Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Cảm xúc ngày 18 tháng 5.

Phạm Thanh Nghiên 
  
Hình ảnh biểu tình ngày 11 tháng 5 năm 2014.
Đầu tiên tôi đã định đặt nhan đề bài viết này là “Thân phận lưu vong” để diễn tả về cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi cuộc biểu tình ôn hòa lần hai bị nhà cầm quyền dập tắt.

Còn gì cay đắng và chua chát hơn khi nhận ra một sự thật kinh hoàng rằng ta đang phải sống lưu vong trên chính mảnh đất quê hương mình. Đâu chỉ có người Việt tại Mỹ, Úc, Canada, Anh, Pháp, Đức... hay bất cứ nơi nào trên thế giới này đang sống lưu vong trên xứ người. Đấy là thân phận chung, vô cùng bi đát của những người Việt Nam. Chỉ khác là, nhiều người may mắn để không nhận ra điều ấy.

Trong cái nhà tù khổng lồ này, đâu chỉ giam cầm những công dân Việt Nam. Bao nhiêu người đã bị đuổi khỏi đất nước của mình và vĩnh viễn không có cơ hội trở về. Hàng vạn người Việt trên thế giới, chỉ vì lên tiếng đấu tranh đòi Tự do, Nhân quyền cho đồng bào mình tại quê nhà cũng bị tước mất cơ hội trở về quê cha đất tổ. Họ bị chặn tại các sân bay, bị cấm không được nhập cảnh và bị coi như những phần tử nguy hiểm gây hại cho An ninh quốc gia. Tôi gọi những người đồng bào ấy của mình là “những người Việt Nam bị cầm tù bên ngoài biên giới”.


Cũng giống như hơn hai mươi cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra vài năm trở lại đây, cuộc xuống đường của những công dân yêu nước chống bá quyền Trung Quốc sáng nay, ngày 18 tháng 5 năm 2014 đã bị đàn áp khốc liệt. Ước tính hàng chục người đã bị bắt trong buổi sáng chủ nhật đáng nhớ này. Ngay sau khi 20 hội/nhóm xã hội dân sự độc lập ra lời kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước, lập tức nhà cầm quyền đã sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn những thành viên chủ chốt. Từ canh gác, ngăn cản quyền tự do đi lại, đe dọa, khủng bố, mời/ triệu tập, khóa trái cửa nhốt chủ nhà trong nhà và rất nhiều những thủ đoạn trắng trợn khác được côn an, mật vụ áp dụng chỉ để ngăn chặn người dân đi biểu tình. Bầu không khí khủng bố được thổi vào từng ngõ ngách, từng con phố tại Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Nha Trang, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Lạt, Huế, Long An... nơi những người đấu tranh cho nhân quyền, những người yêu nước đang sinh sống.

Tại các điểm được thông báo trước là sẽ diễn ra biểu tình, dày đặc những côn an, mật vụ. Chưa bao giờ đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội lại được bảo vệ nghiêm ngặt đến thế. Dày đặc những côn an, mật vụ và lực lượng bán vũ trang. Người ta thấy xuất hiện cả bộ đội, xe đặc chủng và thiết bị phá sóng điện thoại của cảnh sát. Chỉ có khoảng vài chục người may mắn vượt thoát khỏi sự kìm kẹp của côn an, mật vụ đã tập trung tại một ngã tư gần công viên Lênin (đối diện với tòa đại sứ Trung cộng). Họ kiên trì, nhẫn nại chờ đợi nhau rồi lần lượt đem từng tấm biểu ngữ đã được cất giấu cẩn thận trước đó rồi căng ra. Họ biểu tình. Họ bày tỏ tình yêu Dân tộc trong lặng lẽ, trong hiểm nguy và trong cả sự cô đơn.

Theo tường thuật của trang Dân Làm Báo“đoàn biểu tình tại Sài Gòn vừa tập hợp bắt đầu hô các khẩu hiệu yêu nước đã lập tức bị công an ập đến đàn áp, bắt lên xe bus chở đi”. Nhưng “Trước đó, hàng trăm người dân đã tập trung biểu tình tại khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên, tuy nhiên cuộc biểu tình đã nhanh chóng bị đàn áp, công an bắt đi nhiều người”. Tin sau đó cho hay, rất nhiều người trong số họ bị đánh đập rất tàn nhẫn.

Tôi chợt nhớ đến bài thơ TỔ QUỐC TÔI NHƯ MIẾNG DA LỪA của Người tù lương tâm, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Bài thơ này ông sáng tác năm 2008, trước khi bị bắt vài tháng:

Tổ quốc tôi như miếng da lừa
Một lần ước, mất đi một góc
Ước phồn vinh: rừng mất cây, biển mất cá
Ước vẹn toàn: mất hải đảo, mất Cao Nguyên
Tôi đứng ôn hòa, biểu ngữ chống Bắc Kinh
Người đến đầu tiên là cảnh sát
Họ nhìn tôi như nhìn loài chó ghẻ
Tôi ngã rồi họ dựng chúng tôi lên
Những nắm đấm thôi miên vào mặt.
Họ là người Việt Nam như tôi

Ở chung với tôi trên mảnh đất cỗi cằn sỏi đá
Ở chung với tôi mảnh đất ngàn năm vật vã
Lo sinh nhai, lo giữ chốn sinh tồn.
Tôi nằm lăn ra đất

Nước mắt nuốt vào lòng
Lịch sử bốn ngàn năm triều đại nào như thế?

Trong mấy năm ngắn ngủi vừa qua, tôi cũng đã chứng kiến và thấm thía không ít nỗi buồn, niềm đau của Dân tộc, Nhưng chưa bao giờ tôi thấy nỗi buồn lại thấm vào tâm can mình như ngày hôm nay. Tôi không ngạc nhiên trước mọi tội ác của cộng sản. Cho dù bây giờ, họ có đem ai đó trong số những người đấu tranh nhân quyền chúng tôi ra pháp trường xử bắn, tôi cũng không ngạc nhiên. Có điều không thể lý giải nổi tại sao, trong thời khắc Tổ quốc đang lâm nguy, lối thoát duy nhất để cứu Dân tộc khỏi đại họa mất nước là dựa vào sức mạnh của nhân dân, nhưng nhà cầm quyền cộng sản vẫn duy trì chính sách bỏ tù, khinh miệt, trả thù và đàn áp lòng yêu nước.

Đã sắp sang một ngày mới nhưng rất nhiều người trong số hàng chục người bị bắt sáng nay vẫn chưa được thả. Một số khác không rõ bị đem đi đâu. Mọi phương tiện liên lạc đến lúc này đều bị cắt đứt. Ai trong số họ sẽ được về nhà, ai phải trả giá cho lòng yêu nước bằng một bản án được định sẵn trong nhà tù? Chưa biết. Nhưng tin chắc rằng không ai trong số họ cảm thấy hối tiếc về việc làm của mình.

Buồn đấy, nhưng tôi không thất vọng.

Nhìn lại quãng thời gian sau năm 2008 khi nhà cầm quyền mở “chiến dịch mùa thu” bắt giữ hàng loạt những nhân vật tranh đấu, việc bắt bớ gia tăng vào năm 2009 và 2010. Cả một giai đoạn khó khăn tưởng như không thể trụ vững của Phong trào Dân chủ trong nước. Nhưng, rất bất ngờ khi có đến hơn mười cuộc biểu tình yêu nước, chống Trung cộng đã được diễn ra trong năm 2011. Nhiều gương mặt mới đã xuất hiện và nhập cuộc vào giai đoạn cam go nhất của Dân tộc. Đó chính là sự đột biến sau một chu kỳ trầm lắng.

Cuộc biểu tình ngày 11 tháng năm với số lượng đông chưa từng có sau mấy năm trở lại đây là một lý giải cho quy luật phản ứng của quần chúng: sự đè nén lâu dài sẽ bùng phát khi có cơ hội, sự trỗi dậy sau bao giờ cũng mạnh mẽ hơn các lần trước. Sau sự kiện ngày hôm nay, có thể trong một thời gian nhất định sẽ không lặp lại một cuộc biểu tình có số lượng người tham gia đông đảo như ngày 11.5 do bị nhà cầm quyền dùng mọi phương tiện, công cụ để ngăn chặn, đàn áp. Hơn thế, cộng sản có thể gia tăng việc bắt bớ đối với những nhân vật đối kháng. Song, đó chính là một biểu hiện tất yếu của cơn mê sảng trước lúc lâm chung của bất cứ một thể chế chính trị phản dân chủ nào. Nhân tố quyết định không nằm ở số ít cá nhân những nhân vật bất đồng chính kiến mà là ở LÒNG DÂN, ở số đông QUẦN CHÚNG.



Hãy tin rằng, sau những gì chúng ta đã làm ngày hôm qua, ngày hôm nay - một ngày mai không xa sẽ có những cuộc biểu tình của đông đảo người dân mà không cần lệ thuộc vào sự hướng dẫn hay kêu gọi của chúng ta. Cuộc xuống đường ầm ầm như thác lũ của những người dân Việt Nam đồng lòng và hiểu được giá trị cũng như trách nhiệm của mình với vận mệnh Đất nước. Không một chính quyền nào có thể ngăn được sức mạnh của lòng dân. Không một chính thể độc tài nào có thể chống lại xu hướng tất yếu của thời đại. Ngày mai, Việt Nam sẽ có tự do.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"