Phạm Kỳ Đăng
Hơn mười tuần qua Hà Nội văn hiến còn lưu dấu trong mắt khách thập
phương những ảnh hình phản cảm khi nước Hồ Gươm in bóng tháp Rùa giữa
mùa thu hòa bình chợt phản chiếu bóng nhao nhao người vây bắt, rầm rập
kẻ xé cờ. Truyền hình và thông tin đại chúng vài thập niên trước bao lời
đẹp đẽ ca ngợi nam hùng nữ đảm, nay hoen ố mặt người nói lời điêu toa
thô thiển. Âm điệu thoá mạ trong phóng sự truyền hình về Cù Huy Hà Vũ
gợi không khí đấu tố của hơn nửa thế kỷ trước khiến khách vãng lai tưởng
mình lạc vào tranh tối tranh sáng của một huyện lỵ Việt Nam thời Cải
cách ruộng đất.
Ở một nhà nước thực sự pháp quyền, cơ quan tư pháp, chưa nói đến xét
chứng cứ cấu thành tội phạm, chỉ cần căn cứ vào các vi phạm thô bạo
trong thủ tục điều tra và bắt bớ thôi, đã phải thả ngay người công dân
Cù Huy Hà Vũ. Đằng này, ở phiên phúc thẩm, sau khi khi y án và tuyên
thêm Cù Huy Hà Vũ cái hình phạt tréo ngoe, nền tư pháp - công cụ vẫn
chưa hả hê, đã viện thêm đến truyền thông, đến tiếng nói của công luận
ăn theo biện minh cho hành xử độc đoán.
Xem lại videoclip trên YouTube, sau khi ông Phạm Khắc Sửu và bà Phạm
Bình Mai thuộc phường Điện Biên - Quận Ba Đình khen ngợi phiên toà „công
khai và dân chủ, đúng người và đúng tội“, đến lượt nhà chức trách địa
phương - ông Trần Minh Quân, Chủ tịch UBND phường Điện Biên Ba Đình -
lên tiếng việc: “…quan hệ họ hàng, gia tộc và anh em cũng không được
tốt… Nhiều lần bà Trần Lệ Thu và Cù Huy Anh có ý kiến… Rất nhiều lần địa
phương nhắc nhở và gặp gỡ nhưng thái độ anh này ngông cuồng và không
chấp hành quy định Phường“.
Tiếp đó bà Trương Thị Diễm Phương tỏ ý „với hàng xóm có nhiều chuyện“
và “…riêng trong phiên toà, rất tiếc chúng ta vẫn thấy cách ứng xử
thiếu văn hóa“.
Rồi ông Nguyễn Chữ mang „tình đồng hương, là người Hà Tĩnh lại cùng
Đức Thọ“ ra xác tín, để cho mình cái quyền phán xét: „Chuyện ấy phải trả
giá!“.
Người cuối cùng, ông Hoàng Báo buông lời khinh mạn: „Tôi không hiểu
tại sao lại có những thằng cha nảy nòi ra hung hăng và láo lếu như vậy“.
Nếu thực sự cầu thị văn minh thì với một kẻ dẫu bị hệ thống pháp luật
kết án có hiệu lực vẫn nên được cơ quan nhà nước gọi với danh ông/bà. Ở
xứ mình thật lạ: đã xử một tiến sĩ luật như trả thù – bởi cả những phác
thảo còn nằm trong máy tính tức là bởi những ý nghĩ trong đầu bị đọc ra
đầy dụng ý, lại còn đưa nạn nhân ra làm con mồi cho công luận ủy nhiệm,
kém văn hoá ngay ở cách xưng hô, săm soi vào những khía cạnh riêng tây
không thuộc về hình sự, hơn nữa không được minh định - thả sức ném đá
quy kết. Nhà chức trách và lê dân qua đó cấu kết nhau lập nên phiên xử
chợ lần nữa.
Màn đồng ca cuối cùng đáng xấu hổ nhất được dàn dựng bởi cơ quan
truyền thông cấp quốc gia - kênh truyền thông quan trọng, tiêu tiền của
dân - là VTT1, tố cáo „các thế lực phản động và thù nghịch trong và
ngoài nước“. Choáng men say thừa thắng xốc tới, VTT1 ra đòn chụp mũ
„phản động“ cho báo chí trong và ngoài nước có tiếng nói phê phán khác
với báo chí lề phải.
Người nghe lập tức có thể hỏi lại rằng, chính quyền Việt Nam gần đây
luôn nêu cao xu thế hội nhập, hẳn phải làm nên tội lỗi gì tày trời lắm
để đến nỗi luôn phải cảnh giác trước các „thế lực thù địch và phản động
trong và ngoài nước“. Nếu quả có thế, chính quyền ta bộc lộ rõ vẻ không
mấy đáng yêu đáng trọng, khi phải cảnh giác hết kẻ thù này đến kẻ thù
kia.
Thực ra sự có mặt thường trực của kẻ thù và việc thường xuyên dựng
lên kẻ thù địch và phản động bắt nguồn từ nhu cầu thường trực và nội tại
của nhà nước toàn trị. Chính quyền luôn phải treo trên đầu thiên hạ
chân dung kẻ thù trực diện mới khuấy động được toàn dân thành một đám
đông hăng say cuốn vào các phong trào do đảng phát động, và hoảng loạn
đấu tố, để tổ chức đảng dễ bề cai trị. Có điều đáng thắc mắc ở đây, nhà
nước toàn trị Việt Nam đã vững chãi đến mức xơ cứng cột sống từ nhiều
năm nay trước nguy cơ thoái hoá và vì thế đứng trước yêu cầu cải cách
rất lớn, vẫn sử dụng biện pháp thô thiển của giai đoạn chiếm quyền là
tạo phản và giải quyết xung đột ngụy tạo bằng bạo lực.
Theo dõi những sự kiện sau đó, tuyệt nhiên người ta không thấy một tổ
chức chính trị nào của Việt Nam ở hải ngoại nhận vai trò liên đới và
đứng ra liên kết. Bản thân người biểu tình tự phát tuyên bố không đại
diện cho một ai trong số bị an ninh tra xét. Cá nhân tôi cảm thấy tự hào
thầm hy vọng về đất nước còn có những người xuống đường vì yêu nước,
nơi nhân dân được thức tỉnh bởi nhân sĩ trí thức biểu tình ôn hoà, và,
nếu đảng cầm quyền lắng nghe ý kiến những nhân sĩ ái quốc đi đầu, đất
nước sẽ có cơ hội đoàn kết dân tộc tránh đổ vỡ, qua đó xây nền tảng hoà
nhập vào thế giới dân chủ.
Nếu chính quyền Trung Hoa, sau Cách mạng văn hoá, vẫn dám thực hiện
vụ đàn áp Thiên An Môn, thì ở nước ta nguy cơ đấu tố Cải cách ruộng đất
vẫn rập rình diễn biến ở phiên bản mới. Nghe tiếng nói của nhà chức
trách Phường, tuổi còn độ trẻ, cũng như của phát ngôn viên, ta chẳng lấy
làm ngạc nhiên về tính sát phạt của đám đông bị kích động. Thả nổi cho
họ, sức vóc của người trí thức can đảm thực hiện quyền công dân Cù Huy
Hà Vũ nào có thấm tháp gì. Mới ngày đâu xa, cả lão thành cách mạng hay
tướng lĩnh công thần còn bị đánh cho thân bại danh liệt bằng các cuộc
họp chi bộ quèn ở địa phương, ở tổ dân phố.
Lịch sử lại quay về. Sẵn biện hộ về mục đích hoặc mang tiếng được xây
dựng vì sự tiến bộ và tiến hoá, trong thực tế các chế độ toàn trị luôn
sẵn sàng đảo vòng và quay ngược. Nghịch lý này tồn tại nơi mọi hoạt động
biến diễn của các hệ thống làm nên xã hội (kinh tế, khoa học, tinh
thần, nghệ thuật, v.v.) bị hoạt động chính trị thôn tính, và hoạt động
này phục vụ lợi ích của nhóm chuyên chính, mượn ngôn ngữ báo chí chính
thống hôm nay gọi là nhóm lợi ích độc quyền.
Kịch bản ngoài đời và trên vô tuyến trình chiếu vừa qua tuy không ác
liệt vẫn mang tính điển hình. Suốt quá trình chính trị hoá mọi hệ thống
xã hội, song hành với nỗ lực đơn nguyên hoá tư tưởng, chính quyền chuyên
chế ở mức nỗ lực như vậy tìm mọi cách nhất thể hoá hành động. Để thực
hiện mục tiêu này, bộ máy nhà nước tạo dựng mẫu người phục vụ lợi ích.
Sẵn trong lý thuyết, các nhà nước đó đều có tham vọng cải tạo con người,
hoặc bằng một cách phi nhân tạo ra con người mới (ưu việt về giai cấp, ý
hệ như mô hình Mao, Stalin hoặc về chủng tộc như mô hình Hitler), rèn
quần chúng theo mẫu người lý tưởng, sẵn sàng thí cả đám đông vào việc tố
giác, bôi nhọ và loại trừ những cá thể lệch chuẩn. Dưới giác độ tổ chức
xã hội, chính quyền lên đến đỉnh cao tập trung quyền lực đã biến nhân
dân thành đám đông tố đấu theo luật bất thành văn, tức vô tội vạ.
Tuy nhiên, sau những diễn biến và ứng xử thiếu nhất quán của chính
quyền mới đây, giới nhân sĩ trí thức hãy thật để tâm hơn tới kẻ ra tay
đối với mình: người vu khống, hô hoán hạ nhục các anh còn là những nhà
văn nhà báo, nhà làm truyền hình phóng sự hãm hại người trung chính. Họ
cũng nhà văn nhà báo, cũng chẳng ai khác ngoài họ gắp lửa bỏ tay người.
Ở đây có ba điều thức tỉnh hơn cả:
- Thứ nhất, cơ quan quyền thế làm tuyên truyền tuyên huấn bao lâu nay
hoạt động ngoài định chế, có thể nói là „xổng luật“. Tùy cơ ứng biến,
hết cơ quan tuyên huấn tuyên giáo trung ương đến Viện này Viện nọ, tốn
bao công của, lạm bao quyền lực, lúc thì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim
chỉ nam, lúc khác lại lấy tư tưởng của Mao ra quán triệt. Trong thập
niên qua họ phát động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, mà lại lén lút xoá
văn bia Hồ Chí Minh trước lúc xảy ra sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh. Rồi
đây sẽ „định hướng nhân dân“ bằng tư tưởng gì?
Thứ hai, trí thức quan phương – đã không quen tiếng nói phản kháng
phản biện, còn a dua báng bổ những nhân sĩ ái quốc có tinh thần dân tộc
đúng mực và độ lượng. Trí thức quan phương nhập vào những người dân
thường đấu tố, rốt cuộc trở thành mẫu „người mới“ được chế độ toàn trị
nhào nặn mà chẳng cần phải „xây dựng“. Họ là lực lượng cản trở lớn cho
quá trình dân chủ hoá đất nước. Lao vào guồng trục lợi, họ dùng sức của
một đám đông – sản phẩm của chế độ chuyên chế nhào nặn – mưu cầu công
danh, ném đá giấu tay rồi xoá dấu vết lặn vào cái đám đông vô danh đó.
Họ và lê dân đấu tố, cùng thuộc về công luận uỷ nhiệm – không xứng là
nhân dân.
Điều thứ ba là suy nghĩ hộ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam đã kêu gọi
cùng Trung Hoa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta hãy xem những nước
bạn bè của Bắc Kinh và được Bắc Kinh hậu thuẫn là những nước nào? Ở gần
ta nhất là nhà nước diệt chủng Campuchia trước đây. Và hiện nay là Bắc
Hàn, nhà nước thường xuyên phải nhận lương thực viện trợ cứu đói cho
dân, trong khi đó Nam Hàn là một nền kinh tế hùng mạnh của thế giới.
P.K.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.