Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

HD981 báo hiệu điều gì ?

Người Buôn Gió



Năm 1974, khi thấy dấu hiệu VNCH sẽ bị Bắc Việt thôn tính. Trung Quốc nhanh chóng đưa hải quân ra đánh chiếm Hoàng Sa. VNCH yếu thế, đồng minh Hoa Kỳ không can thiệp. Hoàng Sa của VN nói chung rơi vào tay Trung Quốc trong một trận chiến không cân sức, hơn 70 chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh.



Năm 1988, đánh hơi thấy sự biến động của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, và con đường bế tắc của CHXHCN VN về kinh tế cũng như chính trị. Trung Quốc đưa quân đánh chiếm Trường Sa, gần 70 chiến sĩ CHXHCN VN đã anh dũng hy sinh.



 Sau cả hai lần đánh chiếm này, chính trị Việt Nam có sự thay đổi lớn mà không cần nói nhiều, chúng ta ai cũng thấy.



Vậy sự đánh chiếm lần thứ ba vào năm 2014 giả dạng dưới giàn khoan dầu HD981 được bảo vệ bằng tàu hải quân, phi cơ chiến đấu của Trung Quốc là thế nào.?



Phải chăng một lần nữa TQ đánh hơi được sự biến động trong chính trường Việt Nam. ?



Nếu điểm lại lần thứ ba này, sẽ thấy tổng hợp nhiều vấn đề của cả hai lần trước. Chẳng hạn như Việt Nam hầu như bị thế giới bỏ quên, một số nước cho rằng đây là sự tranh chấp về dầu khí. Thật là trớ trêu khi họ nghĩ vậy, một số khác thì cho rằng đây là tranh chấp lãnh hải, cũng trớ trêu không kém. Sự thực là một cuộc xâm lược đã không được gọi đúng tên.



 Trung Quốc làm tốt công tác tuyên truyền, lại được Việt Nam với thái độ nhũn nhặn phản đối lấy lệ. Trong khi hai nước vẫn quan hệ mật thiết, ngay cả khi nhiều sự vụ chết người xảy ra như TQ bắn giết ngư dân VN. Thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam vẫn ôn hoà, mềm mỏng...những thái độ như vậy khiến quốc tế càng hiểu lầm hơn về một cuộc xâm lược. Việt Nam trở nên đơn côi khi không có đồng minh mạnh nào hỗ trợ. Một lần nữa họ bị các cường quốc không đoái hoài đến, lần này do chính họ tự gạt mình ra khỏi hỗ trợ của quốc tế. Sai lầm của ĐCS VN khi cho rằng thắt chặt quan hệ, trung thành quan hệ với TQ sẽ làm người TQ nghĩ đến tình nghĩa mà nương tay.





Kinh tế VN xuống dốc trầm trọng, nợ nước ngoài đầm đìa, mỗi năm phải trả hàng tỷ đô la. Trong khi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn do nhà nước quản lý bị thu lỗ, phá sản như Vinashin. Đầu tư ồ ạt vào bất động sản , thị trường quá tải sức mua, một núi tiền nằm chết dí. Ở tầng lớp thấp hơn thì người lao động thất nghiệp, lương thấp không đủ trang trải cuộc sống. Chỉ một số thành phần nhỏ trong xã hội giàu có nhờ có những quan hệ ngóc ngách với giai cấp lãnh đạo.





Những cuộc thanh lọc nội bộ diễn ra hết từ hội nghị trung ương này đến hội nghị trung ương khác. TBT, CTN đều nói thẳng - một đồng chí trong UVBCT cần phải xem xét kỷ luật. Rồi quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm , rồi  trung ương xem xét căn cứ nhân sự khoá tới. Lần đầu tiên trong quốc hội, có đại biểu đặt vấn đề từ chức với thủ tướng. Toà án cũng đã xét xử đến những cấp khá cao, thậm chí là dự định mở cuộc điều tra nhận hối lộ của một thứ trưởng công an, uỷ viên trung ương đảng.



Khái quát lại như vậy đã rõ người TQ đã có đủ thông tin để chớp thời điểm ra tay thôn tính lãnh hải Việt Nam lần thứ ba, và đương nhiên họ sẽ ráo riết và thẳng tay như hai lần trước. Tình nghĩa không có giá trị gị với kẻ mạnh và tham tàn.



Câu hỏi đặt ra là thế nào mà VN rơi vào tình cảnh kinh tế bế tắc, ngoại giao cô lập mình, nội bộ mâu thuẫn.?



Về kinh tế Việt Nam thâm hụt thương mại từ 3 đến 4 lần với TQ, trong khi với các nước khác VN đều thặng dư.



Về ngoại giao, từ khi thiết lập lại quan hệ ngoại giao hai nước, bộ trưởng ngoại giao VN không có chân trong UVBCT.



Về nội bộ mâu thuẫn, cuộc cải cách, chỉnh đốn đảng diễn ra với kịch bản y chang đã diễn ra ở TQ.



Trong các nguyên nhân VN suy yếu, cô lập và mâu thuẫn nội bộ đều có liên quan đến TQ rất nhiều. Đây là thất bại lớn về đối tác chiến lược hợp tác toàn diện mà đảng CSVN đã lựa chọn. Nhưng đến giờ thì không ai nhận sai lầm này về mình. Trái lại một số vẫn tin rằng có thể đối thoại dưa trên những gì tốt đẹp mà hai bên đang có. Một sự hoang tưởng hay một sự trì hoãn để tìm cách duy trì uy tín và vai trò lãnh đạo.? Chắc về thứ hai nhiều hơn, sự hoang tưởng chỉ có ở những kẻ dư luận viên cấp thấp hay những binh sĩ thường xuyên bị nhồi nhét về bạn tốt và thế lực thì địch mà thôi.



Nguyên nhân và sự việc đã rõ rồi. Giờ chỉ là câu hỏi VN sẽ có chuyển biến gì sau lần thứ ba bị Trung Quốc thôn tính biển đảo này.



Lần thứ nhất Bắc Việt với chủ nghĩa Cộng Sản giải quyết xong Nam Việt



Lần thứ hai, VN với chủ nghĩ Cộng sản đã tha thiết đề nghị được TQ giúp đỡ, thiết lập một loạt quan hệ, chia lại biên giới và vịnh Bắc Bộ, tiếp tục đi con đường CNXH mà cả thế giới lúc đó đã từ bỏ.



Lần thứ ba, VN với chủ nghĩa Cộng Sản đang son sắt với 16 chữ vàng, không hai lòng với TQ, biết ơn TQ giúp đỡ bấy lâu. Vậy lần thứ ba này VN có gì thay đổi sau cuộc thôn tính lãnh hải của Trung Quốc.?



Hay nói cách khác là cái giá cuả mất HS năm 1974 là giải quyết được Nam VNCH đang phát triển phồn vinh, cái giá của mất Gạc Ma năm 1988 là được quan hệ chiến lược, hợp tác toàn diện. Để rồi mươi năm sau đạo đức xã hội băng hoại, tài nguyên cạn kiệt, môi trường tàn phá, nợ nần đầm đìa.



 Vậy cái giá của lần thứ ba này  là gì.?



Tất nhiên thì việc đã xảy ra, sẽ có cái giá phải trả. Đó là điều không tránh khỏi khi quan hệ với kẻ nham hiểm và tham tàn. Nhưng đừng để phải trả giá lần thứ tư, thứ năm thêm nữ. Đừng để con cháu đời sau phải chuốc thêm nhiều món nợ. Chúng ta là cha, là ông, bình thường chúng ta chăm chỉ làm ăn chỉ mong để của cải lại cho con cháu, đó là tâm lý ngàn đời của ngươì Việt Nam. Những kẻ làm cha, làm ông mà chuốc nợ rồi bất lực, hy vọng con cháu đời sau trả. Làm cha ông như thế không xứng đáng với tổ tiên.



Cần phải nhìn hai lần trước, để sự thay đổi của lần thứ ba sẽ là lần cuối cùng. Để biển đảo, lãnh thổ VN không bao giờ bị kẻ nào nhòm ngó, đòi chia chác, đòi quyền sở hữu.



Quyết định sự thay đổi này, nằm trong tay những người Cộng Sản, bởi họ là những nhân tố chính trong ba lần TQ xâm lược lãnh hải, biển đảo VN. Cả ba lần này họ đều nắm vai trò cai trị tuyệt đối đất nước, trách nhiệm thuộc về họ.



Đừng đổ lỗi cho nhân dân hay thế lực thù địch nào nằm trong nhân dân, khi kêu gọi nhân dân đồng lòng. Hãy nhớ một điều, lịch sử mấy ngàn năm đất nước này, nhân dân luôn đồng lòng với các triều đại.



Nhưng cũng nói rõ là sự đồng lòng ấy diễn ra khi triều đại ấy giữ nước.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"