọng với Trung Quốc. Nếu không thực hiện việc
cải tổ chính trị ngay và quyết liệt, thì hậu quả với Dân Tộc và Tổ Quốc
là khôn lường.
Tác giả Bách Việt.
Sách tham khảo
- Brezinski, Zbiniew, 1983. Power and Principle: Memoirs of the National Security Advisor, New York, 1977
- Chanda, Nayan, 1986 “Brother Enemy: The War After the War”
- Heder, Stephen, 1980. From Pol Pot to Pean Sovan. Chulalongkorn University
- Phan Huy Lê, 2012 “Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam “Tiếp Cận Bộ Phận”. Xuất Bản lần thứ hai. Nhà Xuất Bản Thế Giới
- Ngô Sỹ Liên, 2011 “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” Tập I và Tập II. In Lần Hai, có sửa chữa. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin
- Vance, Cyrus, 1983. Hard Choices: Critical Years in American Foreign Policy. New York: Simon and Schuster
- World Bank, 1977. Socialist Republic of Vietnam: An Introductory Economic Report