Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Bóng đá đi trước xã hội nửa bước

Cavenui


bau-duc-bau-kien.jpg
Cavenui nhớ lại nhận xét cũ mèm này nhân sự cố ông chủ ACB Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên của CLB bóng đá vừa xuống hạng Hà Nội ACB (ông đầu bạc thắt cravat trong ảnh) quậy tưng cái buổi tổng kết mùa giải 2011 của Lờ đờ bóng đá nội. Nói đúng hơn, Cavenui nhớ lại nhận xét cũ mèm này nhân đọc 1 bài bình luận của nhà văn Nguyễn Quang Lập trên blog Quê Choa về sự kiện ấy, bài “Bao giờ có một bầu Kiên trong quốc hội?

Cavenui trích 1 đoạn:
Cho nên muốn có những cải tổ mạnh mẽ vì sự tồn vong của chế độ, của Đất nước thì cần có ít nhất một Bầu Kiên trong Quốc hội, chứ một nghìn ông Nguyễn Minh Thuyết, một vạn ông Dương Trung Quốc nói năng dù có bặm trợn đến giời cũng chẳng nhằm nhò gì đâu. Bởi vì đó là tiếng nói của kẻ sĩ, kẻ sĩ chỉ có khả năng lay chuyển được tâm và trí, làm sao đánh đổ được lì và trơ. Bao giờ sẽ có một Bầu Kiên trong Quốc hội? Khó lắm khó lắm, có lẽ không bao giờ.
Bóng đá có bầu Kiên rồi, theo quan điểm bác Lập, thế là tốt. Quốc hội chưa có ai như bầu Kiên, theo quan điểm bác Lập, thế là chưa tốt. Suy ra, về mặt nào đó, bóng đá tiến bộ hơn Quốc hội, đi trước quốc hội một chút.
Cavenui cũng đồng quan điểm này, tuy nhiên làm rõ thêm là bóng đá có đi trước, nhưng mới đi trước nửa bước thôi.
Vì nếu những người như ông Thuyết ông Quốc trong Quốc hội, dù có nói hay, nhưng thực tế chưa làm được việc gì thì bài phát biểu nảy lửa của bầu Kiên, dù có gây xôn xao, đến nay cũng chưa ai khẳng định là đã mang lại hiệu quả. Các ông bầu doanh nhân khủng dọa rút, nhưng ngoài ông Long Hòa Phát, chưa thấy ai rục rịch tiếp theo, cái giải ly khai nói chơi thì hay chứ bắt tay vào làm là khó, phe kia hiểu là đòn gió nên chưa có dấu hiệu nhượng bộ, đại khái là chưa có gì ngã ngũ cả. Cho nên bác Lập bảo phát biểu của bầu Kiên “đánh đổ được lì và trơ”, em e bác lạc quan khí sớm.
Còn bảo những phát biểu nghị trường của mấy ông Thuyết ông Quốc không quyết liệt như bầu Kiên vì các ông ấy là kẻ sĩ, em e là không đúng. Các ông Thuyết Quốc nói năng không hoành tráng được như bầu Kiên vì các ông ấy không đại diện cho 1 thế lực khiến người ta phải sợ. Các ông ấy không thể dọa: “nếu Quốc hội không đưa vấn đề ABC ra thảo luận, chúng tôi sẽ đi ngay”, hehe, người ta sẵn sàng để các ông ấy lượn cho nước nó trong (hay là cho nước nó đục). Vụ bầu Kiên hơi khác, 1 mình bầu Kiên VFF chắc không sợ đâu, nhưng nếu đúng là nhiều doanh nghiệp bự đồng lòng phản đối VFF thì cũng nên sợ đấy, nếu “chúng tôi (tức là các doanh nghiệp lớn) đi ngay” thì giải đấu năm tới sẽ thiếu tiền. Cho nên bên kia vẫn phải thăm dò, nếu có dấu hiệu của đòn thật chứ không đòn gió, nhất định phải có phương án đỡ đòn.
Bài của bác Lập cũng chỉ ra được từ “thế lực” là nhìn ra vấn đề, nhưng bác lại quy về chữ “kẻ sĩ” là chưa chuẩn. Các ông Thuyết Quốc hãy tiếp tục là kẻ sĩ đi, nhưng nếu các ông ấy đại diện cho 1 thế lực, chẳng hạn phe các ông ở Quốc hội đông đông một chút, nếu diễn biến có gì trái ý, các ông cùng đứng dậy bỏ ra ngoài (như bên tây), hành vi vẫn rất kẻ sĩ văn minh lịch thiệp chứ không túm tóc đánh nhau như bên Đài Loan Hàn Quốc, thì tiếng nói các ông vẫn có thể được người ta tính đến.
Ở đây cái sự đi trước của bóng đá thể hiện ở chỗ: trong bóng đá, những người như bầu Kiên tạo được 1 thế lực, còn trong quốc hội, những người như nghị Thuyết nghị Quốc thì chưa.
Bảo bóng đá đi trước là nhận xét cũ mèm của Cavenui, nghĩa là có từ trước vụ bầu Kiên. Sự đi trước của bóng đá thể hiện ở vài chỗ:
Bóng đá công khai hơn (những bí mật, âm mưu, tiêu cực thì vẫn đầy nhưng đây đó có nhiều góc lộ sáng): chẳng hạn 1 cuộc họp liên đoàn mà ông phó tổng đập bàn cãi nhau với ông tổng thì ngày hôm sau bọn Thanh Niên Tuổi Trẻ đăng ngay dân tình biết cả, còn 1 cuộc họp nội các mà giả dụ ông Ngân hàng to tiếng với ông Tài chính (chắc chắn là phải có, nếu các ông ấy lo lắng cho công việc mà công việc không chạy thì bực dọc với nhau, cãi nhau là tất yếu) nhất định các báo hoặc là không biết hoặc nếu biết cũng cóc dám đưa tin.
Cavenui đã một lần bàn sơ chuyện này trên diavn (nay chuyển về tathy) sau vụ HLV Letard. Từ năm 2005:

Bóng đá VN tất nhiên là không thơm tho sạch sẽ. Nhưng thật khó xây dựng một nền bóng đá văn minh trong 1 xã hội chưa văn minh, một bộ máy quản lý bóng đá lành mạnh trong 1 nền hành chính chưa lành mạnh v.v. Đòi hỏi VFF hay UBTDTT phải làm ăn đâu ra đó cũng giống như đòi hỏi ông ăn mày rách rưới phải có mấy ngón tay không cáu bẩn vậy.
Nhưng bóng đá VN là thứ công luận thích nhòm vào. Và quan trọng hơn, có những cánh cửa mở he hé (mở he hé thôi, nên mới có vụ kiện của Letard bị giấu nhẹm) cho công luận nhòm. Nó glastnost bằng mấy lần các lĩnh vực khác trong xã hội.
Quan bóng đá A vặc nhau với quan bóng đá B hôm trước thế nào, hôm sau báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ cứ vô tư mà đưa tin. Ở các bộ ngành khác đâu dễ thế!
Bóng đá là bộ mặt xã hội- thấy có người bảo thế. Em bổ sung: nó là cái van xả những ấm ức của xã hội nữa.
Nguồn Tathy.com 
Bóng đá có tinh thần chịu trách nhiệm cao hơn nên chuyện đội bóng thi đấu không thành công một thời gian dài thì HLV hoặc từ chức hoặc bị sa thải là chuyện thường tình trong bóng đá, trong khi bộ trưởng hoặc từ chức hoặc bị cách chức vì công việc điều hành bộ không tốt (dù không có vi phạm) là chuyện không biết ở Việt Nam có chưa, nhưng nếu có, đó cũng là chuyện đặc biệt hy hữu.
Bóng đá là nơi tài năng được đặt đúng chỗ hơn: ngôi sao tài ba có thể vì không hợp ý HLV mà bị đày ải trên ghế dự bị, mùa sau anh tìm đường phắn ngay sang chỗ khác biết người biết của, không có chuyện như kỹ sư giỏi bị trù dập mà hỏng 1 đời, nhà văn hay vì bị chiếu mà tác phẩm không đâu dám in hay y tá xuất thân vì hồng hơn chuyên mà chỉ đạo hàng loạt bác sĩ phẫu thuật.
Và 1 sự đi trước nữa: bóng đá là nơi mà các doanh nghiệp được báo chí có cảm tình, còn ngoài bóng đá, các doanh nghiệp chịu khá nhiều định kiến. Mà nước Nam mai này ra sao, hay hay dở, chính là nhờ các doanh nghiệp.
Vân vân, các bác tiếp nhỉ. Nhưng nhìn chung, có đi trước thì cũng chỉ trước nửa bước thôi, chứ bảo ông ăn mày phải có móng tay sạch sẽ khó đấy khó đấy.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"