Những cấm cản trong kinh doanh vàng miếng, bắt đầu
từ cuối tuần trước, là một bước nữa nhưng là bước thụt lùi trên con
đường trao quyền tự do kinh doanh cho người dân.
Trước và ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO) hệ thống luật lệ, cách suy nghĩ, cách điều hành nền kinh tế được
điều chỉnh theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo nên một kỳ vọng
từ nay Việt Nam sẽ xây dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình
đẳng dựa trên luật lệ chứ không dựa vào các rào cản hành chính nữa.
Thế nhưng những năm gần đây tiến trình này bị chựng lại, thậm chí đảo
ngược ở nhiều lãnh vực để quay về cơ chế điều hành dựa trên mệnh lệnh
hành chính – một cơ chế tưởng đâu đã biến mất cùng nền kinh tế tập trung
bao cấp. Mới nhất trong chuỗi sự kiện như thế là lệnh cấm kinh doanh
vàng miếng ở những nơi không hội đủ điều kiện – có hàng chục ngàn điểm
như thế trước đây là tiệm vàng mua bán lẻ vàng miếng nay buộc phải đóng
cửa, ngưng giao dịch.
Nhìn lại những chủ trương thời kinh tế bao cấp như xem mỗi huyện là
một pháo đài kinh tế đủ cả công nông nghiệp, dẫn đến chuyện ngăn sông
cấm chợ, ngày nay ai cũng dễ vạch ra cái sai lầm, ấu trĩ của thời đó. Để
rồi bây giờ chúng ta lại quay về kiểu cấm đoán mà lập luận phản bác
cũng dễ nhận được sự đồng tình khi nhìn lại nhưng vào thời điểm hiện tại
thì quán tính đang buộc mọi người xem đó là chuyện bình thường.
Từ 12.000 điểm giao dịch vàng xuống còn chưa đầy 2.500 điểm, thực
chất chỉ do 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp điều hành, liệu việc triệt
tiêu cạnh tranh đã rõ chưa? Một khi không còn môi trường cạnh tranh,
chuyện ép giá đối với người dân là nguy cơ rất rõ ràng. Một địa phương
đi mỏi mắt mới tìm ra một điểm được phép giao dịch vàng miếng, có gì bảo
đảm nơi này không ra giá mua thấp và bán giá cao bởi người dân quanh đó
không còn chọn lựa nào khác. Hàng loạt địa phương bị bỏ trống như thế
cho giới mua bán thao túng, bắt chẹt dân quê; quyền lợi người sở hữu
vàng không ai quan tâm. Mà đó là người dân thôn quê chỉ có một hai chỉ
vàng phòng khi ốm đau hay lúc hữu sự. Việc mua bán chui, trái phép sẽ
diễn ra và người dân càng thiệt hại như thời ngăn sông cấm chợ. Thực tế,
theo tường thuật của phóng viên, có lúc người dân bị ép bán vàng phi
SJC với giá rẻ hơn giá vàng SJC đến 6 triệu đồng/lượng.
Nhìn từ góc độ người kinh doanh, bỗng dưng 10.000 điểm mua
bán vàng miếng bị tước mất quyền kinh doanh trong khi Luật Doanh nghiệp
không hề thay đổi. Có ai đứng ra giải thích cho họ vì sao họ mất quyền
kinh doanh đã ghi vào luật bằng một nghị định đứng dưới luật?
Chuyện giá vàng tác động lên tỷ giá trước đây là có thật bởi Ngân
hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng huy động vàng miếng có trả lãi. Nay
không cho huy động hay cho vay bằng vàng là đủ, không cần gì phải cấm
đoán việc mua bán vàng miếng là một hoạt động lâu đời của người dân. Hệ
lụy của việc cấm đoán này sẽ nhiều, với hệ quả là một thị trường vàng
miếng méo mó, lệch lạc, nhiều biến tướng lách luật như tiệm vàng thành
tiệm cầm đồ, mua bán chui, vàng nhẫn làm như vàng miếng… mà báo chí phản
ánh trong tuần qua.
Không méo mó sao được khi từ 12.000 điểm kinh doanh chỉ còn lại 2.500
điểm trong khi nhu cầu mua bán chưa thấy có gì thay đổi. Ngân hàng Nhà
nước lại còn quy định giá trị số dư vàng miếng phát sinh do mua bán vàng
cuối ngày của các ngân hàng không được vượt quá 2% so với vốn tự có.
Những hạn chế này sẽ gây sức ép lên giá, buộc giá giảm một cách giả tạo
trong thời gian đầu, làm nảy sinh lập luận chính sách mới đã giúp kéo
giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới!
Ở đây có những tình tiết đáng lưu ý. Tại phiên chất vấn trước
Quốc hội vào tháng 11-2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lập luận nếu để
giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, có nghĩa là chúng
ta lại chấp nhận một thị trường đầu cơ về vàng cho nên không có việc
liên thông với giá vàng thế giới. Nay Nghị quyết 01 của Chính phủ đã
phản bác lập luận này khi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “bảo đảm giá vàng
trong nước sát với giá vàng quốc tế”. Nếu như Nghị quyết 01 đã chấn
chỉnh một lập luận của Ngân hàng Nhà nước thì tương lai ngắn cũng cần
một nghị quyết khác chấn chỉnh một lập luận khác cũng của Ngân hàng Nhà
nước: Năm 2013, giá vàng trên thị trường sẽ do Ngân hàng Nhà nước kiến
tạo và điều khiển, theo chủ trương "nền kinh tế giữ tiền, nhà nước giữ
vàng". Chưa thấy một chính phủ nước nào, dù tiềm lực có mạnh đến đâu,
lại dám “điều khiển giá vàng” cả, liệu chúng ta có đủ nguồn lực không và
có cần thiết không?
Xin nhắc lại ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế với sự đồng thuận
cao, rằng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước không hề bao gồm chuyện kinh
doanh vàng miếng chứ chưa kể là độc quyền vàng miếng. Người dân bình
thường không hề đầu cơ vàng, đại đa số chỉ mua và giữ vàng như một
phương tiện phòng thân và để phòng tránh lạm phát. Cứ chăm chăm huy động
vàng trong dân theo chủ trương “nền kinh tế giữ tiền, nhà nước giữ
vàng” như tuyên bố của đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ làm xáo động cái
cơ chế phòng chống lạm phát này, gây nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại.