Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Từ chối "Giải bằng khen"


Nguyễn Quang Lập: Theo tôi được biết, tiểu thuyết Thế Kỷ Bị Mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam được hội đồng văn xuôi đánh giá rất cao, với 6/7 phiếu (Một người không bỏ phiếu vì chưa đọc) cuốn tiểu thuyết được xếp đầu bảng giải văn xuôi năm nay. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã phải thốt lên: "Lâu lắm rồi mới đọc được cuốn sách hay như thế này”. Thế nhưng lên BCH, cuốn sách đã bị đánh tuột khỏi giải chính thức, chỉ được cái bằng khen.
Thực ra các nhà văn nước ta đều có con mắt xanh, bảo họ ngu là không đúng. Nhưng khi bình xét giải thưởng họ không dám dùng con mắt xanh trời cho mà dùng cái tai văn nô để nghe ngóng từ phía cấp trên. Vì thế nhiều giải thưởng văn chương không còn tính văn chương nữa, tính hay dở đã bị tư tưởng đúng sai ném vào sọt rác. Than ôi!
Sau đây là thư ngỏ của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam:



Thư ngỏ gửi Hội Nhà Văn Việt Nam
Tôi Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được Hội Nhà Văn Việt Nam công bố tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết “Thế Kỷ Bị Mất” của tôi.
Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen nầy của Hội Nhà Văn.
Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học.
Phạm Ngọc Cảnh Nam
Tác giả gửi cho QC
Ý kiến của nhà văn Trần Kỳ Trung
Tôi được một nhà văn trong Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà Văn cho biết, khi bỏ phiếu để đề nghị Ban chung khảo HNV trao giải thưởng chính thức năm 2012, quyển tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất" của Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam với đa số phiếu của hội đồng văn xuôi đề nghị trao giải thưởng, còn tập truyện ngắn "Thành phố đi vắng" của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được số phiếu thấp hơn. Không biết do nguyên nhân nào, quyển tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất", như nhà thơ Văn Công Hùng cho biết, chỉ trao “bằng khen…”. Và giải văn xuôi về tiểu thuyết của Hội Nhà Văn, năm 2012, không có giải thưởng chính thức!!!
Nghĩ về nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tôi thực sự khâm phục sức viết và sức sáng tạo của anh. Với cuốn tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất" anh “phục dựng” lại phong trào Duy Tân, những tính cách bất chấp, tầm tư tưởng vượt thời đại của các lãnh tụ lớn, lãnh đạo phong trào này. Một giai đoạn cam co lịch sử mà dân tộc phải tự vận hành tìm hướng đi, được Phạm Ngọc Cảnh Nam viết với bút pháp sinh động.
Tính thời sự của cuốn tiểu thuyết rất lớn.
Tôi nghĩ, đây là ý kiến cá nhân, quyển tiểu thuyết này trao giải thưởng chính thức của HNV là xứng đáng.
Nhưng rất tiếc…!
Tôi cũng nói thêm, tên cuốn tiểu thuyết là "Thế kỷ bị mất" theo thông báo của Hội Nhà Văn qua blog một Ủy viên ban chung khảo lại biến thành là "Một thế kỷ bị mất" khiến cho nhà văn Phạm Ngọc Cảng Nam cũng ngỡ ngàng. Tôi giải thích cho nhà văn biết: Ban chung khảo của Hội Nhà Văn không phải ai cũng am hiểu văn xuôi như các anh, chị trong hội đồng văn xuôi, nên lẽ nhầm tên sách là thường!!!
Tôi cũng đề nghị nhà văn Nguyễn Khắc Trường, chủ tịch hội đồng văn xuôi, nên có trong ban chung khảo của Hội Nhà Văn. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã nói: "Không phải dễ có cuốn tiểu thuyết hay như cuốn "Thế kỷ bị mất", nhất là trong bối cảnh hiện nay."
Nhiều người cũng ủng hộ quan điểm này.
_________________________________________________________
Nhà văn Y Ban từ chối "Giải bằng khen" và tuyên bố rút ra khỏi Hội Đồng Văn Xuôi Hội Nhà Văn Việt Nam
Thư ngỏ của nhà văn Y BAN

Nhà văn Y Ban
Nhà văn Y Ban
Kính gửi ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và 14 vị ủy viên BCH
Kính thưa các quí vị. Tên tôi là Y Ban, hội viên Hội nhà văn VN. Tôi viết thư này để bày tỏ với các quí vị một việc như sau: Ơn giời và nhờ sự mưa móc của các vị mà tôi được ngồi ở cái ghế ủy viên hội đồng văn xuôi. Đã trải qua hai mùa xét giải và kết nạp hội viên tôi đã nhận ra rằng, việc tôi ngồi ở hội đồng không thể đem lại lợi ích nào cho các nhà văn, cho người viết. Tôi chỉ đang bị biến thành một con rối trong tay những kẻ vụ lợi, bè phái và dối trá. Khi bức thư này đến tay các quí vị cũng có nghĩa rằng tôi chính thức chối bỏ cái ghế ủy viên hội đồng văn xuôi.
Tôi là một nhà văn. Tôi viết ra những tác phẩm. Tôi phải trung thực với chính bản thân mình, với từng còn chữ của mình. Tôi biết khi lá thư này đến tay các vị thì sẽ dấy lên một cơn sóng dư luận. Các vị sẽ tha hồ phán xét tôi. Xin vui lòng, các vị cứ làm theo lương tâm. Tôi đã trải qua những cơn sóng như vậy. Tôi có bản lĩnh để chịu đựng. Tôi chỉ cần nói lên một sự thật. Nhiều người đã chọn cách im lặng. Đó là cách khôn ngoan. Tôi chọn con đường dại. Thực ra tôi đã chọn con đường dại này khi tôi bước vào văn chương. Nhưng có một cách nghĩ khác. Nếu chúng ta đều chọn sự im lặng, chúng ta có như bầy cừu kia, lặng lẽ ăn cỏ, lặng lẽ để người ta cắt lông và lặng lẽ để người ta lùa vào lò mổ? Tôi là một con cừu hay đi chệch hướng.
Tôi đã trải qua hai mùa giải thưởng. Mùa giải năm 2011 những tác phẩm tôi thích, tôi bỏ phiếu thì không đoạt giải. Mùa giải năm 2012 tôi có tác phẩm dự thi. Ngày bỏ phiếu tôi cũng được triệu tập đến. Có 5 thành viên hội đồng có mặt. Nhà văn Bão Vũ có bản nhận xét và bỏ phiếu qua email. Nhà văn Thái Bá Lợi xin bỏ sau. Nhà Văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu qua điện thoại. Chị Tuyên nghe điện thoại nói lại, anh Tuấn bảo anh ấy bỏ tất cho mọi người vì..chưa kịp đọc. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cầm điện thoại nói với nhà văn Trần Văn Tuấn: Không bỏ thế được đâu. Ông đọc ai rồi thì bỏ. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ một phiếu duy nhất cho Thành phố đi vắng. 5 nhà văn còn lại được mời vào phòng kín hợp với phó chủ tịch Nguyễn Quang Thiều. Tôi lại được chỉ định là thư ký. Bỗng nhiên chị Tuyên đưa một tờ giấy ra đọc, qui chế..tôi có tác phẩm dự thi thì không được bỏ phiếu. Tôi đứng dậy ra về. Có nhà văn ái ngại hộ tôi bảo, thôi cứ ngồi nghe cũng được. Thú thật là tôi cũng muốn ngồi nghe xem mọi người nhận xét về mình thế nào nhưng lại nghĩ thế là làm khó mọi người. Mấy năm trước khi chưa ngồi ở hội đồng tôi có cuốn Hành trình tờ tiền giả cũng được hội đồng đưa vào bỏ phiếu. Có một ủy viên rất khen cuốn đó, thế nhưng khi bỏ phiểu thì nó chỉ được một số không tròn trịa. Kết quả cuối cùng có 4 cuốn lọt vào chung khảo: Thành phố đi vắng 6/7 phiếu. Một thế kỉ bị mất 6/7 phiếu. Trò chơi hủy diệt cảm xúc 5/7 phiếu và Sông núi nước Nam được đề nghị bằng khen.
Mùa giải 2011 ban chung khảo là tất cả các ủy viên BCH. Các ủy viên BCH nào có sách dự giải sẽ không tham gia bỏ phiếu. Bỏ phiếu lần 1 các cuốn sách của các ủy viên BCH không quá bán. Ông chủ tich Hội chỉ đạo bỏ phiếu lần 2. Vỗ tay hoan hô, 3 ủy viên đoạt giải. Cái cách này thì ông chủ tịch quá thạo, vô cùng thạo, nó y trang việc ông chỉ đạo bỏ phiếu thử trong cuộc bỏ phiếu Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước. kết quả không như thật thì lại thử tiếp, đến khi thật thì thôi. Năm nay thành viên BGK rút xuống còn có 9 người. Và ông chủ tịch lại tung chiêu mới. Thay vì bỏ phiếu cùng với bỏ phiếu hội viên mới nhưng ông đã lùi lại, vì búa rìu dư luận đang mạnh. Để khi dư luận tạm lắng mới bỏ phiếu. Hoan hô, vỗ tay, Đúng, Trúng, Đủ rồi nhé. Tiền của Hội không nhiều, chỉ đủ đáp ứng những cách lách của ông chủ tịch. Xin bái phục ông. Dư luận đối với ông chỉ như muỗi đốt gỗ.
Trò chơi hủy diệt cảm xúc được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu bằng khen và 2 phiếu trắng. Đây chính là mấu chốt của vấn để. Nếu tôi sáng suốt, nếu tôi không đi trên con đường dại thì ngay từ đầu tôi phải từ chối BGK này. Họ không đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tác phẩm. Họ chỉ đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tên tác giả. Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì? Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy? Vậy tại sao họ vẫn thích ngồi ở ghế BGK? Tiền ư? Không nhiều đâu. Mùa giải 2011 hội đồng văn xuôi đọc hơn 200 cuốn, tiền thù lao là 12 triệu đồng, trừ 1.2 triệu tiền thuế. Năm nay chưa nhận. Mùa kết nạp năm 2011 danh sách hội đồng văn xuôi đưa lên BCH, kiểm lại thấy thiếu một người, hội đồng phải bỏ thêm. Mùa kết nạp năm nay hội đồng thơ cũng phải làm điều tương tự. Vậy họ vì cái gì? Vì oai. Họ có quyền mưa móc và phán xét. Có thể tôi nhầm. Có thể được nhiều thứ nữa, không chỉ là oai. Vì họ đã phải đùng đến mọi thủ đoạn mánh lới, thậm chí tận diệt.
Tôi từ chối không nhận bằng khen. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thừa nhận BGK này. Tại sao tôi lại phải chấp nhận một BGK không đủ Tâm đủ Tầm đủ Tài? Với một lý lẽ thông thường: Dám làm dám chịu các vị cũng không dám? Mà lại thích mưa móc ban ơn.
Lợi ích nhóm. Cụm từ tưởng rất xa lạ trong văn chương. Nhưng không ngờ nó lại gần gũi đến vậy. Và tôi đã nhìn thấy nó đang trói buộc các vị. Một câu cửa miệng của các vị, nghe rất buồn cười, tôi có muốn làm đâu, anh ấy cứ bắt tôi làm. Giời ạ, thế hệ chúng tôi đang còn sung sức đây để chúng tôi làm cho. Anh ấy ơi để chúng tôi làm cho. Chờ đấy, cái thế hệ gạch nối chúng mày. Cứ viết đi, cứ phấn đấu đi, cứ tâm huyết đi, cứ đổi mới đi…Trong các báo cáo thành tích chúng anh khen chúng mày lên tận mây xanh nhưng thực tế bọn chúng anh đè cho không ngóc đầu lên được đâu. Đừng có ti toe...Không, tôi không ti toe. Tôi chối từ.
Khi tôi chọn con đường dại này tôi cũng đã chọn một hội nghề nghiệp để tựa lưng. Tôi đã vun xới cho những hi vọng của mình. Tôi cũng vun xới cho hội nghề nghiệp tôi đã chọn. Bằng những tác phẩm của mình tôi cũng đã làm rạng danh cho hội nghề nghiệp. Bằng chứng ư? Trong những bản báo cáo thành tích của hội cái tên Y Ban thường được xướng lên. Nhưng cuộc vui thì ngắn, nỗi buồn thì dài. Hai tác phẩm của tôi là I Am Đàn bà (2007) và Này hỏi thật thấy gì chưa đấy (2011) bị thu hồi, truyện ngắn I Am Đàn bà bị rút giải, hội nghề nghiệp phủi tay đứng ngoài cuộc. Lúc tôi cũng thương thân mà khóc. Sau nghĩ lại sự phủi tay đứng ngoài cuộc đó lại là một sự may mắn cho tôi. Trong quá khứ đã chẳng có những đòn của đồng nghiệp mà chết hắn một đời người, một đời văn đó sao?
Khi tôi viết thư ngỏ này, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, một vị trong BCH kể rằng, ông chủ tịch có lần đã nói đại ý, để xem thế hệ trẻ họ đối xử với nhau thế nào? Tôi giật mình đến thột. Trẻ đấy, mà thực ra có trẻ nữa đâu, đều trên dưới 50 cả rồi, thọi nhau đi, để chúng anh vỗ tay. Lại một lần nữa tôi xin bái phục ông chủ tịch. Ông thánh thật. May tôi đứng gần, nhìn rõ. Tôi vẫy cờ trắng. Tôi xin đầu hàng. Tôi xin bày tỏ sự nể phục ông một lần nữa. Thế hệ ông, ông đã lo cho tròn. Mỗi người được một góc bánh. Để lo được sự tròn trịa đó ông cũng đã nếm chịu sự khốn nạn. Mà sao ông tài chịu đựng
Tôi vẫn có niềm tin và hi vọng, rằng một ngày kia hội nghề nghiệp sẽ thực sự nơi tựa lưng cho những người cầm bút. Chắc phải chờ cho đến khi miếng bánh đã được chia hết. Nhưng để có sự tin tưởng đó thì hiện tại tôi phải nên tránh xa cái sự Dối Trá lộng lẫy huy hoàng trơn lì bóng nhẫy trường kỳ lưu cữu này.
Cuối cùng tôi xin chúc các Vị sức khỏe an khang, bách niên giai lão, sống lâu trăm tuổi để tiếp tục dẫn dắt nền văn học Việt Nam.
Hà Nội ngày 18.1.2013.
Y Ban

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"