Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Người ơi người ở đừng về

Từ ngày hôm qua 31/1, cư dân mạng Việt Nam sôi sùng sục sau khi đọc bài viết của Mát Kép-nét, một chuyên gia du lịch trên tờ Hấp-phinh-tơn Pốt với tiêu đề “Vì sao tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam.” Trong bài viết này, anh Mát nêu ra những dẫn chứng đau khổ về chuyến du lịch Việt Nam năm 2007 vừa qua, như phải trả giá cao gấp nhiều lần người bản địa, bị đối xử phân biệt vì là người Mỹ, đi du lịch Hạ Long khách quá đông phải ghép chung giường với người lạ v.v.

Anh Mát Kép-nét, blogger du lịch nổi tiếng
Thông cảm với những lời trần tình của anh Mát, nhiều bạn trẻ cũng như người già ở Việt Nam đã có những lời trao đổi chí tình. Thời điểm năm 2007 đã quá xa, anh Mát sau gần 5 năm khảo cứu lao động khoa học nghiêm túc cuối cùng cũng đã có công trình đăng báo điện tử Hấp-phinh-tơn Pốt. Cây bút số một về du lịch và ẩm thực Việt Nam, nhà văn Năm Câu nói: “Anh Mát đến Việt Nam lúc nào tôi cũng không rõ, chứ văn nghệ sĩ quốc tế giao lưu với nhau cũng phải ngồi làm cái nem chua nướng chứ. Chắc là vì anh ấy không được lên báo ầm ầm như Brát Pít và An-giê-li-na Giô-li. Mà cũng có thể người dân thất vọng vì anh ấy không phải siêu sao nên đón tiếp chưa nhiệt tình. Hơn nữa, anh Mát là phóng viên tạp chí lớn, sao không cưỡi mô tô phân khối lớn, cặp kè cùng hot gơn? Hèn chi chẳng ai đón tiếp anh này ra hồn cả.”
Cùng luồng ý kiến trên, nhiều người bạn Việt Nam yêu chuộng hoà bình đã bày tỏ sự giận dữ bức xúc cho việc anh Mát phải mua hàng với giá cắt cổ.  Cảm nhận chung của chúng tôi là mọi người đều tiếc vì anh Mát không được gặp những con người thân thiện, khó chịu trước việc dân ngoại tỉnh co kéo bắt chẹt anh Mát, vì “người Hà Nội gốc không ai làm thế.”
Trong khi đó, từ bên kia chiến tuyến, Liên đoàn Tây ba lô quốc tế đã đưa ra phát ngôn chính thức, khẳng định anh Mát có trình độ trả giá kém, mua phải nhiều mặt hàng với giá đắt hơn giá thật tới gần 1000 đồng, còn non nớt và chưa đủ kinh nghiệm du lịch bụi. Tại chính nước Mỹ, Uỷ ban du lịch liên bang dự kiến sẽ trình đạo luật Mát Kep-nét lên thượng viện, qua đó yêu cầu phổ cập giáo dục bắt buộc cho các thanh niên chuẩn bị đi Việt Nam du lịch, cũng như giảng giải đầy đủ hơn về Việt Nam thay vì chỉ nói về chiến tranh trong giờ Lịch sử. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết cho biết: “Hội cựu chiến binh Mỹ, vốn rất tích cực suốt  nhiều năm qua trong việc hỗ trợ binh sĩ hàn gắn vết thương chiến tranh đã  mở thêm các trung tâm điều dưỡng, phục hồi sức khoẻ tâm lý miễn phí cho người du lịch mới trở về từ Việt Nam.

Trở về từ Việt Nam, 1972

Trở về từ Việt Nam, 2007
Trong nỗ lực kéo anh Mát trở lại Việt Nam, Tin Khó Tin kết hợp với Lý Nhã Kỳ cùng với các ban ngành chức năng xin được mở cuộc vận động hiến kế cho du khách, làm sao cho môi trường du lịch nước ta được tận hưởng một cách đầy đủ.
Tiến sĩ Đỗ Bá K, trong một dịp về nước cho hay: “Biết nói tiếng Anh là rất có lợi, tiếc là anh Mát không biết tận dụng ưu thế đó. Tôi nói tiếng Anh trên máy bay của Việt Nam E-lai, được phục vụ tốt hơn hẳn anh bạn người Việt bên cạnh. Anh Mát và các bạn Tây Ta nói chung nên nói tiếng Anh trên máy bay, trong vũ trường, ở khách sạn, nên nói tiếng Việt trên tắc-xi, xe buýt, hay khi mua hàng lưu niệm.
Bạn Trần P., từ quán bia hơi trên phố Tạ Hiền,  Hà Nội gợi ý ta không nên cười vào mặt khách du lịch như anh Mát khi tính được giá cao. Thay vào đó ta chỉ nên cười mỉm cho thân thiện theo kiểu Thái Lan, đất nước của những nụ cười rồi cứ tính giá cao gấp 5 lần thì khách cũng vui lòng.
Bạn Nguyễn Hoài A từ đường Đề Thám, TPHCM tin tưởng vào tương lai xán lạn của nền du lịch nước nhà nếu biết sử dụng lực lượng hot gơn đông đảo.
Còn bạn, bạn có đóng góp gì cho những người Mỹ tội nghiệp như anh Mát?
Trong khi đó, tại một hội thảo quốc tế,…
...Giáo sư Ngô Bảo Châu nói ông làm Toán nhưng cũng có đi nhiều nước trên thế giới

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"