Hồ Quang Huy
Ngày 10/2/2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để giải quyết vụ thu hồi đầm của anh Đoàn Văn Vươn do UBND huyện Tiên Lãng thực hiện. Sau khi công bố kết luận của Thủ tướng, dư luận cơ bản phấn khởi và đồng tình. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, toàn cảnh vụ việc, bản thân tôi cũng như không ít người còn nhiều băn khoăn và thấy chưa thật sự thuyết phục. Những băn khoăn đó như sau:
1. Theo nhiều nhà lão thành cách mạng nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội đã chỉ rõ việc dùng quân đội để cưỡng chế đất đai là sai luật (ngay Hiến pháp hiện hành tại điều 46 cũng quy định chức năng của quân đội là xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc) nhưng trong kết luận của Thủ tướng không đề cập vấn đề này, vì vậy chưa chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu quân đội và bộ đội Biên phòng của huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng (mà theo tôi có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự). Đem quân đội đi chiến đấu với người dân của mình là rất phản động, là sai lầm chính trị đặc biệt nghiêm trọng không thể nào bỏ qua.
2. Thủ tướng đã kết luận việc UBND huyện Tiên Lãng ban hành quyết định thu hồi đầm của anh Đoàn Văn Vươn là sai nên việc thực hiện cưỡng chế cũng sai dẫn đến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như mọi người đã biết. Không những thế mục đích thu hồi đất rất mờ ám, bởi lúc thì nói chưa thể công khai mục đích thu hồi, lúc thì nói thu hồi để đấu thầu lại, lúc khác lại nói thu hồi để đảm bảo công bằng… Ngoài ra theo dư luận mục đích thu hồi là để giao lại cho một số người có quan hệ rất thân thiết gần gũi với lãnh đạo huyện. Như vậy đã có dấu hiệu của “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự.
Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử. Vậy tại sao không chỉ đạo Bộ Công an khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”? Việc UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đầm và tổ chức cưỡng chế sai là mấu chốt của vấn đề, là nguyên nhân dẫn đến các vụ án khác (Lạm dụng nhu cầu quân sự, hủy hoại tài sản, sử dụng vũ khí trái phép) vì vậy không khởi tố vụ án này là không chấp nhận được.
3. Theo dư luận cũng như lời thú nhận của người trực tiếp tham gia phá nhà anh em anh Vươn thì chính chính quyền đã tổ chức và thuê họ hủy hoại nhà. Vậy mà ông Đỗ Trung Thoại và Đỗ Hữu Ca lại vu khống cho nhân dân. Đặc biệt ông Thoại phát biểu việc này trong buổi họp báo tức là đã nhân danh UBND thành phố Hải Phòng. Vậy chính UBND thành phố Hải Phòng đã vu không cho nhân dân. Do đó tính chất lời phát biểu của ông này là đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt phản động chứ không phải đơn giản là phát biểu của một cá nhân. Còn ông Ca là người đứng đầu ngành Công an, là lực lượng bảo vệ sự bình an cho nhân dân mà lại điều động và chỉ huy lực lượng này đối đầu với nhân dân một cách quá mức cần thiết. Thế mà ông còn rất hả hê khoe thành tích trên mặt báo thế này đây: “Vụ việc hôm ấy tuy không bắt được đối tượng, nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hợp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo không có cuộc diễn tập nào thành công như cuộc diễn tập lần này. Một là anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa bao giờ có trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả.” Rõ ràng quan điểm chính trị của ông Ca đi ngược lại 180 độ với những gì Đảng và nhà nước vẫn thường nói với nhân dân là “chính quyền của dân, do dân, vì dân”.
Ông đã coi nhân dân là đối tượng cần phải chiến đấu và chiến đấu tới cùng, trong khi gia đình anh Vươn chỉ chống trả lực lượng cưỡng chế khi và chỉ khi lực lượng này quyết tâm cưỡng đoạt tài sản của gia đình họ. Những việc làm, lời nói của ông Thoại, ông Ca là cực kỳ phản động gây phản ứng mạnh trong dư luận trong nước cũng như dư luận quốc tế, ảnh hưởng xấu đến uy tín Đảng và Nhà nước. Vậy mà không thấy Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hai ông này. Chỉ riêng các phát biểu nói trên của hai ông, theo tôi cũng phải khai trừ ra khỏi đảng, buộc thôi việc.
4. Trong buổi làm việc của Thủ tướng có lãnh đạo thành phố Hải Phòng, như vậy Thủ tướng phải biết rõ ai trong UBND thành phố Hải Phòng đã chấp thuận đề nghị cưỡng chế trái pháp luật. Vậy tại sao Thủ tướng không đưa ra hình thức xử lý mà lại giao cho lãnh đạo Hải Phòng kiểm điểm làm rõ? (dù ai chấp thuận cưỡng chế thì Chủ tịch thành phố cũng phải chịu trách nhiệm do đó Thủ tướng phải xử lý kỷ luật ông này).
5. Việc thu hồi đầm của anh em Đoàn Văn Vươn là sai, họ đã khiếu nại nhưng không ai giải quyết, kiện ra tòa thì tòa bênh vực chính quyền, như vậy việc bảo vệ tài sản bằng con đường pháp lý đã bị chặn đứng nên họ dùng vũ lực để bảo vệ tài sản là điều đương nhiên. Do đó khởi tố anh em Đoàn Văn Vươn về tội “giết người” là không chính xác mà chỉ có thể khởi tố về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ” theo điều 233 BLHS (Nếu tôi không nhầm thì súng bắn đạn hoa cải thuộc danh mục vũ khí thô sơ, còn nếu là vũ khí quân dụng thì áp dụng điều 230 BLHS). Thử hỏi nếu họ không đứng lên bảo vệ tài sản của mình bằng vũ khí thì liệu có ai biết đến việc phi pháp của chính quyền và số phận anh em gia đình họ cũng như hàng ngàn dân oan mất đất khác mà thôi.
6. Như trên đã nói ông Đỗ Hữu Ca là người có liên quan trực tiếp đến vụ cưỡng chế, ông cũng có những phát biểu bênh vực, bao che cho những người hủy hoại nhà anh em anh Vươn bằng cách vu khống cho nhân dân. Vậy dưới sự lãnh đạo của ông ta thì làm sao việc điều tra vụ án hủy hoại nhà anh Vươn khách quan được? Chính vì vậy đáng lẻ Thủ tướng phải chỉ đạo Bộ Công an khởi tố vụ án này mới đúng chứ không phải yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan thành phố khởi tố, điều tra.
7. Việc chính quyền hoặc các tổ chức công quyền khác tìm cách bao biện một cách có tổ chức cho những sai phạm của chính mình hoặc cấp dưới vẫn thường xảy ra. Vụ việc này cũng nằm trong thông lệ đó, thể hiện qua việc phát biểu của ông Đỗ Trung Thoại, Đỗ Hữu Ca như nói trên hoặc như chánh văn phòng UBND huyện hay như truyên truyền có tính áp đặt, định hướng ngược với sự thực cho 300 đảng viên của Huyện ủy huyện Tiên lãng. Ngoài ra, như trong kết luận của Thủ tướng việc lãnh đạo Hải Phòng báo cáo với Thủ tướng không nghiêm túc, không chính xác cũng có dấu hiệu bao che cho sai phạm của cấp dưới. Vậy sao Thủ tướng không chấn chỉnh? Nếu cá nhân bao biện thì có thể chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng các tổ chức công quyền bao che cho nhau có tổ chức thì phải coi là một một việc nghiêm trọng.
Với những gì Thủ tướng đã giải quyết trong vụ này đã lấy lại phần nào lòng tin trong nhân dân, tuy nhiên, như đã nói trên đây thì việc giải quyết như vậy chỉ đạt được một nửa vấn đề, mà là nửa non. Nếu nhân dân được chấm điểm cho Thủ tướng và với thang điểm 10 thì tôi tin chắc ông chỉ đạt cỡ 4 điểm là cùng (trong vấn đề cụ thể này). Giả sử Thủ tướng và các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết vụ này hoàn toàn triệt để, mỹ mãn thì cũng chỉ giải quyết một việc cụ thể, nhưng chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề do đó nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự thậm chí nghiêm trọng hơn vẫn còn đó. Với những gì đã nói trên đây, tôi cho rằng vụ việc cụ thể ở Tiên Lãng nói riêng và xung đột giữa người dân với chính quyền nói chung vẫn chưa khép lại.
Với những gì Thủ tướng đã giải quyết trong vụ này đã lấy lại phần nào lòng tin trong nhân dân, tuy nhiên, như đã nói trên đây thì việc giải quyết như vậy chỉ đạt được một nửa vấn đề, mà là nửa non. Nếu nhân dân được chấm điểm cho Thủ tướng và với thang điểm 10 thì tôi tin chắc ông chỉ đạt cỡ 4 điểm là cùng (trong vấn đề cụ thể này). Giả sử Thủ tướng và các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết vụ này hoàn toàn triệt để, mỹ mãn thì cũng chỉ giải quyết một việc cụ thể, nhưng chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề do đó nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự thậm chí nghiêm trọng hơn vẫn còn đó. Với những gì đã nói trên đây, tôi cho rằng vụ việc cụ thể ở Tiên Lãng nói riêng và xung đột giữa người dân với chính quyền nói chung vẫn chưa khép lại.
Dư luận cũng đặt vấn đề: nếu không có sự lên tiếng của các lão thành cách mạng, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí trong hơn một tháng qua thì liệu chừng kết quả có được như ngày hôm nay? Nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận thì chắc Đoàn Văn Vươn chỉ được biết đến như là một tên tội phạm nguy hiểm với sự căm ghét của mọi người.
Qua vụ việc này là một minh chứng sống cho vai trò quan trọng của tự do ngôn luận, tự do báo chí trong việc bảo về công lý, bảo vệ người dân cũng như xây dựng một thể chế trong sạch vững mạnh.
Nha Trang, ngày 13 tháng 02 năm 2012
Hồ Quang Huy
Hồ Quang Huy