Innova, biên tập viên Dân Luận
Trong phong trào góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, bài viết dưới đây xin trình bày bốn điểm không hợp lý của điều 4 của Hiến pháp dưới các góc nhìn khác nhau.
1. Trước hết, Hiến pháp, theo định nghĩa thông dụng trên thế giới là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Theo định nghĩa của Việt Nam, Hiến pháp bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật được Nhà nước ban hành, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước. Như vậy định nghĩa về Hiến pháp trên thế giới và ở Việt Nam đều giống nhau ở điểm điều chỉnh các mối quan hệ của các tổ chức trong một Nhà nước.
Tuy nhiên, Theo điều 4 Hiến pháp thì đảng Cộng Sản Việt Nam mặc nhiên là tổ chức lãnh đạo Nhà nước. điều này có nghĩa đảng Cộng Sản Việt Nam có toàn quyền điều chỉnh các mối quan hệ của các tổ chức trong Nhà nước Việt Nam. Do đó, điều 4 Hiến pháp phủ định toàn bộ nội dung Hiến pháp. Nói cách khác, Hiến pháp là không cần thiết một khi Nhà nước đã được lãnh đạo toàn diện bởi đảng Cộng Sản. Điều 4 chính là Hiến pháp Việt Nam.
2. Thứ hai, nếu giả sử Hiến pháp còn có ý nghĩa, thì bản thân điều 4 va chạm nặng nề với điều 2 ngay trong Hiến pháp. Cụ thể:
- Điều 2: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
- Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước.
- Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước.
Theo điều 2, nhân dân có toàn quyền đối với Nhà nước, trong đó tất nhiên bao gồm cả quyền thay đổi Hiến pháp. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, có rất nhiều người bị tòa án Việt Nam kết tội “đòi bỏ điều 4 Hiến pháp”. Điều đó chứng tỏ nhân dân Việt Nam không thật sự có “tất cả” quyền lực. Sự đảm bảo điều 4 cho đảng Cộng Sản đã tước đi quyền lực tối cao của nhân dân theo điều 2.
Xem xét ưu tiên giữa quyền lực thuộc về nhân dân và quyền lãnh đạo nhà nước của đảng Cộng Sản thì rõ ràng điều 2 phải được ưu tiên hơn. Nhân dân Việt Nam đã đổ bao nhiêu xương máu trong cuộc chiến chống Pháp để giành lại chính quyền, giành lại quyền tự quyết dân tộc. Tuy nhiên giờ đây quyền tự quyết đó đang bị hạn chế một cách rõ ràng bởi điều 4 Hiến pháp.
3. Thứ ba, nếu giả sử điều 4 và điều 2 tồn tại được với nhau, thì điều 4 vi phạm một quyền con người tối cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bản tuyên ngôn độc lập đã mở đầu bằng câu bất hủ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ý nguyện của Hồ Chủ tịch đã được cụ thể hóa trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay. Hiện nay, điều 17 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 ghi rõ:
Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52)
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên sự tồn tại điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam tạo ra sự bất bình đẳng trong người dân với nhau khi mặc nhiên đặt đảng Cộng Sản làm đảng lãnh đạo Nhà nước. điều này là phi lý vì gây ra phân biệt đối xử trong đời sống chính trị khiến những cá nhân khác, những tổ chức chính trị khác không thể làm lãnh đạo Nhà nước được. Chính sự độc quyền lãnh đạo này, đã gây ra nhiều sự tha hóa quyền lực, như đã chỉ ra bởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặt khác, nó gây ra sự thờ ơ chính trị trong mọi tầng lớp nhân dân khi tất cả các chính sách đường lối Nhà nước đều đã được quyết định bởi đảng Cộng Sản.
4. Thứ tư, điều 4 Hiến pháp trao quyền lãnh đạo cho đảng Cộng Sản. Tuy nhiên điều gì xảy ra nếu bản thân đảng Cộng Sản không thể kiểm soát được chính nội bộ và biến thái thành một tổ chức gây hại cho nhân dân. Trong hoàn cảnh đó, với sự áp đặt của điều 4 Hiến pháp, nhân dân Việt Nam sẽ phải chịu sự lãnh đạo của một đảng "đội lốt đảng Cộng Sản" và nguy cơ tàn phá đất nước, thậm chí mất nước là dễ dàng. Kẻ thù, thay vì đánh bại nhân dân Việt Nam, chỉ cần tha hóa đảng Cộng Sản là đủ để dẫn dân tộc đi theo đường khác. Sự lo ngại này là có thật và người viết thật sự chia sẻ lo ngại này với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tóm lại, với bốn lý do trên, người viết kết luận rằng, điều 4 Hiến pháp mâu thuẫn với ý nghĩa của bản thân Hiến pháp, với quyền tự quyết của nhân dân, với quyền bình đẳng giữa mỗi người dân và với nguy cơ thao túng đất nước. Vì lẽ đó, người viết đề nghị tổ chức soạn thảo Hiến pháp xem xét sự đúng đắn của điều 4, ví ý nghĩa của Hiến pháp, vì trách nhiệm của ủy ban soạn Hiến pháp đối với tổ tiên và con cháu mai sau.