Tuấn Khanh
Lúc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy
quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các
công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công. E rằng sẽ có đập phá
và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là
mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá
và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả.
Lý do của chuyến đi này được thôi thúc từ đêm trước. Ngay khi chúng
tôi nhận được những hình ảnh những chiếc thiết giáp tiến vào Sài Gòn,
những đoàn xe biểu tình được dẫn đầu bởi một chiếc xe Matiz bí ẩn, được
chuẩn bị hình cờ búa liềm và ngôi sao, làm náo loạn nhiều con đường.
Trong đêm, nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhắn tin “anh buồn quá, công nhân bị
lợi dụng, rồi sẽ có người chết”. Nhà báo Mạnh Kim thì gọi, giọng lo lắng
“tôi quá sốt ruột nên làm một vòng coi tình hình, có gì mình liên lạc
nhau nhé”. Lúc đó, tôi cũng đang chạy trên các con đường dẫn đến tòa
Tổng Lãnh Sự Trung Quốc. Thành phố im lặng, nhưng nặng nề trong lòng
những người đang quan tâm đến thời sự đất nước.
Trên đường đi đến Tân Thới Hiệp, chúng tôi được Huy Đoàn, một người
bạn ở gần đó cho biết tình hình vắng lặng. Các công ty đã cho công nhân
nghỉ việc và dán thông báo giới thiệu mình không là người Trung Quốc
trong sự lo sợ. Chúng tôi quyết định đi ngõ ra Sóng Thần, Bình Dương, vì
nghe nói có một đoàn biểu tình đang tụ tập ở đó.
Gần giữa trưa, nắng tháng 5 gắt và khó chịu vô cùng, ai cũng tìm chỗ
mát để né. Vậy mà chỉ đi được một đoạn, chúng tôi tìm thấy hàng loạt
các xe gắn máy cầm cờ, trống…v.v gầm rú phía trước. Trong các nhóm ào ạt
đi như vậy, có đủ nữ lẫn nam. Cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng hô “Việt
Nam Muôn Năm”, “Đả đảo Trung Quốc”… như một cách làm hiệu để đoàn không
bị lạc hướng. Dự đoán các nhóm này sẽ đi về khu công nghiệp ở Sóng Thần,
Bình Dương, nên chúng tôi quyết định bám theo.
Công ty bị đốt, nhưng mọi thứ vẫn lặng lờ. Người áo xanh theo dõi và nhìn chúng tôi với ánh mắt rất khó chịu
Có vẻ như không có sự kiểm soát nào. Những đoạn đường mà mọi ngày,
CSGT vẫn đứng khắp nơi, nay vắng lặng một cách khó hiểu. Cảm giác thật
khó tả khi gia nhập vào đoàn người. Chúng tôi cảm nhận thấy một điều rất
rõ, những nhóm xuống đường này đang kiểm soát thị trấn, kiểm soát thành
phố mà không có bất kỳ sự ngăn chận nào. Duy chỉ có hoạt động hết sức
thầm lặng và kiên trì của các nhóm dân sự xã hội ở vài nơi nhằm hạ nhiệt
của các đoàn người đang lên cơn sốt. Ngay trong đoàn, chúng tôi nhìn
thấy 2,3 chiếc xe với các bạn trẻ cứ chạy song song và dúi cho những
người biểu tình các tờ photocopy. Tôi thúc Thy chạy vượt lên và xin một
tờ. Nội dung trong đó ghi rằng “Lời kêu gọi khẩn cấp Kính gửi các bạn
công nhân ở tỉnh Bình Dương và cả nước”. Với phông chữ khoảng 12pt, tràn
trang giấy là lời kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và kêu gọi đừng cướp
phá, sẽ bất lợi cho Việt Nam. Dĩ nhiên, có những người đọc, có những
người vứt sau lưng.
Nỗ lực hạ nhiệt của những nhóm dân sự xã hội thật đáng khâm phục.
Ngay trong khu Công nghiệp Sóng Thần, giữa những đám cháy và sự kích
động điên cuồng của đám đông chạy đi chạy lại, gậy và cờ, hò hét, vẫn có
một nhóm thanh niên im lặng dũng cảm đứng dựng băng-rôn lớn, trên đó có
dòng chữ ghi “Hãy biểu tình đúng cách. Không đập phá tài sản. Không lấy
tài sản”. Tim thắt lại, tôi nghĩ không biết vào những lúc đám đông ít
tự chủ nhất, những lúc sự điên dại lên cao nhất, có khi nào họ trở thành
những vật hy sinh hay không?
Nắng càng gắt, dường như sự điên loạn càng dâng.
Những người đến đập phá có chủ đích rất chuyên nghiệp. “Họ không là công nhân”, các bảo vệ của công ty cho biết.
Dọc con đường đi về của thị xã Thuận An, thuộc Bình Dương, thật
không thể tin nổi vào mắt mình. Chúng tôi nhìn thấy hàng loạt các công
ty bị đốt cháy, đập phá… quang cảnh không khác gì đã xảy ra một cuộc
chiến. Gần như 100% công đã đóng cửa. Cho đến khi chúng tôi đến đây, đã
là ngày thứ 3 của các cuộc bạo động, nhưng hầu như chạy suốt vài mươi
cây số, tuyệt nhiên không hề thấy bóng công an, CSGT hay CSCĐ. Sự lo sợ
xuất hiện ở nhiều nơi. Các ATM không hoạt động nữa, tiền rút đi. Nhiều
ngân hàng tăng cường bảo vệ và được lệnh không giữ nhiều tiền mặt ở các
chinh nhánh có sự biến.
Công ty Song Tain là một trong những nơi có quang cảnh thê lương
nhất. Cả hệ thống nhà máy bị đốt rụi. Lửa tràn ra tận ngoài đường nhựa,
làm chảy và cháy đen một đoạn lớn. Hàng rào bị lật ngửa. Khắp nơi đều có
dấu đập phá và sổ sách bị quăng ra sân. Khói vẫn còn nghi ngút. Nơi này
dường như bị đám đông tàn phá không phải một lần. Sự chà xát và đập,
cướp khiến chủ công ty phải cầu cứu. Đến trưa ngày 14/5, một nhóm khoảng
6,7 CSCĐ được điều đến và ngồi gác trong bóng mát, sau bức tường công
ty. Nhưng lúc này thì có vẻ như không còn gì để bảo vệ nữa.
Người thanh niên này đập phá mọi thứ, không cần lý do. Ít phút sau, anh ta suýt đánh trúng cả người phụ nữ gần đó.
Một người dân ở đây cho biết có một vài công ty còn níu lại một ít
tài sản như nhà kho, xe tải… thì cầu cứu CSCĐ đến bảo vệ phần còn lại,
giữa hoang tàn. “Hình như là có trả tiền bảo vệ phụ ngoài giờ”, người
dân này nói. Nhưng trên con đường mà chúng tôi chứng kiến hàng chục công
ty bị đốt, phá, cướp… số những nơi có CSCĐ đứng giác chỉ đếm trên đầu
ngón tay. Nhưng có vẻ gì đó nhẹ nhàng không căng thẳng lắm của người bảo
vệ.
Điều đó được xác định một lần nữa khi chúng tôi chạy đến một công ty
Đài Loan khác, theo dấu một làn khói đen ngùn ngụt lên trời, có thể
nhìn thấy rõ từ 2,3 cây số. Nơi này không còn rõ tên họ vì bảng hiệu đã
bị đập. Chữ làm bằng ximăng và nhôm thì giờ chỉ còn là những mảnh vụn
rải rác. Lửa vẫn còn cháy. Một tiểu đội CSCĐ có mặt nhưng đang ngồi nghỉ
trong bóng mát, ăn cơm hộp. Không có dấu hiệu nào là xe chữa cháy sẽ
đến. Một cô bán nước gần công ty cho biết lửa cháy từ cuộc bạo động lúc
5,6 giờ sáng cho đến giờ, không ai dập cả, toàn bộ ban giám đốc đã đi
trốn. Điều lạ là giữa những người bàng quan, có một 1,2 nhân vật ăn mặc
không là công nhân đứng gần đó, mặt rất khó chịu khi chúng tôi hỏi thăm
và chụp hình. Thậm chí nếu chúng tôi không nhanh chóng rời khỏi nơi đó,
có thể sẽ gặp rắc rối.
Một công ty bị nghi ngờ là của Trung Quốc đã bị đốt nhiều lần trong một ngày, bị đập phá và cướp đến tan hoang.
Lúc này đã hơn 12g trưa, nhưng cái nóng của thời tiết vẫn không căng
bằng cái nóng của thời sự. Các đoàn cầm cờ đỏ, gậy và khẩu hiệu vẫn ầm
ầm đi qua, chạy về phía các công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương. Dĩ
nhiên, chúng tôi cũng không thấy công an. Vài chốt gác của dân phòng mà
chúng tôi chạy qua đều bị đập nát, cũng không có ai trực ở đó nữa. Thành
phố rộn rịp và hoang tàn.
Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi bị lọt vào giữa một nhóm bạo động.
Nhóm này có khoảng chừng 20, đến 30 người nòng cốt. Họ luôn chạy đầu,
mang theo hung khí và hò hét để tập trung người. Các công ty mà chúng đi
qua, gương mặt các nhân viên của công ty bảo vệ phái đến, rúm ró vì sợ
hãi. Trước cánh cửa mọi công ty đều có treo băng-rôn: “Chúng tôi ủng hộ
Việt Nam”, “Phản đối Trung Quốc”, “Tôi yêu Việt Nam”… Ai cũng biết, có
thể đó là lời nói dối, nhưng lúc này, nói dối có thể cứu mạng và cứu tái
sản của nhiều người. Tuy nhiên, cay đắng hơn là trước một vài cánh cổng
đã bị lật đổ. Hàng rào bị phá… có cả băng-rôn “Đảng Cộng sản Việt Nam
quang vinh”, “Việt Nam Muôn Nam”… bị vứt chỏng trơ dưới đất. Lá bùa hộ
mạng cuối cùng cũng đã không còn hiệu nghiệm ở một vài nơi.
Ở một công ty khác hợp tác làm ăn với Đài Loan, chúng tôi chạy dọc
theo đường vào công ty, thấy những tờ giấy “Hoàng Sa – Trường Sa – VN”
được dán như một cứu cánh để biện minh cho sự tồn tại của mình. Một cảm
giác thật khó tả. Trước đây không lâu, rất nhiều người cầm hay mặc áo có
dòng chữ này đã bị bắt, đã bị tù… Nay thì khẩu hiệu đó đang là miễn tử
kim bài cho khá nhiều công ty Trung Quốc hay Đài Loan.
Đám đông dẫn đầu bạo động chỉ vài mươi người, có chủ đích hẳn hoi. Họ luôn khích động và gào lên “Công ty Trung Quốc” để mọi người tràn vào đập phá mà họ muốn.
Tách đoàn hò hét, chúng tôi ghé vào công ty của Đài Loan. Bảng hiệu
đã bị đập. Chỉ còn đọc được mơ hồ là Seui Yuang hay là gì đó. 3 viên bảo
vệ gồm hai nữ, một nam ngồi thất thần trước công ty đổ nát. Thấy chúng
tôi ghé vào, gương mặt của họ sợ hãi thấy rõ. Người bảo vệ nam, khoảng
trên 50 tuổi bước ra, mặt rất căng thẳng, dù khi biết chúng tôi không
phải là người biểu tình.
“Bác à, những người đập phá này có phải là công nhân không?”, tôi
hỏi. “Không, họ chưa bao giờ là công nhân, họ chuyên nghiệp”, bác bảo vệ
già nói, giọng thảng thốt. “Bác thấy họ là dân ở đây hay ở nơi khác
đến?”. Người bảo vệ mặt đanh lại như nửa muốn trả lời, nửa muốn im lặng.
Tôi quay sang hỏi cô gái bảo vệ, khoảng trên 30 tuổi, “Sao mình không
gọi công an đến giúp?”. “Không ăn thua gì, họ không đến hoặc đến lúc
không còn cần nữa”, cô bảo vệ nói như gào lên, giọng có vẻ tức giận pha
trộn sự sợ hãi.
Tôi quay ra nhìn ngoài cửa thì thấy một đám đông bạo động đang ập
đến. Nhóm dẫn đầu cũng khoảng 30 người, nhưng đằng sau sắp đến thì cả
trăm hơn. Mặt cả 3 người bảo vệ biến sắc. Một trong hai cô bảo vệ nhấn
số gọi công an, nhưng ít giây sau đó, thả máy xuống, thở nặng nhọc: đầu
dây bên kia đột ngột bị cắt ngang.
Đám đông tràn vào sân. Tôi đứng nép vào phòng bảo vệ nhìn ra. Những
thanh niên mày mặt rất lạ lùng, không thể là công nhân, trang bị gậy
sắt, gậy gỗ và cờ tràn vào sân công ty như một đạo quân xâm lược. Tiếng
chửi thề, hú hét, tiếng gầm máy xe…v.v biến sân công ty đang vắng lặng
trở thành hỗn loạn.
Ngay lập tức tức đổ vỡ vang lên. Ai đó sau lưng tôi ném một viên
gạch lớn vào cửa kính tòa nhà. Linh tính như nhắc tôi nên vừa kịp né
người qua, và nghe tiếng kính vỡ xoang xoảng. Tôi cầm máy chạy vào bên
trong để ghi lại cảnh đập phá này. Cảnh tượng bên trong còn hãi hùng
hơn. Tất cả mọi thứ bị đập nát. Kính vỡ và gãy đổ khắp mọi nơi. 2 thanh
niên xông vào căn phòng trước đây có là nơi làm việc sổ sách và kéo liên
tục các hộc tủ ra xem còn thứ gì có thể lấy được hay không. Cứ mỗi lần
không tìm thấy, họ lại đập. Có một chi tiết tôi ngạc nhiên là chính
những người cầm cờ đỏ ngoài kia, khi vào đến phòng này, khi thấy một lá
cờ đỏ treo trên tường đã giật xuống. Họ là ai?
Phòng tiếp tân của công ty thì cảnh đập phá diễn ra như một lễ hội.
Khắp nơi vang tiếng đổ, bể. Trước mắt tôi là một thanh niên đội nón bảo
hiểm, tay cầm gậy sắt, đập liên tục vào mọi thứ trước mắt. Suýt nữa thì
anh ta đánh trúng một cô gái đang lom khom nhặt một bàn phím vi tính bị
vứt dưới đất. Bất ngờ anh ta quay qua nhìn tôi và chiếc máy quay chằm
chằm. Biết không xong, tôi vờ bước nhanh ra khỏi nơi đó. “Thằng này ở
đâu ra vậy?”, tôi nghe tiếng anh ta hỏi một ai đó. Tôi bước nhanh hơn,
phía trước cổng là đám đông đang hò hét, vung gậy và cờ.
“Nói tụi ở ngoài chận nó lại”, tôi còn kịp nghe câu đó trước khi
bước ra đến sân. Đoạn sân ra đến cổng chưa bao giờ dài đến vậy, mà tôi
thì không thể chạy lúc này.
Bất ngờ tôi thấy Thy và Văn bỏ xe chạy vào đón tôi. Tín hiệu từ bên
trong đã được truyền ra, giờ đây hơn 70-80 người cầm hung khí đón tôi ở
cửa với ánh mắt đầy sát khí khiến Thy và Văn phải nhảy vào kèm tôi ra.
Nhưng dường như không kịp rồi. Một thanh niên tóc nhuộm vàng, mặt không
thể là công nhân, nhìn mặt tôi, hỏi lớn bằng giọng Thanh Hóa “Này, này,
chú kia!”.
Lao nhao trong đám đông đó, tôi nghe thấy tiếng hô “Nó là Tàu, đập
nó chết đi!”. Có tiếng hò reo sau lời hô đó. Tôi giữ mặt lạnh, quay sang
người thanh niên tóc vàng, trả lời lớn, để mọi người có thể nghe thấy
tôi nói tiếng Việt “Có chuyện gì không?”
Dường như mọi thứ hơi chựng lại một chút. Một người khác có vẻ hung
hăng hơn “Mày vào đây quay phim làm gì?”. “Để coi”, tôi đáp, chân bước
nhanh ra ngoài, liếc mắt thấy mấy người bạn đã quay đầu xe, nổ máy. “Mày
là nhà báo à?”. Lại nghe có tiếng nói “ĐM, nó giả dạng đó, đập nó!”.
Tôi phải làm tỉnh, quay người lại, cười lớn “Tao mà nhà báo cứt gì!”.
Thoáng thấy 3 người bảo vệ đứng đờ người nhìn tôi. Không biết là họ sợ
cho tôi, hay sợ cho chính bản thân họ lúc này. Ngay sau đó, tôi leo lên
xe Thy. Xe vọt đi. Đám đông nhìn theo, may mắn là những người đó chưa đủ
say máu để đuổi theo.
Trên đường đi, Văn nói bên ngoài lao nhao nói tôi là người Hoa (nhìn
cũng có vẻ giống nhỉ) nên phải đập cho chết. Thật là may, tôi biết nói
tiếng Việt. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, tôi nghe tin từ khu công
nghiệp Mỹ Xuân 2, gần Bà Rịa, cho biết một người Trung Quốc vừa bị đánh
phải đi cấp cứu. Anh ta cũng không kịp giải thích mình là một ông chủ
đầu tư hay là một du khách vì đám đông đã quá khích, không còn nghe. Tôi
rùng mình và chợt nghĩ lại, nếu khi nãy, họ không còn nghe giải thích,
có lẽ tôi cũng đang nằm trên một chiếc xe cấp cứu.
(Phần 2 – Những nhân vật bí ẩn trong dòng người)