Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Việt Nam Chuẩn Bị Cho Một Cuộc Cách Mạng Điện Thoại Di Động

Andrew Lâm
Nguyễn Quốc Khải chuyển ngữ
image001_7.jpg
Hình (NPR): Một người vừa chạy xe gắn máy vừa dùng điện thoại di động tại Hà Nội.
Việt Nam là một nước công an trị, nơi mà tự do phát biểu có thể đem lại một án tù nhiều năm. Việt Nam cũng là một nước đang bị tràn ngập với điện thoại di động. Người Việt đang mua tất cả những điện thoại bầy bán ở mức độ lớn hơn là dân số để nói chuyện, gửi thông điệp hoặc chụp hình. Đây là môt dấu hiệu của sự sung túc đang lên ở một nước cộng sản và cũng là dấu hiệu làm giảm sự độc quyền thông tin của nhà nước.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một nơi sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động rẻ tiền. Trong năm 2010, Việt Nam xuất khẩu tổng số điện thoại di động trị giá 2.3 tỉ Mỹ kim. Hai năm sau, con số này nhẩy vọt lên đến 8.63 tỉ Mỹ kim, tăng 122% so với một năm về trước.
Bây giờ với giá điện thoại thấp khoảng 20 Mỹ kim, những người tiêu thụ bình thường mua hết số máy điện thoại di động có ở trong nước, nếu không thì sẽ được xuất cảng ra nước ngoài.
Theo những con số thống kê mới nhất do công ty TechniAsia cung cấp, mỗi 100 người Việt Nam có 145 điện thoại di động vào năm 2012. Đối với một nước có trên 90 triệu dân, tổng cộng lại sẽ có trên 130 triệu điện thoại di động.
image003_2.jpg
Hình (Allan Rickmann): Một người dùng điện thoại di động để liên lạc trong việc mua bán tại chợ nổi, miền Tây, Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Những người mua không giới hạn trong giới trung lưu. Mọi người đều có điện thoại di động, từ học trò tiểu học cho đến người đạp xe xich lô nghèo. Dĩ nhiên bọn trẻ từ 13-19 tuổi cũng có. Người Việt vừa lái xe gắn máy một tay vừa chuyện trò qua điện thoại di động trong khi phải lách qua lách lại để tránh xe cộ một cách nguy hiểm. Dân Việt không tắt điện thoại ngay cả trong rạp chiếu phim. Trong quán cà phê, tiệm ăn, họ có thói quen khiếm nhã nói chuyện với quý vị trong khi nhìn xuống để xem và gửi thông điệp.
Chính quyền ở Hà Nội duy trì một bức tường lửa mạnh mẽ tương tự như ở Bắc Kinh. Điện thoại di động là một xu hướng gây rắc rối cho họ.
Ngoài việc chuyện trò hàng ngày, dân Việt Nam dùng dụng cụ cầm tay để ghi lại và chia sẻ những chuyện xẩy ra mà chính quyền không muốn cho dân chúng thấy. Những việc làm sai lầm của công an thông thường được tường thuật và trao đổi trực tuyến. Những cuộc phản đối công an tham nhũng, chính quyền tịch thu đất đai của dân, và ngay cả Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông, ngày nay được tổ chức bằng điện thoại tự động.
image005_0.jpg
Hình (Samsung): Nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam.
Sau đây là một trường hợp liên quan đến điều vừa trình bầy. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh mà nhiều người biết đến, lâu nay sống lưu vong ở bên Pháp, được phép trở về thăm quê hương vào năm 2005 và ngài quyết định xây một tu viện, gọi là Bát Nhã tại tỉnh Lâm Đồng. Tu viện này phát triển rất nhanh và nổi tiếng. Nhiều người trẻ lũ lượt kéo đến tu viện.
Lòng nhiệt tình đe dọa chính quyền địa phương vì họ lo sợ một phong trào giống như Phát Luân Công (Falun Gong). Kết quả là một bọn du côn do nhà nước bảo trợ đã đến tấn công tu viện vào tháng 10, 2009, gây thương tích cho các sư sãi. Một số bị bắt. Cuối cùng chùa và những nhà ngủ tập thể mới được xây cất bị phá hủy.
Trong khi những cơ quan truyền thông chính tại Việt Nam tường thuật rất ít về biến cố này, những điện thoại di động đã chuyển tải những tin tức đi khắp nơi: những nhân chứng đã gửi những thông điệp và hình ảnh về những vụ bắt bớ và phá hủy tu viện. Câu chuyện này đã được phổ biến trên khắp thế giới.
Việt Nam thoát ra khỏi Chiến Tranh Lạnh và nhập cuộc nhanh chóng và điên cuồng vào thời đại thông tin. Có một dạo, có một máy fax có thể bị bắt. Về vấn đề vận dụng và kiểm soát thông tin, chế độ cộng sản một thời có một bộ máy rất hoàn hảo.
Nhưng nay tình trạng này không còn nữa. Số người sử dụng Internet tại Việt Nam đã gia tăng từ 200,000 vào năm 2000 đến 30,802,000 vào năm 2012. Facebook xâm nhập vào Việt Nam vào năm ngoái và đã nhanh chóng thu hút được 10.5 triệu người sử dụng, tức là vào khoảng 12% dân số.
Ông Lê Quốc Quân, một luật sư và một người vận động cho dân chủ nổi tiếng quốc tế có một mạng cá nhân nhắm thúc đẩy chế độ đa nguyên và nhân quyền, đã nói với Associated Press năm vừa qua rằng “Sự phát triển Internet đang gây nguy hiểm cho chính quyền. Bây giờ dân chúng thật sự có thể đọc tin tức. Họ khát khao muốn có dân chủ trong nước của chúng tôi. Việt Nam đã kết án 14 người có mạng cá nhân và những người vận động dân chủ vào tuần vừa qua vì tội âm mưu lật đổ chinh phủ, và một vài người lãnh án 13 năm tù. LS Lê Quốc Quân đã bị bắt sau cuộc phỏng vấn không lâu.
Ngày càng có nhiều người phổ biến lên mạng những tâm trạng thất vọng và tức giận. Nhưng không rõ nếu toàn thể dân chúng thật sự khao khát dân chủ và muốn có một cuộc cách mạng hay không. Họ không có tổ chức đối lập, không có người lãnh đạo hấp dẫn quần chúng để thử thách tình trạng hiện nay, và không có một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về đường hướng mới của quốc gia.
BS Nguyễn Đan Quế, một trong những người vận động hàng đầu, trước khi bị bắt đã kêu gọi những người trẻ dùng điện thoại di động để “quét sạch bọn cộng sản độc tài.” Mặc dầu có những lời kêu gọi như vậy, không có gì chắc chắn rằng những người sử dụng điện thoại di động nhận thức được rằng kỹ thuật mới là một dụng cụ có tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng kiểu Mùa Xuân Ả Rập.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng là ngọn gió thay đổi đang thổi: sự bất mãn tập thể ngày càng gia tăng đối với những bất công và tham nhũng, và kiến trúc viễn thông mới làm cho quần chúng nói chung dễ mở miệng hơn. Họ càng được biết nhiều hơn, họ càng hiếu động. Dù họ có biết hay không nhưng bằng cách chia sẻ và trao đổi tin tức trên quy mô quốc gia, người dân Việt Nam đang làm một cuộc cách mạng, từng thông điệp một.
Ông Andrew Lâm là chủ bút của New America Media. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Perfum Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora” (Heyday Books, 2005), và “East Eats West: Writing in Two Hemispheres” (Bookdragon, 2010).

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"