Nguyễn Ngọc Già
Ít nhất là đối với tôi, sau khi đã đọc xong cả 2 phần tác phẩm này.
Ai đó đã nói: "Lịch sử là cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng".
...Và Huy Đức đã dứt khoát bước ra khỏi khuôn mẫu "thắng làm vua,
thua làm giặc" để đưa sự thật mà anh nắm trong tay, đến với dân tộc Việt
Nam thông qua tác phẩm đầu tiên của "duyên nghiệp" viết lách.
Cũng như nhiều tác phẩm khác viết về một giai đoạn lịch sử - dù không
hẳn là một thiên sử ký mà chen lẫn trong đó là những câu chuyện hồi
tưởng, những mẩu chuyện trao đổi cùng những hình thức mang chất tùy bút,
tản văn, ký sự của nhiều "người trong cuộc" - Huy Đức đã kiên trì, tỉ
mẩn như chú ong chăm chỉ suốt gần 20 năm sưu tầm, đọc, chắt lọc thông
tin, phỏng vấn để tổng hợp một cách có hệ thống theo cách bố cục nội
dung rất riêng cho đứa con tinh thần của anh.
Nhất định điều mà nhiều người có cùng mẫu số chung khi đọc bộ sách 2
phần này, đó là Huy Đức không thể nào tránh khỏi thiếu sót, thậm chí có
thể là những thiếu sót lớn về những mảng quan trọng như: Tôn giáo, hoặc
bức tranh toàn cảnh rõ nét với những gam màu tương phản, đậm nhạt để nổi
rõ về đời sống hiện thực của đại đa số người dân miền Bắc sau 1975 tiếp
tục tăm tối lầm than, sau khi đã bị người CS lừa đảo bằng việc "giải
phóng miền Nam" v.v...
Tuy nhiên, tác phẩm "Bên Thắng Cuộc" không thể gọi là giả dối, bởi
phần lớn các ghi chép của Huy Đức phụ thuộc vào người được phỏng vấn hay
kể chuyện, tâm sự và các nguồn thông tin khổng lồ mà anh đã buộc phải
đọc đủ và đọc kỹ khi dẫn về - một công việc có thể nói là khổ cực nhất
đối với bất cứ ai cầm bút [*]. Do đó, những chi tiết không chính xác
trong quyển I là điều có thể hiểu được.
Có thể nói về sự thiếu sót của "Bên Thắng Cuộc", nhưng không thể nói
nó chống lại nhân dân hay "tuyên truyền chống nhà nước", bởi vì, điều mà
tôi nghĩ rất quan trọng, chính là những hồi tưởng, chuyện kể từ những
nhân vật "trong cuộc", họ có nói hoàn toàn sự thật với Huy Đức hay
không, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nội dung mà Huy Đức trình bày với
bạn đọc. Nói cách khác, sự trung thực của tác phẩm "Bên Thắng Cuộc" một
phần lớn phụ thuộc vào lời kể, tâm sự, trao đổi, phỏng vấn từ những nhân
vật tiếng tăm, do Huy Đức với hạn chế khách quan [**], không thể nào
làm hài lòng toàn bộ độc giả. Âu đó cũng là lẽ thường tình, một khi tính
đa nguyên hiển nhiên là phạm trù tất yếu của cuộc sống.
Do đó, những băn khoăn, nghi ngờ, đả kích, nên được nhắm vào những
phần cụ thể trong tác phẩm về nhân vật hay sự kiện, biến cố nào đó, hơn
là nhắm vào Huy Đức. Để minh chứng cho luận điểm này, tôi xin trích một
đoạn trong quyển II - Quyền Bính, bằng một nhân vật đang rất "hot" hiện
nay:
Ông Nguyễn Tấn Dũng được điều ra Hà Nội tháng 1-1995, ông bắt đầu
với chức vụ mà xét về thứ bậc là rất nhỏ: thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trước
Đại hội VIII, theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi làm nhân sự Bộ Chính trị, anh Nguyễn Tấn Dũng gặp tôi, nói: ‘Anh em miền Nam yêu cầu tôi phải tham gia Bộ Chính trị’.
Trong khi, thứ trưởng thường trực là anh Lê Minh Hương thì băn khoăn:
‘Ngành công an không thể có hai anh ở trong Bộ Chính trị’. Tôi bàn, anh
Lê Minh Hương tiếp tục ở trong Bộ Công an, anh Nguyễn Tấn Dũng chuyển
sang Ban Kinh tế [***]
Thử hỏi, ông Nguyễn Tấn Dũng với một câu bâng quơ, vu vơ chẳng có chứng cứ gì, chỉ nói... đại "anh em miền Nam yêu cầu..." thông qua lời ông Lê Khả Phiêu,
để "ngọt xớt" bước vô "Bộ chính trị" bằng con đường đi qua "Ban Kinh
tế" hay sao??? Do đó, nếu nghi ngờ tính trung thực về con đường quan lộ
của ông Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ đấy, chúng ta nên đề cập đến sự trung thực của ông Lê Khả Phiêu khi trả lời phỏng vấn Huy Đức, thay vì chĩa mùi dùi vào anh.
Kính mời mọi người cùng tham khảo thêm đoạn văn sau, cũng về nhân vật Nguyễn Tấn Dũng:
Tháng 6-1996, ông Dũng được đưa vào Bộ Chính trị phụ trách vấn đề tài chính của Đảng. Cho dù, theo ông Lê Khả Phiêu,
ông Dũng đắc cử Trung ương với số phiếu thấp và gần như “đội sổ” khi
bầu Bộ Chính trị nhưng vẫn được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, một định
chế mới lập ra sau Đại hội VIII, vượt qua những nhân vật có thâm niên
và đang giữ các chức vụ chủ chốt như Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải. Ông Nguyễn Đình Hương giải thích:
“Nguyễn Tấn Dũng được ông Đỗ Mười đưa đột biến vào Thường vụ Bộ Chính
trị chỉ vì ông Đỗ Mười có quan điểm phải nâng đỡ, bồi dưỡng, con em gia
đình cách mạng. Tấn Dũng vừa là một người đã tham gia chiến đấu, vừa là
con liệt sỹ, tướng mạo cũng được, lại vào Trung ương năm mới ba mươi bảy
tuổi”.[****]
Đọc đoạn văn này xong, tôi cười ngất (cười thật sự về bộ não ngô nghê
của Lê Khả Phiêu, Nguyễn Đình Hương, nếu đây là sự thật). Nếu những lời
từ miệng của ông Lê Khả Phiêu, Nguyễn Đình Hương là
"tự chế", thì quả là họ quá xem thường khi lừa gạt người dân bằng những
lý do rất đần độn khi đề bạt ông Nguyễn Tấn Dũng! Dù là thật hay "tự
chế" - xuất phát từ ông Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Đình Hương
- Huy Đức đã giúp cho người đọc thấy bản chất người CS lúc bấy giờ, nếu
không ngớ ngẩn (thật) thì chỉ là hạng gian hùng trong cách sử dụng
"nhân tài". Rất tiếc, cách trả lời của ông Phiêu, ông Hương càng bộc lộ
thủ đoạn thấp hèn, lời nói chua ngoa.
Do đó, sao lại "bắt tội" Huy Đức qua dẫn chứng sống động như thế?!
Nếu bắt tội Huy Đức vì xúc phạm lãnh đạo, bôi nhọ đảng, có lẽ Nguyễn Phú
Trọng, Trần Đại Quang nên "lên phương án" để hỏi cung 2 ông "lão thành
cách mạng" này là vừa rồi đó! thử hỏi, ai cho phép ông Phiêu, ông Hương
tiết lộ "bí mật quốc gia" động trời như thế này??? Hay lúc đấy lại bảo,
"tại" Huy Đức" "dụ dỗ", "lợi dụng" sự "ngây thơ", tính "trong sáng" của
hai ông "lão thành cách mạng" này? Xin nhớ cho, ông Phiêu đã từng miệt
thị khi gọi ông Nguyễn Tấn Dũng là "THẰNG Y TÁ" [1], có đủ để khởi tố
ông Phiêu về tội danh xúc phạm Thủ tướng chưa nhỉ?!
Nói thêm về nhân vật Nguyễn Tấn Dũng, tự thân Huy Đức đã viết gì?:
Ngay cả khi đã ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, ông Nguyễn
Tấn Dũng vẫn là một con người hết sức nhã nhặn. Ông không chỉ cùng lúc
nhận được sự ủng hộ đặc biệt của các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn
Kiệt, mà những ai biết ông Dũng vào giai đoạn này đều tỏ ra rất có cảm
tình với ông. Theo ông Phan Văn Khải: “Nguyễn Tấn Dũng được cả
ba ông ủng hộ, đặc biệt là ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Tấn Dũng cũng biết
cách vận động. Năm 1997, trước khi lui về làm cố vấn, cả ba ông thậm
chí còn muốn đưa Tấn Dũng lên thủ tướng, tuy nhiên khi thăm dò phiếu ở
Ban Chấp hành Trung ương cho cương vị này, ông chỉ nhận được một lượng
phiếu tín nhiệm thấp”. [****]
Bằng nhận xét tốt đẹp và đầy thiện ý như trích dẫn trên, nếu người
CSVN thay lời cám ơn Huy Đức bằng cách phủ chụp tội trạng nào đó, thì
"ăn cháo đá bát" là hành vi có thể hiểu được của những người không biết
"học và làm theo" đến nơi đến chốn về "đạo đức Hồ Chí Minh" mà ĐCSVN vận
động rầm rộ trên toàn cõi Việt Nam.
Chưa hết, riêng cá nhân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn phải "kết cỏ ngậm vành", mang ơn tới chết
cũng như dạy bảo con cháu đời sau phải ghi nhớ nghĩa tình sâu nặng mà
tiếp tục báo đáp, vì Huy Đức đã giúp họ rửa sạch hàm oan, điều tiếng xấu
xa mà cho đến trước khi "Bên Thắng Cuộc" ra đời, cả thế giới đầy nghi
hoặc và dèm pha về thân thế của ông Nguyễn Tấn Dũng, điều này được chứng
minh qua đoạn văn sau [***]:
Trong một nền chính trị, mà công tác cán bộ được giữ bí mật và phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của một vài nhà lãnh đạo, các giai thoại lại xuất hiện để giải thích sự thăng tiến mau lẹ của một số người. Trong khi dư luận tiếp tục nghi vấn ông Nông Đức Mạnh là “con cháu Bác Hồ”581 [@],
một “huyền thoại” khác nói rằng, cha của ông Nguyễn Tấn Dũng đã “chết
trên tay ông Lê Đức Anh” và trước khi chết có gửi gắm con trai cho Bí
thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu IX Lê Đức Anh. Trên thực tế, cha
ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Tấn Thử, thường gọi là Mười Minh, đã
mất trước khi hai ông Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh đặt chân xuống Quân khu
IX.
Ngày 16-4-1969, một trái bom Mỹ đã ném trúng hầm trú ẩn của Tỉnh
đội Rạch Giá làm chết bốn người trong đó có ông Nguyễn Tấn Thử khi ấy là
chính trị viên phó Tỉnh đội. Một trong ba người chết còn lại là ông
Chín Quý, chính trị viên Tỉnh đội. Trong khi, đầu năm 1970, ông Lê Đức
Anh mới được điều về làm tư lệnh Quân khu IX còn ông Kiệt thì mãi tới
tháng 10-1970 mới xuống miền Tây. Họ có nghe nói đến vụ ném bom làm chết
ông Chín Quý và ông Mười Minh nhưng theo ông Kiệt thì cả hai ông đều
chưa từng gặp ông Mười Minh Nguyễn Tấn Thử. Mãi tới năm 1991, trong đại
hội đại biểu tỉnh đảng bộ Kiên Giang, ông Võ Văn Kiệt mới thực sự biết
rõ về ông Nguyễn Tấn Dũng và cho tới lúc này ông Kiệt vẫn muốn ông Lâm
Kiên Trì, một người mà ông biết trong chiến tranh, tiếp tục làm bí thư
Tỉnh ủy Kiên Giang.
***
Câu chuyện đau lòng "thuyền nhân", "học tập cải tạo" đã được Huy Đức nói thêm chi tiết trong Quyển II - Quyền Bính, như sau:
Khi ấy, đang có 282.000 thuyền nhân Việt Nam ở Malaysia
nơi tổ chức cộng sản chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh đang làm loạn. Đại sứ
Việt Nam tại Indonesia và Malaysia, ông Trần Huy Chương, thừa nhận:
“Chính quyền Malaysia lo sợ cộng sản Việt Nam trà trộn trong những người
Việt tị nạn móc nối với lực lượng cộng sản theo Mao đang hoạt động trên
đất nước họ”...
Trong khi Hà Nội có nhiều nỗ lực để bình thường hóa quan hệ với
các quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tích cực nhắc nhở Hà Nội và
cộng đồng quốc tế quan tâm tới số phận của những quan chức Việt Nam Cộng
hòa đang bị cải tạo trong các trại. Năm 1977, ở Mỹ, bà Khúc Minh Thơ
lập “Hội Gia đình tù chính trị Việt Nam”. Chồng bà Thơ, Đại tá Nguyễn
Văn Bê, lúc ấy đang ở trong trại cải tạo. Hội của bà Thơ đã vận động
giới lập pháp, hành pháp Hoa Kỳ, vận động Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và
cả Đức Giáo hoàng, gây sức ép để Việt Nam thả chồng con của họ. Số phận
những người đã từng làm việc cho đồng minh Mỹ ở Sài Gòn bắt đầu được mặc
cả trên bàn đàm phán279.
Tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã đưa vấn đề giam giữ quá lâu những người một
thời là đồng đội của ông ra chất vấn. Theo Tướng Hạnh thì Chủ tịch Mặt
trận lúc ấy là ông Nguyễn Hữu Thọ, sau đó đã gặp riêng, đề nghị ông
chuyển ý kiến “phát biểu miệng” ấy thành một tham luận đọc trong Đại hội
lần thứ III của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội năm 1988.
Cho dù được Cách mạng “móc nối” rất sớm, Tướng Hạnh đã khôn ngoan
né tránh việc “ra bưng làm ngọn cờ” khi mà cuộc chiến chưa ngã ngũ. Vào
ngày 27-4-1975, Sài Gòn đã bị bao vây bởi “năm cánh quân”, ông mới vội
vã lên Sài Gòn làm điều mà ông tự mô tả là tác động để Tổng thống Dương
Văn Minh sớm đi đến quyết định đầu hàng. Năm 1975, trong khi, biết bao
sỹ quan, binh lính Sài Gòn phải đi cải tạo, phải mất vợ, mất nhà, ông
Hạnh được Chính quyền mới cấp cho một căn biệt thự ở quận Nhất, thay thế
căn nhà của ông ở Thủ Đức đã bị “Cách mạng 30-4 tiếp quản”. Được lời
của ông Nguyễn Hữu Thọ, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh lại “chớp thời cơ”, ghi
chút ít công lao với những đồng đội cũ.
Với đoạn văn giản dị và chân chất như trên, tôi thật không hiểu nổi,
một số người ở Mỹ đang định biểu tình chống "Bên Thắng Cuộc" thì chống
cái gì nhỉ? Lời cảm ơn dành cho Huy Đức không có đã là quá tệ, nay lòng
dạ nào lại làm cái việc "nóng đầu" và "lạnh tim" đến như thế?!
***
"Bên Thắng Cuộc" còn rất nhiều phần hấp dẫn và để lại rất nhiều câu
hỏi đầy nghi hoặc từ chương này đến phần khác mà tôi cho rằng, Huy Đức
như vừa "vỡ hoang" một "mảnh đất lịch sử" chịu hạn hán nghiêm trọng bấy
lâu nay.
Những hoài nghi trong toàn bộ "Bên Thắng Cuộc" có vẻ rất cần nhiều sử
gia, nhà bình luận, nhà phân tích am hiểu và khách quan, cùng sự khả
tín cần có của nhiều ngòi viết nổi tiếng cùng bắt tay tiếp tục làm sáng
tỏ mà "Bên Thắng Cuộc" đã khơi nguồn sự thật.
Huy Đức với 20 năm trằn trọc, đau đáu đi tìm sự thật, anh cũng chỉ đủ
sức "xới" vấn đề lên mà thôi. Cần rất nhiều bàn tay trung thực, nhân ái
khác để tiếp tục đào tận gốc rễ của giai đoạn lịch sử trầm luân mang
kiếp người Việt Nam!
Tôi bỗng chợt nhận ra "Bên Thắng Cuộc", không phải là người Cộng sản
hay "ngụy quân", "ngụy quyền", "ngụy dân" gì cả, mà họ là những người
vẫn đắm chìm trong hận thù, rẽ chia và tái tê về một thuở điêu linh, bất
chấp thời gian đã mài mòn mọi thứ để nổi rõ ngày hôm nay, quốc nạn nội
xâm cùng giặc ngoại xâm đang bắt tay nhau cho một "chế độ nô lệ" kiểu
mới đội mồ sống dậy trên mảnh đất đau thương này!
Sự việc một số người Việt hải ngoại chuẩn bị biểu tình chống "Bên
Thắng Cuộc" cũng như những bài báo đả kích, chụp mũ, vu khống Huy Đức từ
ông Nguyễn Đức Hiển - báo Pháp Luật, cho đến Báo CATP.HCM mới đây [2],
làm tôi bùi ngùi nhớ lại tác phẩm "Let the day perish" [3] mà càng thêm
trân trọng nhân cách của anh - Trương Huy San - Nhà báo Huy Đức.
Trong tác phẩm "Hãy để ngày ấy lụi tàn", Anthony, dù bên ngoài mang
màu da trắng, chàng vẫn lạc lõng và chới với trong một xã hội kỳ thị
chủng tộc tột độ, bởi trong huyết quản với hai dòng máu "trắng - đen",
chàng trai đó chẳng thể nào tìm ra một chốn nương tựa tâm hồn, dù phía
"bên này" hay phía "bên kia". Nhà báo Huy Đức dường như đang ở trong
tình trạng tương tự, tuy nhiên anh mạnh mẽ hơn Anthony, nhân hậu hơn
Anthony, bản lĩnh hơn Anthony, bởi - như anh đã đưa lời nhà thơ Nguyễn
Duy vào trong tác phẩm - “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng thì nhân dân đều bại”.
Tôi biết, Nhà báo Huy Đức đang đứng về "Bên Thua Cuộc" - dân tộc Việt Nam.
Hỡi những ai đang đả kích, xúc phạm, chụp mũ và đe dọa Huy Đức, xin
hãy đừng phạm phải sai lầm như quý vị đã từng làm với Cù Huy Hà Vũ, Trần
Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức
Hồi v.v... Đừng để một ngày ảm đạm nào đó, lương tri của quý vị lên
tiếng tiếc nuối và ân hận. Hãy dừng lại, muộn lắm rồi đó!
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________
p/s: Chân thành cám ơn anh Nguyễn Công Huân đã mua tặng tôi trọn bộ "Bên Thắng Cuộc".
[*] Theo quan điểm của tôi, một tác phẩm như thế này, cái "cực công"
nhất, đôi khi chưa chắc đến từ nội dung mà chính là những nguồn tư liệu
được dẫn về chi tiết, đầy đủ để minh họa cho ý tưởng người viết, cũng
như để thuyết phục độc giả. Mặc dù đôi khi không chắc độc giả đọc hết
các đường dẫn, nhưng nó biểu thị như là tinh thần trách nhiêm nghiêm túc
của Huy Đức. Chính điều này làm cho độc giả thêm tin tưởng vào trách
nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của anh.
[**] về năm sinh - 1962 và Huy Đức bước vào con đường viết chuyên
nghiệp mãi cho đến những năm sau 80', cũng như anh không hề nằm trong
"chăn" của giới chóp bu qua từng thời kỳ, làm sao biết rõ "rận" trong đó
có bao nhiêu con và "phẩm chất" của từng loại "rận" được?!.
[***] Trang 419 Quyển II - Quyền Bính dạng ebook.
[1] Trò chuyện với tướng Đặng Quốc Bảo và cựu TBT Lê Khả Phiêu (Dân Luận)
[****] Trang 420 QUyển II - Quyền Bính dạng ebook.
[@] Ngay cả ông Nông Đức mạnh cũng phải cám ơn hết lời, vì
Huy Đức đã dẫn nguồn và chứng minh thân thế rất rõ ông Nông Đức Mạnh
KHÔNG PHẢI là con của ông Hồ Chí Minh. Mời xem chi tiết quyển
II Bên Thắng Cuộc. Người viết không muốn trích ra để giữ sự tò mò đối
với những ai quan tâm về chi tiết này, bởi dù sao Nông Đức Mạnh hiện nay
đã hết vai trò.
[2] Về quyển sách “Bên thắng cuộc”: Vượt qua sợ hãi hay “chém gió”? (Anh Ba Sàm)
[3] Tựa tiếng Việt: "Hãy để ngày ấy lụi tàn".
Mời đọc thêm: