Phạm Nhật Bình
Kính gửi quý cơ quan truyền thông báo chí,
Không ai có thể làm công việc phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng thay cho các lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN. Vì họ chính là chủ thể tiếp nối chính phủ VNDCCH từ thời ông Phạm Văn Đồng và cũng tự nhận là lực lượng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
“Công hàm Phạm Văn Đồng tiếp tục là vết thương rỉ máu của Việt Nam” là bài viết với những phân tích khá nhức nhối không chỉ riêng cho Đảng CSVN mà cho bất cứ ai là người Việt Nam. Kính chuyển đến quý vị bài viết của tác giả Phạm Nhật Bình và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân
Giống như bao nhiêu lần trước, cứ mỗi khi Hà Nội có đủ bạo dạn để
phản đối mạnh bước chân xâm lấn của Trung Quốc thì Bắc Kinh lại lôi ra
cái túi gấm cố hữu.
Vào ngày 20/5/2014, để đáp lại các phản đối ồ ạt quanh việc Trung
Cộng kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, ông Lưu Hồng Dương,
đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đã tuyên bố trên báo Indonesia Jakarta
Post rằng:
“Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công
khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai. Trong tuyên bố
ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó,
Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam
Hải là lãnh thổ Trung Quốc.”
Thật vậy, trong hiện tình Biển Đông và trong suốt bao năm qua, công
hàm Phạm Văn Đồng tiếp tục là nền tảng pháp lý cơ bản để Trung Cộng
khẳng định cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ tại Biển
Đông. Công hàm này còn làm khựng lại các ý định trong vùng Đông Nam Á
muốn hợp tác với Việt Nam đem Trung Cộng ra tòa án quốc tế. Vì ngày nào
chính nước chủ nhà còn thừa nhận Biển Đông thuộc Trung Cộng, thì việc
kéo Việt Nam nhập bọn chỉ làm cho các lý cớ kiện tụng của họ yếu đi mà
thôi.
Bắc Kinh biết rõ công hàm Phạm Văn Đồng là khúc xương khó nuốt của Hà
Nội. Và càng nhìn Hà Nội loay hoay tránh né khúc xương đó, Bắc Kinh
càng khai dụng để lấn tới. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn loay
hoay tránh né bằng 2 cách rất vô ích sau đây:
Cách thứ nhất là cãi chày cãi cối qua miệng các quan
chức như cựu trưởng ban biên giới Lê Công Phụng, cựu trưởng ban biên
giới Trần Công Trục, và gần đây nhất là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới
quốc gia, Trần Duy Hải, vào ngày 23/5/2014. Lập luận của Ban Tuyên Giáo
Trung Ương là: vì các chữ Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc tới trong
bức công hàm nên không hề có chuyện thừa nhận 2 quần đảo đó là của Tàu.
Hoặc bức công hàm chỉ thừa nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc tính
từ bờ thôi chứ không nói tính từ bờ nào.
Đây là kiểu lý luận coi tất cả dân Việt Nam là người mù chữ. Nếu lý
luận này đem ra trước quốc tế thì lại càng là trò diễu dở và làm lùn
thêm mức uy tín vốn đã thấp của Hà Nội. Vì công hàm Phạm Văn Đồng ngày
14/9/1958 tệ hơn thế nhiều. Nó thừa nhận nguyên cả vùng biển mà Trung
Cộng tuyên bố chỉ 10 ngày trước là hải phận Tàu và còn ghi rõ Việt Nam
"ghi nhận", "tán thành", và hứa sẽ "tôn trọng". Đó chính là đường lưỡi
bò 9 vạch. Vùng biển này không chỉ bao trọn 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa mà còn bao luôn từ 70% đến 90% toàn vùng Biển Đông, tùy theo cách
tính. Nguyên văn cốt lõi của bức công hàm Phạm Văn Đồng là:
"Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.
Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển."
Công luận quốc tế biết đọc và đã đọc trọn vẹn cả tuyên bố ngày
4/9/1958 của Bắc Kinh và công hàm ngày 14/9/1958 của Hà Nội. Vì vậy, đã
đến lúc nhà cầm quyền CSVN phải bỏ hẳn những cố gắng vặn vẹo ý nghĩa văn
bản này một cách vô ích. Chỉ có con đường duy nhất là phủ nhận giá trị
của toàn bộ bản công hàm Phạm Văn Đồng.
Cách thứ nhì là chỉ nói riêng với người Việt Nam.
Nhà cầm quyền nay đã đưa ra đủ loại biện minh, như lý do gởi bản công
hàm là vì thời điểm đó "có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối
với Trung Quốc”; như bản công hàm đó "đơn giản chỉ là một cử chỉ ngoại
giao"; như bản công hàm đó không có giá trị pháp lý vì 2 quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa lúc đó thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa; như công hàm
đó không có giá trị vì "chưa được Quốc hội thông qua" cũng như “Quốc
hội Việt Nam cũng chưa từng bao giờ ra nghị quyết phủ nhận
chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”; v.v....
Tất cả các luận điểm đó là một bước tiến dài nếu nhìn lại các tuyên
bố của thời trước và ngay sau 1975 của các lãnh đạo cao nhất đảng CSVN,
như "Trung Quốc chỉ giữ các đảo giùm ta", hoặc "chẳng thà để Trung Quốc
giữ còn hơn để các đảo nằm trong tay chính quyền ngụy",.... Nhưng các
bước tiến đó vẫn hoàn toàn vô ích đối với chủ quyền đất nước ngày nào mà
nhà cầm quyền Việt Nam chưa dám nói công khai những luận điểm đó trước
thế giới.
Nói cách khác, đã đến lúc giới lãnh đạo CSVN đừng làm việc vừa thừa
thãi vừa kỳ cục là cứ cố gắng thuyết phục người Việt Nam rằng Hoàng Sa
và Trường Sa là của Việt Nam trên mọi bình diện lịch sử, pháp lý, v.v...
Tại sao cứ đòi tranh luận và thuyết phục những người ĐÃ đồng ý rồi. Có
người Việt Nam nào còn ngờ vực điều đó đâu! Trong khi khối người cần
nghe những điều đó một cách chính thức từ miệng nhà nước Việt Nam là thế
giới bên ngoài, đặc biệt là các đầu lãnh tại Bắc Kinh, chứ không phải
người Việt Nam!
Hiển nhiên ai cũng biết Hà Nội tránh né là vì đang lo sợ phản ứng của
Bắc kinh một khi họ công khai phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng. Nhưng
ngược lại, việc phủ nhận đó sẽ mở rộng con đường đưa Bắc kinh ra trước
các tòa án quốc tế; mở rộng cửa cho các chính sách khác của Việt Nam để
đối phó với đại họa Bắc Thuộc; chấm dứt cảnh trống đánh xuôi kèn thổi
ngược ngay trong nội bộ giới lãnh đạo đảng CSVN; và đặc biệt là ngưng
vĩnh viễn cảnh trói tay các chiến sĩ Việt Nam làm bia bắn cho hải quân
Tàu như thời Trường Sa 1988.
Không ai có thể làm công việc phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng thay
cho các lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN được, vì họ thừa nhận là chủ thể
tiếp nối chính phủ VNDCCH từ thời ông Phạm Văn Đồng và cũng tự nhận là
lực lượng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
Cửa sổ cơ hội cho lãnh đạo đảng CSVN chuyển hướng cũng không còn
nhiều. Với vận tốc xâm lấn từ ngoài khơi đến sâu trong đất liền và tràn
lan trên cả nước hiện nay, lằn mức "không cưỡng bánh xe xâm lược được
nữa" đang đến rất gần.
Vấn đề còn lại là lãnh đạo đảng CSVN đã đủ can đảm để loại bỏ những
kẻ thề thốt "không ăn ở hai lòng với Trung Quốc" ra khỏi hàng ngũ chưa?
Đã nhận ra sự dại dột và từ giã chính sách "thà mất nước chứ không mất
đảng" chưa? Vì một khi nước vừa mất thì kẻ mà Bắc Kinh truy diệt đầu
tiên chắc chắn là đảng.