Mai Xuân Dũng
Dân gian có chuyện mấy thằng mù xem voi, mỗi thằng một ý không thằng nào chịu thằng nào vì mỗi chú chỉ biết có một phần của con voi. Nhưng nói thật, thà rằng làm thằg mù mà sờ nắn một cái vòi, một cái chân, một cái đuôi…của con voi cho tường tận có lẽ còn tốt hơn thằng sáng mắt chỉ loáng thoáng về con voi mà không đến thật gần đến độ hít thấy cái mùi hôi rình đặc trưng của voi, không thấy cảm giác thô ráp kỳ lạ của lớp da chân voi cũng như cái vòi vừa mềm, vừa cứng vừa ấm nóng vừa nhột nhạt của dòng khí thở chạy qua đó. Như vậy mới đúng là biết voi cho tường tận vậy dù rằng điều đó không là tất cả.
Không dại gì mà so sánh các chú mù với các nhà Hà nội học, chỉ là một cách nói thôi. Thật đáng trân trọng các công trình nghiên cứu của các vị nhưng nói thật, các vị nhiều khi cũng chỉ “thấy” chứ không “hít” được Hà nội cho đến nơi đến chốn.
Phố Phái
Nếu hỏi những người Bắc vào xì goòng nay là thành phố Hồ Chí Minh câu: Sài gòn có gì lạ không ông? (chứ không phải Sài gòn có gì lạ không em) thường nhận được câu trả lời: Sài gòn không có mùa đông, Sài gòn đất nắng, Sài gòn không ngủ…
Và hỏi những bạn ở miền Nam ra Hà nội: Hà nội có gì lạ? thường nghe: Hà nội lạnh chết mẹ, người Hà nội giọng nói nghe thanh nhã, dân Hà nội chạy xe (máy) bất tử, Cà phê Hà nội ngon lạ…v.v..
Một dịp có thằng bạn alô kêu đi uống bia, sẵn có anh bạn Xì goòng thứ thiệt ra chơi liền kéo đi luôn. Ông này ôkê liền. Sàigòn thế đấy. Nếu là dân Hà nội khi có lời mời kiểu này thường bị từ chối khéo với 1001 lý do rất đáng ngờ. Dân Hà nội kín kẽ quá, ngược với một Xì goòng khoáng đạt hơn ít để ý tiểu tiết hơn.
Chiều đó cả bọn nhậu tới bến, anh bạn Xì goòng đâm ra khoái bia hơi dù trước đó anh chỉ quen toàn chơi lon với chai.
Sớm sau anh bạn hể hả: nghe tụi nó nói dân Bắc ở ngoải ý tứ, thâm trầm lắm đâu ngờ anh em Hà nội chơi zui zẻ cởi mở thiệt tình.
Đưa ông bạn quanh quanh phố cũ rồi leo tuốt lên một căn gác nhỏ uống cà phê. Vô tình gặp một ông bạn cũ đang cà phê một mình. Ba anh em bắt tay nhau và ngồi nhâm nhi mấy ly đen đặc quánh. Quán khá đông nhưng mọi người người ngồi trầm tư theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Anh bạn họa sỹ người Hà nội biển 30 ngó ra ngoài ban công lặng lẽ như chẳng ngồi với ai trong không gian đượm mùi cà phê, mùi khói thuốc lá và điểm xuyết bằng bản Avemaria do chiếc Odo 10 gông cổ lỗ treo tường trình trình tấu. Đó là một Hà nội khác, Hà nội trầm mặc.
Đi trên phố thủ đô bạn chớ thấy dòng thác xe máy đan như thác mà lo. Cứ lội vào dòng chảy đó, bạn cứ chậm rãi bước và sẽ qua đường bình an mà chẳng cần phải ngó trước ngó sau đâu, xe cộ sẽ tránh bạn. Nhìn anh bạn dân Nam với cả mấy em tây lóng ngóng không biết phải qua đường ra sao với “những chiếc xe máy điên” xuôi ngược lạng lách mới thấy tức cười. Khi đã quen quen, anh bạn Xì goòng bảo “Người Hà nội tham gia giao thông theo cái kiểu riêng của họ, xét cho cùng nó có cái lý của nó”. Hình như anh bạn đã bắt đầu biết cách nói theo kiểu Hà nội rồi.
Hà nội có một số quán ăn đặc phong cách Nam bộ. Sau khi nhậu quán Bà Sáu phố Văn Cao lại xuống ăn thử lẩu mắm cũng vẫn quán của Bà Sáu bến xe Phía Nam, bạn bảo rằng “lẩu đây ngon hơn ở phố Văn Cao” tớ phì cười. Hai nơi cùng một chủ, cùng một thứ nguyên liệu và cùng một công thức bếp nấu. Có khác chăng chỉ là “gia vị” hai nơi, đó là âm thanh với không khí của “hai miền đất”. Quán ở phố Văn Cao không có mùi xăng nhớt và tiếng “đù má” ỏm tỏi của cánh tài xế xe tải như quán bến xe Phía Nam mà thôi.
Lần trước đi chơi Bờ Hồ nhằm trúng “sự kiện chủ nhật 11”, chứng kiến cảnh lực lượng “dân sự và thanh niên tự nguyện” lùa các anh chị đi biểu tình lên xe buýt, anh bạn Xìgoòng lắc đầu hỏi: “cách thức chính quyền Hà nội bắt người thế này có lâu chưa?”. Mới đấy, chưa thấy bao giờ. “À. Ra vậy. Ở trỏng, mấy đại gia mafia hay chơi cách này. Mấy bà mấy ông mất nhà mất đất biểu tình phản đối cũng bị tóm cổ lẳng lên xe buýt chở đi tuốt vài chục cây số thả xuống đi bộ về. Khiếu kiện, chính quyền không tiếp, biểu tình lại bị túm, ném vô xe buýt hốt đi, mãi chán luôn”. Hai nơi, hai lối hành sự giống nhau. Hình như những điều này có vẻ có mối liên hệ biện chứng. Ai học ai và ai cùng bè với ai?
Buổi trưa, tiện đường kéo anh bạn qua nhà bạn cũ phố Hai Bà Trưng lấy ba thang thuốc bắc nhờ cắt từ mấy hôm trước. Hàn huyên một hồi đến khi đứng dậy cáo từ, cô bạn tươi cười nói bằng một chất giọng thủ đô oanh vàng nhẹ nhàng rất thiệt tình “mời hai bác ở lại xơi cơm, muộn rồi về làm gì, chả mấy khi”. Dĩ nhiên không thể ở lại nhưng dù sao anh bạn nghe chắc cũng sướng đôi nhĩ còn mình chỉ tủm tỉm. “Chết mẹ anh nào thật thà nhận lời”.
Sau ít bữa alô lại cho cô bạn, vờ trách “bà sáo lắm, hôm ý bọn này mà nhận lời ở lại dùng cơm là có đứa chết nhé”. Cô bạn mát mẻ “Cho ông được sỹ còn vô ơn. Tớ thế còn thật thà hơn chán vạn cánh báo chí các ông”.
Sau mấy vụ cắt xén, dựng chuyện bôi nhọ cá nhân, bới móc đời tư của đài, báo Hà nội, bây giờ cánh quyền lực thứ tư ở thủ đô lĩnh đủ. Ai chả biết cái câu thành ngữ đã có rất lâu “nhà văn nói láo nhà báo nói phét” nhưng như cách hành nghề hiện nay, đài báo đã mang lấy tiếng tệ hơn, đó là nói dối. Nói dối có vẻ gì đốn hơn, ti tiện hơn nói láo, nói phét.
Anh bạn nay đã bay về xứ nắng. Mà sao nói, viết vô duyên lạ, ngoài này giờ cũng nắng nóng chết mẹ luôn.
Đất nước thống nhất từ mấy chục năm nay. Tuy vẫn nhiều điểm khác nhưng về tính văn hóa xã hội chủ nghĩa, ở trỏng cũng zậy ha.
Hà nội hóa Xìgoòng lâu rồi.
MXD