Ba Lan là một quốc gia đã lật đổ chế độ cộng sản bằng hoạt động đình
công và biểu tình, nhưng ở ngay tại quốc gia này, biểu tình vẫn là
chuyện xa lạ với cộng đồng người Việt. Đã từng có đôi ba cuộc lãn công,
bãi chợ nho nhỏ của tiểu thương nhằm chống lại tình trạng tăng giá thuê
quầy, nhưng nó vẫn nang tính cục bộ, theo kiểu bảo vệ ‘nồi cơm’. Phần
lớn sinh trưởng ở miền Bắc, kiều bào Ba Lan luôn coi mình là những di
dân kinh tế, chứ không phải tị nạn chính trị và thường chăm chú vào công
việc làm ăn, buôn bán hơn là bày tỏ chính kiến trước những vấn đề chính
trị xã hội của đất nước, kể cả chuyện chủ quyền.
Lần đầu ‘xuống phố’
Ngỡ ngàng vì không ai có thể ngờ tới con số tới 3000- 4000 người tham
dự. Đấy là ước đoán do đội cảnh sát bảo vệ cuộc biểu tình đưa ra, dựa
trên những kinh nghiệm của họ. Cảnh sát đã phải tăng cường lực lượng gấp
mấy lần dự kiến, dù không có bất cứ hành động quá kích nào cần tới sự
can thiệp. Trước đó, những dự đoán lạc quan nhất cũng chỉ dám ‘phán’ tới
con số một ngàn người.
Bà con từ các khu buôn bán cách Vac-sa-va mấy chục km đã đi các
chuyến xe buýt miễn phí từ sớm tới điểm biểu tình, nhiều người từ các
tỉnh cũng lên tham dự. Với nhiều người, đây là lần biểu tình đầu tiên
trong cuộc đời mình. Mặc dù lịch biểu tình từ 12 giờ, nhưng nhiều bà con
đã có mặt từ lúc 10 giờ với những biểu ngữ tự tạo rất phong phú.
Và tiếp đến là thái độ ôn hòa, văn minh của những người biểu tình.
Những tiếng hô “Đả đảo”, ”cút đi”, “get out” trước đại sứ quán Trung
Quốc vang xa tới mấy dãy phố, nhưng trái với những lo ngại của nhóm tổ
chức về sự kích động trong các câu khẩu hiệu, đoàn biểu tình đã thể hiện
sự đúng mực đến hoàn hảo.
Trước đó, những diễn biến bạo động ở Việt Nam từ Bình Dương tới Hà
Tĩnh khiến nhóm tổ chức ngủ không yên. Nếu xảy ra sự cố, người tổ chức
không những sẽ bị thành phố phạt tiền mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài
tới hình ảnh cộng động.
Buổi biểu tình đã bất ngờ nhận được sự ủng hộ của một số người Ba
Lan. Không có trong chương trình định sẵn, 2-3 người đã lên phát biểu
phản đối thái độ nước lớn của Trung Quốc, so sánh sự bành trướng của
Trung Quốc với việc xâm chiếm Crimea của Nga gần đây hay những hành động
của họ trong quá khứ với đất nước Ba Lan. Những chia sẻ của các bạn
ngoại quốc nhận được sự tán dương nhiệt liệt.
Sau 2 tiếng hò hét tới khản cổ, đoàn người xếp hàng trật tự diễu hành
tới khu thành cổ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu bằng tiếng Ba Lan,
tiếng Anh để gửi thông điệp tới dân chúng Ba Lan và du khách quốc tế.
Một quyết định ‘gãi đúng chỗ ngứa’
Một điều đặc biệt không thể không nhắc tới của cuộc biểu tình lần
này, là nó không phải do bất kỳ một tổ chức cộng đồng nào phát động, dù
các hội đoàn như thế có tới vài chục với những ban bệ ‘hoành tráng’.
Ý tưởng biểu tình được khởi xướng bởi anh Ngô Hoàng Minh – một cựu du
sinh từ thập niên 80s, hiện là phiên dịch công chứng – sau một vài thăm
dò nho nhỏ trên mạng Facebook.
Không thông qua hội đoàn, không hỏi ý sứ quán -như trong các công
việc thường lệ của cộng đồng – một mình anh Minh đã đăng ký với thành
phố để xin phép một cuộc biểu tình với số lượng khiêm tốn, 200 người.
Gọi là giấy phép có thể không chuẩn, biểu tình là quyền công dân ở một
nước dân chủ như Ba Lan, nhưng vẫn cần một thủ tục mang tính thông báo
để thành phố sắp xếp, bố trí cảnh sát bảo vệ, cứu thương…
Quyết định ‘đơn phương độc mã’ của anh Minh đã bất ngờ nhận được sự
ủng hộ từ nhiều phía, bên cạnh đó cũng là áp lực và thậm chí sự cản trở
hay gièm pha của một số người. Nhưng với sự giúp đỡ của những bạn trẻ
tâm huyết, người khởi xướng đã quyết giữ sự trung lập, không phe nhóm
cho cuộc xuống đường lần này.
Con số 3- 4 ngàn người đã chứng minh, sự trung dung là một quyết định
sáng suốt. Và một cá nhân hay một nhóm nhỏ hình thành tự phát vẫn có
thể làm được những điều kỳ diệu, vận động được số đông quần chúng, nếu
biết ‘gãi đúng chỗ ngứa’ của đồng bào.
Tập dượt dân chủ
Dân chủ có thể rất xa vời, nhưng có khi gần gũi đến bất ngờ. Cuộc biểu tình lần này là một minh chứng rõ nét. Một trang facebook
đã được mở ra để tất cả bà con quan tâm tham gia thảo luận công khai.
Điều này khác hẳn với các hội đoàn, khi việc lớn nhỏ trong cộng đồng
thường chỉ được bàn bạc trong một nhóm nhất định.
Rồi, những tình nguyện viên cũng xuất hiện từ đây, tự bỏ tiền bạc,
công sức cho những công việc chung, không tính toán, không vụ lợi.
Những nick rất ngộ nghĩnh, tưởng chừng chỉ lập ra để chat chít lăng
nhăng như “Nhok Con”, “Đồn Như Lời” (tức Nam) hay Cu Tít bỗng xung phong
làm những việc ‘quốc gia đại sự’. Em “Nhok Con” 15, 16 tuổi cùng đám
bạn của mình đã phát hàng ngàn tờ rơi tiếng Ba Lan, tiếng Anh cho dân
bản xứ và du khách về tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Vừa
phát, các em vừa giải thích những thắc mắc của những người quan tâm.
Đội bảo vệ được lập ra bởi Thuong Le và Chau Thanh Phan, Nam, Cu Tít –
những người chưa ai biết ai trước đó – đã phối hợp công việc rất ăn ý,
phân công đâu ra đấy và nhanh chóng thu nạp được 50 tình nguyện viên.
Đội bảo vệ đã tổ chức đưa đón bà con và hướng dẫn qua từng địa điểm tới
nơi biểu tình và giữ trật tự tới phút chót.
Thanh Son Nguyen đã bỏ 2 ngày ti mẩn thiết kế hàng chục banner biểu
ngữ rất chuyên nghiệp, bắt mắt. Thái Linh cùng các bạn duyệt lại từng
chi tiết, chính xác tới từng phút của lịch biểu tình. Từng câu khẩu hiệu
cũng được các facebooker bàn luận góp ý, thêm câu này, bớt câu kia để
nó không chệch ra khỏi mục tiêu chung – chống Trung Quốc xâm lược.
Facebook nghe nói đã từng góp sức trong các cuộc biểu tình tạo nên
làn sóng cách mạng hoa Nhài ở các nước Trung Đông, không rõ thực hư ra
sao, nhưng nó đã được các bạn trẻ Ba Lan sử dụng hữu hiệu và dân chủ để
bàn thảo và quyết định cho lần xuống đường này. Nhờ vậy, mọi chuyện đã
diễn ra suôn sẻ dù chỉ có vỏn vẹn mấy ngày chuẩn bị cho một công việc mà
hầu như ai cũng mới làm lần đầu.
Mỗi người có thể ghi nhớ về cuộc xuống đường đầu tiên này theo một
cách khác nhau, với những cảm xúc khác nhau. Nhưng chắc chắn, tất cả đều
đồng ý rằng, những gương mặt hôm nay, những chiếc nắm đấm tay giơ lên
hôm nay là biểu hiện tuyệt vời của lòng yêu nước. Nó có thể khác nhau về
quan điểm, có thể ẩn giấu đâu đó giữa những vất vả, nhọc nhằn của cuộc
sống thường ngày; hay nấp sau cái vẻ nhút nhát cam chịu của người Việt;
nhưng nếu đã tỏa sáng 1 lần, thì có thể sẽ sáng lên tiếp nữa.
Giàn khoan có thể còn đó, không biến đi, nhưng rõ ràng cộng đồng vừa
trải qua một thực hành dân chủ hiếm hoi, cả với những người điều hành
công việc, tới những biểu tình viên. Và mỗi bước chân xuống đường sẽ đem
xã hội dân sự lại gần hơn với chúng ta.
© Đàn Chim Việt