Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Chả có bắt giam khẩn cấp, chỉ đình chỉ

Đọc mấy bản tin nóng ở blog Ts. Nguyễn Xuân Diện mà chán nản, tin chỉ có "đình chỉ" công tác chứ không có bắt "khẩn cấp" hay tạm giam 4 tháng như mọi khi công an bắt các công dân khác. Hoá ra ở xã hội VN, chỉ lên tiếng góp ý với kiến nghị, trương biểu ngữ chống TQ thì bị bắt đi tù từ 4-7 năm, dù chẳng thiệt hại ai, giết ai, nhưng nếu cày sập nhà, cướp tài sản của dân thì kiểm điểm ... về hưu. Và nếu không có chuyện "gây dư luận không tốt trong nhân dân" thì có khi chả ai biết gia đình ông Vươn đã từng là "Kỳ tài đất Tiên Lãng", cũng chả ai hay mấy ông xã, huyện, thành là "cường hào ác bá" thời nay.  Ở đây ai thiệt hại nhiều nhất? Tại sao anh em ông Vươn phải vào tù, trong khi mấy ông kia thì chỉ về nhà ngồi chơi xơi nước? 
Chuyện xử thế nào thì có đảng lo, chả ai hay, không phải chuyện của toà?
Để xem sẽ đi tới đâu cho biết.


TIN NÓNG: CÔNG AN HẢI PHÒNG TRIỆU TẬP LÊ VĂN HIỀN Về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng:
Đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện và nhiều thuộc cấp

Chiều 7-2, tại TP Hải Phòng, Thành ủy Hải Phòng đã họp thông báo một số kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về vụ cưỡng chế đất đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đang gây bức xúc dư luận và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành chức năng…
  • Buông lỏng quản lý, nhiều sai phạm
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nêu rõ, vụ việc cưỡng chế đất ở Tiên Lãng là vụ việc gây xôn xao dư luận. Sau buổi họp sáng 7-2, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp xem xét nhiều nội dung và bước đầu có kết luận về vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng) được giao sử dụng đất tại bãi ngoài Nam cống Rộc, xã Vinh Quang, Tiên Lãng.

Theo đó, việc quản lý, khai thác sử dụng đất của huyện Tiên Lãng còn buông lỏng, hiệu quả thấp, một số chủ rừng nuôi trồng thủy sản có nhiều biểu hiện sai phạm như: phá rừng phòng hộ, tự lấn chiếm đất đai ngoài phạm vi được giao, tự ý chuyển nhượng. Trong đó gia đình ông Vươn đã có các hành vi phá rừng chắn sóng, tự ý cho thuê đất lại kiếm lời, còn nợ đọng nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Đặc biệt, khi UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế đã chủ động chuẩn bị và chống người thi hành công vụ với tính chất manh động.

Quang cảnh buổi họp báo của Thành ủy Hải Phòng về vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, qua kiểm tra bước đầu cho thấy, UBND huyện chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai nên để xảy ra chống người thi hành công vụ. UBND huyện cũng không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi để công bố công khai với người có đất bị thu hồi; không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi; không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi; sau khi cưỡng chế để xảy ra việc phá hủy nhà trông đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Vươn. Đồng thời, thời điểm cưỡng chế không hợp lý, sát tết cổ truyền, đã gây ra những phản ứng trong dư luận nhân dân về đạo lý và mối quan hệ chính quyền huyện Tiên Lãng với người dân.
  • Đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ
Trên cơ sở những vi phạm trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương: Đối với UBND TP, mặc dù việc cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ nhà thầu thi công nói chung đã phân cấp cho cấp huyện, song phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, chỉ đạo để xảy ra vụ việc trên..

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, vừa bị đình chỉ công tác.
Đối với Huyện ủy Tiên Lãng, mặc dù không có biểu hiện tư lợi hay cố ý làm trái, nhưng sự việc đã gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương: Kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và cá nhân Bí thư Huyện ủy về trách nhiệm do đơn giản, thiếu lãnh đạo kiểm tra để xảy ra hậu quả do chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; đình chỉ công tác của Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Kiểm điểm các ông: Lê Văn Mải, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng; Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã, xử lý nghiêm khắc sau khi có kết luận về trách nhiệm cá nhân.
.
Giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy căn cứ quy định Điều lệ Đảng, kiểm tra đôn đốc quy trình kiểm điểm, tổ chức và cá nhân theo quy định; giao Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị phương án cán bộ thay thế theo phân cấp; giao Công an TP khẩn trương điều tra, khởi tố vụ phá nhà trông đầm, xử lý theo quy định pháp luật.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố để sự việc xảy ra gây dư luận không tốt trong nhân dân.



Công an triệu tập một số cán bộ Tiên Lãng

Chiều tối 7-2, cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng cho biết đã xác định rõ tên tuổi người lái chiếc xe xúc và một số đối tượng có liên quan đến việc hủy hoại tài sản, nhà cửa của ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. Các điều tra viên cũng đã thu thập chứng cứ, tài liệu và ghi lời khai của các đối tượng gồm: ông Vũ Văn Kết, SN 1972, ở Tiên Hưng, Tiên Lãng; ông Vũ Văn Đoàn, SN 1968, ở Tiên Hưng, Tiên Lãng; ông Đặng Văn Tài, SN 1987 ở Tiên Hưng, Tiên Lãng.

Cùng ngày, Công an TP Hải Phòng đã làm thủ tục mời các đối tượng có liên quan đến vụ việc gồm: ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã để làm rõ việc ngôi nhà ông Vươn bị phá hủy và việc thủy hải sản… trong đầm ông Vươn bị mất theo trình báo của 2 nguyên đơn (vợ ông Vươn là Nguyễn Thị Thương và vợ ông Quý là Phạm Thị Hiền).


Công an TP Hải Phòng cũng đang trưng cầu giám định, đánh giá số tài sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy, mất trộm để khởi tố vụ án và quy trách nhiệm cụ thể cho các đối tượng liên quan khi đã có đủ căn cứ xác định đúng người, đúng tội.


NG.QUỐC - V.PHÚC
*****
Bài học lớn về công tác dân vận của chính quyền

Trong buổi họp báo, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành (ảnh) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đan Đức Hiệp đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của báo chí xung quanh vụ việc cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của ông Vươn.

* PV: Việc cưỡng chế đất đã xong, sau này chính quyền sẽ sử dụng khu đất như thế nào, có tiếp tục giao hay cho thuê?.



* Bí thư Thành ủy NGUYỄN VĂN THÀNH: Một trong những tồn tại của huyện Tiên Lãng là thu hồi nhưng chưa đưa ra phương án sử dụng. Vì vậy trong kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy có nêu là giao cho UBND TP và UBND TP đã giao cho Sở NN-PTNT, Sở TN-MT xem xét lại các đối tượng này, xem xét lại các quyết định giao hoặc cho thuê đất trước đây và đề xuất các phương án. Theo như quy hoạch thì có những khu vực vẫn tiếp tục nuôi trồng thủy sản, có những khu vực đưa vào sử dụng mục đích khác thì sẽ xem xét đưa vào sử dụng những mục đích khác như thế nào.

Về việc hộ ông Đoàn Văn Vươn sau này có được thuê hoặc giao đất nữa không, theo luật cũng như các quyết định và quá trình xử lý, đều khẳng định những hộ đã được giao đất thì đều có thể tiếp tục được thuê đất, nếu khu vực đất đó không đưa vào sử dụng mục đích khác.
.
Theo Luật Đất đai hiện nay, việc giao đất không được áp dụng nữa mà phải chuyển sang hình thức thuê đất. Do vậy, các hộ sau này đều phải áp dụng chung như vậy, nếu như các hộ có đơn tiếp tục sử dụng đất và mục đích sử dụng đất đó vẫn hợp lý. Việc thuê đất, hạn mức thuê đất phải theo quy định hiện hành theo Luật Đất đai 2003. Vì vậy, không chỉ trường hợp ông Vươn mà đối với các hộ khác trên địa bàn, TP sẽ rà soát lại tất cả việc giao đất trước đây về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất trên tổng thể địa bàn TP.

* TP có “giúp” tổ chức cưỡng chế trong vụ ông Vươn không?
 

* Trong việc tổ chức cưỡng chế ở các địa phương, UBND TP đã phân cấp cho UBND các quận, huyện và trực tiếp chịu trách nhiệm là chủ tịch UBND quận, huyện. Tuy nhiên, sơ suất ở đây là các ngành như: thanh tra, tài nguyên - môi trường của TP chưa kiểm tra và giám sát hướng dẫn cho cấp dưới chưa đến nơi đến chốn, nên để xảy ra hậu quả.

* Sau vụ cưỡng chế gây xôn xao dư luận này, Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Trung Thoại đã có phát ngôn “dân bức xúc đã phá nhà và vườn gia đình ông Vươn”? Vậy đây là phát ngôn của Thành ủy Hải Phòng hay cá nhân ông Thoại?


* Trong trình bày của anh Thoại trước Thành ủy, anh Thoại đã có báo cáo lại là trong quá trình phát biểu có những nội dung chưa chuẩn, để dư luận hiểu sai nên anh Thoại đã rút kinh nghiệm trước TP về việc phát ngôn không chuẩn, gây hiểu lầm.

* Ai phá nhà, có phải dân không? Trong quá trình xảy ra, có nhiều thông tin, phát ngôn chưa được kiểm tra, để gây nên dư luận hiểu lầm, Hải Phòng đã có rút kinh nghiệm về việc này?


* Ai phá nhà vườn của ông Vươn thì việc này, lãnh đạo TP đã giao cho Công an TP điều tra để khởi tố vụ hủy hoại tài sản công dân và sớm có kết luận về việc này.

* Lãnh đạo Hải Phòng rút ra bài học gì sau vụ việc này ?
 

* Dù đúng hay sai thì cũng gây phản ứng trong dư luận. Rút ra bài học trong công tác dân vận của chính quyền cần phải cẩn trọng hơn. Trước khi ra quyết định liên quan tới người dân như thế này cần phải tổ chức đối thoại, nghiên cứu thấu đáo và phải căn cứ vào các yêu cầu: có đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không, có phù hợp với luật pháp và các quy định của luật không, có phù hợp với thực tiễn không.

* Thành ủy Hải Phòng có công khai kết quả xử lý cán bộ không?
 

* Khi xử lý xong chắc chắn là phải công bố chứ không thể nào giấu được. 

* Gia đình ông Vươn có được tiếp tục thuê đất nữa không? 

* Phó Chủ tịch ĐAN ĐỨC HIỆP: Như đã trình bày, đất ven biển liên quan đến luật đê điều, luật đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Bây giờ rừng ngập mặn trở thành bộ phận cấu thành của đê. Mà rừng ngập mặn cần phải được bảo vệ, nên việc cho thuê để làm gì phải căn cứ vào quy hoạch và sẽ cho thuê bao nhiêu năm, hạn mức bao nhiêu cho phù hợp sẽ căn cứ vào quy định của luật. Vì vậy, nếu diện tích đầm của gia đình ông Vươn còn thiếu thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp, nhiều quá thì phải điều chỉnh lại.
KH.QUỐC- PHÚC HẬU



Lộ diện những kẻ tham gia phá nhà ông Vươn 

Liên quan vụ việc ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị đập phá ngay sau khi khu đầm nuôi thủy sản bị UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tổ chức cưỡng chế thu hồi, chiều 7-2, chúng tôi đã tìm tới đối tượng mà bước đầu những người dân xã Vinh Quang (Tiên Lãng) cho rằng chính là người có máy xúc tham gia vụ phá nhà ông Vươn. Đó là ông Vũ Văn Kết, SN 1972, ở xã Tiên Hưng (Tiên Lãng). Nhiều điều bất ngờ đã xảy ra sau vụ việc này….

Ông Vũ Văn Kết đang trần tình về vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Sau nhiều lần hẹn đi hẹn lại về việc gặp mặt để trần tình việc phá nhà ông Vươn, cuối cùng ông Vũ Văn Kết cũng đồng ý gặp chúng tôi, nhưng liên tục phải thay đổi địa điểm vì sợ có người theo dõi. Chờ đợi hơn 2 giờ, ông Kết mới đồng ý cho chúng tôi gặp tại một đầm nuôi thủy sản đóng trên địa bàn xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng.

Bằng giọng run run, ông Vũ Văn Kết giãi bày rằng: “Khoảng 14 giờ ngày 5-1, sau khi vụ cưỡng chế đầm anh Đoàn Văn Vươn diễn ra, anh Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, đã điện thoại cho tôi nói ra Tổng đội Thanh niên xung phong (ở xã Vinh Quang) gặp ban cưỡng chế có việc nhờ. Sau đó 30 phút, tôi có mặt gặp anh Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Trưởng ban cưỡng chế; anh Hoan và anh Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã, cùng toàn bộ ban cưỡng chế thì được đề nghị nhờ gọi hộ 1 máy xúc để ban cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Tôi đã nhận lời và điện thoại cho anh Thái (chủ máy xúc ở xã Hồng Thắng) nhưng do anh Thái bận nên tôi liền gọi cho anh Vũ Văn Đoàn, SN 1968, ở thôn Tân Quang, xã Tiên Hưng. Tôi nói với anh Đoàn là anh Khanh, anh Hoan, anh Liêm thuê xe xúc cưỡng chế, giải phóng mặt bằng đầm nhà anh Vươn.

Anh Đoàn hỏi lại cụ thể là ai, tôi nói anh Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện; anh Hoan, Bí thư Đảng ủy xã và anh Liêm, Chủ tịch UBND xã. Nghe vậy, anh Đoàn nhận lời. Tuy nhiên đến 17 giờ chiều cùng ngày, anh Khanh và anh Hoan điện thoại lại cho tôi nói hôm nay muộn quá, để sáng mai làm (tức sáng 6-1). Sau đó, tôi đã thông tin lại với anh Đoàn.

Ông Kết cho biết mình chỉ là người gọi hộ chiếc máy xúc vào cưỡng chế tại đầm anh Vươn, chứ thực tế thời điểm đó chiếc máy xúc đã được chuyển giao cho ông Đoàn từ cách đây 1 năm. Sau đó tìm hiểu, chúng tôi mới được biết Đoàn là anh ruột Kết…

Gặp chúng tôi, ông Vũ Văn Đoàn tiết lộ: “Sáng 6-1, nhận được tin của Kết, nói ban cưỡng chế thuê một máy xúc ra đầm anh Vươn. Chú Kết nói có anh Khanh, anh Hoan, anh Liêm thuê giải phóng mặt bằng với giá 500.000 đồng/giờ. Tôi điều nhân viên lái máy xúc Đặng Văn Tài, cháu tôi, SN 1987, ở xã Tiên Hưng ra đó gặp ban cưỡng chế thì mới được làm việc ấy”. Tuy nhiên, ông Đoàn cũng phân bua về việc mình “ngoài cuộc”, khi cho rằng đến 8 giờ sáng 6-1, khi xe xúc ra tới khu vực cưỡng chế thì ban cưỡng chế mới ra. “Do Tài lái xe ra đó, chứ tôi không ở đó, nên tôi cũng không biết ra đó làm những việc gì. Sử dụng máy xúc thế nào do ban cưỡng chế chỉ đạo. Tôi chỉ có mặt ở đó để bàn giao máy xúc cho Tài. Sau đó, tôi về nhà ngay vì có việc, tôi không gặp ban cưỡng chế ở đó”. Ông Đoàn cũng khẳng định: “Công việc phá dỡ là do tài xế máy xúc, còn tôi chỉ biết là máy của tôi được giao làm từ 8 giờ đến 11 giờ với tiền công là 1,5 triệu đồng”.
Căn nhà giữ đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn chỉ còn là đống đổ nát.

Chúng tôi tìm Đặng Văn Tài. Anh Tài tiết lộ thêm: “Sáng 6-1, chú Đoàn ủy quyền, giao lái xe xúc cưỡng chế khu vực đầm nhà ông Vươn. Chú Đoàn có nói với tôi, nếu các lãnh đạo của ban cưỡng chế có mặt, cụ thể là các ông Khanh, ông Liêm, ông Hoan thì mới được làm. Khoảng 7 giờ sáng cùng ngày, tôi đánh xe xúc đến và 8 giờ thì ông Hoan, ông Liêm và nhiều người trong ban cưỡng chế có mặt tại khu vực đầm nhà ông Vươn đứng ra điều hành. Tôi làm theo sự chỉ đạo của ban cưỡng chế mà trực tiếp là ông Hoan, ông Liêm. Đến 11 giờ thì xong, tôi đã đưa đề nghị thanh toán tiền công cho ông Hoan với 3 giờ là 1,5 triệu đồng”. 

Tài khẳng định như đinh đóng cột: “Khi được lệnh phá dỡ căn nhà hai tầng thì ngôi nhà này đã bị phá nham nhở rồi. Phần bờ tường vỡ hết, chỉ còn lại những phần bằng bê tông khó phá dỡ bằng thủ công”.
.
Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”?
Trước những thông tin cho rằng, chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang đã chỉ đạo phá nhà và vườn của ông Vươn sau vụ cưỡng chế, trao đổi với PV Báo SGGP, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết, việc phá vườn và nhà của anh em ông Vươn là có thật. Nhưng đây là nhà được xây dựng trên khu vực bãi bồi và không ai cho phép xây dựng nhà ở trên đất này. Ở đây trách nhiệm của chính quyền địa phương đã không giám sát chặt chẽ để ông Vươn xây dựng nhà trên khu vực này. Bản thân tôi chưa nghe được thông tin phản ánh lãnh đạo huyện hay xã chỉ đạo hay ra lệnh phá nhà. Việc nhiều thông tin có phản ánh chính quyền phá nhà dân là không đúng và quy chụp. Nếu có chăng có việc chỉ đạo phá nhà thì chỉ là một vài cá nhân “con sâu làm rầu nồi canh” thôi. Ai phá nhà dân thì hãy để cơ quan điều tra làm rõ và khi có kết luận trắng đen rồi thì cái gì thuộc về trách nhiệm cấp xã, cấp huyện, chúng tôi sẵn sàng nhìn thẳng vào thực tế và xử lý nghiêm.

Nguồn: SGGP.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"