Nguyễn Hoàng Đức
Tác giả gửi cho NTT blog
Tác giả gửi cho NTT blog
Danh dự là gì? Có thể hiểu một cách đơn giản trực tiếp nhất là: Tên gọi
của một người trong giá trị. Trong tiếng Pháp người ta vẫn nói “au nom
de” – nghĩa là Nhân danh ai đó.
Khi nhân danh ai đó, chắc hẳn là phải cái danh trong sáng, vinh quang,
hay cái tên gọi chân thật của người ta. Một thằng kẻ cướp nhảy ra chặn
đường người khác, hô lên “Võ Tòng” đây, thì dù nó có giả trá cỡ nào, cái
tên “Võ Tòng” phải có thực, thì nó mới mong dùng tên đó để nhát mọi
người. Một kẻ lừa đảo nói to “nhân danh công lý”, cũng vậy, dù sao kẻ đó
cũng muốn mọi người được ám ảnh về một công lý thực.
Danh dự là thứ chói sáng nhất, ý nghĩa nhất, sống còn nhất của con
người, nhưng cũng chính vì thế mà khi bị ô danh, nó là lý do mãnh liệt
nhất khiến con người thấy mình không còn lý do để sống. Một văn hào có
viết “Tôi chưa thấy ai treo cổ vì đói rách, trái lại càng khổ sở thì
người ta càng khát sống, nhưng thấy rất nhiều chiếc cổ treo trên thòng
lọng vì không tìm ra ý nghĩa cho đời sống của mình”.
Nhiều học giả Trung Quốc đã chính thức bàn về cái
Danh. Họ cho rằng: cái bất hạnh nhất của con người là “vô lại”. Vô lại
giống như một tiếng vọng bay vào hư vô mà không có tiếng vọng lại. Mấy
cánh bèo trên mặt nước nhẹ thõm vật vờ trôi dạt mà không để lại vết tích
gì cũng là vô lại. Đám người sống không có danh vọng, không có lòng
tốt, không giúp ích đời được cái gì, vô dụng, cũng là cách: đám vô danh
không cần gặp lại. Một tình yêu chia tay, kẻ chia tay bỉ ổi đến mức bị
bạn tình rủa xả không hề muốn gặp lại, thì cũng là vô lại. Lúc đó vô lại
đúng là nỗi bất hạnh nhất của thế gian.
Người Việt có câu “trâu chết để da, người chết để tiếng”, muốn nói rằng
đã sinh ra ở đời thì từ con trâu đến con người đều có vật hay danh để
lại. Vậy mà một người vô danh – vô lại thì chẳng bất hạnh nhục nhằn lắm
sao. Vì thế con người nếu không lập công, lập danh, lập đức, quả là vô
tích sự!?
Người Trung Quốc cũng như Việt Nam háo danh lắm. Trong tác phẩm nổi
tiếng Thủy Hử kia, danh là cái cứu vớt người ta trong mọi hoàn cảnh.
Chẳng hạn khi Tống Giang bị trói vào cột buồm, bị những tên cướp hạ thủ
đến nơi liền lẩm bẩm than: “than ôi, Tống Giang lại chết uổng phí thế
này sao?” Đầu đảng cướp liền bảo “Khoan, chúng tôi có mắt mà không trông
thấy núi thái sơn!” Thế là Tống Giang thoát nạn. Còn vô số người nổi
tiếng khác, cái danh luôn đi trước dọn bàn ăn và chỗ ngủ cho họ.
Danh dự đã làm nên những tác phẩm thượng đỉnh của người châu Âu. Người
Hy Lạp quan niệm: đức tính đầu tiên là tính hiếu khách. Hiếu khách tức
là nhắm đến người khác, điều đó là danh dự đầu tiên của chủ nhà. Đó vừa
là lòng tốt vừa là danh giá. Ở Hy Lạp kẻ nào làm mất lòng khách thì là
nỗi sỉ nhục đầu tiên. Khi Paris cuỗm nàng Helen đi, người Hy Lạp cảm
thấy mình bị xúc phạm đã cất quân đi đánh Tơ-roa. Và Victor dù run sợ
trước sức mạnh của A-sin, chàng vẫn ra lệnh mở cổng thành để ra nghênh
chiến vì danh dự. Tác phẩm đồ sộ nhất của mọi thời đại Đông-ki-sốt, cho
dù chàng hiệp sĩ ảo tưởng chỉ đấu với cối xay gió, nhưng chàng cũng đã
đấu hết lòng cho và vì danh dự.
Sau thời khai sáng, văn học châu Âu bỗng nhảy vọt với bài toán của danh
dự. Trước đó, khi bị xúc phạm những người đàn ông có thể đấu kiếm, nhưng
đó là những cuộc đấu không bình đẳng mà lợi thế luôn nghiêng về nhưng
kẻ cơ bắp hơn. Khi khẩu súng lục ra đời thì tương quan khác hẳn, người
yếu có thể đấu với người mạnh khỏe. Và một ý nghĩa mới đã nứt ra khi
người ta lần đầu tiên được thấy: danh dự đồng nghĩa với bình đẳng. Tại
sao, dù anh có là viên tướng hay thị ủy thành phố, ra đường, nếu anh xúc
phạm tôi, tôi sẽ ném găng đòi đấu với anh, nếu anh không đấu thì sẽ mất
danh dự, còn nếu đấu tôi có thể hạ thủ anh dù chỉ là cấp dưới của anh.
Danh dự và bình đẳng còn có cơ hội leo cao rất nhiều, khi người phụ nữ
có thể cầm lấy khẩu súng đấu tay đôi với đàn ông. Và lúc đó nàng đã lật
ngược cả sân khấu bất bình đẳng của lịch sử. Ở Việt Nam là một nơi rất
phong kiến mà nàng còn dám ngâm nga :
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Và từng thu chết từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người
Nhưng quan niệm về danh dự giữa châu Á và châu Âu rất khác nhau. Ở Châu
Âu nói chung người ta có thể sống danh dự và trí tuệ thuần khiết, nhưng ở
châu Á, muốn lưu về ở ẩn thì trước hết phải vòng lên kinh đô tráng tí
men quyền hành cho bõ phẩm trật vua quan. Mấy ông ở ẩn, thấy vua quan đi
qua, liền lẻn ra nói vài câu khoe mẽ chữ nghĩa rồi lại lủi mất. Nói
chung, người châu Á thích kiểu khôn của Hàn Tín, chịu nhục chui háng
hàng thịt để tồn tại, sau rồi mười năm báo thù không muộn. Đó là cách
đem danh dự đổi lấy sự sống còn. Bọn Tống Giang kia, hào hùng vênh vang
“thay trời hành đạo” một thủa là vậy, cuối cùng cũng muốn điều đình để
đầu hàng triều đình. Làm quan trong triều, nhưng than ôi cái tục tằn thô
lỗ của kẻ cướp vẫn còn, sau bị tiêu diệt cả lũ thật đáng thương cho thứ
giả anh hùng!
Nhà tư tưởng Thoreau của Mỹ nói: Nhà nước là của dân chúng, nhà nước chỉ
thích hợp với những giá trị bình thường của số đông, chứ không bao giờ
thích hợp với những gì cao cả, siêu việt. Người Việt có câu “có cứng mới
đứng đầu gió”. Đó là cách chết ngay còn hơn sống quì. Ở Việt Nam nhà
thơ Lê Đạt (?) đã từng coi đa số nhà văn của ta là “hèn đại nhân”. Tại
Trung Quốc một nhà phê bình có hạng của họ nói: một nhà văn trung bình
của châu Âu đã có thể chết vì bảo vệ ý tưởng của mình, nhưng tất cả nhà
văn Trung Quốc thì không có ai làm được vậy.
Văn học học Âu Mỹ thường xuyên có những câu thế này:
-Một người phụ nữ nói với hàng xóm “tôi đi tìm công lý!”
- Một bà già nói với một đứa bé trai ở chỗ hẹn: “Là đàn ông thì đừng bao giờ lỡ hẹn”.
- Một bà ăn mày trong công viên nói với cậu bé: “Đừng hứa nếu không chắc có làm được không!”
Những câu này ở văn học Việt Nam rất thiếu. Văn học Việt nam thậm chí
bới cũng không thấy cuộc đấu nào về danh dự, mà nói chung người ta vẫn
chỉ đấu để tranh ăn. Như vậy có phải: cây không có nhựa danh dự để sinh
trái danh dự. Các nhà văn của ta liệu có giống hội Tống Giang kia về đầu
quân cho triều đình để đòi lĩnh chức lĩnh quyền. Có người đã viết về
nhà thơ Tố Hữu rằng “nhà càng lộng gió thơ càng nhạt”. Tôi rất nể nhà
thơ Lam Luyến khi chị làm mấy câu thơ đại ý “chức càng cao thì thơ càng
thấp”.
Nhà nước sinh ra là cần thiết, vì sinh ra để quản lý. Nhưng quyền lực
của nhà nước không phải là quyền lực của chữ nghĩa hay sự vinh quang
thuộc về chữ nghĩa. Nếu nhà tư tưởng Thoreau nói “nhà nước không thích
hợp với những gì cao thượng, chỉ thích hợp với quần chúng và thuế má”,
thì người Việt bảo “miệng quan chôn trẻ”. Nhà tư tưởng Italia,
Machiavelli có nói: Làm quan thì phải biết hứa hão liên tục, nếu thất
hứa, thì phải tiếp tục hứa để nuôi ảo tưởng và hy vọng, và không cần
phải dằn vặt khi thất hứa.
Nhà văn Nguyễn Bá Dương, Trung Quốc có viết: Người Âu Mỹ đi đâu họ cũng
có sẵn một câu xin lỗi trên môi, ngược lại người Trung Quốc xin lỗi rất
khó khăn. Ngôn ngữ nào cũng lấy câu chào làm đầu, nhưng câu chào ở Việt
Nam khó lắm, đến mức người Việt phải nói “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Rất
nhiều nhà văn, nhà thơ Việt xuất hiện ở đâu là nghiễm nhiên chẳng cần
chào, thất hứa hay sai hẹn chẳng cần xin lỗi, cư xử theo cách quan trên
hay ông kễnh văn nghệ theo kiểu ta có được quyền thất hứa và không cần
xin lỗi… Trời ơi cái danh dự của thân chủ sáng thế tác phẩm mà chẳng bo
giờ luyện tập thì làm sao có? bao giờ người văn học Việt Nam mới có màn
đòi thách đấu vì danh dự? Danh dự đã thấp, thì đời sống và văn học đều
lè tè cả thôi.
NHĐ 14/01/2013