Châu Huy Quang- Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Theo blog Quê Choa
Theo blog Quê Choa
Ảnh bên:Trung Quốc đã tấn công tàu chấp pháp, dân sự Việt Nam bằng vòi ròng công suất lớn. Ảnh: Nguồn internet
Kể từ ngày 1-5-2014, Trung Quốc đơn phương ngang nhiên kéo và cố định
giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền
kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời tổ chức tàu quân sự bảo vệ
và tấn công cản trở các tàu dân sự, lực lượng chấp pháp của Việt Nam
đang thi hành công vụ tại vùng biển này.
Nước này gia tăng cường độ tấn công bằng vòi rồng công suất lớn, đâm húc
tàu chấp pháp, dân sự của Việt Nam. Vấn đề đặt ra lúc này là ngoài việc
tìm kiếm một giải pháp chính trị, ngoại giao, Việt Nam cần một giải
pháp pháp lý trước mắt và lâu dài trong khuôn khổ một vụ kiện quốc tế.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả bình luận một số giải pháp pháp lý
dưới góc độ xem xét tiền lệ trong công pháp quốc tế các quốc gia liên
quan có thể áp dụng nhằm ngăn chặn các hành vi vũ lực, hành vi làm
nghiêm trọng vụ việc tranh chấp liên quan lãnh thổ, các va chạm làm trầm
trọng hóa xung đột như cách Trung Quốc đang hành xử trên Biển Đông.
Thẩm quyền của tòa án quốc tế trong việc ra quyết định khẩn cấp ngăn chặn các xung đột về lãnh thổ
Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice: ICJ) được
thành lập theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) là cơ quan xét xử chính
của tổ chức này. Cơ cấu của ICJ là một hội đồng đặc biệt các thẩm phán
gồm 15 luật gia uy tín lớn trong lĩnh vực công pháp quốc tế, được lựa
chọn không căn cứ trên quốc tịch, tuy nhiên, không thể có hai luật gia
cùng quốc tịch.
Thông thường, khi tranh chấp lãnh thổ xảy ra, các quốc gia liên quan có
thể đem vụ việc ra giải quyết bởi ICJ hoặc các cơ quan tài phán chuyên
biệt khác (như ITLOS: Toà án Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
hoặc Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về
Luật Biển - UNCLOS).
Chức năng chính của ICJ là giải quyết các tranh chấp cho các nước thành
viên dựa trên sự thỏa thuận của các bên tranh chấp và có thẩm quyền tham
vấn theo yêu cầu của các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc (LHQ)
(Điều 93 và Điều 96 Hiến chương LHQ).
Theo thống kê của ICJ, từ ngày 22-5-1947 đến 14-5-2014 đã có 160 vụ kiện
được giải quyết tại cơ quan tài phán này. Trong quá trình giải quyết
tranh chấp, để hạn chế tối thiểu hậu quả xấu có thể xảy ra từ việc xâm
hại lẫn nhau của quốc gia có tranh chấp, các bên có thể đồng thời yêu
cầu ICJ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ("BPKCTT") trước khi phán
quyết chung thẩm được ban hành (Điều 41 Đạo luật của ICJ (the Statude of
the International Courrt of Justrice) và Điều 73 Quy chế của Toà án
(the Rules of Court).
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thực tiễn công pháp quốc tế
Ở góc độ dân sự, thương mại, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
được hiểu nhằm mục đích tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương
đơn hoặc để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây
thiệt hại không thể khắc phục được, hoặc để đảm bảo việc thi hành án sau
khi có phán quyết.
Ở khía cạnh hình sự, mục đích biện pháp khẩn cấp cũng để ngăn chặn hành
vi phạm tội, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xét xử. Trong công
pháp quốc tế, quy trình yêu cầu áp dụng BPKCTT tại ICJ được quy định
tuần tự từ Điều 73 đến 78 của Quy tắc ICJ.
Theo Điều 73.1 Quy tắc ICJ, một trong các bên có thể gửi đơn yêu cầu ICJ
áp dụng BPKCTT bất kỳ thời điểm nào trong quá trình phân xử. Đơn yêu
cầu cần có lý do, đề xuất biện pháp yêu cầu, và các hậu quả pháp lý có
thể xảy ra nếu đơn yêu cầu này không được chấp nhận, Hội đồng Xét xử
(HĐXX) (hoặc chủ tịch HĐXX trong trường hợp Hội đồng chưa nhóm họp), sẽ
ấn định chương trình nghị sự cho phiên họp giải quyết tranh chấp.
Nếu Hội đồng xét xử chưa nhóm họp tại thời điểm yêu cầu thì sẽ được
triệu tập ngay vì tính khẩn cấp của vấn đề. Trong một số trường hợp, toà
án hoặc HĐXX có thể tự mình xem xét và đưa ra các biện pháp khẩn cấp
tạm thời mà một phần hay toàn bộ các bên được yêu cầu phải thực hiện. Vì
tính chất khẩn cấp của yêu cầu, ICJ sẽ đặt ưu tiên để giải quyết đơn
yêu cầu áp dụng BPKCTT lên hàng đầu trước khi xem xét nội dung tình tiết
đơn kiện.
Tương tự, Điều 290 Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 cũng
cho phép áp dụng những biện pháp bảo đảm (interim measures). Theo đó,
nếu một tòa án được đề nghị xét một vụ tranh chấp theo đúng thủ tục và
thấy hiển nhiên (prima facie) là mình có thẩm quyền, thì tòa án này có
quyền áp dụng một số biện pháp bảo đảm mà mình xét thấy thích hợp để bảo
vệ các quyền của từng bên tranh chấp hay để ngăn không cho môi trường
của biển bị những tổn thất nghiêm trọng, trong khi chờ phán quyết cuối
cùng.
Các biện pháp bảo đảm có thể bị sửa đổi hay hủy bỏ ngay cho phù hợp tình
hình cụ thể hoặc các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận với nhau. Tòa
án thông báo ngay mọi biện pháp bảo đảm cho các bên tranh chấp, và nếu
xét thấy thích hợp, thì thông báo cho các quốc gia thành viên khác. Theo
đó, các bên tranh chấp phải tuân thủ không chậm trễ các biện pháp bảo
đảm theo “án lệnh” của tòa.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ có thể phản ánh một phần hay toàn bộ yêu
cầu của bên yêu cầu hoặc buộc bên yêu cầu phải tuân thủ hoặc thực thi.
Cơ quan tài phán có quyền hủy bỏ hay sửa đổi các biện pháp khẩn cấp tạm
thời khi có yêu cầu của một bên nếu sự hủy bỏ hay thay đổi biện pháp là
phù hợp với thực tế.
Các bên yêu cầu thay đổi hay hủy bỏ phải nêu rõ sự thay đổi trên thực tế
dẫn tới việc cần hủy bỏ hay điều chỉnh BPKCTT. Trước khi điều chỉnh hay
hủy bỏ, HĐXX sẽ cho các bên cơ hội được đưa ra các quan sát của mình
liên quan đến vấn đề này.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời chủ yếu có thể áp dụng trong tranh chấp liên quan chủ quyền quốc gia
Trong thực tiễn, cơ quan tài phán thường căn cứ trên đơn yêu cầu của
một bên hoặc tự mình đưa ra các biện pháp tạm thời. Theo đó, các bên
buộc phải thực hiện các hành động cụ thể tại khu vực lãnh thổ có tranh
chấp theo án lệnh này. Mỗi bên phải kiềm chế, nghiêm cấm các hoạt động
quân sự, nhưng có thể cử lực lượng dân sự thực hiện bảo vệ khu vực lãnh
thổ bị tranh chấp. Mỗi bên có trách nhiệm thông báo đến ICJ việc tuân
thủ các biện pháp tạm thời trên.
Trong vụ tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan liên quan đến việc phân
định chủ quyền ngôi đền Preah Vihear, ngày 28-4-2011, Campuchia đã gửi
kiến nghị lên ICJ yêu cầu làm rõ Phán quyết năm 1962 của Tòa án này liên
quan đến ngôi đền Preah Vihear.
Ngay thời điểm có đơn, hai bên bắt đầu sử dụng vũ lực, Campuchia đồng
thời yêu cầu tòa áp dụng các biện pháp tạm thời trước khi ra phán quyết,
bao gồm việc Thái Lan ngay lập tức phải rút quân không điều kiện ra
khỏi khu vực khu đền, nghiêm cấm mọi hoạt động quân sự tại khu vực này
cũng như cấm bất cứ động thái nào có thể hiểu là làm trầm trọng hóa thêm
vụ tranh chấp.
Ngày 18-7-2011, ICJ đã ra án lệnh yêu cầu cả hai phía Thái Lan và
Campuchia phải rút hết binh sĩ đang đóng tại khu vực tranh chấp xung
quanh ngôi đền để đảm bảo vấn đề an ninh. Thái Lan không được ngăn cản
việc Campuchia ra vào ngôi đền cho mục đích phi quân sự. Đồng thời, các
bên phải kiềm chế những hành động có thể làm trầm trọng thêm vụ tranh
chấp trước Tòa án. Án lệnh này có tác dụng ngăn chặn sự mở rộng và trầm
trọng hoá xung đột hạn chế các hành vi leo thang xâm hại về tính mạng và
tài sản của nhau.
Ngày 11-11-2013, sau khi ICJ ra phán quyết tuyên bố khu vực quanh đền cổ
Preah Vihear thuộc về Campuchia, hai bên đã cùng tuân thủ triệt thoái
lực lượng quân sự theo phán quyết của toà án. Trong một án lệnh như vậy,
tòa án yêu cầu hai quốc gia này cho phép ASEAN đứng ra làm quan sát
viên cho việc tuân thủ án lệnh.
Án lệnh cũng lưu ý trách nhiệm của các quốc gia này phải tuân thủ Hiến
chương LHQ, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để
chống lại quốc gia có chủ quyền khác. Trách nhiệm cao nhất của các thành
viên LHQ là phải giải quyết vụ việc trên tinh thần hòa bình, an ninh và
tôn trọng công pháp.
Trong một tranh chấp khác giữa Costa Rica và Nicaragua về việc xây dựng
một con đường tại Costa Rica dọc theo sông San Juan. Costa Rica đã nộp
đơn khởi kiện và yêu cầu áp dụng BPKCTT cho ICJ ngày 18-11-2010. Tìm
kiếm án lệnh của IJC, Costa Rica yêu cầu Nicaragua ngay lập tức và vô
điều kiện dừng toàn bộ các hoạt động nạo vét sông hay bất cứ động thái
tương tự trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Nicaragua cũng được yêu
cầu phải rút toàn bộ nhân sự, cơ sở hạ tầng (bao gồm cả lều bạt, doanh
trại) và các thiết bị khác (thiết bị nạo vét). Costa Rica sẽ được phép
thực hiện các hoạt động tái thiết trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp.
Các bên sẽ phải lập tức thông báo đến ICJ việc tuân thủ của mình trong
vòng 1 tuần kể từ ngày có án lệnh áp dụng BPKCTT của ICJ được ban hành.
Ngày 8-3-2011, ICJ đã ban hành áp dụng các BPKCTT bao gồm: mỗi bên phải
kiềm chế việc cử hoặc duy trì nhân sự bao gồm dân thường, cảnh sát hoặc
lực lượng an ninh tại vùng lãnh thổ có tranh chấp, bao gồm cả khu vực
kênh đào. Lực lượng dân sự chịu trách nhiệm với việc bảo vệ khu vực bị
tranh chấp bao gồm cả khu vực kênh đào, nhưng chỉ được hiện diện khi nào
cần thiết để tránh những thiệt hại không thể khắc phục được gây ra đối
với phần đất tranh chấp tọa lạc.
Theo án lệnh của tòa án, mỗi bên phải kiềm chế những hành động có thể
làm trầm trọng thêm vụ tranh chấp. Ngày 22-11-2013, ICJ tiếp tục ban
hành quyết định áp dụng BPKCTT để tái khẳng định các BPKCTT tại quyết
định ngày 8-3-2011, đồng thời đưa ra thêm một số biện pháp bổ sung khác
như Nicaragua sẽ không thực hiện việc nạo vét sông và các hành động khác
trong khu vực tranh chấp kênh đào.
Áp dụng BPKCTT có ngăn chặn việc Trung Quốc “leo thang” sử dụng vũ lực trên Biển Đông
Tương tự như cơ chế áp dụng BPKCTT của ICJ, Điều 25 của Quy chế của Tòa
án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) cũng cho phép các bên yêu cầu
áp dụng biện pháp tạm thời (provisional messures). Từ một số án lệ trong
công pháp quốc tế liên quan tranh chấp lãnh thổ đề cập ở trên, Việt
Nam, với tư cách là thành viên của LHQ, thành viên của UNCLOS 1982, có
thể khởi động động thái pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán
quốc tế như phân tích trên.
Với diễn biến gần đây, hàng loạt vụ “đâm va” liên tục xảy ra trên khu
vực biển Đông do Trung Quốc khiêu khích khởi xướng trong vùng biển của
Việt Nam cho thấy đây không còn là vấn đề có thể thương lượng, hòa giải
song phương với quốc gia này.
Một khi nỗ lực đàm phán bất thành, và giải pháp quân sự không phải là
lựa chọn của Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thì chỉ có thông
qua thủ tục tố tụng công pháp quốc tế - đặc biệt trong một phiên tòa
quốc tế quy mô, đồng thời có được Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên
án mạnh mẽ hành vi xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải và cả không phận thuộc
quốc gia có chủ quyền khác của Trung Quốc, Việt Nam mới có thể trước mắt
ngăn chặn hành động “leo thang” gia tăng việc tấn công tàu dân sự, tàu
chấp chính của Việt Nam.
Một phần chính của biện pháp khẩn cấp thông qua án lệnh của cơ quan tài
phán quốc tế, mà nền tảng là xuất phát từ yêu sách pháp lý chính đáng
của Việt Nam tuyên buộc Trung Quốc chấm dứt chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa
của Việt Nam đã bị nước này dùng vũ lực đánh chiếm. Đồng thời, trong
khuôn khổ vụ kiện, một nhóm các yêu cầu của Việt Nam cần tìm kiếm trong
một án lệnh cho nhóm các biện pháp khẩn cấp tạm thời, bao gồm tuyên buộc
Trung Quốc ngay lập tức và vô điều kiện (immediate and unconditional
withdrawl):
- Di dời giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng lãnh hải có tranh chấp;
- Triệt thoái tàu quân sự, tàu dân sự, hải cảnh ra khỏi khu vực Lãnh hải;
- Chấm dứt điều động máy bay tuần thám xâm phạm không phận Việt Nam nơi vùng lãnh hải, quần đảo có tranh chấp.
- Chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép tại vùng biển có tranh chấp.
Đi kèm là biện pháp thực thi. LHQ có thể cắt cử quan sát viên trong giám
sát thực hiện án lệnh của cơ quan tài phán trên cơ sở cả Việt Nam và
Trung Quốc là thành viên của LHQ, thành viên của Công ước 1982. Trong
một bối cảnh khác, khối ASEAN cũng có thể là quan sát viên trong thực
thi án lệnh dựa trên cơ sở Trung Quốc đã chấp nhận là một bên ký kết
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cùng khối ASEAN mà Việt
Nam là thành viên.
Thực tế khó khả thi cho các quốc gia trong khu vực ven Biển Đông như
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei… khi tiến hành đàm phán đơn lẻ
với Bắc Kinh để giải quyết cách tranh chấp trên Biển Đông vì tính bất
đối xứng (kinh tế, chính trị và quân sự) trong quan hệ song phương với
quốc gia lớn nhưng đầy bất trắc hiểm họa như Trung Quốc.
Do vậy về lâu dài và căn cơ hơn, cũng như Philippines, có lẽ Việt Nam
cần tìm kiếm một giải pháp pháp lý quốc tế đầy đủ, nhất quán và toàn
diện hơn nhằm xác lập lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, bao gồm
quyền chiếm giữ thực thể toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng
đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của chúng ta.