Clarissa Batino & Joel Guinto
Đinh Lý Trần Lê chuyển ngữ
Đinh Lý Trần Lê chuyển ngữ
Câu hỏi ám ảnh ông Aquino (nguyên văn: Ông Aquino hàng ngày đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại tìm cách thống trị Biển Đông)
Bài viết của Clarissa Batino và Joel Guinto, đăng trên bloomberg.com 23.5.2014
Photographer: Jes Aznar/Bloomberg
Benigno Aquino, tổng thống Philippines.
Mỗi sáng, ông Benigno Aquino, tổng thống Philippines thức dậy với một
câu hỏi mà ông không có câu trả lời: “Rất hiếm khi tôi không bắt đầu
một ngày mới mà không tự hỏi: Trung Quốc thu được gì từ toàn bộ điều
này?” Điều gì khiến Trung Quốc đẩy mạnh các đòi hỏi về Biển Đông (nguyên
văn: Biển Hoa Nam, chú thích của người dịch), thách đố các nước như
Philippines và Việt Nam, đó là câu hỏi ám ảnh ông Aquino, năm nay 54
tuổi, theo thổ lộ của ông trong một bài phỏng vấn với Đài truyền hình
Bloomberg ngày 22.5 tại Manila.
“Có những xung đột như thế với các nước láng giềng của anh, điều này
sao có thể giúp anh trong lúc anh đang tìm cách tăng cường phát triển
kinh tế?” ông Aquino hỏi. “Chắc chắn là có các tác động ngược lại từ tất
cả các căng thẳng này cho thương mại, du lịch và nhiều mặt khác.”
Các bình luận của ông Aquino cũng nhấn mạnh những khó khăn của
Philippines và các nước Đông Nam Á khác trong nỗ lực chống trả lại Trung
Quốc trong vấn đề lãnh thổ. Trong lúc hơn hẳn họ về mặt quân sự, Trung
Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của ASEAN, và theo như ông Gregory
Domingo, bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines cho biết trong một bài
phỏng vấn với Đài truyền hình Bloomberg thì thương mại hai chiều với
Trung Quốc có thể tăng trưởng ở mức 10% đến 20% hàng năm.
Phân xử quốc tế
Trong lúc căng thẳng khu vực leo thang, Việt Nam đang cân nhắc việc
theo sau Philippines, đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, ông Albert del
Rosario, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines, cho báo Manila Today biết.
Hôm nay, 23.5, Philippines và Indonesia đã ký kết thỏa thuận về các
đường biên giới trên biển ở những vùng đặc quyền kinh tế có chồng chéo,
sau 20 năm đàm phán.
“Đây quả thật là một hình mẫu, một thí dụ tốt cho thấy bất kỳ tranh
chấp biên giới nào, gồm cả căng thẳng quanh đường biên giới trên biển,
cũng có thể giải quyết được một cách hòa bình,” tổng thống Indonesia,
ông Susilo Bambang Yudhoyono nhận xét trong một tuyên bố tại cung tổng
thống ở Manila.
Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động hải quân
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa vấn đề đẩy mạnh năng lực hàng
hải lên thành một trong các ưu tiên hàng đầu khi khẳng định Trung Quốc
có quyền của khai thác, đánh cá và kiểm soát một vùng rộng lớn ở Biển
Đông. Vì phần lới các đòi hỏi của Trung Quốc chồng chéo với đòi hỏi của
các nước khác như Philippines và Việt Nam, nguy cơ nảy sinh xung đột
đang tăng lên cùng với việc Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của lực
lượng hải quân.
Các bài học lịch sử
“Người ta hy vọng rằng loài người đã học được những bài học lịch sử
cho thấy chiến tranh là vô ích,” ông Aquino nói trong một phỏng vấn tại
điện Malacanang. “Những căng thẳng mà chúng tôi cảm nhận thấy từ trước
đang tăng lên, toàn bộ tình trạng bên bờ vực chiến tranh này có thể trở
thành một va chạm không một ai muốn có.”
Các bước đi của Trung Quốc, bao gồm việc đặt một dàn khoan dầu khí
trong vùng nước tranh chấp ngoài bờ biển của Việt Nam, vốn đã khơi mào
cho nhiều hoạt động phản đối quá khích chống Trung Quốc ở nước này,
khiến cho quốc gia cộng-sản Việt Nam và Philippines gần nhau hơn. Điều
này cũng một phần xuất phát từ những ngờ vực ngày càng tăng về phạm vi
bảo vệ của nước Mỹ trước sức mạnh quân sự tăng vọt của Trung Quốc.
“Liên minh chiến lược giữa Philippines và Việt Nam chống Trung Quốc
cho thấy tất cả các quốc gia ASEAN hợp lại không đối chọi được sức mạnh
của Trung Quốc,” ông Benito Lim, giáo sư chính trị học tại Đại học
Ateneo de Manila, nhận xét trong một phỏng vấn qua điện thoại. “Cả hai
nước biết rằng họ cần sự ủng hộ của một cường quốc để đạt được những mục
đích của mình, và đó là Mỹ. Việt Nam biết rằng họ không thể đặt giả
thuyết Mỹ sẽ đến cứu họ vì họ không phải là đồng minh theo hiệp ước của
Mỹ, khác với Philippines, vì thế họ đi bước này.”
Đưa ra phân xử trước tòa
Việt Nam hiện đang cân nhắc tiến hành đưa Trung Quốc ra tòa án quốc
tế về vấn đề đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa đang trong tranh chấp,
điều này có thể ủng hộ vụ kiện của Philippines hiện đang trong tiến
trình giải quyết tại Liên Hiệp Quốc về các bãi ngầm ngoài bờ biển nước
này, ông Aquino nói.
“Họ quả thật rất hữu ích, thí dụ như họ đã giải thích cho chúng tôi
họ đã đối phó với Trung Quốc ra sao, triển vọng như thế nào,” ông Aquino
nhận xét như vậy về Việt Nam.
Các mối quan hệ với Việt Nam đã được được phát triển sâu hơn, ông
Aquino cho biết. “Họ luôn là những đối tác chân thật. Họ luôn rõ ràng
với những dự định, câu hỏi và vấn đề của mình.”
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tới thăm Manila trong
tuần này, trong lúc trợ lý của ông tới thăm Nhật Bản, một quốc gia có
tranh chấp riêng với Trung Quốc về một số hòn đảo trong biển Hoa Đông.
Theo như trích dẫn của ông Aquino về đối thoại giữa hai bên, ông Dũng
cho biết Việt Nam sẽ sớm ra quyết định có đưa Trung Quốc ra tòa án quốc
tế hay không,
“Trung Quốc nói với chúng tôi rằng theo văn hóa của họ thì việc đưa
hàng xóm ra tòa là việc cuối cùng phải làm,” ông Aquino nói. “Nhìn nhận
của chúng tôi là giải quyết bằng cách này hay cách khác đều là tốt hơn
rất nhiều so với việc bỏ qua vấn đề vào đúng lúc này.”
Những thách thức chung
Việt Nam và Philippines thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác quân sự và hàng
hải, ông Aquino và ông Dũng cho biết trong các phát biểu riêng của họ
ngày 21.5 tại Manila.
“Như những quốc gia ven biển và những người anh em ở châu Á, chúng
tôi đang đối đầu với những thách thức chung,” ông Aquino nói khi bình
luận về Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Ông Dũng gọi cộng tác hàng
hải là trụ cột trong các mối quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam đang tìm cách đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc vượt khỏi
khuôn khổ hai quốc gia, mặc dù 10 quốc gia ASEAN bám giữ tuyên bố trung
lập trong các tranh chấp và kêu gọi các bên tự kiềm chế.
“Hòa bình và ổn định ở vùng biển phía đông đang bị đe dọa nghiêm
trọng, tạo ra nhiều quan ngại trong vùng và thế giới,” phó thủ tướng Vũ
Đức Đam phát biểu tại Tokyo. “Chúng tôi quyết tâm dùng các biện pháp cần
thiết để bảo vệ chủ quyền dân tộc của mình.”
Bản đồ của Trung Quốc
Trung Quốc đặt nền móng cho những đòi hỏi của họ trong Biển Đông trên
cơ sở cái gọi là “bản đồ chín đoạn”, được xuất bản lần đầu vào năm
1947. Bản đồ này mở rộng lãnh hải của Trung Quốc hàng trăm dặm về phía
Nam đảo Hải Nam cho tới tận những vùng nước xích đạo ngoài bờ biển
Borneo, nơi các tuyến đường hàng hải quốc tế bận rộn nhất thế giới đi
qua. Các cuộc đàm phán về phương pháp ứng xử nhằm bảo lưu tự do hàng hải
trong khu vực không có mấy tiến triển vì Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu
tranh luận vào tháng 7 tới.
Trong tuần này, ông Aquino đã đưa ra nhận định rằng Trung Quốc vi
phạm tuyên bố năm 2002 về ứng xử trên Biển Đông khi tiến hành các công
trình xây dựng ở bãi ngầm Nam Johnson đang trong tranh chấp.
Cộng hòa Philippines nộp đơn kiện các đòi hỏi của Trung Quốc tại Tòa
án Liên Hiệp Quốc vào tháng ba năm nay, yêu cầu tòa khẳng định quyền của
nước này trong việc khai thác các vùng nước nằm trong vùng kinh tế đặc
quyền với phạm vi 200 dặm hàng hải theo qui định của Công ước Liên Hiệp
Quốc về Luật biển.
Các hoạt động gần đây nhất của Trung Quốc tại Biển Đông diễn ra sau
khi tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng một cuộc họp báo ở Manila để cho
biết Mỹ không tìm cách kìm chắn Trung Quốc, cũng như trọng tâm của chính
sách đối ngoại của Mỹ đã được chuyển hướng từ triển khai lực lượng
chiến đấu sang “tránh sai lầm”.
Các đồng minh phòng thủ
Tháng trước, Philippines và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận cho phép đẩy
mạnh sự có mặt của quân lính Mỹ tại quốc gia này. Sự thiếu vắng can
thiệp trực tiếp của Mỹ trong các khủng hoảng lộ hình như khủng hoảng
Crimea đã làm nổi bật lên câu hỏi liệu khi cần, Mỹ sẽ làm đúng theo các
hứa hẹn của họ với các nước liên minh như Philippines hay không.
Ngay cả vậy, ông Aquino nói người Mỹ là “dân tộc đáng kính” và “giữa chúng tôi có một hiệp ước phòng thủ chung lâu đời.”
“Chúng tôi biết đó là những thách thức trên cấp độ chính trị ở châu Á
hiện nay,” tổng thống Indonesia Yudhoyono cho biết trên báo Manila
Today. “Lập trường của ASEAN là rõ ràng, lập trường của Indonesia là rõ
ràng, mọi căng thẳng phải được giải quyết một cách hòa bình, không sử
dụng vũ lực quân sự.”