Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Những băn khoăn về bản dự thảo Hiến Pháp (phần 1)

Nguyễn Ngọc Già


Bản Hiến Pháp 1992 ra đời trong bối cảnh Việt Nam chưa được Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ. Việc hủy bỏ cấm vận là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thực hiện việc "cất cánh" trong những năm sau này, cũng từ đó đã mang lại kết quả quan trọng: Thành viên tổ chức WTO, cũng như hiện nay đang đàm phán để gia nhập TPP.
Trên tinh thần hòa nhập (đúng nghĩa) với thế giới sau nhiều năm bị bỏ lại phía sau so với các nước Asean, (chưa dám nói với phương Tây) giới cầm quyền Việt Nam đang tiếp tục gây quan ngại sâu sắc với bản Hiến Pháp dự thảo sửa đổi.
Dường như những người soạn thảo kỳ này không đặt mối tương quan mở cửa với thế giới khi vẫn trình bày những lý luận cũ, lạc hậu, không theo kịp xu hướng, dù một vài điều khoản trong bản dự thảo có vẻ "đổi mới" chút ít, nó vẫn chưa thật sự thoát thai như là một cơ hội "trăm năm có một" để Việt Nam có thể dân chủ hóa trong ôn hòa. Bên cạnh đó, những người soạn thảo vẫn cho thấy tư duy:

"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"
mang nặng chất đóng cửa và cực kỳ bảo thủ của cái gọi là "thành trì XHCN", dù giờ đây cái "thành trì" này đang sụm dần dần!!!

Hiến Pháp nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
Đọc qua bản dự thảo Hiến Pháp, tôi thật sự băn khoăn về những cụm từ mà trong đó vẫn thể hiện sự mơ hồ/sáo rỗng về mặt ý nghĩa, một vài cụm từ bộc lộ rõ ý tưởng níu kéo cũng như bám chặt vào tư tưởng độc tài toàn trị, cũng như một số "tính từ" được sử dụng thừa thãi, đôi chỗ không cần thiết mà vô hình chung làm tối nghĩa và chính những điều này dễ bị bóp méo và suy diễn khi Hiến Pháp chính thức được thông qua (như thế này) để soạn hay/và sửa các bộ luật cụ thể dưới nó trong tương lai.
Trong lời nói đầu, cụm từ: "Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh..." quá khiên cưỡng, sáo mòn và lạc lõng với hình ảnh "dưới ánh sáng", bởi cho đến nay ngày càng có nhiều học giả cho đến Luật sư đã có nhiều bài viết bóc tách, phân tích để chỉ rõ Marx như thế nào và Lenin ra sao, người ta đã gọi "Marx - Angel là Marx thật" còn "Marx - Lenin là Marx giả" [1], tác giả bài viết - Phong Uyên - nhất định là "dân trong nghề" đã phân tích, dẫn chứng rất thuyết phục. Như thế, chẳng phải dùng "Chủ nghĩa Mác - Lênin" trong bản dự thảo, nghĩa là chấp nhận cái giả, cái ngụy biện và sai lầm để làm tiền đề cho bản Hiến Pháp? Sai lầm quá nghiêm trọng!!!
Còn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" là gì, thì quả thật quá mơ hồ với ngay cả những giáo trình hiện tại, hơn nữa, chính ĐCSVN chỉ chủ trương "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chưa bao giờ có bất kỳ chủ trương nào học tập và làm theo "tư tưởng Hồ Chí Minh" cả?!
Như vậy, một cái là giả (Marx - Lenin), còn một cái quá mơ hồ (tư tưởng HCM), sao có thể dùng từ "dưới ánh sáng"? Điều này thật khó nghe và không tài nào chấp nhận được với hiện trạng xã hội Việt Nam be bét, nó đã là bằng chứng sống động để dẹp phứt ngọn đèn cầy chảy dài, leo lét đang phát ra những đốm sáng cuối cùng mang tên "ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh" trước những cơn gió lớn đang báo hiệu mùa Xuân sắp về chăng?! Cho nhẹ người, không còn lo ngồi (chò hỏ) nhìn từng hàng nến chảy dài và ngọn đèn cầy chực chờ tắt phụt, không hơn sao?!
Do đó,
Điều 1: gọi Việt Nam là "Nước CHXHCNVN" hoàn toàn sai trái khi đối chiếu với cái "ánh sáng" như nói trên.
Điều 2: Cho đến nay, cái gọi là "XHCN" là cái gì, mặt mũi ra sao chẳng một ai hình dung ra được, thì đề cập đến "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" quá lố bịch. Đề tài "pháp quyền", "pháp trị" cũng đã có hàng trăm bài viết, cho đến nay quả thật, những người soạn thảo Hiến Pháp vẫn còn dùng cụm từ này, thì não trạng người CS thật không còn gì để nói (nhưng vẫn buộc phải nói)!!!
Điều 3 viết:
"Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...",
nếu không "bắt bẻ" chữ "nhà nước pháp quyền XHCN", thì trong điều 3 này không cần chữ "phát huy", bởi chữ này mang tính khuyến khích, động viên, trong khi đã xác nhận nhà nước (này) là của dân, do dân, vì dân rồi, thế thì cần gì "phát huy" nữa? Chỉ cần "BẢO ĐẢM" là đủ.
Điều 4: Không còn gì để nói nữa ngoài một chữ: BỎ.
Điều 5:
Mục 4. "Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện...", đề nghị hủy chữ "tạo điều kiện" hoặc sửa thành "bảo đảm điều kiện", bởi nhà nước (này) là phục vụ nhân dân, do đó chữ "bảo đảm" cho thấy tư thế người dân (đúng nghĩa) làm chủ, chứ không phải nhà nước "tạo điều kiện" hay không tạo thì người dân cũng chịu. Những người soạn thảo phải đặt rõ tư thế nhân dân lên hàng đầu, khi ngồi viết từng từ, từng ý theo phương châm "đang phục vụ chủ nhân" mới cảm được điều này.
Điều 8:
Mục 1. "Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ...", đề nghị bỏ "nguyên tắc tập trung dân chủ", vì vừa thừa, vừa mang màu sắc "thiểu số phục tùng đa số" (dù là đa số có thể bậy, nhưng cứ lấy số đông áp đảo) của các phe nhóm trong nội bộ ĐCSVN.
Mục 3. "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.", đề nghị đảo thứ tự: Cá nhân, tổ chức, cơ quan. Cách sắp xếp thứ tự bắt đầu từ cá nhân, sẽ cho thấy Quyền Con Người được đặt lên trên hết. Hiện trạng trong hàng chục năm qua đã chứng minh, hầu như đa số các trường hợp chống và phát hiện việc lạm dụng, vi phạm pháp luật đều do dân và báo chí dẫn đầu. Bỏ chữ "phòng", vì vô nghĩa, bởi HP và Luật đã được thông qua rồi thì cứ thế tuân thủ, cá nhân, tổ chức nào vi phạm HP, Luật là phải "chống" đến cùng.
Điều 9:
Mục 3. "Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động." Đề nghị bỏ chữ "tạo điều kiện" hay thay bằng "bảo đảm điều kiện". Ý nghĩa như tại điều 3.
Điều 15:
Mục 2. "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng". Quá rộng và mơ hồ. Thế nào là "trường hợp cần thiết..." vì hàng loạt lý do, mà lý do nào cũng có thể vi phạm quyền con người, quyền công dân được cả?
Điều 16
Mục 2. "Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.". Mơ hồ. "Quyền Con Người" gồm những quyền gì (tất nhiên theo định nghĩa của nhà nước và gắn kết với tiêu chuẩn thế giới) mà (chẳng lẽ xài chưa đủ) để đến nỗi dân phải "lợi dụng" thêm nữa? Với cách "thò ra, thụt vào" như thế này, càng làm cho công an, tòa án, viện kiểm sát dễ tùy nghi soạn luật sao cho "có lợi" cho họ.
Điều 19
Mục 1. "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Trong khi điều này có vẻ khập khiểng và không đồng nhất với:
Điều 5
Mục 1. "Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam".
Nếu đối chiếu hai điều (khoản) thượng dẫn, thử hỏi, dân tộc Việt Nam có bao gồm Việt kiều hay không bao gồm Việt kiều? Bởi người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể còn quốc tịch Việt Nam và không còn quốc tịch Nam, vậy những người không còn quốc tịch Việt Nam có được coi là "dân tộc Việt Nam" không? Nếu không coi họ là "dân tộc Việt Nam" thì có gọi họ là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" không? Mặt khác, mục 1 điều 5 lại cho rằng "...các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam", vậy ai không sống trên đất nước Việt Nam chẳng lẽ không còn là dân tộc Việt Nam? Ví dụ như: các cô dâu Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, những người xuất khẩu lao động rồi tìm cách ở lại nước ngoài, kể cả những đứa con mang hai dòng máu thì tính sao trong tương lai? Rồi còn những trẻ em mồ côi trong các cô nhi viện được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì tính sao? Ví dụ Mr. Philipp Roesler (uổng quá), rồi còn cậu bé Pax Thiên (con nuôi của Brad Pitt và Angelina Jolie), hay cậu bé tên Nguyễn Bé Lory, con rơi của nhà tỉ phú Larry Hillblom??? Biết đâu, mai này Pax Thiên, Nguyễn Bé Lory cũng trở thành Philipp Roesler hay tương tự như vậy thì quả thật vô cùng đáng tiếc cho VN?
Hai điều (khoản) nói trên làm định nghĩa "dân tộc" không rõ nghĩa?!
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già
_______________
[1] Phong Uyên - Cần phân biệt Mác giả (là Mác-Lênin) và Mác thật (là Mác-Ănghen) (Dân Luận)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"