Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Trích dẫn lịch sử

Trích dẫn lịch sử thì phải đầy đủ và đúng thực chất

Nguyễn Trọng Vĩnh
image[8].png
Tình cờ tôi đọc được những đoạn trích dẫn lịch sử của ông Tạ Ngọc Tấn nói chuyện ở đâu đó. Thấy ông cắt xén lịch sử xúc phạm những người biểu tình yêu nước, đổi trắng thay đen mà ngứa ngáy cả người, nên phải viết những dòng dưới đây để bổ khuyết cho ông ta.
Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của ta, phá cáp của tàu Viking II đang thăm dò trong thềm lục địa của ta, gây hấn ở Biển Đông khiến những người yêu nước bức xúc phải biểu tình phản đối. Trong số người biểu tình có dân, có cựu chiến binh, có thanh niên, sinh viên, cựu công an và nhiều nhân sĩ trí thức có tên tuổi như các nhà văn, tiến sĩ, giáo sư...: Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Đỗ Xuân Thọ, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Nguyễn Đông Yên, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Xuân Diện, v.v. Thế mà ông Tấn dám bảo là “phụ họa với Đảng Việt Tân”?

Ông Tấn là loại trí thức gì mà dám xúc phạm những vị trí thức chân chính, yêu nước, dám nói những người biểu tình là “phá hoại quan hệ Việt - Trung”. Ai phá hoại? Đâm chìm tàu cá của ngư dân ta, bắt, bắn ngư dân ta, tịch thu tài sản, ngư cụ của họ, cấm ngư dân ta đánh cá trong vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh, phá cáp tàu Viking II... Chính Trung Quốc mới là người phá hoại quan hệ Việt - Trung.
Biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà ông Tấn bảo là “phá nước” (!). Ai phá nước dân biết.
Ý chừng để khuyên mọi người nên nín nhịn Trung Quốc bất kể họ ngang ngược thế nào, ông Tấn dẫn chứng lịch sử: “Ông cha ta rất khôn ngoan giữ hòa hiếu, chịu sắc phong, triều cống đủ thứ...”. Đấy chỉ mới là một vế, thực chất không đơn giản chỉ có thế!
Phải nói từ đầu. Các triều đại Trung Quốc từ Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều nuôi tham vọng và dã tâm thôn tính thống trị An Nam. Nước ta luôn phải đối mặt với hiểm họa phương Bắc. Triều đại nào cũng huy động đại quân xâm lược nước ta hòng thực hiện tham vọng. Lần nào cũng bị vua sáng tôi hiền cùng với dân đoàn kết một lòng đánh cho tơi bời, bỏ cả ấn tín mà chạy, chui vào ống đồng để thoát chết. Sau đó có chuyện “cầu phong”, “triều cống”. Nhưng “cầu phong”, “triều cống” trên tư thế của kẻ chiến thắng chứ không phải hèn yếu, cốt lõi là giữ vững độc lập chủ quyền.
“Cầu phong”, “triều cống” là để cho đẹp mặt nước lớn, là hình thức, là sách lược xoa dịu bớt nỗi hận và lòng tự ái của kẻ bại trận để tránh phải kháng chiến chống lại họ một lần nữa hao người tốn của. Còn “phong” hay không thì các vua Lý, Trần... vẫn là vua của nước Nam độc lập. Bắc triều không can thiệp vào nội bộ nước ta được, không chi phối, sai xử vua Nam được. Độc lập là bất khả xâm phạm thể hiện trong 4 câu thơ của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch Lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Ông Tấn cũng nhắc đến vấn đề “Trung Quốc giúp ta trong kháng chiến Pháp và chống Mỹ như môi với răng”. Đúng! Có thế. Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu Liên Xô giúp ta xe tăng, máy bay, tên lửa, thì Trung Quốc cũng giúp ta quân trang, vũ khí, tài chính và nhiều thứ. Khối lượng khá lớn. Mặc dầu sự giúp đỡ ta cũng có lợi ích của Trung Quốc, có động cơ và mục đích riêng, nhưng nhân dân và Chính phủ ta vẫn rất biết ơn.
Chính tôi cũng từng mặc quân phục, ăn lương khô, cala thầu mà Trung Quốc viện trợ. Ngày chúng ta toàn thắng giải phóng miền Nam, trong cuộc mít tinh lớn tại Thiên An Môn do Trung Quốc tổ chức chào mừng, là Đại sứ nước ta, trong bài diễn văn, tôi đã hết lời ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn chân thành của Nhà nước ta đối với sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em.
Nhưng đến tháng 2-1979, nhà cầm quyền Trung Quốc huy động hàng chục vạn quân bất ngờ tấn công tàn phá các tỉnh biên giới của ta, giết hại đồng bào ta thì tự họ đã xóa sạch mọi ân tình. Tôi không thể hàm ơn được nữa. Sự kiện này chắc vì vô cảm nên ông Tấn không nhớ.
Ông Tấn nói: “Tranh chấp biên giới trên đất liền thực ra ta có mất gì đâu”. Ông đâu biết (hay cố tình không biết?) từ bao đời nay dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang đất ta rất nhiều, chôn mả bên ta, làm đường mòn vòng sâu vào đất ta để rồi sau đường mòn đó nghiễm nhiên thành đất Trung Quốc. Thực tế trên biên giới, ta mất già nửa thác Bản Giốc, mất cao điểm 1509 trong huyện Vỵ Xuyên tỉnh Hà Giang, mất mảng đất từ Hữu Nghị Quan đến chợ Tân Thanh. Hữu Nghị Quan xưa là Ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đã tiễn cha đến đó. Dân ta nói đất ta mất vào tay Trung Quốc một diện tích bằng khoảng “một tỉnh Thái Bình”.
Ông Tấn còn nói: “Tranh chấp làm gì? Ta cứ gây hấn với Trung Quốc thì được cái gì?”!! Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, phá cáp tàu Viking II, những người yêu nước Việt Nam tay không biểu tình phản đối lại gán cho là gây hấn. Thật là đổi trắng thay đen một cách trắng trợn, lố bịch!
Tệ hơn nữa là ông ta còn nói: “Mất một chút nào đó để tránh được chiến tranh giữ gìn được hòa bình thì...”. Ô hay! Mất một hòn đảo ư? Hay mất một điểm chiến lược Tây Nguyên để xin hòa bình?! Hay gì nữa?? Thật hết chỗ nói!!
Dù sao ông Tấn cũng là người thuộc dân tộc Việt Nam, ông nên suy nghĩ kỹ, mong rằng từ sau nói gì thì nói cho đúng mực, không nên quá tự hạ mình rồi cắt xén lịch sử, xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen như vừa rồi.
Kính chào
N.T.V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"