Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
WESTMINSTER (NV) – Năm 2008, ba đảng viên Việt Tân về nước vào Tổng
Cục An Ninh để thăm bạn đang bị giam trong đó, rồi cả 3 bị công an giam
lại. Chuyện này ngay lập tức làm xôn xao ít nhất hai đoàn ngoại giao ở
Việt Nam và họ rất quan tâm tới vấn đề này, theo lời tường trình trong
một công điện được Wikileaks tiết lộ.
Vụ này xảy ra tháng 4, 2008. Ba đảng viên Việt Tân là Mai Hữu Bảo từ
Mỹ, Bác Sĩ Nguyễn Thị Xuân Trang từ Thụy Sĩ, và Nguyễn Tấn Anh từ Úc,
hẹn nhau về Việt Nam để đi thăm nuôi các đảng viên Việt Tân đang bị giam
từ tháng 11 năm 2007, mà chưa đưa ra tòa. Cả ba đều là công dân các
nước này.
Theo lời kể lại sau này, ba người hẹn nhau ở Sài Gòn, rồi cùng vào
nhà giam của Tổng Cục An Ninh, đường Nguyễn Văn Cừ quận 1, để thăm nhóm
Việt Tân bị bắt. Họ mang thực phẩm và thuốc men vào thăm nuôi nhóm này.
Ba người vào trong đó buổi sáng ngày 3, rồi không thấy trở ra nữa.
Sáng ngày 4, một người bạn của Bảo là Tammy Trần ở Mỹ gọi về cho Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn, theo lời Ðại Sứ Michael Michalak kể lại trong công điện cùng ngày. Công điện này viết:
Sáng ngày 4, một người bạn của Bảo là Tammy Trần ở Mỹ gọi về cho Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn, theo lời Ðại Sứ Michael Michalak kể lại trong công điện cùng ngày. Công điện này viết:
“Cô Trần nói ông Mai là một đảng viên Việt Tân đã tới đó để thăm các đảng viên Việt Tân khác, trong đó có ông Nguyễn Quốc Quân.”
Lúc đó, trong tù đang giam giữ 4 đảng viên Việt Tân trong đó có hai
người quốc tịch nước ngoài, là Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân quốc tịch Mỹ, và
ông Somsak Khunmi tức Nguyễn Quốc Hải quốc tịch Thái Lan.
Tuy nhiên, vào lúc đó, Tammy Trần nói “cô không biết ông (Mai Hữu
Bảo) có tới được nhà giam hay không – lần cuối cùng cô nhận được email
của anh là trước đó một ngày, trong đó anh nói anh ‘bận và sẽ gởi email
tiếp.’” Cô Tammy Trần cũng nói Việt Tân biết và ủng hộ hành động của Mai
Hữu Bảo.
Cùng ngày 4, viên tham tán thông tin-văn hóa tòa đại sứ tại Hà Nội
được một nhà báo Mỹ gọi tới. Nhà báo này nói “ông được một đảng viên
Việt Tân ở Mỹ cho biết có 4 đảng viên Việt Tân, trong đó có một công dân
Mỹ, vào thăm Nguyễn Quốc Quân trong tù hôm trước nhưng không thấy ai
trở ra,” Ðại Sứ Michalak viết trong công điện. Con số 4 người không
chính xác nhưng là con số được ghi trong công điện.
Bà vợ Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân cũng nói với Tổng Lãnh Sự Mỹ là ngoài
một công dân Mỹ, có thêm một công dân Úc, và một công dân Thụy Ðiển
(thật ra là Thụy Sĩ) cùng đi theo vào thăm ông Quân.
Tới buổi chiều, bức công điện cho biết, viên tham tán chính trị tòa đại sứ Thụy Sĩ gọi cho tham tán chính trị tòa đại sứ Mỹ.
Bên Thụy Sĩ nói với bên Mỹ, có tin rằng 3 người ngoại quốc bị bắt: 1
công dân Mỹ, 1 công dân Thụy Sĩ, 1 công dân Úc, tất cả đều gốc Việt và
đều là đảng viên Việt Tân, đã vào Việt Nam với mục đích đi thăm một đảng
viên Việt Tân khác.
Ðại Sứ Michalak bèn gọi cho Thứ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình
Minh. Công điện cho biết Ðại Sứ Michalak nhấn mạnh hai điểm: Nhu cầu của
đoàn ngoại giao Mỹ phải biết tin tức, và lập trường của Mỹ là chống đối
những hành động đàn áp người hoạt động chính trị ôn hòa.
Cùng lúc đó, Phó Ðại Sứ Jonathan M. Aloisi gọi cho ông Nguyễn Bá
Hùng, vụ trưởng Vụ Châu Mỹ tại Bộ Ngoại Giao. Ông Aloisi nói lãnh sự Mỹ
phải có quyền bảo vệ những công dân Mỹ trong vụ này.
Ông Hùng nói ông không biết gì, nhưng cũng cho biết ý kiến “cá nhân”
của ông là Việt Tân muốn lật đổ chính quyền cộng sản và do đó là khủng
bố.
Sau khi bị giam 48 tiếng, các đảng viên Việt Tân này được thả ra và bị trục xuất ra khỏi Việt Nam, theo một công điện khác đề ngày 7 tháng 4, 2008.
Tòa đại sứ Thụy Sĩ nói với bên Mỹ là có tin 3 người này được thả ra
vào ngày 5 tháng 4. Nhân viên tòa tổng lãnh sự xác nhận ông Mai Hữu Bảo
đã rời Việt Nam qua ngả Hong Kong về Mỹ.
Trong một buổi tiếp tân ở Little Saigon sau đó, Mai Hữu Bảo cho biết
khi ba đảng viên Việt Tân vào gõ cửa nhà giam Nguyễn Văn Cừ (trước đây
là trụ sở tổng nha cảnh sát trên đường Cộng Hòa), tự xưng là đảng viên
Việt Tân muốn vào thăm Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, viên công an canh cổng
sững sờ ngạc nhiên, bối rối không biết trả lời ra sao, phải gọi hỏi cấp
trên trước khi mời 3 người vào trong rồi sau đó tách ra giam riêng và
hỏi cung.
Công điện của Ðại Sứ Michalak trích lời thông cáo báo chí của Việt
Tân, được dịch ngược lại tiếng Việt như sau: “Hành động nhân đạo thăm
bạn trong tù của 3 đảng viên Việt Tân này đã không được đáp ứng. Ngược
lại sau khi bước vào trại giam lúc 10 giờ sáng họ đã bị giam giữ trái
phép, bị tịch thâu điện thoại, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên
ngoài. Sau khi đã mất tích 24 tiếng, bạn bè báo động tòa lãnh sự Thụy
Sĩ, Mỹ và Úc và họ đặt vấn đề với chính quyền về vụ này. Không ngụy tạo
hay chưng ra được bằng chứng tội phạm trong chuyến viếng thăm nhân đạo
này, chính quyền Hà Nội phải trả tự do cho 3 người.”
Mục tiêu chính trị đằng sau cả cuộc viếng thăm lẫn phản ứng của Hà
Nội không qua mắt Ðại Sứ Michalak. Ông viết lời bình luận trong công
điện như sau:
“Xưa nay ai cũng biết là ngay cả người trong gia đình cũng còn không
được Việt Nam cho vào thăm tù đang bị giam giữ để điều tra, nên rất có
thể là ba người này biết họ sẽ không được vào thăm bạn mà chỉ muốn nêu
bật vấn đề một cách ôn hòa. Phía Việt Nam, quyết định trục xuất những
người này, cũng nằm trong mục tiêu giảm thiểu sự chú ý của quốc tế tới
sự việc.”