Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Saigon-Hanoi-Paris-1973 ...

Những giáo điều rồi cũng bị bỏ qua, những tín điều rồi chỉ còn là sự ngụy tín. Nước Việt không còn Thuyền nhân nữa, mà chỉ còn ...máy bay nhân của những người tị nạn giáo dục (Võ Tòng Xuân), những người sẵn sàng bỏ sự nghiệp chắt chiu để mong con cháu không vướng tín điều trá ngụy. Đảng cộng sản vẫn còn đó, ít nhất trong cái tên của nó, và cầm quyền, cầm quyền tuyệt đối. Dưới sự cầm quyền ấy trong gần 40 năm qua, chúng ta có một nước Việt như ngày hôm nay. Chúng ta có những Bộ trưởng đa tài, vừa ...”nói không với tiêu cực trong giáo dục”, vừa quyết liệt chống thịt gà lậu, chúng ta có một Thống đốc ngân hàng trung ương xứng đáng ...nửa giải Nobel. Nhưng chúng ta cũng có những hàng người xếp hàng từ nửa đêm và sẵn sàng đạp đổ cổng rào để giành... suất... học cho con, chúng ta có những em bé đu dây qua sông để đến trường học. Nước Việt đã trờ thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và tầng lớp nông dân nghèo nhất xã hội, với những bữa cơm... cần có thịt. Chúng ta có những phụ nữ như Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Doan,... cầm quyền trong tinh thần cộng sản... phụ nữ vùng lên, và chúng ta cũng có hàng đoàn phụ nữ Việt đi làm nô lệ tình dục trá hình ở Đài Bắc hay Seoul, những dãy nhà đầy gái điếm Việt ở Tà keo (Cambodia), Singapore, Hongkong,... và ở đâu nữa trong các thị thành Đông Nam Á?! Chúng ta có...đồng chí X không ai dám làm phiền, và có một Thủ tướng giảng bài về đạo đức cho sinh viên...
Saigon-Hanoi-Paris-1973 ...

Krishna Tran

Bài hát cũ. Saigon-Hanoi-Paris-1973. Hochiminh-Hanoi - ...ở đâu đó – 2013

Những ngày này 40 năm trước mọi người rộn ràng khắp nơi, từ Saigon đến Hanoi, sang Paris để chuẩn bị ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong thế kỷ 20. Tôi chợt nhớ hình ảnh chú nhóc tôi nghêu ngao bài hát kêu gọi hòa bình trong các đô thị miền Nam thuở ấy, tôi không còn nhớ tựa cũng như tác giả, và cũng không hết lời, nhưng vẫn nhớ một vài, y như mới ngày hôm qua,
Hòa bình ơi,
Tình yêu em như sông biển rộng.
Tình yêu em như lúa ngoài đồng.
Tình yêu em tát cạn biển đông.


Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông.
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng.
Sao em nỡ lòng.

Người về đây xin may áo cưới
Tặng người yêu vui trong lúa mới.
Tôi đón em đi về. Tôi đón em đi về.
Xây dựng lại tình quê.

Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba muơi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba muơi năm truờng khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi...![1]
Bốn mươi năm đã trôi qua với bao khắc nghiệt, bao hoài vọng, đột nhiên nhẩm lại giai điệu cũ mà cảm nhận một nỗi ngây thơ lạ lùng, nỗi ngây thơ nhẹ nhõm của tác giả, của những người nghêu ngao ca khúc hòa bình. Sự ngây thơ thánh thiện của niềm khát khao phản chiến, của ca khúc Da vàng, của Du ca,...Đâu biết rằng không xa đâu đó, những người cùng dòng máu và lịch sử cũng mong đi đến hòa bình, nhưng Hòa bình mang hình hài Chiến thắng. Chiến thắng của giai cấp, chiến thắng của một đảng chính trị, chiến thắng của... quét sạch giặc thù (Tiến về Saigon) là những người cùng dòng máu, của … trong thơ nên có thép (Hochiminh).

 
Bốn bên tại Paris (1973)
Nguồn ảnh: OntheNet



Có lẽ quá thừa khi nhắc lại rằng nền Hòa bình ấy được tiếp bước bằng... máu và nước mắt; máu đổ ngoài biển khơi, nước mắt trong tù đày của hàng trăm nghìn người. Những người Việt ngây thơ hát bài hát Hòa bình nói trên không hề biết gì về những ghê gớm của nọc độc toàn trị. Người ta biết đến Cải cách ruộng đất (Chúng tôi muốn sống), đến Mậu Thân (Dải khăn sô cho Huế),... Trong trường đại học người ta có bàn đến tính giáo điều của Marxism, người ta bàn đến tính utopia kinh tế chính trị của nó,... nhưng người ta không biết rằng các tín điều được đưa đến cả... “Tổ dân phố”, không biết rằng “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, cũng không biết rằng lịch sử sẽ được viết lại, sẽ được nhấn mạnh từ những thời điểm 1917 (cách mạng tháng 10 Nga), 1930 (thành lập đảng cộng sản Đông Dương, 1949 (Mao Trạch Đông thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), trước đó chỉ là những hủ bại phong kiến tư bản, hay “quyết liệt” hơn, lịch sử sẽ được bắt đầu lại ở năm Zero (Campuchia dân chủ).

Cái ác độc của độc tài chỉ là bề nổi, các độc địa của toàn trị mới khủng khiếp từ ngày nền Hòa bình-Chiến thắng ấy xuất hiện. Bốn mươi năm trôi qua từ khi “Bốn Bên” đặt bút ký Hiệp định Paris. Thế mà bốn mươi năm sau, một hồng vệ binh nhí ở Đà Nẵng phán một câu rùng rợn, “Miền Bắc đánh cho Miền nam tan xác.” Rùng rợn hơn ở chỗ cô bé đó không hề biết chiến tranh là gì, mà vì cớ chi mang một não trạng thù hận làm vậy! Một hồng vệ binh sồn sồn, làm cán bộ to ở công ty điện thoại di động Tp Hochiminh, từng đi du học ở Pháp, phán xét lạnh lùng,... “chúng ta đâu có công nhận chính quyền ngụy.” Đặt bút ký hòa ước với người đối diện và không công nhận họ, có cái tinh thần ngụy tín nào ghê gớm hơn ngụy tín cộng sản?

Những giáo điều rồi cũng bị bỏ qua, những tín điều rồi chỉ còn là sự ngụy tín. Nước Việt không còn Thuyền nhân nữa, mà chỉ còn ...máy bay nhân của những người tị nạn giáo dục (Võ Tòng Xuân), những người sẵn sàng bỏ sự nghiệp chắt chiu để mong con cháu không vướng tín điều trá ngụy. Đảng cộng sản vẫn còn đó, ít nhất trong cái tên của nó, và cầm quyền, cầm quyền tuyệt đối. Dưới sự cầm quyền ấy trong gần 40 năm qua, chúng ta có một nước Việt như ngày hôm nay. Chúng ta có những Bộ trưởng đa tài, vừa ...”nói không với tiêu cực trong giáo dục”, vừa quyết liệt chống thịt gà lậu, chúng ta có một Thống đốc ngân hàng trung ương xứng đáng ...nửa giải Nobel. Nhưng chúng ta cũng có những hàng người xếp hàng từ nửa đêm và sẵn sàng đạp đổ cổng rào để giành... suất... học cho con, chúng ta có những em bé đu dây qua sông để đến trường học. Nước Việt đã trờ thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và tầng lớp nông dân nghèo nhất xã hội, với những bữa cơm... cần có thịt. Chúng ta có những phụ nữ như Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Doan,... cầm quyền trong tinh thần cộng sản... phụ nữ vùng lên, và chúng ta cũng có hàng đoàn phụ nữ Việt đi làm nô lệ tình dục trá hình ở Đài Bắc hay Seoul, những dãy nhà đầy gái điếm Việt ở Tà keo (Cambodia), Singapore, Hongkong,... và ở đâu nữa trong các thị thành Đông Nam Á?! Chúng ta có...đồng chí X không ai dám làm phiền, và có một Thủ tướng giảng bài về đạo đức cho sinh viên...

Năm hết, tết đến, những cảm xúc lộn xộn về một bài hát cũ chợt đến. Tôi mong chia sẻ nó với các bạn cùng thời, một thế hệ mất đi, đã trôi qua nửa cuộc đời, và hơn hết là với các bạn trẻ vong niên mà ngày ấy chỉ mới là một tế bào bụi bặm đâu đó trong vũ trụ. Mong các bạn đừng để những người cộng sản... biến chúng tôi thành đồ hộp (Bùi Chát), mong các bạn nhận lấy gia tài của Mẹ và đừng để cho nó thành... một nước Việt buồn.

Thung lũng Hoa Vàng, mùa đông 12-13.


Nguồn: Bài hát cũ. Saigon-Hanoi-Paris-1973. Hochiminh-Hanoi-...ở đâu đó-2013. Krishna Tran. Facebook. Thursday, January 3, 2013.
DCVOnline biên tạp, minh họa và chú thích.
[1] “Tình Em biển rộng sông dài”, nhạc và lời của Thông Đạt, một bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"