Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Lực lượng vũ trang không được phản đối Trung Quốc?


Võ Văn Tạo

Sáng 19-5-2014, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhân kỷ niệm 55 năm (19-5-1959/19-5-2014) ngày mở đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn huyền thoại, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh TP Nha Trang tổ chức mít tinh gặp mặt để ôn lại và phát huy truyền thống hào hùng của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Nhận giấy mời của ban tổ chức, nhiều cơ quan thông tấn cử phóng viên đến tác nghiệp.


Gần 200 hội viên, phần lớn đã nghỉ hưu, cùng nhiều đại biểu là sĩ quan cao cấp, quân hàm đại tá, thượng tá - lãnh đạo các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn (Học viện Hải quân, Trường SQ không quân, Học viện thông tin, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh…) tham dự. Các sĩ quan đang tại ngũ, tất nhiên diện quân phục có quân hàm. Một số hội viên đã nghỉ hưu cũng diện quân phục với quân hàm, huân huy chương lấp lánh, trông khá oai phong khí thế, tạo không khí xúc động và cho cảm giác yên tâm phần nào, trông cậy ở sức mạnh và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của bộ đội ta, trong giờ phút sục sôi căm giận nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn hết sức căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, qua vụ khiêu khích với giàn khoan HD981.
Thế nhưng, điều hết sức kỳ cục và khó hiểu đã xảy ra: hết phần kỷ niệm truyền thống, cuộc mít tinh chuyển sang nội dung nóng bỏng và hết sức thời sự: phản đối Trung Quốc gây hấn, đòi giàn khoan Trung Quốc rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Trước khi bắt đầu nội dung này, đại diện ban tổ chức bất ngờ yêu cầu các đại biểu, hội viên mặc quân phục có quân hàm ra khỏi hội trường và cho biết: đây là tình tiết “nhạy cảm”. Dĩ nhiên, tôn trọng ban tổ chức và sẵn tập tính chấp hành tuyệt đối của nhà binh, tất cả đại biểu và hội viên mặc quân phục lập tức rời khỏi hội trường, ra hành lang đứng đợi.
Không bất ngờ, một số phóng viên cho biết, đây là chủ trương từ “trên”, đã được Ban Tuyên giáo “quán triệt” đến lãnh đạo các cơ quan truyền thông. Khi tác nghiệp các cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc, không được để “dính” hình ảnh lực lượng vũ trang.
*
Vẫn biết, trong sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan, tàu chiến, tàu hải giám, phi cơ quân sự, tàu cá xâm nhập trái phép vùng biển của ta, nhà nước Việt Nam chủ trương kìm chế, chỉ huy động các cơ quan chấp pháp, các phương tiện, thiết bị dân sự để xua đuổi, kết hợp với các tuyên bố và hoạt động ngoại giao phản đối, lên án Trung Quốc ngang ngược xâm lấn, gây mất ổn định an ninh hòa bình khu vực và thế giới. Trước mắt, đó là điều có thể chấp nhận, trong tình huống Trung Quốc chưa nổ súng khai chiến, tương quan phương tiện, vũ khí ta – địch quá chênh lệch, Việt Nam lại chẳng là đồng minh hay thành viên của cường quốc hoặc khối quân sự nào.
Tuy nhiên, việc yêu cầu không để hình ảnh lực lượng vũ trang “dính” vào khuôn hình, tại các cuộc mít tinh tại chỗ có tính chất ôn hòa để phản đối Trung Quốc gây hấn, chẳng biết có thực sự cần thiết? Chủ trương như thế, liệu có thể hiện tư tưởng khiếp nhược quá đáng trước giặc xâm lược? Ai là kẻ “phát minh” cái “sáng kiến” quái đản này? Làm sao tránh được tình huống, khi đọc báo, xem tivi các cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc hiếp đáp, người dân thắc mắc: tình thế nước sôi lửa bỏng, Tổ quốc lâm nguy, bộ đội ta ở đâu?
Và điều cốt tử, ngộ nhỡ một mai, tình huống ta không mong muốn vẫn cứ xảy ra, buộc Việt Nam phải lâm chiến tự vệ, bộ đội ta có còn khí thế đánh giặc?

V.V.T.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"