Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Cuộc "xin xỏ" gian nan

Cuối năm, hàng xóm đua nhau dọn nhà, quét tường, sơn cổng. Nhà nào nhà nấy quy động rể, dâu, con cháu nội ngoại làm việc tất bật. Mẹ đi ngang, đứng lại, ngoái nhìn. Bà hàng xóm gặng hỏi:
- Nhà chị có đứa nào về dọn dẹp chưa? Năm nay ăn Tết lớn không?
- Chưa. Tết năm nay chắc nhỏ.
Mẹ trả lời vội, bước đi lẹ hơn vì sợ bà hàng xóm lại buôn chuyện, vậy mà cũng không thoát.
- Thằng út chị ở tù chừng nào ra? Tết này có đi thăm nó được không?
Lời bà háng xóng theo gió với theo, Mẹ lại càng bước đi nhanh hơn, bỏ lại sau lưng những câu trả lời bỏ ngỏ.
Tối, Mẹ xé một trang giấy tập, ngồi ngay cái bàn cạnh cửa sổ hướng ra mé sông. Viết vài dòng, mẹ lại ngẩn đầu lên ngó ngó về phía nhà bếp, nơi cái tủ chứa lương thực chuẩn bị cho chuyến đi thăm thằng út sắp đến.
Sáng hôm sau, 6h Mẹ nhắn tin: "Con soạn và in cho Mẹ lá đơn theo mẫu, Mẹ nhét ngay kẹt cửa. 7h mẹ lấy".
Tôi bước xuống, mở cửa, lá đơn nằm đó tự bao giờ. Nét chữ cứng cáp, dứt khoát, đè nặng trên trang giấy:
"ĐƠN YÊU CẦU ĐƯỢC GẶP MẶT CON
Kính gửi: Đại Tá Nguyễn Sáu - P. Giám đốc Công An Tỉnh Long An
...........Tôi mong muốn gặp con, động viên tinh thần và tiếp tế lương thực cho những ngày tết trong chốn lao tù của nó vào ngày 25-11-2013. Mong ông suy xét. Xin chào ông............"
7h30, Mẹ có mặt tại công an Phường 6 để chứng thêm 1 đơn xin gặp mặt theo mẫu của trại giam 159 Long An.
9h30, Mẹ đứng trước cổng Ca tỉnh Long An. Mẹ chìa 2 lá đơn cho bảo vệ cổng và yêu cầu được vào phòng tiếp dân.
Tại phòng tiếp dân.
- Tôi cần gặp ông Nguyễn Sáu để đưa 2 lá đơn. Tui xin gặp mặt và thăm nuôi con tui là thằng Đinh Nguyên Kha bị giam ở 159 Nguyễn Đình Chiểu. Ông Sáu là người bắt con tui, nay tui muốn gặp ổng để xin gặp mặt nó. Chuyện này chắc chắn ổng sẽ giải quyết được.
- Dạ chị ngồi chờ một chút - phòng tiếp dân cầm 2 lá đơn mang đi.
Lát sau, đồng chí Huỳnh Văn Nhựt, phó trưởng phòng PA92 ra gặp mặt mẹ tôi và nói: "Vấn đề của chị không giải quyết được". Mẹ không đồng ý với câu trả lời của người đại diện như vậy được.
- Tui xuống đây để gặp ông Sáu, tui đâu có gặp chú. Thấy chú là tui ngán lắm rồi, chú không bao giờ nói thật điều gì. Tui không tin chú.
Nói xong, mẹ bỏ ra ngoài, đi thẳng qua phòng thanh tra CA Tỉnh đối diện đó. Mẹ yêu cầu được giải quyết thỏa đáng yêu cầu nhỏ nhoi trong đơn.
Tại phòng thanh tra CA Tỉnh, mẹ hỏi một đồng trực văn phòng:
- Chú xem cho tui tờ đơn, tui viết và yêu cầu như vầy có hợp lý không? Chú giải quyết cho tui. Được hay không được, thiếu sót chổ nào tui về làm lại chổ đó. Không thì sắp xếp cho tui gặp ông Nguyễn Sáu, ổng trực tiếp dân ngày nào? Chú nói để tui xuống gặp ổng. Ổng phải gặp mặt trực tiếp nói chuyện với tui chứ không thể nào phái người này người kia ra tiếp được.
Cầm 2 lá đơn đọc tới đọc lui, hơi chút bối rối, đồng chí này mới nói:
- Dạ chị chờ một chút, để em đi xin ý kiến.
Chạy tới, chạy lui, vào hết phòng này đến phòng khác, cuối cùng quay lại, đồng chí nói:
- Vụ này không giải quyết được chị à. Con chị còn trong vòng điều tra chưa cho gặp mặt. Ngày Tết cũng vậy, tụi em không làm gì khác hơn được.
- Vậy hả? Pháp luật Việt Nam luôn khoan hồng độ lượng, tính nhân văn xã hội đặt lên hàng đầu, vậy vụ này không nhân văn hả?
Mẹ thấy đồng chí nọ nín thin, không nói, không cử động, mắt xa xăm. Thôi, cũng khó, về vậy.
Mẹ cám ơn đồng chí nọ, xách ba lô, nón bảo hiểm, tay cầm 2 lá đơn bước ra cổng bỏ lại những ánh mắt tò mò dõi theo đến tận bên kia đường.
Về nhà, Mẹ trả lại cho tôi 2 lá đơn, mặt buồn xo, tôi cũng chẳng hỏi.
"....Thưa ông Nguyễn Sáu, theo tôi được biết, Ông là người có quyền quyết định bắt giữ và giam cầm con tôi trong thời gian qua. Theo đạo lý của người Việt Nam, Tết là ngày sum hợp gia đình, cúng bái tổ tiên, chúc phúc con cháu. Là một người mẹ, tôi cảm thấy xót xa khi nhìn thấy con trong chốn lao tù hơn 03 tháng nay. Ông cũng là một người cha, chắc ông củng thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ...."
Chắc gì ông đã hiểu?
gian_nan2.jpg
gian_nan1.jpg

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"