Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Điều 88 bộ Luật Hình Sự Việt Nam: “Cố ý tạo ra một sự sợ hãi thường trực”

Tú Anh thực hiện

Nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước thu thập chữ ký kêu gọi hủy bỏ điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự. Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 13/01/2013 cho đây là một âm mưu xóa bỏ chế độ bằng diễn biến hòa bình. Theo lập luận này, các công ước Liên Hiệp Quốc công nhận quyền công dân là "bảo vệ chế độ" và cao hơn nhân quyền. RFI đặt câu hỏi với Tổng thư ký Hiệp hội Quốc tế Nhân quyền (ISHR) Vũ Quốc Dụng từ Frankfurt, Đức.
RFI: Các trí thức Việt Nam cho rằng Điều 88 ‘‘bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận” và “gây nguy hiểm cho trí thức”, ISHR đánh giá như thế nào?
Vũ Quốc Dụng: Điều 88 ‘‘Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam’’ thuộc về chương ‘‘Các tội xâm phạm an ninh quốc gia’’của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam (BLHS) là một công cụ đàn áp chính trị chứ không phải là một điều luật bình thường. Chúng ta có nhiều minh chứng cho điều này. Trước hết các từ ngữ và nội hàm của điều này rất mơ hồ và không được sách luật nào ở Việt Nam giải thích cho thấu đáo.

Ngay cả các luật sư tại Việt Nam cũng bị bắt vì những cáo buộc vi phạm điều 88. Chính luật sư tốt nghiệp ở Mỹ như Lê Công Định, luật gia tiến sĩ của Pháp là Cù Huy Hà Vũ, luật sư tốt nghiệp ở Việt Nam như Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật lẫn những luật gia mới tốt nghiệp như AnhBaSg Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần cũng không thể nào hiểu nổi điều 88.
Sự mơ hồ này giúp cho công an, viện kiểm sát và tòa án tha hồ suy diễn tùy tiện để bắt giam và kết án. Hơn một trăm tù nhân chính trị tại Việt Nam hiện nay đều có dính dáng ít nhiều đến những cáo buộc về tội tuyên truyền chống nhà nước. Trong những bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án của họ chúng tôi thấy lúc nào cũng thấy ẩn hiện điều 88. Việc dùng tội danh nào để cuối cùng kết án họ lại là một vấn đề khác nhưng rõ ràng họ bị làm tội vì không cùng chính kiến với chế độ cộng sản tại Việt Nam. Cho nên điều 88 - mà nhiều nhà hí họa đã vẽ thành 2 cái còng số 8 khóa môi người Việt Nam – như một lưỡi kiếm Damoclès treo lơ lửng trên đầu mọi người.
Việc áp dụng điều 88 tùy tiện đến nỗi họ không biết nó sẽ phập xuống lúc nào. Bắt họ hay xử tội họ lúc nào là quyền của công an. Hiệp hội Nhân quyền quốc tế (ISHR) cho rằng việc soạn thảo một điều luật 88 mơ hồ và việc áp dụng điều 88 một cách tùy tiện là một sự cố ý, cố ý tạo ra một sự sợ hãi thường trực và không thể xác định được một cách rõ rệt. Chính sự sợ hãi này đã bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên tất cả các lãnh vực từ báo chí, thông tin, truyền thông, internet, đến tư tưởng, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu, giảng dạy ở Việt Nam chứ không phải chỉ trong lãnh vực chính trị và xã hội.
Chính vì vậy mà chúng ta thấy trong danh sách của bản kêu gọi bỏ điều 88 BLHS và Nghị định 38 vào ngày 25/12/2012 vừa qua đã có chữ ký của những đại diện rất có uy tín trên tất cả những lãnh vực này. ISHR cho rằng những trí thức này đang thực sự lo sợ khi thấy những phản biện và kiến nghị hợp pháp về chính sách, bộ máy cầm quyền có thể dẫn đến việc truy tố họ. Việc họ lên tiếng tập thể sẽ nhắc nhở chính quyền Việt Nam nên rà soát lại những điều luật lỗi thời - nhất là những điều luật hình sự trong chương "Các tội xâm phạm an ninh quốc gia“.
RFI: Việt Nam bị quốc tế chỉ trích về Điều 88. Vậy Điều 88 có vi phạm quyền tự do ngôn luận theo luật quốc tế không?
Vũ Quốc Dụng: Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) cho nên mọi người Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới chờ đợi chính quyền Việt Nam thành tâm và hoàn toàn tuân thủ những điều khoản ghi trong đó, kể cả điều 19 về tự do ngôn luận. Liên Hiệp Quốc và các cơ chế của nó như Ủy ban Nhân quyền là uỷ ban đảm nhiệm việc giám sát thi hành ICCPR cũng như Hội đồng Nhân quyền đã có vô số văn bản để giải thích điều này. Cho nên việc tìm hiểu cho rõ và áp dụng cho đúng không phải là khó.
Chúng tôi xin tóm tắt những vi phạm của điều 88. Trước hết theo luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận gồm có 2 quyền: thứ nhất là quyền tự do có quan điểm riêng và thứ hai là quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình. Xin lấy thí dụ chị Phạm Thanh Nghiên bị bắt khi đang ngồi trong nhà riêng và cầm trong tay một tấm giấy ghi chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng.” Xin nhấn mạnh là biên bản bắt chị Nghiên ghi rõ chị bị bắt vì cầm giấy ngồi trong nhà. Chị Bùi Thị Minh Hằng bị bắt đưa đi cải tạo vì đã đội nón lá và quàng khăn ghi chữ “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” ra đứng trước Nhà thờ. Hai chị đã bị xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do có quan điểm, mà theo luật quốc tế, là một nhân quyền tuyệt đối, nghĩa là một nhân quyền không thể bị giới hạn hay xâm phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Về quyền bày tỏ quan điểm thì điều 19 của ICCPR bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại thông tin trong khi điều 88 thì cấm tuyên truyền, làm ra, tàng trữ, lưu hành tài liệu chống Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là ai, bị thiệt hại quyền lợi gì thì đến giờ cũng không ai rõ. Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ yêu cầu được đối chất với đại diện Nhà nước, là người bị xem là bị hại trong vụ án của ông, nhưng không được. Công an Việt Nam bắt cả những người nhận được bài từ một địa chỉ email không quen biết, buộc tội cả những bài viết chưa phổ biến tìm thấy trên máy tính, và thường xuyên dẫn chứng bằng những bài viết và bài phỏng vấn trên các cơ quan truyền thông có uy tín quốc tế.
Điều 88 đi ngược hoàn toàn với tinh thần của điều 19 của bản ICCPR và quyền tự do ngôn luận được diễn giải rất rõ trong các bình luận luật học của Uỷ Ban Nhân quyền LHQ. Việc giam giữ công dân Việt Nam theo điều 88 đã nhiều lần bị các cơ quan LHQ lên án, cụ thể, Cao ủy Nhân quyền LHQ và Tổ Công tác về Giam giữ Tùy Tiện của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã phải nhiều lần can thiệp trong năm qua. Ngay cả Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Ngôn luận của LHQ cũng không được sang thăm Việt Nam mặc dù đã có yêu cầu từ năm 2002.
Tôi còn nhớ trong đợt Cứu xét Báo cáo Định kỳ toàn Thế giới về Nhân quyền hồi năm 2009, đề tài vi phạm quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam là đề tài bị nhiều quốc gia phê bình nhất. Chúng ta cần biết rằng Điều 88 ra đời năm 1999, nghĩa là, 17 năm sau khi Việt Nam gia nhập ICCPR. Tại sao lúc đó - năm 1999 - và ngay cả đến bây giờ điều 88 không chịu thích ứng với điều ước quốc tế này cho thấy Việt Nam không nội luật hóa những cam kết quốc tế và rõ ràng không thực tâm thi hành những cam kết.
RFI: Lý do an ninh quốc gia thường được chính quyền Việt Nam đưa ra để giới hạn quyền tự do ngôn luận. Vậy lý do này có xác đáng không?
Vũ Quốc Dụng: Chính luật quốc tế cũng không quan niệm rằng quyền tự do cá nhân phải tuyệt đối nên điều 19 của ICCPR cũng có đặt ra những giới hạn. Nhưng những giới hạn này phải hợp lý để không làm triệt tiêu chính cái quyền tự do ngôn luận. Luật quốc tế biết rằng việc giới hạn rất dễ bị lợi dụng và lạm dụng nên đã đưa ra những qui định rất chặt chẽ.
Như đã trình bày ở trên, điều 19 của ICCPR không cho phép giới hạn quyền tự do có quan điểm vì nó là một quyền tuyệt đối. Đối với quyền bày tỏ quan điểm thì điều 19 cho phép giới hạn để bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng bắt phải ra luật đặc biệt thích ứng với hoàn cảnh ngoại lệ này. Trước hết luật quốc tế hiểu “nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia” là khi có xảy ra tình trạng khẩn trương thực sự đe dọa sinh mạng toàn quốc gia và Nhà nước chính thức công bố tình trạng khẩn trương này. Thứ đến, trong đạo luật liên quan, mục đích của việc giới hạn phải được định nghĩa rõ ràng, những biện pháp đưa ra phải liên quan trực tiếp đến mục đích và mức độ của những biện pháp phải có chừng mực tương xứng với mục đích nêu ra.
Điều 88 không thỏa mãn những điều kiện kể trên. Việt Nam đã có hòa bình trong bao năm nay và chưa bao giờ ban bố tình trạng khẩn trương vì quốc gia bị đe dọa toàn diện. Cho nên phải hiểu là cụm từ “an ninh quốc gia” được dùng trong BLHS chỉ là sự an toàn của chế độ cộng sản đương quyền và do đó không phải là trường hợp để áp dụng những giới hạn theo khoản 3 của điều 19 ICCPR.
Có một bài trước đây trên tờ Quân Đội Nhân Dân cũng nêu ra quyền tự quyết về chính trị theo ICCPR để biện minh rằng chế độ chính trị hiện nay cần được bảo vệ. Trong luât quốc tế quyền tự quyết dân tộc liên quan đến tư cách chính trị trên trường quốc tế của một quốc gia, nghĩa là 1 trong 3 tư cách: Độc lập, bị đô hộ hay bị bảo hộ; chứ không liên quan đến thể chế chính trị của một nước. Việc mạo xưng quyền tự quyết dẫn đến hiểu lầm cho rằng chính quyền có toàn quyền xử lý người dân và không cho bất cứ quốc gia nào can thiệp vào.
RFI: Quyền công dân và nghĩa vụ công dân được hiểu thế nào trong quan niệm nhân quyền?
Vũ Quốc Dụng: Quyền công dân là quyền của những người có quốc tịch của một quốc gia và được Hiến pháp và luật pháp nước đó bảo vệ. Nhân quyền là quyền của con người, vì họ là người, có giá trị đối với mọi người ở mọi nơi trên thế giới, và được luật pháp quốc tế định nghĩa và bảo vệ. Nói chung quyền công dân không được phép mâu thuẫn với nhân quyền phổ quát. Nếu có mâu thuẫn hay khác biệt thì có thể xảy ra tình trạng vi phạm nhân quyền.
Trong trường hợp này, nếu quốc gia đó là thành viên của một công ước quốc tế thì cơ chế giám sát của công ước này sẽ xem xét trường hợp vi phạm. Nếu không tham gia bất cứ công ước nào và vụ vi phạm nhân quyền là nghiêm trọng thì Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của nó vẫn tiến hành xem xét. Cho nên không thể tách quyền công dân ra khỏi nhân quyền được và một quốc gia không thể tùy tiện mà xử lý công dân của mình được. Lý luận cho rằng mỗi nước có quyền xét xử công dân phạm pháp của mình theo luật riêng là đúng, nếu luật và việc xét xử không vi phạm luật nhân quyền quốc tế, và là sai nếu vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Trong tinh thần đó, điều 29 của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, đưa ra trách nhiệm hỗ tương giữa công dân và Nhà nước. Theo đó, người công dân phải có nghĩa vụ đối với "cái cộng đồng mà chỉ trong đó họ mới có thể phát triển một cách toàn vẹn tự do và nhân cách của mình“ trong những giới hạn chính đáng của một xã hội dân chủ. Cho nên ở đây vấn đề nghĩa vụ công dân chỉ đặt ra khi nhà nước cũng phải hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm đầy đủ các nhân quyền cho công dân.
Nói chung, những bài báo viết về nhân quyền trên tờ Quân Đội Nhân Dân thường có cố tình cắt xén chỗ này, lắp ghép khái niệm chỗ kia để biện hộ cho lập trường nhân quyền cá biệt của Việt Nam. Việc làm này sẽ làm cho người dân Việt Nam hiểu sai luật nhân quyền quốc tế và càng làm cho Việt Nam khó hội nhập với quốc tế về mặt nhân quyền.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"