Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Nguyễn Bá Thanh: Nói và làm hay Nhảy vào lửa

Đào Tuấn
Anh em báo chí gọi ông là “hot boy”. Bài này sửa thành “Hot man” cho đỡ phạm.
“Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh”, “Góc nhìn Nguyễn Bá Thanh”, “sự kiện Nguyễn Bá Thanh”… Có lẽ không còn thiếu từ ngữ nào, thể hiện sự “khác biệt” mà báo chí chưa dùng để nói về vị Bí thư của Đà Nẵng.
Nếu phải chọn lựa một từ ngữ để nói về Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, hẳn nhiều người sẽ chọn hai từ “Quyết đoán”. Quyết đoán một cách…quyết đoán. Và quyết đoán một cách thẳng thắn.
Tháng 5-2012, trước nghị trường, ông Thanh có câu nói để đời về vụ Vinashin “Cứ như chuyện đùa”.
“Cử tri kêu nhiều, chỉ riêng vụ Vinalines lỗ, làm chìm dưới biển không biết bao nhiêu tiền. …Vinalines thua lỗ, Chủ tịch bỏ trốn. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào. Sự việc trên cho thấy cách điều hành quá lỏng lẻo. Chúng ta quản lý con người, tập đoàn kiểu gì? Trước khi có kết luận, thanh tra phải đi lại 5 đến 10 lượt, yếu kém như thế nào thì lãnh đạo thừa biết rồi nhưng bất chấp đề bạt, phản cảm ghê gớm. Hơn nữa, khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, mà không giám sát, để bỏ chạy, dân họ không tin…”.

Hình như không có nhiều quan chức địa phương “dám” bàn đến những câu chuyện “ngoài Hà Nội”. Mà lại bàn bằng những từ ngữ xe ôm, sướng lỗ nhĩ người này nhưng lại như tạc đạn với người kia.
Ông Thanh được coi là người “NVL”. Ở Đà Nẵng thì hiểu rằng “Nói và làm” cũng được.
Bây giờ, khi ông “ra Hà Nội”, có lẽ, “NVL” còn có thêm một ý nghĩa nữa. Hẵng cứ để xem ông nhảy vào lửa thế nào, mà trước hết là các vụ bê bối liên quan đến mấy ông họ Vina mà ông Thanh từng phê phán.
Đoàn ĐBQH Đà Nẵng không lớn, không nhỏ, thường ngồi chung với Hải Phòng và Thanh Hóa ở Chu Văn An trong các phiên thảo luận tổ ở Quốc hội. Nhưng có lẽ, đây là một trong những “địa chỉ quan tâm” của báo chí. Rất đơn giản, vì ở đó có Nguyễn Bá Thanh, có Đinh La Thăng. Đám phóng viên nghị trường thường hỏi nhau: Hôm nay “cụ Thanh” có nói gì không? Và câu chuyện không “sứt” phát biểu nào của vị Bí thư xứ Quảng trên báo được đương nhiên coi như “tất lẽ dĩ ngẫu” của thú vui nghe chém gió. Tất nhiên đừng có ảo tưởng về một vị trưởng Ban cởi mở với báo chí, bởi trước nay, dù chém thế nào thì chém, cấm có ai cậy ở ông được một bài phỏng vấn.
Nhớ trong phiên thảo luận tình hình KT-XH hôm 31-10, ông Thanh là vị ĐBQH bấm nút phát biểu gần như cuối cùng, để nói về vấn đề nóng nhất tại nghị trường trong suốt một ngày rưỡi của phiên thảo luận là nợ xấu. Và đó là phát biểu không thể thẳng thắn hơn: “Đất nước đang đổi mới, phát triển, có nhiều thành tựu, trong đó cũng có công rất lớn của ngành ngân hàng, nhưng nếu mai này có sự đổ vỡ nền kinh tế, thì cũng bắt đầu chính từ hệ thống ngân hàng…”Một đất nước còn nghèo mà không dưới 100 tỷ USD chỉ trông vào nhà, đất, kể cả vàng”.
Hồi đầu năm 2012, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi có buổi nói chuyện, truyền hình trực tiếp-với hơn 4000 cán bộ địa phương  công khai toàn bộ nội tình của Thành phố, kể cả vấn đề cán bộ trước nay vẫn được coi là “nhạy cảm”. Thậm chí, ông bình luận từng vị trí. Thậm chí, ông kêu gọi “mỗi chức danh quy hoạch từ hai đến ba người” kể cả cho chức Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Ít nhất là phải hai, và không làm lấy được. Công khai hóa quy hoạch cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân biết…”Mấy ông thi đua với nhau, tới hồi ông nào tốt nhất, mình chọn, thế thôi, phải có cạnh tranh”.
Dường như với ông, không có gì là tế nhị, là nhạy cảm cả.
Báo chí vẫn gọi ông là “hot man”. Đơn giản là tất cả những điều ông nói, tất cả những việc ông làm đều mang một cách thức “thẳng thắn và quyết đoán”- nhãn hiệu Nguyễn Bá Thanh.
Rất nhiều người lo lắng cho “khí chất người xứ Quảng”, cho “cá tính Nguyễn Bá Thanh” khi ông “ra Hà Nội”. Nhưng có lẽ, chỉ cần ông vẫn giữ lối nói, cách làm như “thủa Đà Nẵng”, hẳn nhiên ông sẽ nhận được sự tin tưởng không chỉ của riêng người xứ Quảng, không chỉ của riêng báo chí.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"