Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Biển Đông nhìn từ phía Trung Quốc

Lời tác giả: Nhân chuyến công du của Ủy Viên Quốc Vụ Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam trong tuần này, người viết xin gởi một bài viết đã cho đăng vào tháng 06/2011 với nội dung giả tưởng khi nhà ngoại giao này gởi bản Nhận Định Tình Hình Biển Nam Trung Hoa đến Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì đặt mình vào cái nhìn từ phương Bắc nên xin lỗi độc giả nếu có điều bất cập.

——————————————
Kính gởi các đồng chí trong Ban Chấp Hành Trung Ương,
Trước hết, tôi xin khẳng định cùng các đồng chí lãnh đạo và toàn thể nhân dân Hoa Lục rằng Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển hình chử U ở Nam Trung Hoa thuộc chủ quyền không thể chối cải và là quyền lợi cốt lỏi của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Các nước Tây Phương và Đông Nam Á đã lợi dụng sự suy yếu của Trung Hoa dưới thời phong kiến để chiếm đoạt trái phép vùng biển đảo này nhưng chúng ta có đủ quyết tâm và thừa khả năng để dành lại trong một ngày không xa.

Tôi cũng quả quyết rằng Trung Quốc hiện có ưu thế tuyệt đối về quân sự để chiếm cứ biển đảo nói trên dễ như trở bàn tay. Tuy nhiên song song với biện pháp quân sự chúng ta phải chọn lựa một chiến lược phù hợp với các mục tiêu hàng đầu mà Đảng và Nhà Nước đã đề ra, mà tôi xin phép được nhắc lại và áp dụng vào tình hình đặc thù ở Đông Nam Á.
a. Xây dựng một xã hội ổn định và hài hoà
b. Đặt trọng tâm phát triển kinh tế
c. Không tạo hoàn cảnh dẫn đến giao tranh với Hoa Kỳ
d. Ngăn cản không cho một cuộc cách mạng hoa hồng xảy ra ở các nước lân bang gồm Việt-Miên-Lào-Miến Điện và Bắc Hàn
e. Không để hình thành một liên minh chống Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á
1. Xây dựng một xã hội ổn định và hài hoà
Không có gì nung nấu lòng tự hào dân tộc bằng sự khẳng định chủ quyền của chúng ta ở biển Nam Trung Hoa. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà Nước, nền kinh tế của Trung Quốc đã qua mặt Đức, Nhật và sẽ bắt kịp Hoa Kỳ để đứng hàng đầu trên thế giới trong một ngày không xa. Nhất thiết chúng ta phải phát huy ưu thế về quân sự và chính trị cho phù hợp với sức mạnh kinh tế để bảo vệ các quyền lợi cốt lõi trong khu vực.
Tuy nhiên trong thời đại nối kết mạng Đảng và Nhà Nước phải thận trọng để tinh thần dân tộc bộc phát trong quần chúng không bất ngờ dẫn đến làn sóng bài Mỹ, bài Nhật – nhất là khi mà Mỹ và Nhật chắc chắn sẽ có thái độ ngăn cản và một số biện pháp trả đũa nếu có tranh chấp quân sự tại biển Đông. Ngược lại chúng ta cũng phải chặn đứng mọi âm mưu tuyên truyền về một “đế quốc Trung Hoa” nhằm xách động chống đối ở ngoại Mông, Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.
Xã hội Trung Quốc còn đang phải đối phó với khoảng cách giàu nghèo, tình trạng tham nhũng, các tai biến môi trường, nạn lạm phát và đô thị hoá.
Chúng ta phải ngăn ngừa để lòng yêu nước kích động trên mạng không bất ngờ chuyển đổi trở thành diễn đàn tuyên truyền xách động chống Đảng và Nhà Nước dù ở cấp độ địa phương hay trung ương. Bài học Cách Mạng Hoa Lài cho thấy lực lượng công an không thể kiểm soát hữu hiệu một khi phong trào quần chúng tự phát bùng nổ nên Đảng và Nhà Nước cần phải nhanh tay chặn đứng mọi thể hiện phản động dù nhỏ hay lớn.
Trong hoàn cảnh tệ hại nhất chúng ta phải dạy cho Việt Nam thêm một bài học trên bộ nếu chúng tỏ ra cứng đầu không chiụ thần phục. Tôi quả quyết rằng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc có thừa khả năng để gây những thiệt hại nặng nề cho đối phương. Bù lại dựa theo bài học năm 1979 chúng ta cũng phải chuẩn bị chấp nhận tổn thất lớn về nhân mạng vì tính ngang ngược của bọn Nam Man. Điều tôi muốn nói là thế hệ hiện thời tại Trung Quốc chỉ lo làm giàu, chúng ta khó tiên liệu được phản ứng của quần chúng khi các gia đình phải mất con trai nhất là với chính sách mỗi nhà một con ngày hôm nay.
 2. Đặt trọng tâm phát triển kinh tế
Hiện nạn thất nghiệp tại Mỹ còn rất cao; khu vực đồng Euro còn bấp bênh; Nhật đang lo gánh nặng tái thiết sau thiên tai; Trung Quốc cũng đang phải đối phó với lạm phát và bóng địa ốc nhưng nói chung không nước nào muốn thêm một cơn khủng hoảng toàn cầu. Do đó khối tư bản công nghiệp sẽ không đủ khả năng trả đủa bằng kinh tế trong trường hợp có giao tranh quân sự ở biển Đông.
Đã qua rồi thời kỳ Tây Phương có thể phong toả mậu dịch Trung Quốc. Nếu cần chúng ta sẽ răn đe sử dụng trử lượng 3000 tỷ Mỹ Kim làm vũ khí đánh vào tình trạng nợ nần và sự yếu kém của đồng đô la nhằm ngăn ngừa Hoa Kỳ không có những biện pháp nông nổi.
Bài học năm 2008 khi nước Nga tấn công vào Georgia cho thấy các nước tư bản chỉ phản ứng có lệ chớ không có biện pháp trả đũa thiết thực nào về kinh tế lẫn quân sự.
Chúng ta đã kiểm soát nền kinh tế của nhiều nước ASEAN nhất là các quốc gia không có tranh chấp biển gồm Miến Điện, Lào, Cam Bốt. Chúng ta cũng đang mở rộng mậu dịch với Thái Lan. Mã Lai, Philippines, Indonesia. Ngay cả Việt Nam cùng Singapore cũng không thể nào dám cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Để kết luận, chúng ta sẽ gặp vài khó khăn nhưng không đủ để chặn đứng sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Bù lại chúng ta đạt được các quyền lợi vô cùng to lớn về tài nguyên thiên nhiên. Điểm chánh là chúng ta không thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến trường kỳ làm tiêu mòn nhân vật lực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
3. Không tạo hoàn cảnh dẫn đến giao tranh với Hoa Kỳ
Điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội hài hoà và tăng trưởng kinh tế là tránh chạm trán trực tiếp với Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có can thiệp vũ lực nếu có tranh chấp quân sự tại biển Đông.
Chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam cho thấy ngay cả lúc Mỹ mạnh và hung hãn cũng vẫn tránh né đối đầu quân sự với Trung Quốc.
Chúng ta có thêm hai bài học từ Nga. Năm 1979 khi đồng chí Đặng Tiểu Bình quyết định dạy cho Việt Nam một bài học thì Liên Xô chỉ phản ứng lấy lệ. Cũng vậy năm 2008 khi Nga tấn công Georgia thì Tây Phương không can thiệp quân sự.
Điều này cho thấy nếu một nước lớn khẳng định ảnh hưởng truyền thống trong các khu vực lịch sử thì các quốc gia Âu-Mỹ không dám đối đầu vì đã qua rồi thời kỳ thế giới bị thực dân áp đảo.
Dù vậy chúng ta phải nhanh chóng tuyên bố bảo đảm quyền tự do hàng hải tại biển Nam Trung Hoa. Nếu hải lộ chuyên chở 60% thương mại toàn cầu bị trở ngại ắt sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đây cũng là mạch máu của ba đồng minh nồng cốt của Mỹ gồm Úc, Nhật và Nam Hàn nên chúng ta cũng không thể tạo ra thế đối đầu với Hoa Kỳ.
Trái lại, chúng ta phải cho thế giới thấy vùng Đông Nam Á dưới sự chủ đạo của Trung Quốc là một khu vực an ninh, thịnh vượng và đóng góp vào sự phát triển chung của toàn thế giới.
4. Ngăn cản không cho một cuộc cách mạng hoa hồng xảy ra ở các nước lân bang gồm Việt-Miên-Lào-Miến Điện và Bắc Hàn
Tiến trình xây dựng xã hội hài hoà tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu “bọn phản động” phát huy được chiêu bài dân chủ ở các nước lân bang. Vì tranh chấp tại biển Nam Trung Hoa liên hệ tới Việt Nam nên chúng ta phải ngăn ngừa không làm suy yếu vi thế lãnh đạo của đảng Cộng Sản anh em.
Người phương Nam (trước đây chúng ta gọi là Nam Man) kém văn hoá nên vẫn còn mang nặng tinh thần bài Hán mà quên rằng Trung Quốc đã tốn hao xương máu và tài sản giúp Việt Nam độc lập. Người Nam mang thành kiến thiển cận nên không thấy được là Trung Quốc đang hùng mạnh trỗi lên đứng hàng đầu thế giới: theo thì sống, chống phải thua.
Nhưng nếu Việt Nam thua nặng tại biển Nam Trung Hoa “bọn phản động” sẽ lợi dụng cơ hội để tuyên truyền lật đổ đảng Cộng Sản anh em. Trường hợp tệ hại nhất là Trung Quốc phải đem quân đội sang giữ gìn an ninh trật tự để cũng cố cho một chính quyền hợp pháp phía Nam. Một quyết định tương tự đã khiến Liên Bang Xô Viết bị sa lầy tại Afghanistan và dẫn đến sự sụp đổ của toàn khối Đông Âu (và loại trừ một đối thủ chiến lược của Trung Quốc), nên chúng ta phải tránh tình huống này bằng mọi giá.
Theo ý kiến của cá nhân tôi đây là mối quan tâm lớn nhất cần được tiên liệu trước khi quyết định tái chiếm biển Nam Trung Hoa bằng vũ lực.
5. Không cho thành hình một liên minh quân sự bao vây Trung Quốc
Hoa Kỳ không đủ khả năng tài chánh, mà dân chúng tại các nước ASEAN cũng sẽ không chấp nhận cho Mỹ xây các căn cứ quân sự lớn trong khu vực. Hải quân Mỹ tuy mạnh nhưng phải trải rộng từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải rồi mới tới biển Nam Trung Hoa. Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates dù tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tăng cường hiện diện nhưng nếu không có những cứ điểm như Subic Bay ở Phi, Cam Ranh ở Việt Nam, Utapao ở Thái Lan thì Mỹ không thể nào triển khai các loại tàu chiến kinh tốc, chiến đấu cơ tàng hình và máy bay không người lái tầm xa để chống với lực lượng không hải quân và hoả tiễn diệt hạm ở Nam Trung Hoa.
Các nước Đông Nam Á đang trở thành sân sau của nền kinh tế Trung Quốc nên  sẽ không dám ra mặt chống đối. Chúng ta cũng cần luôn nhắc cho họ bài học lịch sử rằng Mỹ-Nga-Anh- Pháp-Nhật cuối cùng đều bị đẩy lui khỏi vùng ảnh hưởng truyền thống của Hán tộc.
Chúng ta dễ dàng khai thác những tranh chấp trong nội bộ ASEAN: Miến Điện tức giận vì không được làm chủ tịch năm 2014; tranh chấp biên giới Việt Miên Thái; tranh giành khai thác dòng sông Cửu Long giữa Việt Lào Miên Thái; tranh chấp biển đảo giữa Việt – Phi – Mã – Brunei.
Các nước ASEAN lợi dụng Việt Nam làm tiền đồn ngăn cản ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc nên không dại gì ra mặt trở thành đối tượng đầu tiên. Hơn nữa nếu không nhờ Trung Quốc ngăn cản thì Việt Nam sẽ là mối đe doạ hàng đầu trong khu vực.
Cá nhân tôi đánh giá những hành động can thiệp hiện thời của Mỹ chỉ đủ để gây rối và tạo chia rẽ giữa Trung Quốc và ASEAN. Một vòng đai chiến lược nếu được thực hiện chỉ nằm ở xa và gồm các đồng minh thân cân, mạnh về kinh tế và chia xẻ các giá trị dân chủ với Hoa Kỳ, gồm Nhật – Nam Hàn – Úc – Singapore – Ấn Độ
6. Kết luận: Ba Không
Chính sách kinh tế và ngoại giao tài tình của Đảng và Nhà Nước đang đưa Trung Quốc lên hàng siêu cường trên thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải khẳng định các quyền lợi cốt lỏi và truyền thống để bảo vệ và duy trì phát triển. Chúng ta phải đặt ưu tiên thuyết phục bằng mậu dịch, đầu tư và uy quyền chính trị nhưng nếu cần chúng ta cũng đủ khả năng để phát huy sức mạnh quân sự. Có ba điểm mà chúng ta phải tránh bằng mọi giá:
Không rơi vào một cuộc chiến kéo dài tổn thất nhiều nhân mạng
Không để cho vị trí của đảng Cộng Sản anh em bị lung lay do tranh chấp ngoài biển cả
Không chiến tranh với Hoa Kỳ
Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh đây sẽ là bước ngoặc lịch sử khẳng định vi trí siêu cường của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 21. Chúng ta sẽ gặp nhiều chống đối trong ngắn hạn nên cần phải sẵn sàng dùng mậu dịch, đầu tư, thị trường tiêu thụ đang lên và trữ lượng 3000 tỷ Mỹ kim nhằm hoá giải mọi mưu toan cô lập Trung Quốc về ngoại giao.  Nếu chiếm được ưu thế mà không phải đối đầu quân sự với Mỹ-Nhật-Úc thì lần đầu tiên từ hàng ngàn năm Hoa Lục có thể bao trùm ảnh hưởng ra một khu vực rộng lớn có giá trị chiến lược toàn cầu (ở xa phạm vi lãnh thổ và các nước láng giềng) xứng đáng với tính ưu việt của dòng Đại Hán.
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"