Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Tăng độ tuổi làm việc, giảm thời gian nghỉ hưu nghĩa là gì?

Xích Tử
plc.jpg
Phong trào đấu tranh của công nhân (tập thể nghiệp đoàn, liên đới nghề nghiệp, theo địa bàn… chứ không phải giai cấp) từ thế kỷ XIX có mục tiêu chung là tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện 8 giờ làm việc/ngày, 6 ngày/tuần và chế độ hưu trí cùng những vấn đề an sinh, phúc lợi khác. Chế độ hưu trí, tuổi được nghỉ hưu sau đó được chế định trong luật pháp của nhiều nước Âu, Mỹ, rồi mở rộng thành thông lệ có tính quốc tế, với những tên gọi trực tiếp, không cần khái quát, tổng hợp thành “bảo hiểm xã hội” quá chung chung, dẫn đến mù mờ và bị lạm dụng như Việt Nam.
Các đảng mệnh danh cộng sản và các đảng cánh tả, thiên tả lấy mục tiêu an sinh ấy để làm công cụ hiệu triệu, tổ chức công nhân đấu tranh thành phong trào trong từng nước và liên kết giữa các nước (nên mới có Quốc tế (ca) – International). Phong trào có mưu đồ tổ chức cao nhất trong khuôn khổ các cuộc cách mạng vô sản mà theo chủ nghĩa Marx, sẽ nổ ra và thắng lợi ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao nhất, với mâu thuẫn gay gắt nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa công nhân và tư sản. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy qui luật này không tự nó được hiện thực hóa, mà bị tổ chức xảy ra ở khâu yếu nhất của móc xích tư bản chủ nghĩa – tức nước Nga, theo Lenin; không phải xuất phát từ những mâu thuẫn cơ bản nói trên, mà là do đang trong điều kiện chiến tranh, do sự khủng hoảng chính trị, kinh tế, do sự rối loạn, mất lòng tin, đói khát, chết chóc, dịch bệnh trong nhân dân.

Cuộc “cách mạng vô sản” đó thành công, các mục tiêu an sinh vốn được giương cao trên ngọn cờ đấu tranh “giai cấp” ấy phải được thực hiện tức thì, nghiễm nhiên, vô điều kiện. Trong nền kinh tế rất được có kế hoạch, có sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của đảng cộng sản, sự quản lý rất khoa học, trong sạch, có trách nhiệm, và cũng tuyệt đối, toàn diện của nhà nước cộng sản, việc thực hiện các mục tiêu đó không cần phải tính toán với những cơ sở kinh tế học dân số, kinh tế học nhân khẩu như kiểu tư bản bóc lột. Chỉ cần một phép tính đơn giản là trích một tỉ lệ nào đó từ quỹ lương (ngân sách, cơ quan doanh nghiệp và người lao động), dùng làm vốn kinh doanh như một quỹ tín dụng, lấy tiền lãi trả cho người nghỉ hưu. Tỉ lệ trích đó không cần dùng những tham biến như mức lương cơ bản, tổng quỹ tiền lương, đặc thù số lượng và cơ cấu nhân lực tham gia lao động (vì lương cũng được qui định đơn giản như vậy). Tuổi nghỉ hưu (dừng lao động nghĩa vụ có đóng phí bảo hiểm) thường được xác định ở mức 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Chế độ này được kỳ vọng mở rộng đến cả nông dân; trước hết là việc tính công điểm để có mỗi ngày nửa cân thóc cho những cụ già trong các hợp tác xã nông nghiệp. Đó là thành quả vĩ đại của cách mạng vô sản.
Việt Nam là một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa truyền thống, kiên định, đang trên được hoàn thiện nên chuyện đó không có gì đáng bàn, đã được thực hiện từ ngày thành lập nước, như một điểm sáng ưu việt. Ở quốc gia này, hưu trí là chế độ lao động, là phúc lợi – an sinh xã hội, là chính trị; sổ hưu, cũng như trước đây là sổ gạo, là một phạm trù giá trị thiêng liêng, rất đỗi tự hào, mục tiêu phấn đấu cả đời của người lao động, trong đó có đảng viên, cán bộ, công chức như chân lý đã được một ngài PGS, TS, đại tá khẳng định.
Cho đến nay, ở Việt Nam, hưu trí nói riêng, bảo hiểm xã hội nói chung, đã được chế định bằng một đạo luật, được giao cho một hệ thống kinh doanh đồ sộ quản lý. Hệ thống này, do tính thiêng liêng của nó, nên thường không được gọi tên như một doanh nghiệp, mà chỉ được gọi trỗng là Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN). Hệ thống này tồn tại như một thực thể độc nhất và độc quyền, một lãnh địa bất khả xâm phạm, tuy có giao cho bộ này bộ khác quản lý nhà nước.
Từ ngày đất nước may mắn được đổi mới, hệ thống này cũng thay da đổi thịt, dần dần lộ mặt như một nhóm lợi ích khổng lồ.
Mục đích vụ lợi cho nội nhóm đó thể hiện rõ nhất là việc thay đổi chế độ hưu trí đã được rục rịch từ hàng chục năm nay.
Lúc đầu, việc tăng tuổi làm việc được đề xuất như là một quyền lợi, và chủ thể đề xuất chưa phải là từ BHXHVN. Đó là sự rửng mỡ vì thấy thu nhập lương bổng quà cáp cao do làm việc đương chức của nhóm lợi ích thuộc diện có chức vụ cao, rồi đến nữ, rồi các vị có học hàm học vị. Họ muốn tăng tuổi làm việc lên nhưng lại cũng đề xuất giảm số ngày làm trong tuần; rất kinh tế, rất khoa học, rất nhân văn.
Các đề xuất kiểu ấy đã được áp dụng rộng rãi hoặc có điều kiện.
Rút kinh nghiệm từ đó, BHXHVN vào cuộc với đề xuất tổng thể là tăng tuổi làm việc cho toàn xã hội. Đề xuất này có tính toán kỹ hơn, căn cứ vào kinh tế học tư sản như đã nói trên, lại được trải nghiệm qua việc dùng tiền bảo hiểm đi học tập vô tư ở một số nước tư bản như Pháp và các nước Bắc Âu, và xuất phát từ thực tế lao động, lương…của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực tế đó được khái quát thành báo động đỏ là đến năm 2017, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bị vỡ, còn hiện nay thì lỗ nặng.
Báo động này có thể là đúng, bởi trước hết là do đặc điểm nó nuôi luôn cả cho một số chính sách xã hội hậu chiến tranh, cho những đối tượng nhận lương hưu, phụ trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội mà không có đóng phí (người tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa, bộ đội. gia đình liệt sĩ, có công…). Mặt khác, thực tế đó cũng là việc quản lý không khoa học, thiếu trong sạch, vụ lợi, vô trách nhiệm của hệ thống.
Tôi là người đọc cũng nhiều, song từ trước đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu khoa học, chưa bao giờ thấy ngành bảo hiểm xã hội công bố cơ sở khoa học của tỉ lệ phí bảo hiểm trên tiền lương, cơ cấu đóng góp vào từ quỹ lương của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Cũng không thấy công khai tính toán lỗ lãi, chi phí hoạt động đầu tư, quản lý của ngành.
Tăng tuổi làm việc nghĩa vụ là thay đổi mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân, của đảng cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa, là thay đổi tính ưu việt của nền dân chủ gấp triệu triệu lần chủ nghĩa tư bản đó! Muốn làm được điều ấy, bảo hiểm xã hội Việt Nam phải chứng minh cho toàn xã hội sự tính toán khoa học và đầy đủ về mức thu, tổng thu, tổng chi hàng năm, dự báo thu chi hàng thập kỷ; đồng thời phải công khai đầy đủ tương quan tính toán giữa thu bình quân (thời gian đóng bảo hiểm xã hội) với chi lương hưu bình quân (tuổi thọ bình quân) của mỗi người lao động, số người mất trước khi về hưu, số người về hưu mất trước khi đạt đến tuổi thọ bình quân.
Để làm ra sự thay đổi đó, ngành bảo hiểm xã hội cũng phải dự báo sẽ phải sửa bao nhiêu bộ luật khác. Mà sửa luật, cũng như đổi tên nước, theo những tính toán rất đơn giản, sẽ rất tốn kém tiền bạc, công sức của nhà nước.
Cũng phải nghĩ đến việc, hiện nay, không biết bao nhiêu công, viên chức đến cơ quan để đọc báo trong khi hàng nhiều vạn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, việc tăng tuổi làm việc có đồng hành giải quyết thực trạng đó không?
Những tính toán ấy chưa thấy, chưa biết đến bao giờ người lao động mới biết. Chỉ mới thấy, để thi tuyển thành công chức của ngành bảo hiểm, người dự tuyển phải qua cửa ải của tỉ lệ chọi ngất ngưởng không kém gì ngành hàng không, hải quan, thuế vụ. Tại sao vậy? Và cũng thấy không biết nhu cầu sử dụng thế nào nhưng ngành bảo hiểm đầu tư xây dựng trụ sở quá đồ sộ từ trung ương đến các chi nhánh địa phương.
Sao không nghĩ đến việc tăng lương theo khung thu nhập trung bình, tăng thuế thu nhập cá nhân nhóm cao nhất (diện mỗi lần shopping 1,5 tỉ như Ngọc Trinh chẳng hạn) và trên cơ sở đó tăng mức đóng bảo hiểm xã hội nhỉ?
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"