Rio Lam
Dạo trước tôi hay hứng thú với những bài viết có tựa đề theo công
thức “Những điều cần làm trước năm XYZ tuổi.” Kiểu như lúc ấy tôi vẫn
còn nhỏ nên thấy rất hồ hởi, cứ ghim trong đầu bảo người ta nói đúng,
nói hay; đến năm đó phải ráng làm những chuyện đó. Nhưng thời gian cứ ập
vào mặt, đi qua một cơ số tuổi thì nhận ra những bài viết như thế, nó
có thể hay với một vài người; nhưng với một vài người khác, nó không có
giá trị nhiều lắm.
Sáng nay tôi đọc một bài viết về những điều cần làm trước tuổi 22.
Quá nửa những điều được liệt kê trong ấy, đọc qua nghe sướng tai, ngẫm
lại thấy cũng không sướng mấy. Chẳng hạn như điều số 1: có người yêu
trước năm 22 tuổi. Lí do: qua 22 thì bắt đầu trưởng thành và biết tính
toán; thế nên hãy yêu khi chưa biết toan tính, sẽ “thú vị và trải nghiệm
hơn rất nhiều.” Tôi đọc mà mướt mồ hôi. Nói như tác giả bài này (không
rõ bao nhiêu tuổi), nghĩa là từ bây giờ trở đi tôi không nên yêu nữa; vì
đã không còn “thú vị và trải nghiệm” như xưa.
Bạn à, có hai điều vô lý ở đây. Thứ nhất, nếu bạn gặp một ai đó mà
mãi đến tận 22 tuổi họ vẫn chưa có người yêu, bạn có đến và nói với họ,
“Thế là từ giờ mày chả yêu thú vị được nữa”?! Họ đã sống 22 năm của cuộc
đời, như họ muốn và như số phận của họ muốn, và thế là đủ. Điều vô lý
thứ hai: tình yêu sau 22 tuổi, tình yêu sau 23 tuổi, tình yêu sau 24
tuổi, tình yêu sau 50 tuổi; nó ra sao là nằm ở trái tim bạn, không nằm ở
những nếp nhăn trên trán và trong não bạn. Bạn sẽ không nói với người
bạn yêu sau 22 tuổi, “Này, anh chẳng yêu em như anh yêu cô bé hồi 18
đâu”, và cũng không hề mong người ta sẽ nói với mình như thế.
Số tuổi thuộc về thời gian, nhưng cuộc đời nằm trong tay mình. Bạn
chưa đến 22 tuổi; nhưng có một bài báo lại nói, “Qua 22 thì chán lắm
đấy, chuyện này chuyện kia chả còn thú vị như xưa”; vậy mà bạn cũng để
nó cuốn trái tim bạn theo ư? Không, phải nghênh mặt lên mà hỏi lại nó,
“Qua 22 tuổi “chuyện ấy” của tôi vẫn sẽ hay ho lắm đấy, thách nhau à?”
Đừng để ai định nghĩa cuộc đời mình, nhất là định nghĩa tương lai của
chính mình.
Đến điều thứ ba trong bài báo đó thì tôi còn mắc cười hơn. Thử hình
xăm, thử đi bar, thử uống rượu; nhằm mục đích “nổi loạn có lí trí.” Tôi
biết có những người cả đời không hút thuốc, không xăm hình, không rượu
chè (một hai li xã giao công việc thì có). Lí do: họ không thích. Hãy để
yên cho sự không thích của họ nằm đó. Họ chẳng phải thử thứ gì trước 22
hay 23 cả. Mẹ tôi đến bây giờ vẫn nói tại sao con gái lớn rồi mà chưa
chịu xỏ khuyên tai. Tôi không thích, vậy thôi.
Tôi lấy hai ví dụ đơn giản như thế. Bài báo không nói sai; bạn nên
sống cho trọn đầy tuổi trẻ. Nhưng định nghĩa tuổi tác là một điều ngu
ngốc. Bạn không thể kẻ một lằn ranh cho mình, ngay tại mốc 22 tuổi, và
trong tiềm thức tự nhủ rằng bước qua đây là cuộc vui sẽ tàn. Chỉ cần bạn
sống ngay thời điểm hiện tại với tất cả những gì bạn có thể, với điều
bạn muốn và điều bạn cần, với quyền lợi và trách nhiệm; thì tôi nghĩ bạn
sẽ không có gì để hối tiếc đâu.
Đôi khi bạn sẽ gặp một số bài viết nói về những điều người ta hối
tiếc vì đã không làm khi còn trẻ. Các bạn đừng nhầm những bài viết đó
với những bài viết kiểu “Những điều cần làm trước…” Một thứ nói về quá
khứ, và đúng, quá khứ là những bài học để ta nắm lấy. Nhưng chẳng có bài
học nào đến từ tương lai, nhất là tương lai của bạn nhưng do người khác
tưởng tượng. Bởi lẽ hiện tại của mỗi người được xây dựng từ những yếu
tố rất khác nhau.
Điều số 7 trong bài viết đó là “Shopping thả dàn để lấp tủ đồ”. Tôi
biết có những người không hề thích shopping, và một số người khác lại
quá nghèo để shopping. Tương tự, điều số 11 là “Một công việc kinh doanh
riêng.” À, nếu bạn không thích kinh doanh và quá bận rộn để sáng tác
hay đi tình nguyện hay ở nhà luyện game online; tuổi trẻ của bạn thế là
đi đứt. Trong bài viết đó hiện lên một thứ tuổi trẻ được cung cấp riêng
cho một vài cá nhân đầy đủ về mặt vật chất và hoàn cảnh gia đình không
quá tệ.
Hãy nghĩ đến một trường hợp mà tôi nhìn thấy rất nhiều ở xứ Mỹ này:
một bạn trẻ nhà không giàu lắm, nhưng muốn đi du học. Qua đây thì bạn ấy
phải đi làm thêm để bớt gánh nặng cho bố mẹ. Bạn ấy không có thời gian
đi du lịch, không có tiền để nhét đầy tủ quần áo, cơ sở kinh doanh riêng
là chuyện trên trời; và việc làm thêm của bạn ấy không phải là thứ làm
thêm hoa mộng ảo lệ miêu tả trong bài viết; đó là những công việc nặng
nhọc thực sự với tất cả những bóc lột, những vị khách điên khùng và
những đêm nhức mỏi. Tôi đã từng không hiểu làm thế nào để những người
như vậy tận hưởng cuộc sống bởi vì tuổi trẻ của tôi ít nhiều giống với
miêu tả trong bài viết. Thế là tôi hỏi một người chị thân thiết ở đây,
với hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, “Có bao giờ chị hối tiếc vì đã
đi du học?” Chị ấy trả lời, “Chưa bao giờ.” Ai dám nói chị ấy không có
tuổi trẻ?
Ai dám bảo những người suốt ngày chỉ biết học là không có tuổi trẻ,
khi mà họ đang đốt cháy bản thân vì đam mê, vì ước mơ trở thành khoa học
gia, nhà sử học, nhà khảo cổ? (tôi vừa nhớ đến một anh học bác sĩ bên
này, người được học bổng của hai trường Đại học danh tiếng. Anh muốn
theo đuổi ngành Phẫu thuật não, và đến giờ anh vẫn chưa có cô bạn gái
nào). Ai dám bảo những cậu bé bán vé số, những cô bé bán khoai, những
anh thợ hồ là không có tuổi trẻ; khi họ đang dùng sức trẻ để lo cho gia
đình, cho bản thân mình một tương lai tốt hơn? Nếu có điều gì tôi ghét
nhất, đó là định nghĩa về những thứ không thể định nghĩa. Điều tôi ghét
thứ hai dĩ nhiên là việc tin vào những định nghĩa đó và biến nó thành
thước đo giá trị của mình (mặc dù phải thừa nhận là tôi vẫn còn mắc phải
lỗi lầm này).
Tôi chỉ nhắc đến một bài viết, vì một bài này đã đủ đại diện cho một
tập hợp những bài gần gần như thế: một danh sách những điều cần làm
trước XYZ tuổi, do một người nào đó viết ra, đề nghị bạn làm theo nhưng
hoàn toàn không biết bạn là ai, bạn được sinh ra ở đâu, lớn lên thế nào,
thích gì và đau khổ vì điều gì. Nếu có một người thân hoặc một người
bạn đưa ra lời khuyên, bạn có thể lắng nghe họ, vì họ biết bạn là ai.
Điều này cũng giống như gia sư vậy, bằng tuổi vẫn giúp được nhau. Còn
những bài viết thế này không khác gì giáo dục đại trà, trong giảng đường
gồm một giáo sư và hàng trăm sinh viên. Tuy vậy, khi bạn đi học, những
người giảng dạy đều đã tốt nghiệp bậc cao hơn bạn, hoặc có điểm số tốt;
thế mà họ cũng chỉ dạy bạn những kiến thức ít nhiều đã được chứng minh
và đảm bảo. Còn bây giờ, một ai đó ngang hàng phải lứa đang dạy bạn theo
kiểu giáo dục đại trà về cuộc đời rộng lớn cơ đấy.
Bạn à, ngay cả y học với những số liệu chính xác của nó cũng chỉ dám
đưa ra lời khuyên, “NÊN có con trước 35 tuổi”, hà cớ gì một vài bài
viết lại dám định nghĩa tuổi trẻ của bạn vào danh sách “CẦN.”
Bạn hãy tự viết nó đi, về nhà, lấy một tờ giấy, viết ra những gì
chính bạn muốn, bởi vì, khác với thứ tuổi trẻ “limited edition” được
miêu tả trên kia, tuổi trẻ của đất trời miễn phí cho tất cả mọi người.