Martin Wolf
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 06/2012
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 06/2012
Cả một thời gian dài, đạo diễn Trương Nghệ Mưu được
xem như là một người phê phán chế độ. Với cuốn phim mới "Kim lăng thập
tam thoa" của ông ấy, Trung Quốc bây giờ cũng muốn trở thành cường quốc
thế giới về văn hóa.
Trương Nghệ Mưu chỉ từng xem duy nhất một cuốn phim Đức, là bản sao
chép lậu trên DVD, "phim nghe lén đấy". Ông úp hai bàn tay của mình lên
tai như tai nghe, ông ấy đóng giả diễn viên Ulrich Mühe trong vai diễn
nổi tiếng nhất của ông ấy, là một người của An ninh Quốc gia trong "Das
Leben der Anderen" ["Cuộc sống của những người khác"]. "Nhiều người
Trung Quốc thích phim đấy lắm", Trương nói và mỉm cười. Điều mà ông ấy
không nói ra: "Cuộc sống của những người khác" là một bức chân dung của
một chế độ độc tài, theo dõi và làm hư hỏng những nghệ sĩ tốt nhất của
nó.
Đạo diễn Trương trong văn phòng ở Bắc Kinh của ông ấy. Ảnh: Katharina Hesse / Laif / Der Spiegel
Người đạo diễn, 60 tuổi, dẫn qua các gian phòng làm việc của ông ấy
trong một ngôi nhà cao tầng ở phía Nam của Bắc Kinh. Ở bên ngoài, thành
phố đang chìm vào trong khói sương; ở bên trong, cạnh một cái sofa của
Ikea, có một cái máy lọc không khí, biểu tượng đẳng cấp mới của những
người Trung Quốc khá giả sống trong thành phố lớn. Trên cái bàn dùng để
hội họp là quyển tiểu sử Steve Jobs bản tiếng Trung. Các bức tường được
trang hoàng bằng những tờ áp phích phim của ông ấy, trong số đó "Đèn
lồng đỏ treo cao", "Anh hùng", "Thập diện mai phục".
Trương Nghệ Mưu quay phim từ 25 năm nay, ở Phương
Tây, ông là đạo diễn nổi tiếng nhất của Trung Quốc, ở quê hương của
mình, ông ấy là một ngôi sao. Bước đường sự nghiệp của Trương có thể
được xem như là biểu tượng cho lần vươn lên trở thành cường quốc của
Trung Quốc, nhưng cũng là ví dụ cho cái giá mà lần vươn lên đấy phải
trả.
Năm 1988, Trương nhận giải Gấu Vàng cho tác phẩm đạo diễn đầu tay
"Cao lương đỏ" của mình tại Liên hoan Phim Berlin. Trong những năm tiếp
theo sau đấy, một vài phim của ông đã bị cấm trong quê hương của ông,
năm 2008 ông đã đạo diễn cho lễ khai mạc và lễ kết thúc của Thế Vận Hội ở
Bắc Kinh. Một bước đường sự nghiệp độc nhất vô nhị, ngay cả theo thước
đo Trung Quốc,
Trong tuần này, Trương sẽ lại đến Berlin thêm lần nữa. Cuốn phim mới
của ông "Kim lăng thập tam thoa" được trình chiếu trong thi đua của
Liên hoan Phim Berlin, lần này thì không có cạnh tranh, tức là không có
triển vọng được gấu của Liên hoan. Phim này trước hết là cần phải được
bán đi khắp thế giới; một công ty ở Los Angeles đang lo về việc tiếp
thị. Lần trình diễn ở Liên hoan Phim Berlin là đỉnh cao của một chiến
dịch quảng bá toàn cầu. Trung Quốc thách thức Hollywood.
"Kim lăng thập tam thoa" là phim Trung Quốc đắt tiền nhất qua mọi
thời đại, chi phí sản xuất 94 triệu dollar. Trương giao vai chính về cho
một ngôi sao Hollywood, người nhận giải Oscar Christian Bale, trở nên
nổi tiếng qua "Batman". Bale cũng được chờ đợi ở Berlin.
Trong "Kim lăng thập tam thoa", ông ấy đóng vai một người Mỹ
hư cấu, người sa vào trong một tấn bi kịch có thật, vào cuộc Thảm sát
Nam Kinh, một trong những tội phạm chiến tranh xấu xa nhất của thế kỷ
20. Năm 1937 quân đội Nhật ở Nam Kinh, thời đấy là thủ đô của Trung
Quốc, đã giết chết hay hãm hiếp hàng trăm nghìn người Trung Quốc. Cho
tới ngày nay, tội phạm này vẫn còn đè nặng lên mối quan hệ giữa Trung
Quốc và Nhật Bản.
"Giới trẻ trong Trung Quốc chỉ biết một ít về những sự kiện ở Nam
Kinh", Trương nói, ông đã nhận ra điều đấy trong lúc làm việc cho phim
này. "Nhưng hầu như ai ở đây cũng đều biết đến 'Bản danh sách của
Schindler'. Phim Hollywood có ảnh hưởng lớn đến người Trung Quốc chúng
tôi. Bây giờ vấn đề là tiếp tục phát triển công nghiệp điện ảnh riêng
của chúng tôi. Chúng tôi phải sản xuất những phim mà người Trung Quốc
muốn xem – và tất nhiên là cả khán giả người nước ngoài nữa."
Điện ảnh ở Trung Quốc là chính trị. Không ai thể hiện nhận thức đấy
tốt hơn là chính Trương. Sinh năm 1951, chỉ trẻ hơn nước Cộng hòa Nhân
dân hai tuổi. Cha của ông đã là lính chiến đấu cho quân đội của Quốc Dân
Đảng, tức là chống lại những người Cộng sản của Mao Trạch Đông.
Đầu tiên, người con trai không được phép đi học đại học; ông ấy đã
phải làm việc nhà nông và trong một xưởng dệt may nhiều năm trời. Mãi
đến năm 1978, lúc Trung Quốc được tự do hóa một cách dè dặt sau khi cuộc
Cách mạng Văn hóa chấm dứt, ông ấy được nhận vào trường Đại học Bắc
Kinh. Một trong số những bạn đồng học của Trương là Ngải Vị Vị, "nhưng
chúng tôi học ở các bộ môn khác nhau", Trương nói, "anh ấy ở bên hội
họa, tôi bên phim".
Năm 1987, lần đầu tiên Trương là đạo diễn: "Cao lương đỏ" là câu
chuyện của một người phụ nữ trẻ tuổi, người đã khẳng định được phẩm giá
của mình ở miền quê trong những năm 30, cho tới khi quân lính Nhật mang
chết chóc và tàn phá đến. Tại Liên hoan Phim Berlin năm 1988, "Cao lương
đỏ" được xem là một sự kiện nổi bật: Trương phơi bày một nước Trung
Quốc mà ở Phương Tây người ta chưa từng bao giờ nhìn thấy được như thế,
ngoan cường, sống động, sáng tạo, nó ca ngợi sức mạnh của cá nhân. Và
ông ấy tặng cho thế giới điện ảnh một ngôi sao, nữ diễn viên Củng Lợi,
chẳng bao lâu sau đấy cũng là người bạn đời của Trương mà ông ấy đã bỏ
vợ vì cô ấy.
Một vài quan chức văn hóa ở Bắc Kinh nghi ngại con Gấu Vàng, nói
chung là thành công đầu tiên cho Trung Quốc trong liên hoan phim ở
Phương Tây. Sau khi xe tăng của chế độ đè bẹp những cuộc biểu tình phản
đối của sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, kiểm duyệt
gây khó cho Trương. Người ta phỏng đoán, không phải là không đúng, những
lời phê phán chế độ tiềm ẩn. Như "Đèn lồng đỏ treo cao" năm 1991 chẳng
hạn, có lẽ là phim hay nhất của Trương, là một nghiên cứu, được ngụy
trang qua một tấn bi kịch hôn nhân, về một hệ thống bạo lực, về thích
ứng, phản kháng và hậu quả: cuối cùng, người nữ anh hùng đã phát điên.
Ngôi sao Bale (trái) trong "Kim lăng thập tam thoa": Anh hùng hư cấu, chiến tranh có thật. Ảnh: New Pictures Film
Thời gian vừa qua, Trương sản xuất phim của mình thường nhờ vào các
nhà đầu tư ở Hongkong hay Nhật Bản. Phim tuy được quay trong Trung Quốc,
nhưng thường được tráng và cắt ở nước ngoài và qua đó thoát khỏi tầm
tay của cơ quan nhà nước Trung Quốc. Các quan chức trả đũa theo cách của
họ: "Đèn lồng đỏ treo cao" và những tác phẩm khác không được phép vào
rạp chiếu phim trong Trung Quốc. Các cấm đoán đấy "chưa bao giờ được
công khai hủy bỏ", Trương nói. Phim của ông được phổ biến trong quê
hương qua chợ đen, như là video.
Năm 1994 tại Liên hoan Phim Cannes, khi Trương cần phải đến
đấy để nhận giải, ông ấy đã không được phép ra nước ngoài. Người ta cấm
ông không được trả lời phỏng vấn của nhà báo Phương Tây hay ngụ ý cho
ông biết rằng không nên phát biểu công khai về những đề tài nhất định.
Vào khoảng thời gian bước sang thiên niên kỷ
mới, có một biến đổi triệt để trong tác phẩm của Trương. "Anh hùng",
được đề cử cho một Oscar năm 2003, là một phim hành động ca ngợi một bạo
quân, vua Tần, người thành lập Vương quốc Trung Hoa đầu tiên trước đây
hơn 2200 năm. Ông ấy là người chịu trách nhiệm cho cuộc xây mở rộng Vạn
Lý Trường Thành, nhưng cũng cho cả sự biến đổi trở thành một nhà nước
cảnh sát của Trung Quốc cũng như cho việc giết hại vô số địch thủ chính
trị. Sau này, Mao Trạch Đông rất thích nhắc đến ông ấy, để bào chữa cho
sự cuồng vĩ của chính mình. Qua "Anh hùng", người ta có thể đọc được một
sự thông cảm cho bàn tay cứng rắn mà giới lãnh đạo hiện nay của Trung
Quốc đang dùng nó để cai trị đất nước.
Trương giữ đường hướng đấy cho đến ngày nay. Những phim mới của ông
ấy như "Thập diện mai phục" hay "Hoàng kim giáp" trở nên lộng lẫy xa
hoa, chúng không còn diễn ra trong giới những người Trung Quốc bình
thường nữa, mà là ở triều đình, trong những vương triều đã qua đi từ
lâu. Những cảnh đông người và cảnh chiến đấu được dàn dựng công phu trở
nên quan trọng hơn là tâm lý.
Đỉnh cao của sự phát triển này là lần dàn dựng của Trương cho buổi lễ
khai mạc Thế Vận Hội ở Bắc Kinh năm 2008. Nhà đạo diễn đã cho hàng
nghìn người bước vào, họ tạo thành những mẫu hình hình học oai nghiêm,
sự chiến thắng của tập thể trên cá nhân. Tờ "New York" so sánh Trương
với Leni Riefenstahl [Nữ đạo diễn, nhiếp ảnh gia người Đức, được cho là
thân cận với Chủ nghĩa Quốc Xã và Hitler].
Lời lên án, ông ấy từ một người chống chế độ đã biến thành một nhà
đạo diễn tuyên truyền, khiến cho ông đau buồn. "Nhiều người nghĩ rằng
tôi thuộc vào trong số những người được chính phủ tin cậy", Trương nói.
"Điều đấy không đúng. Còn ngược lại nữa, vì tôi nổi tiếng trong Trung
Quốc nên cơ quan nhà nước xem xét tôi rất kỹ." Ông Trương, ông có là
đảng viên của Đảng Cộng sản không?
Nhà đạo diễn cười vang. "Không. Sự tiến bộ lớn trong đất nước này bao
gồm cả việc", ông ấy nói, "tôi nói chung là có thể trả lời cho câu hỏi
này và có thể kể rằng cha tôi đã ở trong Quốc Dân Đảng. Trước đây 20 năm
thì điều đấy là không thể."
Vẫn còn lại câu hỏi, ai đã thay đổi nhiều hơn kể từ lúc ông ấy bắt đầu làm đạo diễn, Trung Quốc hay là chính ông ấy.
"Tôi nghĩ rằng tôi đã trung thành với tôi. Dưới những hoàn
cảnh khác nhau, tôi đã quay những cuốn phim khác nhau. Người ta không
được phép lẫn lộn điều đấy với quan điểm chính trị", Trương nói. Trong
lúc chọn lựa các đề tài của mình, lúc nào ông ấy cũng phụ thuộc vào các
nhà đầu tư. "Các nhà sản xuất thương lượng với cơ quan về điện ảnh về
giấy phép. Chính tôi thì không được phép tiếp xúc với cơ quan nhà nước.
Không ai có thể nói trước rằng liệu kiểm duyệt sẽ được dẹp bỏ trong 20
năm hay 50 năm tới đây. Không ai biết được điều đấy, chúng tôi cũng
không mơ về việc đấy. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng nó cởi mở hơn một
chút." Về cơ bản, Trương nói, sẽ rất dễ dàng hơn nhiều nếu như các câu
chuyện diễn ra trong quá khứ.
"Kim lăng thập tam thoa", phim mới của Trương, dựa trên
quyển tiểu thuyết "Mười ba đóa hoa của Nam Kinh" về cuộc tàn sát. Hơn 20
phụ nữ Trung Quốc trẻ tuổi trốn tránh trong khuôn viên của một nhà thờ
Công giáo ở Bắc Kinh trước quân lính Nhật: các nữ sinh của tu viện, như
khách không mời, một tá những cô gái điếm hạng sang trong những chiếc áo
váy lụa chật. Một người Mỹ chuyên mai táng có tên là John Miller
(Christian Bale), người trong lúc cuộc chiến đang diễn ra cũng lưu lạc
vào trong nhà thờ, đã bất đắc dĩ trở thành người bảo vệ họ. "Đây không
phải là một phim mà thông thường thì chính phủ cho phép ngay mà không
yêu cầu gì thêm", Trương nói. "Người ngoại quốc, tôn giáo, Đệ nhị thế
chiến, tất cả đều là những đề tài khó. Nhưng đấy cũng là một phim về
tình sẵn sàng giúp đỡ. Vì thế mà chính phủ đã hỗ trợ nó."
Thật sự là cả một thời gian dài cuộc thảm sát ở Nam Kinh là một đề
tài không được nhắc đến, nhất là thời đấy Quốc Dân Đảng đã cầm quyền ở
đây. Tức là bây giờ, khi Trương cho xem, chiếu chậm và đầy kịch tính,
những người Trung Quốc dũng cảm đã chết trong một cuộc tấn công xe tăng
Nhật như thế nào, thì điều đấy phục vụ trước hết là cho sự hòa giải với
quá khứ của chính Trung Quốc. Ngoài ra thì Trương đi theo những ghi chép
sử chính thức, bằng cách là dường như ông ấy chỉ biết đến hai loại
người Nhật: những người xấu xa và những người hết sức xấu xa.
Hình ảnh rõ ràng của kẻ thù, không e sợ những điều rập khuôn, những
lời nói thống thiết, một ít tình dục, tác phẩm của Trương có những điểm
chung đấy với nhiều phim về chiến tranh của Phương Tây. "Kim lăng thập
tam thoa" là lần từ bỏ cuối cùng phim nghệ thuật cho một giới khán giả
hạn hẹp của ông ấy. Ở Trung Quốc, phim của Trương là sản xuất nội địa
thành công nhất của năm, chỉ còn thua những nhập khẩu từ Mỹ như
"Transformers 3".
"Từ nhiều năm nay, ở Trung Quốc có câu khẩu hiệu, rằng chúng ta hãy
bước ra thế giới bên ngoài, trong kinh tế, trong thể thao, trong văn
hóa", Trương nói. "Đấy là nguyện vọng của cả dân tộc. Điện ảnh không
phải là ngoại lệ."
Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào vừa rồi mới công bố một bài viết trong một
tờ báo của Đảng mà trong đó ông than phiền về "những thế lực thù địch
quốc tế", những thế lực "muốn Tây Phương hóa và chia rẽ Trung Quốc".
Trung Quốc phải tăng cường "phát triển sản phẩm văn hóa" riêng của mình.
Đang có một "cuộc đấu tranh ý thức hệ thật sự", hiện giờ "văn hóa
Phương Tây đang mạnh, chúng ta thì yếu".
Martin Wolf
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 06/2012
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 06/2012