Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2012, diễn ra vào tuần trước tại Davos, lại bàn về sự thất bại của chủ nghĩa tư bản dưới một chủ đề được đặt tên cho có vẻ tích cực: “Sự chuyển biến vĩ đại: Hình thành các mô hình mới”. Rõ ràng những căn bệnh của nền kinh tế phương Tây như khủng hoảng nợ nần ở châu Âu, thất nghiệp ở Mỹ, bất bình đẳng trong thu nhập ở khắp nơi, dẫn tới sự phản kháng lan rộng đã làm tất cả lo lắng. Nhưng dường như hiện trạng ai cũng thấy rõ, câu hỏi ai cũng đầy thắc mắc; còn câu trả lời, một giải pháp khả dĩ thì chưa ai thấy được hình thù ở đâu.
Thất bại mô hình toàn cầu hóa theo kiểu iPhone
Trùng hợp là cũng vào tuần trước báo New York Times có một bài dài, phân tích vì sao Apple không thể sản xuất iPhone ở Mỹ để cho thấy sự bế tắc của mô hình kinh tế doanh nghiệp Mỹ đang theo đuổi. Nói gọn lại, bài báo cho rằng Apple sản xuất iPhone ở Trung Quốc không hẳn vì giá công nhân ở đấy rẻ hơn. Apple chọn Trung Quốc và nhà thầu Foxconn là bởi lương công nhân vừa rẻ, lại chịu chấp nhận những điều kiện làm việc mà dân Mỹ không đời nào đáp ứng, nguồn nhân lực từ công nhân lắp ráp đến kỹ sư bậc trung đều rất dồi dào. Không thể nào hình dung công nhân Mỹ chịu ở trong ký túc xá 24/24, bị đánh thức vào 12 giờ đêm để lắp ráp cho kịp tiến độ giao hàng. Để giám sát, hướng dẫn 200.000 công nhân lắp ráp chiếc iPhone, phải cần khoảng 8.700 kỹ sư, một con số nếu tuyển ở Mỹ phải mất 9 tháng mới đủ còn ở Trung Quốc chỉ cần 15 ngày.
Nhưng chính sự chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài đã tác dụng ngược lại vào nền giáo dục nước Mỹ, ngày càng ít người muốn học nghề kỹ sư hay những nghề đạo tạo kỹ năng làm trong sản xuất công nghiệp bởi đâu còn những công việc đó cho họ ở nước Mỹ nữa. Hiện nay hằng năm Trung Quốc có khoảng 600.000 kỹ sư ra trường trong khi nước Mỹ chỉ có chừng 70.000. Có thể hình dung tương lai công nghiệp của nước Mỹ qua con số này.
Chính vì thế, hiện nay Apple tuyển dụng 43.000 người ở Mỹ và 20.000 người ở nước khác nhưng đến 700.000 bên ngoài nước Mỹ đang làm việc cho các nhà thầu của Apple, tức là những người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm của Apple. Nhân trường hợp của Apple lên hàng ngàn lần với hàng ngàn doanh nghiệp khác của Mỹ cũng đang sản xuất ở nước ngoài, chúng ta sẽ hiểu vì sao tầng lớp trung lưu nước Mỹ đang lụi tàn và dần biến mất, chỉ còn lại những người cực giàu – là các ông chủ và những người nghèo còn lại. Mô hình dịch chuyển sản xuất đến những nước đang phát triển đã và sẽ thất bại. Nguyên nhân quan trọng nhất là một khi giới trung lưu không còn nữa, lấy ai mua sản phẩm mà Apple sản xuất?
Kết thúc một tiến trình cải cách
Nhìn nền kinh tế toàn cầu theo cách trên, có thể nhiều người nghĩ, vậy Trung Quốc hay nói rộng ra những nước đang phát triển lại đang hưởng lợi, là lực lượng dẫn dắt sự hồi phục, sự trỗi dậy của một mô hình kinh tế mới. Điều này có thể đúng ở giai đoạn đầu khi các nước này mở cửa cho đầu tư nước ngoài nhưng đến nay thì không còn đơn giản như thế nữa.
Thay chân cho tầng lớp trung lưu ở phương Tây là tầng lớp trung lưu ở các nước mới nổi. Và họ sẽ không còn dễ dàng chấp nhận sống chen chúc trong ký túc xá công nhân, không dễ dàng bị gọi dậy vào nửa đêm để lắp ráp máy móc mà đồng lương của họ không thể mua nổi. Sự phản kháng đó đã xảy ra – hệ quả là đồng lương, chi phí sản xuất ở các nước đang phát triển đang tăng dần lên. Thực tế, dư luận xôn xao quanh bài báo trên tờ New York Times là vì tình cảnh công nhân sản xuất iPhone, iPad hơn là vì sự bế tắc của nền sản xuất Mỹ!
Ở bình diện vĩ mô, đồng tiền dành dụm của các nước như của Trung Quốc lại đang ở thành con tin cho chính sách tiền tệ của Mỹ hay châu Âu. Sự tham lam của giới tài chính lan sang các nước đang là công xưởng sản xuất cho thế giới, sớm muộn gì cũng đẩy họ đi theo mô hình đang khủng hoảng của phương Tây.
Tờ Financial Times trong một bài báo cũng ra đời vào tuần trước đã đặt ra một từ mới “crony compitalism” – một sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản với quyền lực và bè cánh, tạo ra giới đặc quyền và giới chịu thiệt thòi nhất của xã hội. Đó chính là nổi lo lớn nhất cho mô hình của những nước như Trung Quốc đang theo đuổi.
Nếu trước đây các nước này mở rộng cửa cho tư bản nước ngoài, cải cách nền kinh tế, khuyến khích tư nhân làm ăn, nói tóm lại là bám vào các nguyên tắc kinh tế thị trường để đề ra chính sách thì nay họ chú trọng mở rộng kinh tế nhà nước, chi phối hết mọi lãnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế. Các cơ chế lẽ ra phải để thị trường quyết định như lãi suất, giá cả, đất đai thì lại trở về bị kiểm soát ngặt nghèo. Những cải cách trước đây là nhằm cứu vãn nền kinh tế theo mô hình tập trung, bao cấp thì nay sự chấm dứt cải cách lại nhằm trao đặc quyền cho những nhóm lợi ích được chọn lọc.
Đi tìm một con đường phát triển khác
Các nhà kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này hầu như đều đồng ý chúng ta đang ở cột mốc số không – tức là chỉ mới ở điểm khởi đầu trong nỗ lực tìm kiếm một mô hình phát triển mới. Cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Ngắn hạn, khu vực đồng euro chưa tìm được lối ra. Trung hạn, năm nay dù ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nền chính trị Mỹ cũng rơi vào chỗ bế tắc không giúp được gì cho nền kinh tế, nhất là trong chi tiêu ngân sách. Nhà kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini nhận xét trên tờ Foreign Policy: “Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rủi ro: rủi ro thị trường, rủi ro tài chính, rủi ro tài khóa, rủi ro nợ công, rủi ro luật lệ, rủi ro thuế khóa và cả… rủi ro địa chính trị, địa chiến lược. Rủi ro sẽ còn tồn tại lâu”.
Tuy nhiên chính sự chọn lựa chủ đề đi tìm mô hình mới này cho thấy áp lực thay đổi đang ngày càng rất lớn. Giới cầm quyền và giới nắm tài chính các nước nhận ra rằng dân chúng sẽ không dễ dàng chịu bị áp đặt mô hình như xưa nữa. Phong trào chiếm lấy phố Wall là một biểu hiện dễ thấy nhất nhưng sự phản kháng đó còn âm ỉ và rộng lớn hơn nhiều. Và ước muốn của đại đa số người dân là rất đơn giản: Họ muốn có việc làm ổn định để bảo đảm rằng tương lai con họ sẽ khá hơn họ một chút, được học hành tốt hơn họ một