Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Người biểu tình: họ là ai vậy?

Trần Đức Việt
Nhà báo tự do
danluan_00010.jpg
Ảnh: Bùi Quang Minh
Trong một lần đến Bờ Hồ quan sát những người biểu tình tôi gặp hai người đang nói chuyện với nhau. Một người nhìn đoàn biểu tình nói: Một đám thiêu thân dại dột! Người kia phản đối: Không phải thế! Đó là những anh hùng của thời đại a còng. Những người mở đường! Trầm ngâm một lúc người thứ hai nói tiếp: Những con chim phượng hoàng đại ngàn chập chững tìm đường bay.

Câu nói của người thứ hai gieo vào tôi ấn tượng khá sâu. Cụm từ "phượng hoàng đại ngàn" thực ra là của I.V. Stalin dùng khi nói về V.I. Lênin. Khi nhận định về Lênin, ông Stalin đã nói: Lênin là con phượng hoàng đại ngàn, khai phá những nẻo đường chưa từng biết của cách mạng. Tôi đã theo chân hai người nọ một đoạn đường khá dài, nghe họ trao đổi. Người thứ hai nói với bạn: Kể cả bây giờ an ninh bắt tất cả những người biểu tình thì họ vẫn là những người chiến thắng. Công việc đặt viên gạch đầu tiên của họ đã xong rồi. Chưa ai biết sau đấy sẽ là gì, nhưng nhất định phải có bước đầu tiên này thì mới hi vọng có những bước sau.
Tôi băn khoăn mãi: Những người biểu tình là ai nhỉ? Và tôi tìm hiểu về họ. Có thể những điều tôi tìm biết được là hoàn toàn sai, nhưng cũng phải có người cất công đi tìm hiểu thì rồi mới đến được sự thật. Tôi bắt đầu từ một em gái: Trịnh Kim Tiến. Cô gái này được các trang mạng gọi là "hoa hậu biểu tình", vì em mặc áo dài tham gia biểu tình, đẹp lộng lẫy. Người cha của em chỉ vì không đồng ý với cách xử phạt của công an mà bị trung tá Nguyễn Văn Ninh dùng dùi cui đánh vào gáy, sau đó tử vong. Em khiếu nại, tố cáo đến cơ quan công quyền, không được xử lý thỏa đáng. Trong khi chờ đợi cơ quan pháp luật thì ở Hà Nội xuất hiện các cuộc biểu tình chống hành động xâm lấn của Trung Quốc. Em đã đến các cuộc biểu tình, thù nhà, nợ nước nặng trĩu đôi vai. Không có cái chết tức tưởi, oan ức của cha em thì chưa chắc em đến với các cuộc biểu tình. Cái bọn giặc biển kia chúng ngang ngược, tàn bạo, vô nhân tính y hệt những kẻ đã hại chết cha em. Khi đại họa đến với cha em, rất nhiều người đã đến nhà em chia buồn. Tôi có mặt trong dòng người đó, cùng khóc với những người yếu đuối khác. Khi em gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng thì chính quyền phường bắt đầu gây khó dễ cho em và gia đình em. Đủ các kiểu, đủ mánh lới. Từ việc nhà mình em tự đặt câu hỏi: Làm thế nào để không xẩy ra những cái chết oan khiên như thế này bây giờ? Câu hỏi không có lời đáp. Bị câu hỏi đó giằn vặt, em trả lời bằng cách tham gia biểu tình.
Có một người phụ nữ khác làm tôi kính trọng, đó là chị Phương Bích. Anh trai của Phương Bích là đại tá công an. Phương Bích tích cực tham gia biểu tình, đến mức an ninh phải kiểm tra máy tính của chị, xem trong đó có cái gì hại cho an ninh quốc gia hay không? Cũng giống như nhiều người biểu tình khác, chị bị lực lượng an ninh cử người đến giám sát, đe dọa, vận động gia đình ngăn chị đi biểu tình. Chị đấu tranh với cha mình: Ngày trước bố đi hoạt động cách mạng, gia đình khuyên bố ở nhà bố có nghe không? Con đi biểu tình có gì sai nào? Thế là ông bố chịu thua. Anh em trong gia đình chị nhiều người khuyên chị ở nhà trông nom bố mẹ già, nhưng việc gì đi việc nấy. Trông bố mẹ vẫn cứ trông, đi biểu tình vẫn đi. Quả là cha nào con nấy, nếu việc đúng thì ta cứ làm.
Một phụ nữ khác cỡ tuổi Phương Bích là Dương Thị Xuân, giáo viên dạy Sử. Chị Xuân có dạo là cán bộ tiếp dân ở Văn phòng Quốc hội. Chị nhận đủ loại đơn thư, gửi lên cấp trên giải quyết. Nhưng chính chuyện của chị thì...bế tắc. Số là thế này: Bố chị có căn nhà ở 69 Hàng Gai, vốn là địa điểm đi về hoạt động nội thành của công an Hà Nội (bố chị là cơ sở của công an). Đến khi xẩy ra tranh chấp ngôi nhà ở 69 Hàng Gai thì gia đình chị bị mất nhà. Tòa án xử sai nhưng không xử lại, dù biết rõ là sai. Chị phải đi thuê nhà ở. Khi đi khiếu nại chị bị chính quyền địa phương gây khó dễ đủ các kiểu. Công an đến gặp chủ nhà cho thuê đòi phải chấm dứt hợp đồng với chị. Thế là chị bị đẩy ra đường. Chị tham dự vào nhóm những người mà công an gọi là "bọn dân chủ" (bây giờ ai nói đến dân chủ là phản động số một, cho dù quốc hiệu nước ta là Việt nam dân chủ cộng hòa). Khi xẩy ra biểu tình chị tích cực tham gia.
Có một gương mặt nổi bật trong số "biểu tình viên" là chị Bùi Hằng. Tôi đến ngồi trước cửa nhà chị ở thị xã Sơn Tây, nghe chuyện về gia đình chị. Nhiều chuyện lắm. Nhưng nói gọn lại là mỗi người một vẻ, tất cả đều bị chính quyền làm khó đủ các kiểu. Họ đều muốn sống một cách lương thiện, đúng pháp luật nhưng chính quyền không cho họ sống lương thiện, đúng pháp luật. Tất cả đều bị đẩy ra đường. Có người hỏi tôi: Tại sao Bùi Hằng bị bắt đi "giáo dục" hai năm? Tôi nghĩ thế này, không biết có đúng không? Bùi Hằng là thành viên tích cực của những người biểu tình. Chị đã vào thành phố Hồ Chí Minh, dưới mắt công an thì đây là chị định "phát động" biểu tình ở thành phố phía Nam. Công an thấy cần phải ngăn chặn ngay, không để bùng phát biểu tình ở phía Nam nên đã bắt chị Hằng.
Có người hỏi tôi, vì sao không thấy các trí thức tham gia các cuộc biểu tình. Tôi nghĩ có đấy chứ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, rồi Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Khải, nhà văn Nguyên Ngọc và một số người khác nữa chẳng phải trí thức là gì? Nhưng số lượng trí thức tham gia biểu tình chưa nhiều. Đã có rất nhiều trí thức đến quan sát các cuộc biểu tình, số nhà báo thì khá đông. Có người đến chụp ảnh, có người đến tay không, đứng ngoài quan sát. Công an Hà Nội đã cử người, thuê người ghi hình toàn bộ những người biểu tình và những người xung quanh. Rồi họ gặp riêng từng người, đề nghị không nên đến khu vực "nhạy cảm" nữa. Một số người có chức vụ như vụ trưởng, viện trưởng đã chấp nhận yêu cầu của công an, thậm chí thông báo với nhân viên của mình không nên đến khu vực biểu tình. Một số nhà báo bị theo dõi chặt trong ngày chủ nhật, hễ đi đâu là có công an đi kèm. Câu chuyện có phần nào giống như ở các nước XHCN Đông Âu những năm 70 (tk.XX) vậy. Thời kỳ đó công an ở Đông Âu đã chụp ảnh những người tham gia biểu tình đường phố, sau đó đến từng nhà bắt người. Sau này khi số người biểu tình quá đông, không theo dõi, trấn áp được thì công an không kiểm soát nổi tình hình và chế độ sụp đổ. Cũng đã có vài người tìm cách móc nối, liên kết các nhóm người "có vấn đề" với chính quyền để khi cần có thể tập hợp đông người, cùng lúc xuống đường. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu, nhiều người chưa thật tin nhau nên chưa xẩy ra chuyện "liên kết" các nhóm lại. Tôi tin rằng sẽ đến lúc các nhóm liên kết được với nhau, và đấy sẽ là điểm nhảy vọt về chất đối với tình hình chung. Còn lúc này không nên có những hành động "quá khích", càng không nên đưa ra những yêu cầu quá mạnh như một số trang mạng hải ngoại từng đưa ra. Trong đoàn biểu tình đã xẩy ra hiện tượng có người đưa ra biểu ngữ "hơi bị quá khích" và lập tức những người xung quanh thu hồi biểu ngữ. Nói vậy không có nghĩa là phủ định hoàn toàn những "lời kêu gọi" từ hải ngoại. Ở nước ngoài, người Việt yêu nước có thể phát đi nhiều "lời kêu gọi" với mức độ khác nhau mà không bị chính quyền làm khó, lại có tác dụng động viên những người trong nước. Vậy thì những ai ở nước ngoài còn nặng lòng với đất nước hãy lên tiếng ủng hộ đồng bào trong nước. Tôi có người bạn cùng học với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Bạn tôi kể khi hỏi tướng Vịnh về các cuộc biểu tình thì tướng Vịnh nói: Mình chẳng sợ gì Trung Quốc đâu, nhưng sợ nhất là không biết ai đứng sau các cuộc biểu tình! Câu nói đó cho thấy an ninh nhà nước bắt đầu không kiểm soát được tình hình biểu tình, dù rằng chính họ là người đã khơi mào cho biểu tình xẩy ra ở Việt Nam.
Những người biểu tình là ai vậy? Tôi nghĩ đó đúng là những anh hùng của thời đại @, họ là đảng viện của Đảng internet, những người mở đường cho xã hội dân sự ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI.
Trần Đức Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"