Lương Hoài Nam
Suốt mấy hôm nay, FB nóng rực chuyện giàn khoan HD-981 và căng
thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Những người bạn trên
FB của mình chia thành hai phái. Một phái là những người kêu gọi các
biện pháp rắn, kể cả việc tấn công đánh chìm giàn khoan của Trung Quốc
bằng sức mạnh hải quân, không quân của Việt Nam; kêu gọi tẩy chay hàng
hoá Trung Quốc. Một phái là những người đề xuất bình tĩnh, tránh các
hành động cực đoan có thể dẫn đến chiến tranh.
Cho đến thời điểm này, mình chỉ theo dõi, chưa viết một status nào về
vụ HD-981. Mình theo dõi các ý kiến, tranh luận giữa đại diện hai phái.
Đôi lúc cũng thấy hơi lo lắng: chưa đánh nhau với bên ngoài mà đã có
nguy cơ “nội chiến” ngay trong nhà rồi thì chẳng hiểu đánh nhau với bên
ngoài kiểu gì? Người này gọi người kia là “thỏ dế”, người kia bảo người
này là “diều hâu”. Nếu gặp nhau offline, có khi “choảng” nhau sứt đầu mẻ
trán. Trong những ngày này, các nút “Unfriend”, “Block” của bạn Mark
được sử dụng rất thường xuyên.
Riêng mình thì vẫn cặm cụi viết về các vấn đề giáo dục và đổi mới
giáo dục. Chẳng mấy ai đọc. Mọi người quá bận rộn với HD-981. Chuyện
giáo dục bây giờ nhạt thếc so với chuyện kia. Thật ra thì chuyện giáo
dục Việt Nam chẳng mấy khi được nhiều người quan tâm. Bà con ta quan tâm
hơn các vụ đánh nhau trên khắp thế giới. Giải quyết bất hoà giữa Nga và
Ucraina có tính thời sự, thiết thực đối với bà con ta hơn việc giải
quyết các vấn đề giáo dục Việt Nam.
Mình và một số người khác khá cô đơn, lạc lõng ngay trong cộng đồng của mình.
Nhưng mình rất hiểu lý do tại sao. Trong bài báo viết cho diễn đàn
“Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ?” của báo Thanh Niên tháng 5-2006, mình
đã nói là nước ta chỉ mạnh và nổi tiếng thế giới trong chuyện đánh và
chiến thắng giặc ngoại xâm. Xuyên suốt cả lịch sử, nước ta chưa bao giờ
mạnh, có ảnh hưởng đáng kể với thế giới về kinh tế, khoa học, kỹ thuật,
văn hoá, nghệ thuật.
Sự quan tâm nhiều đến chuyện đánh nhau và ít quan tâm đến chuyện giáo
dục của bà con ta cho thấy rất khó để thay đổi định mệnh này của dân
tộc. Là một nước yếu toàn diện về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá,
nghệ thuật, Việt Nam sẽ luôn luôn là “miếng mồi” của các cường quốc,
những kẻ thèm muốn chiếm mảnh đất này, dù theo kiểu xâm lược cũ hay các
kiểu xâm lược mới.
Họ nghĩ Việt Nam đủ yếu để họ xâm lược và sẽ tìm cách xâm lược nước
ta một khi họ vẫn nghĩ là nước ta nghèo yếu và chia rẽ. Nhưng họ sẽ sai
lầm, sẽ thất bại giống như những gì đã xảy ra với các cuộc xâm lược nước
ta từ xưa đến nay.
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam.
Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu chúng ta thích nó thì rất dễ. Hãy cứ sống như chúng ta đã và đang
sống, chắc chắn lịch sử đã và sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ có những chiến
thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới.
Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những
nhà khoa học giỏi, những nhà văn hoá, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với
thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị
xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ
giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào
khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người
Việt mới.
Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ
nghĩ không hay ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên như cái giá của một
nghìn năm Bắc thuộc.
Họ sẽ biết cách làm sao để “quân Nguyên” chẳng bao giờ dám nghĩ tới
việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn
hoá, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt
Nam với thế giới.
Giống như Malaysia rộng lớn, đông dân chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc
“thu hồi” Singapore nhỏ bé từng là một phần trước kia của họ. Singapore
đã thay đổi được định mệnh của mình. Họ đã bắt đầu từ giáo dục. Những
người Singapore bây giờ tư duy rất khác với ông cha họ đến từ Trung
Quốc, Malaysia, Ấn Độ.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, mình nghĩ rằng để thay đổi
định mệnh của dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông.
Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục.