Ý KIẾN CỦA MỘT ĐỘC GIẢ NGƯỜI TIÊN LÃNG TRÊN TRANG BA SÀM
Vụ Đoàn Văn Vươn: Ý kiến của một độc giả người Tiên Lãng trên trang Ba Sàm
Đôi lời của Ba Sàm:
Đây là phản hồi của một độc giả lấy bút danh là “Nông Dân”, đã được BS
biên tập, bổ sung ghi chú, hình ảnh đôi chút, xin đăng lên để thêm
thông tin về vụ việc thu hút sự quan tâm hiếm có của đồng bào cả nước
chỉ trong một thời gian ngắn.
NÔNG DÂN
Là
người đang sống ở Tiên Lãng, Nông dân tôi cố đưa ra cái nhìn khách
quan nhất về sự kiện Đoàn Văn Vươn. Để tránh một phản hồi quá dài, tôi
sẽ chia làm ba phần và nhờ AnhBaSam lần lượt gửi cho những ai quan tâm.
Phần 1: Đất và người Tiên Lãng (comment lúc 08:42 ngày 29/01/2012).
Phần
2: Quá trình khai thác bãi bồi ven sông, biển và cái gọi là thu hồi
của huyện Tiên Lãng (comment lúc lúc 09:26 ngày 30/1/2012)
.
Tiên
Lãng là một vùng đất nằm ở phía Nam Thành phố biển Hải Phòng. Mảnh đất
đầu sóng ngọn gió có từ hơn hai nghìn năm, đã được ghi lại qua nhiều
dấu ấn lịch sử văn hoá:
Miếu
thờ ba chị em họ Tạ là Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Ráng và Tạ Đoan Dung ở xã
Tiên Minh. Họ là những người đã tập hợp người dân địa phương thành một
đội quân gồm cả nam lẫn nữ rất đông, kéo về Mê Linh tụ nghĩa. Khi khởi
nghĩa Hai Bà Trưng thất bại họ rút quân về quê tiếp tục kháng chiến,
nơi đó là mảnh đất cuối cùng Mã Viện bình định được.
Tiên
Lãng là nơi có danh tướng Ngô Lý Tín có công lớn đã làm đến chức Thái
phó thời nhà lý, chọn là nơi trở về với đất trời (tại làng Cẩm Khê – Xã
Toàn Thắng) đến nay đền thờ Gắm vẫn còn.
Tiên
Lãng có ngôi cổ tự được xây dựng từ thời nhà Lý cách đây trên 800 năm.
Tại đây đã có rất nhiều các bậc cao Tăng trụ trì và hành đạo, nay được
tôn tạo thành chùa Phúc Thắng ở thôn Mỹ Lộc – xã Tiên Thắng.
Tiên
Lãng là quê hương của Hộ bộ thượng thư Nhữ Văn Lan *, thân phụ của bà
Nhữ Thị Thục một bậc nữ lưu tài hoa, người đã mang tài học về Lý số của
mình truyền cho con trai là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm *.
Từ
đời nhà Mạc để giúp dân Tiên Lãng chống chọi với bão gió, triều cường
vỡ đê, lụt lội, Mạc Đăng Dung đã cho tôn cao một giải đất chạy dài dọc
theo sông Thái Bình từ xã Bắc Hưng, vắt qua Tiên Minh, Đoàn Lập tới bến
Đò Hàn, để đến hôm nay người dân ở đó còn biết nơi họ đang ở, làng xóm
của họ, được xây dựng trên đường nhà Mạc khi xưa. Cách làm này, có
phải ngày nay đang được áp dụng với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp có bao nhiêu Làng, Xã ở huyện
Tiên Lãng được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng? Nó đủ nói lên sự
mất mát hy sinh của người dân Tiên Lãng ở thời kỳ này.
Tiên
Lãng rất nghèo, bạn có thể gặp trên khắp mọi miền của đất nước, những
người xuất thân từ Tiên Lãng đang sinh cơ lập nghiệp. Nhưng chắc chắn
sẽ không ai gặp một người Tiên Lãng đang đi ăn mày.
Viết
những dòng này Nông dân tôi chỉ muốn nhắc nhỏ những ai đang coi người
dân Tiên Lãng nói riêng, người dân Hải Phòng hay người dân cả đất nước
Việt Nam chỉ là những đối tượng phải “giáo dưỡng”, “thuần hóa” thì họ
đang nhầm.
PHẦN II- Quá trình khai thác bãi bồi ven sông, biển và cái gọi là thu hồi của huyện Tiên Lãng
Vào
đầu những năm 80 của thế kỷ 20, phần bãi bồi hàng nghìn ha ở hai cửa
sông Thái Bình và Văn Úc và bãi bồi biển Vinh Quang đều để hoang hóa.
Năm
1988 Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đảng CS VN được thực thi, lúc này
chức năng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại. Nền sản xuất
hàng hóa trong nông nghiệp bắt đầu hình thành và ngày càng phát triển.
Đất đai tư liệu sản xuất chủ yếu của người Nông dân được khai thác ngày
càng hiệu quả. Ở Tiên Lãng những năm này bắt đầu có nhu cầu khai thác
vùng bãi bồi ven sông, ven biển. Đầu tiên là việc chính quyền một số
xã, thông qua các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức đắp đê khoanh vùng
tại các bãi triều ven sông, với mục tiêu nuôi trồng thủy sản, nhưng
hoàn toàn thất bại, chỉ sau mấy tháng phần đê các hợp tác xã đắp phần
lớn bị trôi phẳng.
Cuối
những năm 80 đầu những năm 90 do Việt Nam bình thường hóa quan hệ với
Trung Quốc, vùng biên giới được thông thương, một số thủy sản trước kia
chỉ là sản phẩm phụ nay được giá (ví dụ 1kg cua có thể đổi được 10 kg
gạo), vì vậy phong trào đắp đê tạo vùng nuôi trồng thủy sản bắt đầu
phát triển. Ban đầu một số hộ dân ký hợp đồng trực tiếp với chính quyền
các xã, hoặc các hợp tác xã nông nghiệp, họ hoàn toàn không có sự hỗ
trợ tài chính nào từ chính quyền, vì vậy đòi hỏi họ phải có chút ít
tiềm lực, đặc biệt phải có nhiều nhân lực (như gia đình Đoàn Văn Vươn
có tới 7 anh chị em).
Khi
luật đất đai năm 1993 có hiệu lực, chính quyền huyện bắt đầu phải giao
đất cho các chủ đầm theo luật định và mặc nhiên quyền quản lý các đầm
trên các vùng bãi bồi thuộc thẩm quyền của huyện. Việc này giúp các chủ
đầm yên tâm hơn trong việc đầu tư và có thể dùng giấy quyền sử dụng
đất thế chấp vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Kết quả phong trào khai
thác các bãi bồi ven sông, cửa biển phát triển rất mạnh. Từ đó đã hình
thành sự liên kết của các chủ đầm, để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm,
giúp đỡ lẫn nhau.
Việc
giao đất theo thời gian ngẫu hứng là cách nghĩ của các quan huyện “tao
không làm được, nhưng “tao biết”, giao cho chúng mày từng đó năm là có
lãi rồi“. Điều này có phạm luật hay không xin nhường cho các cơ quan
hữu quan “đối chất”. Còn việc nói khi giao đất, các chủ đầm có hợp đồng
với huyện, khi hết hạn bị thu hồi không đòi hỏi phải bồi hoàn tài sản,
là phát ngôn láo toét.
Trở
lại trường hợp thu hồi đầm của Đoàn Văn Vươn và một số chủ đầm khác ở
Tiên Lãng đợt này. Huyện đã giao quyết định thu hồi cho các chủ đầm
nhưng đều bị các chủ đầm phản đối mạnh mẽ, vì tính phi lý của nó, vì
tấm gương của chủ đầm Thảo (tôi quên mất họ) * với 70 ha bãi bồi ở xã
Tiên Thắng, đã bị chính quyền huyện thu hồi và hành xử như thế nào
(điều này phải hỏi nguyên lãnh đạo Lưu Quang Yên sẽ rõ!). Mâu thuẫn hai
bên ở thời điểm này đã mang tính đối kháng.
Tưởng
ý mình có thế bưng bít và đứng trên pháp luật, dân là đối tượng không
cần quan tâm, Lê Văn Hiền và một số lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn quyết
định thực hiện cưỡng chế và chọn gia đình Đoàn Văn Vươn là điểm bắt đầu
với các toan tính:
– Thứ nhất: anh em Đoàn Văn Vươn là những người hiền nhất trong các
chủ đầm của huyện, lại theo công giáo và rất tôn trong pháp luật sẽ
không dám chống đối những người được coi là “thi hành công vụ”.
-
Thứ hai: anh em Đoàn Văn Vươn đang sử dụng đầm trên 40 ha tại xã Vinh
Quang nơi có Lê Văn Liêm làm chủ tịch xã, Vươn lại là người xã khác.
Hai điều này có thể thuận lợi, để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ
và nhân dân xã.
- Thứ ba: các chủ mới đã thỏa thuận xong, giao kèo ngầm đã được ký kết. chỉ còn đợi ra “công khai” đấu thầu.
Có thể nói chính quyền huyện Tiên Lãng đã tính toán rất kỹ, nên mới
hơn 7 giờ sáng khi chủ đầm Đoàn Văn Vươn còn đang to tiếng với các cán
bộ xã, huyện tại UBND xã Vinh Quang, thì trước đó một mũi khác của đoàn
cưỡng chế đã bắt đầu xuống đầm và pháo phát nổ, súng phát hỏa xảy ra ở
thời điểm này.
Rất
nhiều khả năng dù đoàn “cưỡng chế” có vào khu đầm bình thường, thì gia
đình Đoàn Văn Vươn vẫn có người bị bắt vì một lý do theo kịch bản đã
có sẵn.
Điều này căn cứ vào câu nói của một lãnh đạo tham gia đoàn cưỡng chế “hỏng mất kế hoạch, nhưng gia đình nó bị bắt hết cũng đủ răn đe rồi”.
Vì
vụ án còn trong quá trình điều tra Nông dân tôi chỉ xin thông tin như
vậy (việc lộ bí mật trong quá trình điều tra, pháp luật đã ngăn cấm).
Thông
tin thêm: bí thư huyện ủy Tiên Lãng hiện nay là đồng chí Bùi Thế Nghĩa
nguyên là sinh viên khoa văn đại học Tổng Hợp, chưa biết có mê “Kiều “
hay không, nhưng rất thích bàn văn và bình thơ. Đồng chí chủ tịch Lê
Văn Hiền mới hơn ba năm nhận nhiệm vụ đã luôn có được “ủng hộ” và
“thống nhất” của các cán bộ, ban ngành trong huyện ở rất nhiều công
việc.
Luật
đất đai ảnh hưởng nhiều nhất tới hơn 70% dân số là Nông dân chúng tôi.
Trước khi ban hành các bác cũng nên hỏi chúng tôi một tiếng! Đừng để
xảy ra sai phạm quá trầm trọng, các bác mới tìm nhau “đối chất “ thì
khó cho Nông dân lắm lắm.
PHẦN III- “Trấn áp tội phạm”, “Bảo vệ hiện trường” và cách xử lý hậu quả của lãnh đạo Hải Phòng
Việc
cưỡng chế khu đầm Đoàn Văn Vươn chỉ là một vụ cưỡng hành chính. Có sự
tham gia của các phòng ban chức năng, dân, chính, đảng tất nhiên có lực
lượng công an. Nhiệm vụ chính của Công an là để giữ gìn trật tự đảm
bảo cho hoạt động cưỡng chế diễn an toàn ra đúng pháp luật. Công an chỉ
xử lý những hành vi quá kích cản trở những người đang làm công tác
cưỡng chế.
Công
an Tiên Lãng chưa thực hiện đúng chức năng khi tham gia cưỡng chế, bỏ
mặt các tổ công tác và giữ gìn trận tự an toàn trên đê, lại xông thẳng
xuống đầm. Hình ảnh này tạo cho Đoàn Văn Quý có cảm giác như đang bị
truy đuổi, không làm chủ được bản thân, dẫn đến nổ súng và hậu quả đáng
tiếc 6 cán bộ chiến sĩ của lực lượng của huyện đã bị thương.
Vụ
việc lúc này đã thực sự trở nên nghiêm trọng, đối tượng đang là chủ sử
dụng đầm bị cưỡng chế phút chốc trở thành tội phạm sử dụng vũ khí nóng
chống người thi hành “công vụ”. Tin tức được truyền đi chắc chắn nó đã
được đồn thổi. Đây là lúc cần bản lĩnh và sự trải nghiệm ở người đứng
đầu lực lượng công an thành phố.
Việc
điều lực lượng bổ sung xuống hiện trường để trấn áp “tội phạm” là cần
thiết. Nhưng vừa nhận tin dồn dập về thương vong, về hiện trường, lại
phải tập hợp các đồng chí trong ban giám đốc và các phòng ban chức
năng, rồi còn phải báo cáo xin chỉ thị của cơ quan cấp trên, không biết
các “bộ não” đang sử dụng con chíp được lắp từ thế kỷ trước có xử lý
kịp không? (câu hỏi này là của cháu tôi).
Tới
nửa buổi sáng các lãnh đạo công an thành phố lần lượt xuất hiện cùng
với lực lượng hùng hậu, xe lớn, xe nhỏ và các thiết bị mà Nông dân
chúng tôi chưa bao giờ được mục kích. Phần lớn lãnh đạo chưa đặt chân
đến Cống Rộc, làm sao hiểu hết thực địa đầm và con người của Đoàn Văn
Vươn.
Thế
là lại nghe báo cáo, lại hội ý, xin ý kiến, vác loa kêu gọi, yêu cầu
đối tượng bỏ vũ khí đầu hàng, triển khai lực lượng nhích dần từng bước,
thậm thà thậm thụt, áp sát mục tiêu và đinh linh là ở đó có ba đối
tượng nam và một đối tượng nữ đang cố thủ! Ai đã biết những người trong
gia đình Đoàn Văn Vươn đều hiểu, họ sẽ hoảng hốt mà bỏ chạy, ngay khi
nhìn thấy họ đã dùng súng làm bị thương một số người.
Đại
tá Ca bắt đầu làm thất vọng rất đông người dân ở đó, khi cho phép nã
đạn vào ngôi nhà đang có nghi can ẩn lấp. Càng thất vọng hơn khi người
dân chứng kiến cảnh bắt, đánh đập đàn bà và trẻ con trước mặt mọi
người. Ngay cả các đồng chí là sỹ quan mà vẫn không can ngăn (không
hiểu người dân cả nước sẽ nghĩ gì khi họ được mục kích những cảnh
này).
Nói
về hiện trường, Giám đốc Ca là người mặc áo chống đạn cầm loa chỉ đạo
“tác chiến” trực tiếp và là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường.
Phải biết hơn ai hết, đấy không phải là nơi có hầm ngầm, bong ke cố thủ
mà là nơi sống của một gia đình lao động với quần áo, chăn màn, gường
chiếu bàn tờ tổ tiên… (chắc chắc đại tá Ca hiện nay cũng có các bức ảnh
đẩy đủ nội thất căn nhà, sau khi lực lượng công an đã làm chủ ).
Còn
những cái thu được tại hiện trường, ngoài bọc ni lông gói thuốc nhồi
đạn hoa cải có thể coi là bất thường, còn những vật khác như hai bình
ga, mấy con dao phay, vài tuýp sắt, cái bình ăc quy, cuộn dân điện, cả
cái ống nhòm nếu được coi là vũ khí gây án nguy hiểm, thì người dân
Việt Nam phải dùng đồ vật bằng gỗ, hay quay lại thời kỳ đồ đá cho an
toàn!
Đoàn
Văn Quý chỉ có nguyện vọng là được ra đầu thú ở Công an thành phố, xem
ra chưa hợp lý lắm. Hơn 20 ngày mà lực lượng Công an thành phố còn
chưa tìm ra được ai là chủ nhân cái máy ủi to như con voi đã ủi nhà
Đoàn Văn Quý, thì làm sao có đủ năng lực tìm ra nơi đã bán hai bình ga
(là đại lý hay bãi sắt vụn), hay như đối tượng đã mua xăng ở đâu để tẩm
bao nhiêu rơm đang phơi trải dọc một đường dài từ ngoài vào nhà. Không
biết khi Bộ vào, có tìm ra không nhỉ?
Qua
những lời trả lời báo trí một, vài ngày sau đó, Nông dân tôi cho rằng
lúc đó đại tá Ca đang thăng hoa với thắng lợi về một trận đánh “đẹp”,
vượt qua những tình thế chưa bao giờ có trong “giáo án” . Chắc chắn
những báo cáo đầu tiên với các cơ quan cấp trên, là những đánh giá đủ
làm an lòng cấp trên về cách thức xử lý của Công an thành phố.
Nhưng
với những người dân Tiên Lãng đây là một một chấn động mạnh mẽ, vượt
lên trên sợ hãi là tình làng nghĩa xóm, là nỗi lo cho họ hàng, anh em,
bè bạn đang sinh sống ở Hùng Thắng, Vinh Quang (có ai bị đánh không, có
ai bị bắt không, có ai hệ lụy gì không?). Càng tìm hiểu họ càng kinh
hoàng hơn với cách ứng xử của công an và quan chức địa phương nơi đây.
Có lẽ ngay lúc đó Lê Văn Hiền và lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã hiểu dư
luận quần chúng nhân dân trong huyện đang không ủng hộ họ.
Cùng
chung các tâm trạng với người dân là các nhà báo, nhưng họ nhạy cảm
hơn. Họ đã cảm giác được những bất thường trong các câu trả lời quanh
co của quan chức huyện, của các quan chức thành phố trong các cuộc họp
báo vội vàng.
Khi
lãnh đạo thành phố nhận ra sự phức tạp của sự việc, thay cho việc nhìn
thẳng vào sự thật để có những ứng xử thích hợp, họ chọn giải pháp bưng
bít thông tin, đưa ra những lời ngụy biện dối trá. Bằng chứng là thông
qua việc gặp gỡ các cơ quan thông tin, báo chí địa phương của bí thư
Thàng ủy chiều 19/1/2012, và trả lời báo trí tại Hà Nội ngày 17/1/2012
của phó chủ tịch thành phố, phát ngôn của giám đốc công an trên truyền
hình Hải Phòng cùng ngày.
“Đường
đi hay tối, nói dối hay cùng”. Tại sao đến nay có người còn không hiểu
trong thời đại công nghệ này, người dân cũng có thể sử dụng các thiết
bị hiện đại, để tự bảo vệ mình. Chính sự tráo trở, lừa đảo của các quan
tham đã dạy cho họ phải làm như vậy.
Khi
xem các bản tin thời sự được phát tối ngày 5/1/2012, Nông dân tôi phải
ngả mũ “kính phục” khả năng “tưởng tượng” của những lời bình được phát
đi khi ấy! Ôi! cái mồm đẹp, sao lại văng ra được những điều điêu ngoa
đến thế.
Bổ sung (sáng 4/2/2012):
Trong
một comment Nông dân được AnhBaSam tấn phong là thổ công của huyện
Tiên Lãng, hôm nay xin nêu ý kiến nhỏ liên quan tới Đất.
Đúng
là đất trong khu đầm của Đoàn Văn Vươn tại thời điểm HIỆN NAY là đất
nông nghiệp. Nhưng khi nghe “đối chất” của nguyên chủ tịch huyện Lưu
Quang Yên và GS Đặng Hùng Võ trên đài tiếng nói VN, Nông dân tôi thiển
nghĩ.
– Đặc điểm bãi bồi cửa sông, ven biển Tiên Lãng; khi triều cường là
một BIỂN NƯỚC với lơ thơ vài ngọn cây sú vẹt, lúc triều rút là BÃI PHÙ
SA NON mênh mông, dưới gốc các cây sú vẹt có chăng là một vài đụm cỏ,
hay số cụm cây muống biển. Khi đó các bác đưa nó vào đất loại gì?
-
Chi phí đắp và giữ được đê bao và cống điều tiết nước cho 10 đến 15ha,
gần bằng phần đầu tư cho một khu đầm 40 – 50ha trên vùng bãi triều lúc
này, vậy các bác có định phân hạn mức không?
-
Nếu hình thành được bờ ĐÊ BAO, có cống để điều tiết nước, lượng phù sa
trong khu vực sẽ được đông kết và bồi đắp rất nhanh. Chỉ cần 3 đến 5
năm sau một khu đầm nuôi trồng thủy sản được hình thành, lúc này nó trở
thành đất nông nghiệp chưa?
Khu đầm Đoàn Văn Vươn và phần đông của các hộ nuôi trồng thủy sản khác
ở huyện Tiên Lãng 20 năm lại đây nó đã trải qua sự trở mình như thế.
Công lao ấy là của các hộ nông dân này. Các thành phần kinh tế khác có
tham gia không? Xin thưa là có, nhưng nó đều phá sản hoặc sắp phá sản
như dự án của tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng hoặc khu Nuôi
trồng thủy sản Việt Mỹ ở xã Tiên Hưng. Mỗi nơi cũng kịp giải ngân vài
chục tỷ!
Tại
sao lãnh đạo Hải Phòng và huyện Tiên Lãng khi thu hồi không bồi hoàn?
Họ vin vào việc các hộ khi nhận quyết định giao đất, đã biết điều khoản
như thế. Cộng thêm “ưu tiên” 7 năm các chủ đầm không phải đóng khoản
nào.
Xin
thưa, người nông dân không phải là nhà kinh tế, họ chỉ có tình yêu đất
(họ đau khổ khi nhìn thấy vùng đất mình có thể khai thác được, mà bị
bỏ hoang).
Huyện cũng không ban ơn cho các chủ đầm 7 năm không phải đóng thuế vì điều này được ghi trong luật thuế của nhà nước “Miễn thuế khoai hoang dùng vào sản xuất …. Riêng đối với đất khai hoang ở miền núi, đầm lầy và lấn biển : 7 năm“.
Khi các đầm được ổn định đi vào khai thác, cả chủ đầm và quan chức chính quyền huyện đều giật mình.
Các
chủ đầm thấy thời gian giao đất của mình sắp hết. Cộng chi phí đắp,
bồi trúc đê hàng năm và các chi phí tạo lập cơ sở hạ tầng quá lớn. Khi
không phải đối phó với sóng biển thì sóng “Nợ” sẽ đổ ập xuống gia đình
họ.
Các
quan không làm nhưng tiếc của trời. Vì nếu tính theo mức thuế của đất
nông nghiệp tối đa không quá 2 triệu VND (theo hạng đất này), thế thì
là quá thấp nếu tính theo thu nhập từ nguồn lợi thủy sản? Nếu đem ra
đấu thầu sẽ có khoản thu lớn cho cả ngân sách và cho cả các túi quan.
Họ cố quên rằng cái tiền ấy là tài sản của các chủ đầm cũ.
Cách
đây hơn 10 năm người viết phản hồi (bài) này đã từng chỉ ra cái phi lý
cho phòng Nông nghiệp và phó chủ tịch huyện lúc đó là ông Vũ Minh Đức.
Với quan điểm “Các anh phải biết, từ bãi bồi trở thành khu đầm
nuôi trông thủy sản hoặc đất trồng trọt không phải là quá trình tự
nhiên. Khi các anh thu phải trả cho các chủ đầm tiền tạo lập đê và tiền
đầu tư vào cơ sở hạ tầng đúng theo thực tế và luận chứng kinh tế mà
các anh đã duyệt. Tất nhiên phải trừ đi các khoản hỗ trợ của nhà nước
(nếu có )”. Ngay lúc đó Nông dân tôi đã biết, mình đã nói với hai đầu gối.
Các phát biểu khác của nguyên, đang là lãnh đạo huyên Tiên Lãng tôi xin bình luận sau.
—
* Ba Sàm bổ sung: - Nhữ Văn Lan (Wikipedia). – Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Wikipedia). - Ông Lê Đình Thảo, mời đọc chi tiết bài trên Tuổi trẻ hôm nay: Vụ Tiên Lãng: Lãnh đạo Hải Phòng gặp dân.
Hình: 1- Xã Vinh Quang; 2- Huyện Tiên Lãng (chụp trên bản đồ trực tuyến); 3- Bức hình được cho là có đại tá Ca đang cầm loa chỉ huy lực lượng công an cưỡng chế.
Nguồn: Ba Sàm.