Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Thủ tướng và Tiên Lãng

Cánh Cò
 
Thế là gia đình anh Vươn nói riêng và người dân Tiên Lãng nói chung thở phào cất gánh nặng ngàn cân trong lòng sau khi ông Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam thông báo với báo chí ý kiến của Thủ tướng.
Người trong cuộc mừng rỡ vì Thủ tướng đã kết luận vụ cưỡng chế là bất hợp pháp do đó đất đai của anh Vươn phải được giao trả lại cho gia đình anh. Từ kết luận này những hộ có tình trạng thuê đất như gia đình anh Vươn xem như thoát nạn cưỡng chế. Vợ anh Vươn lập tức cám ơn Thủ tướng trên báo VNnet và sự chân thành của chị làm cho mọi người xúc động.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam người đứng đầu chính phủ đã có quyết định đứng đắn nhằm giải quyết một vấn đề gây bức xúc xã hội mà nguyên nhân chính nằm sâu xa trong chính luật đất đai của Việt Nam. Trong văn bản ghi lại toàn ý kiến của Thủ tướng loan tải rộng rãi trên báo chí có câu ông nói rất cũ, rất điển hình của chế độ khi có bất cập trong cách giải quyết vấn đề:
"Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế."

Câu thần chú này có thể xem là cách xoa dịu và trấn an dư luận tuy ai cũng thấy rằng nó không còn hiệu nghiệm như những ngày đầu dành chính quyền của Đảng cộng sản Việt Nam. "Xoa dịu" vì những cái chết oan khiên của người dân do các chính sách hồ đồ tạo ra, từ Cải cách ruộng đất, tới Nhân Văn Giai phẩm. "Trấn an" người dân vì trình độ ấy, năng lực ấy tuy yếu ớt, bất cập nhưng sẽ được khắc phục sau khi những sai lầm bị phát hiện.
Người dân đã nghe rất nhiều lần trong đời sống của họ câu thần chú này qua chiếc loa phường. Điều đáng thất vọng ở đây là Thủ tướng không nên che chắn cho Hải Phòng cho dù sự che chắn này tương đối nhẹ nhàng và vô hại.
Khi ông Đam bước ra phòng họp báo để gặp gỡ báo chí, câu đầu tiên ông nói là Thủ tướng "đã cảm ơn báo giới đã thông tin kịp thời đầy đủ, đa dạng, đưa ý kiến phân tích của nhiều giới khác nhau, nhìn vụ việc đa chiều, đóng góp tích cực cho cơ quan chức năng nhìn nhận rõ vụ việc và đưa ra hình thức xử lý phù hợp."
Nỗi mừng chưa kịp lắng xuống thì toàn văn kết luận của Thủ tướng sau đó trên báo chí lại có thêm vài hạt sạn tiếp theo sự cám ơn này:
"Yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Người ta tự hỏi nếu vừa rồi vụ Tiên Lãng có sự phối hợp của Bộ 4 T và Ban tuyên giáo Trung ương thì kết quả có được như vậy không? Bằng chứng cụ thể là các phương tiện truyền thông của Hải Phòng đã viết bài, quay phim hoàn toàn đi ngược lại với sự thật về Tiên Lãng. Bộ 4 T là cơ quan chủ quản của hệ thống truyền thông quốc doanh Hải Phòng nhưng chọn thái độ im như thóc, hoàn toàn không một ý kiến gì và người đọc báo hơn ai hết thấy rất rõ đây là trường hợp "Ba bộ đồng tình... bóp vú con tôi" trong đó có Bộ Thông tin - Truyền thông.
Còn Ban Tuyên Giáo Trung Ương? Chắc Thủ tướng không nghe ai báo cáo về trường hợp của ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng có những phát ngôn cho là nhiều cán bộ về hưu ăn nói quàng xiên vì không về Tiên Lãng để nắm tình hình. Những tuyến bố "chậm phát triển" này của một trưởng ban tuyên giáo cấp Huyện có làm cho người ta tin tưởng vào sự công tâm của Ban Tuyên Giáo Trung Ương hay không nếu ai đó vẫn còn tin rằng "rau nào sâu nấy"?
Trước đây ba ngày, khi bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành tuyên bố đình chỉ công tác các cán bộ sai phạm và nhận khuyết điểm trước Bộ Chính Trị thì con bài tẩy đã lật ra cho thấy thông điệp của Bộ Chính Trị gửi cho các lãnh đạo Hải Phòng là rõ ràng. Để nhắc cho dư luận biết sự "nghiêm túc" của Lãnh đạo Hải Phòng, trong kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng ông tuyên bố: "Thủ tướng hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ việc này".
Như vậy là Hải Phòng không lo Bộ Chính Trị trảm vì đã biết nhận khuyết điểm cho dù muộn, rất muộn.
Quay lại với gia đình Đoàn Văn Vươn, việc mà người dân, báo chí theo dõi và quan tâm nhất là số phận tù tội của Đoàn Văn Vươn và những người em của anh ta. Nếu đất được trả lại cho gia đình là một niềm vui nhưng bản án khép lại với hình phạt tối đa theo luật tố tụng hình sự thì nào có nghĩa gì khi đất ấy không còn ai canh tác. Bi kịch nhà anh Vươn được báo chí và các trang mạng chia sẻ tận lực và tuy không nói ra nhưng ai cũng mong những nạn nhân này sẽ được tha thứ vì chính cái ác của chính quyền đã đẩy họ vào đường cùng. Sự chờ đợi của mọi người đã được Thủ tướng ghi nhận:
"Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng".
"Kiến nghị" của Thủ tướng cho dù có được tòa án nghe theo hay không cũng đã phần nào làm cho dư luận bớt ngồi trên lửa. Nếu Bộ Chính Trị đã dùng Tiên Lãng như một phép thử đối với việc chỉnh đốn Đảng thì tòa án nào được giao xét xử Đoàn Văn Vươn cũng sẽ nhận nhiệm vụ quan trọng không những chuẩn mực và công tâm trong việc áp dụng luật với tất cả các chi tiết giảm nhẹ tội danh mà chính tòa án lần này sẽ chứng tỏ sức mạnh và sự hiều biết của mình tới đâu.
Hải Phòng đừng để Thủ tướng phải lập lại câu: "Trình độ, năng lực cán bộ quản lý tư pháp, nhất là ở Hải Phòng còn nhiều hạn chế."
__________________________

Chưa thỏa mãn với kết luận của Thủ tướng

Chúng tôi hết sức hoan nghênh ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng, dám đề cập thẳng vào "cái đinh" trong toàn bộ kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự kiện Tiên Lãng. Kết luận rằng hành vi cưỡng chế đất đai của cấp chính quyền huyện Tiên Lãng là sai trái là điều ai cũng đự đoán trước, vì kết luận ngược lại thì nhân dân sẽ đánh giá người đứng đầu trong bộ máy những người cầm quyền hiện nay ra gì nữa, nếu không phải là không bình thường thì hẳn cũng là người bao che cho kẻ cố ý phạm tội mà thôi.
Kết luận rằng việc phá nhà của anh em ông Đoàn Văn Vươn là sai trái cũng rất dễ hiểu, vì cái sai đã bày ra đấy, ai mà chẳng thấy rõ mồn một.
Nhưng kết luận hành động tự vệ của anh em ông Đoàn Văn Vươn là phạm tội giết người thì không ai chấp nhận được. Đối với một đám người có đủ phương tiện vật chất trong tay, hùng hổ kéo đến cưỡng chế một cách sai luật, đầm hồ nuôi cá của vài ba người dân tay không tấc sắt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ người lính trở về liền cùng gia đình quần quật quai đê lấn biển để sản xuất và sản xuất rất có hiệu quả, thì đó là người dân lương thiện chứ còn ai vào đấy; gọi bọn đó là "chính quyền" thì vô hình trung tự mình đã đồng nhất chính quyền chính danh với bọn ăn cướp mất rồi, thử xem một cách gọi như vậy có tự xác nhận bản chất của chính cái chính quyền mà mình cầm chịch hay không? Và khi mà người dân đứng trước một bọn cướpngày trắng trợn thì cần phải làm gì để bảo vệ tính mạng của mình, nếu chẳng phải là có quyền dùng mọi phương tiện phòng thù mà mình có? Huống chi đây, quả mìn của anh em ông Đoàn Văn Vươn lại không hề bỏ thêm tí sắt vụn nào cả, nếu không thì đã làm toi mấy mạng của những kẻ thừa hành lệnh của đám cướp ngày kia chứ đâu có bị thương xoàng. Vì thế, dẫu rằng tuyên xưng vô tội cho anh em ông Đoàn Văn Vươn phải là cơ quan trực tiếp thi hành pháp luật, nhưng người đứng đầu bộ máy cũng nên dùng một cách nói đúng thực chất hơn thì mới hợp lòng dân và tỏ ra mình có chút tình người.
Một mặt thứ hai là đối với những vị đang lãnh đạo thành phố Hải Phòng kể từ bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền, sao trong thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ông Thủ tướng lại chỉ đặt vấn đề kiểm điểm (đành rằng sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có tuyên bố rằng “sẽ xem xét kỷ luật lãnh đạo TP Hải Phòng)? Chẳng lẽ ông không biết rằng nếu không có một cái gật đầu của bọn họ thì bọn ăn cướp ở Tiên Lãng dù có máu tham bằng mười cũng chẳng dám ho he sao? Ông có nghĩ rằng nếu cướp được chừng ấy đầm của ông Vươn, đám cướp Tiên Lãng đâu có dám ăn lấy một mình, còn phải cống nộp nữa chứ. Hãy cứ xem cái mặt núc ních của Đại tá Ca thì cũng đủ đoán biết ông ta là người như thế nào, và chắc chắn không phải vô cớ và vô tư khi ông ta tỏ ra rất hể hả nói rằng việc phá nhà ông Vươn ông Quý là một trận đánh tuyệt đẹp đáng viết lại thành sách mẫu mực về chiến công của công an và bộ đội thời buổi này.
Có cần xử trí đám người đó đúng mức hay không hay chỉ kiểm điểm là đủ? Điều này tùy thuộc vào cách đánh giá nguy cơ thoái hóa phẩm chất các cán bộ đảng viên của cái cơ chế hiện nay của ông Thủ tướng, riêng chúng tôi coi việc bỏ qua cho họ là một nguy cơ dẫn đến những hậu quả khôn lường mà không cần chờ lâu đâu, sẽ nhìn thấy nhãn tiền thôi.
Bauxite Việt Nam
Luật gia Lê Hiếu Đằng nói ông "hơi thất vọng" về kết luận của Thủ tướng quanh vụ Tiên Lãng.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, nói ông "hơi thất vọng" về kết luận của Thủ tướng quanh vụ Tiên Lãng.
"Tôi hơi thất vọng về kết luận của Thủ tướng, mặc dù Thủ tướng xác nhận việc làm của Hải Phòng và Tiên Lãng là sai trái".
"Thủ tướng vẫn nhắc lại tội giết người, chống người thi hành công vụ của ông Vươn. Theo tôi và nhiều người khác, đó không phải là tội".
"Đó là hành động tự vệ. Nếu ông không có hành động đó, chắc gì vụ giải tỏa tạo thành làn sóng phẫn nộ của xã hội, tạo áp lực để chính phủ phải ra tay".
"Nếu ông không làm vậy, dứt khoát chính phủ sẽ không để ý đến, và Hải Phòng, Tiên Lãng sẽ thực hiện được hành vi trái pháp luật của mình".
Nguồn: bbc.co.uk

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"