Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Trung Quốc chặn chiến hạm Ấn Ðộ khi rời hải phận Việt Nam


HÀ NỘI (NV) - Một chiến hạm Trung Quốc đã chặn chiến hạm Ấn Ðộ ở trong vùng biển quốc tế khi tàu này vừa rời vùng biển Việt Nam hồi cuối tháng 7.

Tàu đổ bộ INS Airavat của hải quân Ấn Ðộ đậu ở cảng Hải Phòng ngày 26 tháng 7, 2011. (Hình: Báo Hải Phòng)
Ðây là lần đầu tiên thấy có một biến cố như vậy của hải quân hai nước nói trên tại biển Ðông.

Theo bản tin của Financial Times, chiếc chiến hạm Trung Quốc, không thấy xác định tên tàu, đòi ban chỉ huy tàu đổ bộ tấn công INS Airavat của Ấn Ðộ phải tự xác định danh tính và giải thích lý do tại sao có mặt ở vùng biển quốc tế này chỉ một thời gian ngắn sau khi tàu Ấn Ðộ hoàn tất chuyến thăm viếng cảng Việt Nam. Financial Times cho hay có 5 người hiểu biết vụ việc thông tin cho tờ báo.
Sự kiện mới nhất này về chủ trương coi biển Ðông như của riêng của Trung Quốc đã gây bực tức cho viên chức quốc phòng của Ấn Ðộ và Việt Nam.
“Bất cứ hải quân nước nào trên thế giới cũng có toàn quyền đi qua những vùng biển này.” Một giới chức hải quân Ấn Ðộ bình luận với Financial Times về biến cố.
“Ðối với bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền hay hỏi quyền đi qua (biển quốc tế) của một nước khác là không thể chấp nhận được”.
Theo Financial Times, Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhìn nhận tàu đổ bộ tấn công INS Airavat đã đến thăm Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 7, 2011 nhưng cho hay không biết gì về chuyện tàu Ấn Ðộ bị tàu Trung Quốc chận.
Bộ Quốc Phòng cũng như Bộ Ngoại Giao Trung Quốc từ chối lời đề nghị bình luận của Financial Times. Phía Ấn Ðộ cũng vậy.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), “Tàu độ bộ tấn công INS Airavat đến quân cảng Nha Trang thăm viếng vào các ngày từ 19 đến 22 tháng 7, 2011. Sau đó, chiến hạm này đến thăm cảng Hải Phòng từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 7, 2011”.
INS Airavat có trọng tải 5,650 tấn là một trong ba tàu đổ bộ tấn công tối tân nhất của Ấn mới bắt đầu sử dụng từ giữa năm 2009.
Càng ngày, Hải quân Trung Quốc càng đóng vai trò mạnh bạo hơn trong nhiệm vụ khẳng định chủ quyền biển đảo cũng như sức mạnh của họ trên biển. Ðiều này không những các nước nhỏ láng giềng của Trung Quốc thấy bất an, mà cả Ấn Ðộ cũng thấy quan ngại.
Theo Financial Times, chính phủ Ấn đã nêu vụ việc nói trên với Bắc Kinh, theo một nguồn tin ngoại giao. Nhà ngoại giao không nêu tên cho rằng hậu ý của Bắc Kinh là quyền canh chừng biển Ðông là của họ.
Những dấu hiệu mấy ngày gần đây cho thấy Hà Nội muốn vuốt ve làm hòa với Bắc Kinh kể từ khi các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
Hôm Thứ Hai, Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã gặp Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sau khi đã họp với Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng. Tin tức phổ biến trên TTXVN cho thấy ông Vịnh ca ngợi mối tình “đồng chí anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ðồng thời, cam kết sẽ “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam” và cam kết “không để sự việc tái diễn”.
Ông Vịnh cam kết “không chống Trung Quốc” và cũng nói Việt Nam không có ý định “quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Những điều này hoàn toàn ngược với ý kiến của nhiều giới quan tâm tới vận mạng đất nước.
Mười một cuộc biểu tình đã diễn ra ở Hà Nội từ đầu tháng 6, 2011 sau khi tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khoảng 50 người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội đã bị bắt giữ dù tướng giám đốc công an thành phố cam kết không đàn áp. Ða số đã được trả tự do trong ngày nhưng một số nhỏ bị giữ và thẩm vấn từ 3 tới 5 ngày sau mới thả. (T.N.)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"