Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Mẹ Thứ - Anh hùng hay Nạn nhân?

Bùi Hồng Hải

Chuyện làm tượng đài

Những ngày này, dư luận trong và ngoài nước đang sục sôi trước việc tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt tăng chi phí xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỹ, tỉnh Quảng Nam lên đến 410 tỉ đồng (tăng dự toán lần thứ 2).
Đã có rất nhiều nhà Văn hóa, nhà văn, các họa sĩ, nhà điều khắc và đông đảo dư luận nhân dân đưa ra nhiều ý kiến xung quanh việc này, hầu hết đều bày tỏ sự không đồng tình với việc xây dựng tượng đài với vô số các lý lẽ thuyết phục: Năng lực xây dựng tượng đài ở Việt Nam, đặc biệt là các tượng lớn có tính sử thi, khả năng thi công đảm bảo vĩnh cửa, chống các tác động của thời tiết. Các vấn đề về kiến trúc, thẩm mỹ của Tượng đài cũng đang gây tranh cãi trong các nhà chuyên môn (hầu hết đều chê xấu hoặc nghi nghờ khả năng thành công...), hoặc đơn giản là chi phí quá lớn…

Người viết bài này đồng ý với kết luận của một nhà chuyên môn và một nhà văn hóa:
Nhà điêu khắc Phạm Trung, trưởng ban điêu khắc hiện đại, Đại học Mỹ thuật Hà Nội: “Với hình thức làm tượng đài ngày càng phóng to về quy mô, bảo thủ về hình thức và kỹ thuật, tiêu tốn ngày càng nhiều tiền mà lại lồng ghép nhiều công năng trái chiều.... thì đó sẽ là một sự thất bại về mặt nghệ thuật của VN. Tượng mẹ VN là ví dụ chung cho sự thất bại này”.
Còn Nguyên Ngọc, một nhà văn hóa lớn có rất nhiều duyên nợ với Quảng Nam thì nói thẳng: “Nên dừng lại. Dẫu đã dấn vào đến mức nào đó cũng nên có quyết định sáng suốt và dũng cảm, tránh những hậu quả khôn lường về rất nhiều mặt.
Còn các chính trị gia, ngoại trừ ông Đinh Hải, Giám đốc sở văn hóa-Du lịch Quảng Nam và vài quan chức tỉnh này là công khai lên tiếng ủng hộ dự án (đương nhiên), hầu hết lại đang hoàn toàn im lặng? chúng ta có thể hiểu được sự im lặng của họ.
Ở đây, tôi muốn bàn đến một vấn đề khác, chúng ta sẽ nhìn nhận và ứng xử với nỗi đau và mất mát của một bà mẹ Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua.

Anh hùng?

Với Mẹ Thứ hay bất kỳ người phụ nữ nào, chẳng có thể có nỗi bất hạnh nào lớn hơn khi mất chồng, 9 người con, 1 rể, hai cháu ngoại. Chắc chắn Bà là một trong số những bà mẹ bất hạnh nhất trong số hàng trăm nghìn bà mẹ VN đã mất người thân của mình trong cuộc chiến tranh vừa qua. Nói khác đi, Bà chính là nạn nhân tiêu biểu trong số hàng triệu nạn nhân nói chung trong đó có các bà mẹ Việt Nam đã phải gánh chịu khi cuộc chiến tranh đi qua.
Vậy Bà có Anh hùng không?, tôi không khẳng định (hay phủ nhận) việc đó bởi không biết được các hành động tham gia trực tiếp của Bà vào cuộc chiến. Nhưng chắc chắn, việc gọi bà là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, theo quan điểm chế độ, là dựa trên những mất mát người thân của các Bà mẹ trong chiến tranh làm tiêu chuẩn theo qui định của nghị đinh 176/CP ngày 29-10-1994. (http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-176-CP-thi-hanh-Phap-lenh-Quy-dinh-danh-hieu-vinh-du-Nha-nuoc-Ba-me-Viet-Nam-anh-hung-vb38881t11.aspx)
Việc đánh giá là một Bà mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay không dựa trên nghị định trên xem ra rất không ổn, cả về phương diện học thuật (ngôn từ) hay đạo đức.
Theo quan niệm chung, Anh hùng được hiểu là những người có tài năng hoặc hành động hoặc đóng góp nổi bật, thường trong chiến tranh, cho đất nước họ (hoặc nhà cầm quyền đương quyền), ví dụ anh Hùng Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Tuy vậy, anh hùng cũng mang mầu sắc phe phái, chính tà. Theo quan điểm như vậy, chỉ có những người (anh hùng) ở phía chính nghĩa mới thực sự được coi là anh hùng. Lịch sử hơn 2000 năm của Việt Nam với hàng trăm cuộc chiến tranh và xung đột với các nước lân bang hoặc nội chiến cũng không để lại thực sự nhiều anh hùng.
Những người cũng có đóng góp rất lớn cho đất nước nhưng ở các lĩnh vực khác: Người viết sử (Lê Văn Hưu, Ngô Thì Sỹ), nhà thơ - văn hóa (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…), lương y (Lê Hữu Trác…) và rất nhiều danh nhân trong các lĩnh vực khác thì thường không gọi là anh hùng.
Trên phương diện đạo đức, việc một bà mẹ mất những đứa con của mình trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng là điều đau khổ và hoàn toàn không mong muốn. Việc chia sẻ, bù đắp những nỗi bất hạnh của họ là điều nên làm. Nhưng việc cộng số người con (hoặc chồng, hoặc bản thân) hy sinh để công nhận thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Còn các bà Mẹ khác cũng mất chồng, con, nhưng chưa đủ để trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng, do không may có số con chết trận quá ít hoặc không động viên (hay ép buộc) đủ để các con ra mặt trận (để chết trận) nhiều hơn nữa, chắc cũng cảm thấy tiếc? Việc này cũng chẳng khác nào việc ca tụng câu truyện truyền thuyết trong chiến tranh về việc bà mẹ (chắc cũng anh hùng?) bóp mũi con đến chết để tránh bị lộ khi đang ở dưới hầm bí mật.

Hay nạn nhân?

Cuộc chiến tranh Việt Nam rõ ràng đã để lại những di hại thảm khốc cho hàng triệu người Việt Nam ở cả hai phía.
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh rất lớn và phức tạp, đa chiều đa kích. Các nhà sử học, nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới phải mất nhiều năm nữa để tìm hiểu, tranh cãi và giải mã cuộc chiến này. Ngay cả điều đơn giản nhất là tên của cuộc chiến vẫn đang là đề tài tranh cãi, “Cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hay “Chiến tranh Việt Nam”?. Vì vậy, khoác vai trò chính – tà của cuộc chiến cho bất kỳ một bên nào có lẽ không phải là thái độ công bằng, ít nhất vào lúc này.
Việc công nhận mẹ Thứ như là biểu tượng của các bà mẹ Việt Nam anh hùng (phe chính nghĩa) lúc này chẳng khác nào tiếp tục lôi bà vào cuộc vào các cuộc xung đột Quốc - Cộng của người Việt trong gần suốt thế kỷ 20 và tiếp tục chưa thấy điểm dừng đến ngày nay.
Ngoài biểu tượng tuyên truyền (chắc gì bà đã mong muốn?) của những người cộng sản, bà sẽ vô tình trở thành biểu tượng uất hận của hàng chục nghìn bà mẹ Việt Nam khác cũng có những người con là những người lính VNCH chết trận hoặc đơn giản chỉ là một nạn nhân vô tình của chiến tranh, những người mẹ đã bị xã hội bỏ rơi trong suốt 36 năm qua.
Sự thất bại (rất có thể) của bức tượng về nghệ thuật, chính trị, tài chính… của dự án như đã từng xảy ra rất nhiều tại VN. Khi đó, bà sẽ lại vô tình, dù chắc là không muốn, trở thành đề tài đàm tiếu của xã hội truyền thông. Đã có nhiều lãnh tụ trong các nước cộng sản rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy.
Tiếp tục xây dựng những tượng đài kiểu thế này, mục tiêu hòa giải dân tộc vẫn là câu chuyện của tương lai. Các Tượng đài, nếu hết lý do tồn tại, vẫn là nguyên gây tổn thương đất nước.
Tôi không tin mẹ Thứ sẽ vui vẻ khi tiếp tục tham gia cuộc nội chiến trong lòng người Việt lúc này. Bà đã quá đủ đau khổ và trải nghiệm.
Chỉ có cách tốt nhất để chia sẻ với những nỗi đau mà bà đã gặp phải:
Hãy để Bà bình an bên những người thân yêu của mình.
Bùi Hồng Hải
25/9/2011

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"