Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Người Hoa ở Hội An nghĩ về vụ giàn khoan HD 981

Phương Ngạn/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) - Kể từ khi thông tin giàn khoan HD 981 của Trung Quốc cắm vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cùng với hàng loạt hành động gây hấn của các tàu chiến, hải cảnh, hải giám, quân sự... đã ngang nhiên đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, không khí của bà con người gốc Hoa (còn gọi là người Minh Hương) ở Hội An trở nên ảm đạm, buồn.
Ðặc biệt, kể từ ngày xảy ra vụ bạo động ở Bình Dương, rồi Vũng Áng, Hà Tĩnh,... đời sống và sinh hoạt của người Minh Hương càng trở nên khép kín.


Ngư dân Minh Hương, Hội An xếp lưới chuẩn bị ra khơi. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
“Lục tánh” và “lục hòa”
Một nhà Hội An học, yêu cầu không nêu tên, chia sẻ: “Ở Hội An, nói về Minh Hương có sáu họ chính, gọi là ‘lục tánh’, gồm họ Triệu, Ngụy, Tống, Vương, La và Chu. Những họ này đã có mấy trăm năm gắn kết với xứ Quảng, đặc biệt, có nhiều họ đã có nhà thờ tiền hiền tại Hội An, còn nhà thờ tộc thì ở Quảng Nam đều có nhà thờ của sáu họ này!”

“Bản thân tôi cũng là một hậu duệ của người Minh Hương, cụ tổ của tôi sang đây thời ‘phản Thanh Phục Minh’ nhưng cụ họ Phùng, không phải là họ lớn nằm trong ‘lục tánh’. Sáu họ lớn này là sáu họ của các vị tướng ‘phản Thanh phục Minh’ thời đó.”
“Từ thời sang đây, các cụ đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, đương nhiên nỗi nhớ quê thì ai mà không có, và cũng đương nhiên là các cụ vẫn đau đau đáu về cố quốc của mình. Những người Minh Hương ở Hội An có một điểm đặc biệt, khác với mọi người Minh Hương khác.”
“Ðó là không cấm con trai đi làm rể người Việt, có rất nhiều chàng trai Minh Hương làm rể người Việt và ngược lại có rất nhiều cô gái Việt làm dâu người Minh Hương. Ðây là cái gạch nối huyết thống giúp cho dòng máu Việt-Hoa trở nên gắn bó. Ðến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã xem Việt Nam là quê hương chính thức của mình. Chúng tôi ủng hộ mọi giá trị có lợi cho Việt Nam. Vì Việt Nam vừa là quê hương, vừa là ân nhân đã cưu mang tổ tiên chúng tôi trong cơn bỉ cực...”
Một người Minh Hương tên Quán, họ Vương, chia sẻ thêm: “Thật ra, điều chúng tôi ngại nhất cũng đã đến, nó từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử nhưng bây giờ, khi thế giới đã văn minh tới đâu rồi thì chúng tôi vẫn phải gặp, vẫn phải đau đầu khi nghĩ đến chuyện biết đâu có những người lính Trung Quốc là con cháu của chúng tôi ở Trung Quốc lại cầm súng bắn nhau với chính con cháu của chúng tôi ở đây. Vì người Minh Hương đi bộ đội không phải là ít.”


Hẻm cao lầu, nơi mệnh danh “phố ẩm thực Tàu” ở Hội An. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
“Khi chiến tranh xảy ra, mọi chuyện đều có thể đến. Chúng tôi cảm thấy buồn khi nghĩ đến những người bản quán của mình lại mang giàn khoan đi xâm lược nước khác. Rõ ràng đây là hành động xâm lược, không thể nói khác đi được!” Ông Quán nói thêm.
Và rằng, “vẫn có nhiều người Minh Hương nông nổi ngấm ngầm chờ đợi sự bành trướng của Trung Quốc vì như thế, họ thấy rằng người Hoa mạnh lên. Nhưng với anh em tôi thì lại khác, chúng tôi nghĩ rằng lẽ phải mới là điều quan trọng, chúng tôi thấy nhục cho người Hoa một khi Trung Quốc cố tình xâm lăng Việt Nam và nếu có chiến tranh, đương nhiên là chúng tôi sẽ cầm súng bảo vệ Việt Nam.”
Một bạn trẻ tên Ngãi, họ Chu, chia sẻ thêm: “Anh em người Hoa đi bộ đội cũng nhiều, nếu đánh nhau, nhất định sẽ có cuộc đụng độ của những người lính Trung Quốc với lính Hoa Kiều, đó là điều không ai mong muốn. Vả lại, thế hệ chúng tôi có hiểu biết, phân biệt đúng sai. Rõ ràng nhà nước Trung Quốc đã sai trong chuyện giàn khoan HD 981, đường lưỡi bò cũng như các cột mốc biên giới!”
“Người Minh Hương làm nghề biển cũng nhiều, cũng gặp không ít khó khăn trên biển do tàu Trung Quốc gây ra. Vì chúng tôi biết tiếng Hoa nên không bị đánh đập... Nhưng chúng tôi chẳng mong muốn chuyện này! Hiện tại, chúng tôi chưa lên tiếng. Nhưng rất có thể một ngày gần đây, chúng tôi sẽ biểu tình để kêu gọi Trung Quốc đừng xâm chiếm Việt Nam!”
Nửa ủng hộ, nửa không?
Hiện tại, đa phần người Minh Hương ở Hội An ủng hộ Việt Nam, tuyên bố sẽ đấu tranh cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có không ít người Minh Hương có quan điểm khác.


Hội An về đêm. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Dựa vào “lợi thế” có vẻ bên ngoài giống người Trung Quốc, chúng tôi vào vai một người Minh Hương và tìm đến quán cà phê chỉ có người Minh Hương ngồi với nhau. Bắt chuyện một người tên Sĩ, chúng tôi được biết khá nhiều điều bất ngờ.
Sĩ cho biết: “Mình nói với mấy ông, cùng là người Minh Hương với nhau cả, chẳng giấu gì, mình mong Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Như vậy mình đi lại thoải mái hơn!”
“Hiện tại vẫn đi lại thoải mái, nhưng dù sao, sống trên đất khách, nỗi mặc cảm ở đậu vẫn cứ dai dẳng, hơn nữa, một khi Việt Nam trở thành tỉnh lỵ của Trung Quốc thì lợi thế cho người Minh Hương sẽ cao hơn. Biết đâu chúng ta thành những nhà lãnh đạo cấp tỉnh!”
Nhưng một người tên Diệu, lại nêu quan điểm: “Trung Quốc có tràn sang hay Việt Nam có thắng thì cũng như nhau, vì đều cùng một chế độ. Nên mình chẳng ủng hộ ai hết, như nhau cả!”
“Mình gặp nhiều anh em ủng hộ Việt Nam, ủng hộ chính phủ Việt Nam. Nhưng mình cũng hiểu rằng có nhiều anh em ủng hộ hình thức thôi, chứ trong lòng cũng mong mỏi một đất nước Trung Hoa rộng lớn lắm, đó là cái máu tổ truyền của người Hoa rồi.”
Nói đến đây, người đàn ông tên Diệu im lặng, nhìn chúng tôi dò xét.
Phố cổ Hội An, một thành phố mà ở đó, cộng đồng người Minh Hương đã tạo riêng cho mình một dáng dấp văn hóa với dòng thiền Phước Lâm, Chúc Thánh, thiền phái Long Tuyền và nhiều hội quán thương nhân. Ðây cũng là nơi tiếp xúc với văn minh phương Tây sớm nhất miền Trung thông qua con đường sách vở du nhập và những vị cha đạo truyền giáo.
Có thể, những ảnh hưởng từ phương Tây với cái nhìn rộng thoáng đã giúp cho thành phố cổ rêu phong này trở nên hiện đại và con người cũng văn minh, nhìn nhận vấn đề thấu đáo, cá tính hơn. Dù tỉ lệ có là bao nhiêu, nhưng hầu như chung cuộc, mọi người đều mong mỏi đừng có chiến tranh xảy ra!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"