Hà Văn Thịnh
Nói
rằng chưa đọc Bên Thắng Cuộc của Huy Đức là nói dối, bởi đã vương lụy
với sử sách thì trách nhiệm của nhà sử học hay lều sử tập học đều phải
đọc đủ các tư liệu từ nhiều phía – đây là vấn đề nguyên tắc, bởi sử học
sẽ không còn là chính nó nữa nếu chỉ căn cứ vào thông tin một chiều. Tuy
nhiên, hầu như chưa có nhà sử học nào chính thức bàn về Bên Thắng Cuộc.
Chắc hẳn, không ít người hiểu rằng, để bàn luận cho thấu đáo một cuốn
sách gây chấn động dữ dội như Bên Thắng Cuộc thì lại không hề đơn giản
một chút nào, với rất nhiều lý do, trong đó, lý do quan trọng nhất là
không đủ thời gian và chứng cứ để phân định cuốn sách đó sai ở chỗ nào
về tư liệu, bịa đặt ra sao... Một khi không thể (chưa thể) nói nó sai
hay đúng mà chê bai thì thành ra chính mình đang... sai. Thành thử, theo
quan điểm sử học chính thống, chỉ có thể chê trách Huy Đức đã sai về
quan điểm, lập trường, tư tưởng...; và sẽ không ai phản bác được. Đáng
tiếc là các tác giả Song Huy – Ngọc Điệp không tìm cách phê phán Huy Đức
theo con đường này mà lại CHỌN cách khó nhất: Chê bai cuốn sách theo
cái gọi là “tinh thần khoa học, sự thật” bằng cách chối bỏ... sự thật và
bao biện cho sự giả dối!
Song Huy – Ngọc Điệp
cho rằng Bên Thắng Cuộc “hơn 1/3 toàn chép lại chuyện “mốc meo” đó, có
gì để gọi là ghê gớm, bí mật để tác giả phải ầm ĩ là “vượt qua sự sợ hãi
nói lên sự thật”? Đó là một kết luận hết sức sai lầm, phi bản lĩnh. Nói
như thế có khác gì công nhận rằng Bên Thắng Cuộc có ít nhất HƠN 1/3 LÀ
SỰ THẬT? Xin thưa, trong xã hội Việt Nam hiện nay, viết lịch sử hiện đại
có hơn 1/3 là sự thật đã là đóng góp vô cùng quý giá rồi. Các vị cứ ngỡ
rằng chê nó “mốc meo” là chê bai nó nhưng các vị quên mất một điều cơ
bản: Sự thật dù có mốc meo vẫn là sự thật, công lao đưa cái mốc meo ra
ánh sáng mặt trời đáng trân trọng lắm.
Cái sai trầm trọng nhất, chứng tỏ sự non kém về kiến thức nền là khi hai tác giả viết: “Sau
trận Điện Biên Phủ, Pháp thua, dân Việt Nam chấm dứt 80 năm nô lệ để
trở thành người... Dân tộc ta không tự vạch ra vỹ tuyến 17 để đánh nhau
thêm 21 năm nữa”. Hai tác giả Song Huy – Ngọc Điệp không chịu hiểu
rằng ách nô lệ đã được cởi bỏ bởi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và
kháng chiến chống Pháp là để bảo vệ thành quả đó. Viết như thế có khác
gì phủ nhận Cách mạng tháng Tám? Rồi nữa, cứ tưởng rằng viết “dân tộc ta
không tự vạch ra vỹ tuyến 17” là chứng tỏ lập trường, tư tưởng vững
vàng, thực ra lại bôi bẩn thêm cái “lập trường” ấy: Chính phủ Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa đã đặt bút ký vào Hiệp định Genève, có nghĩa là nhất
định phải có một phần trách nhiệm trong chuyện Vỹ tuyến 17. Đó là chưa
nói việc quy rộng ra, sẽ trả lời dư luận sao đây khi ông Ngô Đình Diệm
và chính phủ Hoa Kỳ chẳng hề ký vào Hiệp định đó?...
Vì
có ít thời gian và vì bài viết của Song Huy – Ngọc Điệp còn phần tiếp
theo; hơn nữa, rất nhiều bạn đọc đã phản biện về những cái sai, cái kém
của hai tác giả Song Huy – Ngọc Điệp, nên tôi sẽ không bàn thêm, mặc dù
còn vô khối điều để nói. Ví dụ, chê người ta kê phụ lục “như trường ca”
nhưng lại không hiểu rằng một cuốn sách sẽ càng có giá trị khi càng có
nhiều chú thích, phụ lục; ví dụ, hai tác giả chỉ nêu các học giả, nhà
văn nhưng QUÊN hẳn những chính trị gia, những người có trách nhiệm là
nhân chứng của cuốn sách. Hai tác giả Song Huy – Ngọc Điệp trả lời dư
luận ra sao khi đọc những dòng này:
“Tác
giả đặc biệt cám ơn các nhà lãnh đạo đã trả lời phỏng vấn trực tiếp cho
cuốn sách này: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng Bí
thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Thường vụ Bộ chính trị
Phạm Thế Duyệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng Vũ Khoan,
Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Bí thư Trung
ương Đảng Hoàng Tùng, các Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Đình
Liệu, Trần Phương, Đoàn Duy Thành, Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Hà Phan,
Bí thư Trung ương Đảng Phan Minh Tánh, Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc
Hương, Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng
Vĩnh, Trung tướng Võ Viết Thanh…
Xin
cám ơn các nhà lãnh đạo đã trả lời các cuộc phỏng vấn của tác giả với
tư cách là một nhà báo mà một phần nội dung được sử dụng trong cuốn sách
này: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu
Thọ, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết,
Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Phạm Văn
Trà, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Ủy viên Thường trực Bộ Chính
trị Phan Diễn…”.
Chưa
thấy ai còn sống trong danh sách trên lên tiếng cả mấy chục ngày nay,
đủ để cho ta biết tính chân xác hay dối trá của tư liệu. Ngay cả một nhà
báo họ Lưu, mới đây, cũng chỉ bổ sung thêm cho rõ chứ không hề nói Huy
Đức bịa ra câu chuyện... Chưa bàn chuyện Huy Đức đúng hay sai, chính xác
đến mức nào, chỉ xin thưa rằng, trong lịch sử sử học Việt Nam, chẳng có
cuốn sánh nào chỉ có vài trăm trang mà lại có đến 608 chú thích. Giả
định sự sai sót của Huy Đức là thấp nhất, ở mức có thể chấp nhận được -
buộc phải thừa nhận rằng, 608 chú thích đó, là một sự phi thường về cách
làm việc cẩn thận, chu đáo...
Trên
đời này, cái khó nhất của nghề viết là bàn về một cuốn sách. Bởi, thông
thường, trừ những kẻ đạo văn, chụp giựt, thì khi ra một cuốn sách,
những tác giả có lương tâm, trách nhiệm đều ít nhiều phải có bản lĩnh và
kiến thức vững vàng mới đủ khả năng viết và công bố sách. Vì thế, nếu
không thể đứng ở tầm cao hơn thì ít nhất, cũng phải ngang bằng với người
viết, mới có thể phê phán một cách thuyết phục. Song Huy – Ngọc Điệp đã
phê Huy Đức bằng cách ca ngợi theo kiểu không giống ai: Họ chứng tỏ đã
phạm sai lầm trầm trọng hơn những gì Bên Thắng Cuộc phạm phải (như họ
nói) bởi dùng những điều sai để chê sai tức là... khen ở cách tinh vi,
chân thật, rõ ràng...
Huế, 18.1.2013
Nguồn: Bauxite Vietnam