Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Chết dở mình rồi

Quan chức không chết dở, nhưng…Đàm Vĩnh Hưng thì thì lại chết dở.
Ngày 18-12-2012, trước cử tri quận 4, TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: “Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, thấy mình không hoàn thành thì rút lui”. Kèm ngay sau đó, ông phát biểu đầy khí khái “Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ. Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.
Khẳng định: Phát biểu của Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia- được cử tri và nhân dân vỗ tay nhiệt liệt.

Duy chỉ có điều, trước và sau lời phát biểu của Chủ tịch, rất ít, nếu không nói là chưa từng có vị quan chức nào “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Không hoàn thành mà lại rút lui, cũng là chuyện chưa từng có tiền lệ. “Tiết tháo”, dường như đã là từ cổ đã tiệt chủng trong bộ nhớ của quan chức đương đại.
Còn có một hình ảnh biểu cảm hơn nhiều. Ấy là trong số 60 đề cử vào danh hiệu “đệ nhị cao quý” là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” (chỉ sau danh hiệu “Anh hùng lao động”) có tới 59 người là quan chức. Không ngẫu nhiên có người gọi hiện tượng này là “Quan thi đua”!
Ấy thế mà hôm Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết thực hiện NQ 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh chủ chốt, có tới 2 ý kiến đề xuất “chỉ cần làm rõ việc thực hiện chức năng nhiệm vụ”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói ông “băn khoăn” về trách nhiệm giải trình “Chúng ta nêu rất rộng”. Ông đề xuất chỉ nên (giải trình) cụ thể việc thực hiện chức trách”. Còn về các vấn đề chính trị, rèn luyện đạo đức… “thì để các tổ chức khác đánh giá”. Còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề xuất “Không đưa hết các chuyện này ra, chỉ cần làm rõ việc thực hiện chức năng nhiệm vụ”. Quay sang Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, ông nêu ví dụ: Đồng chí Phóng được nhắn tin điện thoại hỏi về khiếu kiện. Nếu cử tri cứ nói sao không tiếp tôi, không nhận đơn khiếu kiện thì chết dở mình rồi. Nhiều đồng chí đại biểu bị dính đòn này….Tôi không đồng tình nêu quá nhiều nội dung kiểm điểm”.
2 phát biểu này có một điểm chung: Người phát biểu thuộc diện “lấy phiếu tín nhiệm”.
Dóng cho thẳng tinh thần của 2 phát biểu này, có nghĩa toàn bộ những nội dung phải giải trình như “Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng”; “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri”; “Tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống” ; “Đạo đức, văn hóa giao tiếp”; “Những điều cán bộ, công chức không được làm”…sẽ không phải giải trình. Không giải trình, có nghĩa là cũng không đánh giá. Và như thế, quan chức không chết dở, nhưng… Đàm Vĩnh Hưng thì thì lại chết dở.
Chỉ vừa cuối năm, “Ông hoàng nhạc Pop” từng bị dư luận ném đá gần chết sau scandal “khóa môi nhà sư”. Đó là một hành vi thuộc về phạm trù đạo đức. Một con người, nhất là một “con người xã hội” như ca sĩ họ Đàm, như các quan chức, dẫu thế nào cũng không thể tách bạch giữa những yếu tố thuộc về công việc, đạo đức, lối sống, quan hệ.
Bởi thế, thật khó chấp nhận việc lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chỉ gói gọn trong chức phận thông thường như một công chức. Khi mà mỗi hành động, mỗi phát ngôn, thậm chí mỗi cử chỉ của họ đang ảnh hưởng mạnh đến người dân. Khi ý nghĩa “tấm gương” của những “vị” công bộc không phải chỉ là việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Tin thời sự là Thống đốc không có tên trong danh sách được danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tin tất lẽ dĩ ngẫu là đương nhiên ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Và có lẽ, thống đốc, cũng như 48 chức danh diện lấy phiếu tín nhiệm còn lại đều “hoàn thành nhiệm vụ”, như thông lệ.
Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ thuần túy như một cuộc bầu chọn cuối năm thì phải chăng là nên dẹp bỏ ngay từ bây giờ, cho tiết kiệm, cho không ai phải “chết dở”?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"