Vụ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long: Phiên tòa ‘đi ngang về tắt’
Hà Giang
Vụ xử Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức
WESTMINSTER - Tài liệu do Wikileaks công bố cho thấy bề nổi cũng như nguyên nhân sâu xa của những vụ xử các nhà dân chủ, diễn ra tại Việt Nam hồi đầu tháng 10, 2010.
“Phiên Tòa Trình Diễn” xử 4 nhà dân chủ tại Sài Gòn ngày 20 tháng 1, 2010. Từ phải qua trái: Luật sư Lê Công Ðịnh, Kỹ sư Lê Thăng Long, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức. (Hình: Vietnam News Agency via Reuters)
Tài liệu cho thấy, giới ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội và Sài Gòn nắm rõ, nếu không muốn nói là rất rõ, những chi tiết liên quan đến các vụ xử này.
Không biết vì sự “hiểu quá rõ” này, hay vì nội dung được xếp hạng là “mật” (confidential), mà một công điện gửi từ tòa lãnh sự Sài Gòn về Washington D.C. cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong tháng 1 năm 2010, tường trình về phiên tòa xử 4 nhà dân chủ, có lối viết rất thẳng thừng, nhuốm phần mỉa mai, châm biếm.
“Phiên tòa trình diễn”
Sự mỉa mai của công điện bắt đầu ở ngay cái tựa, qua cách mà người viết bản tường trình đặt tên cho buổi xử án: “‘Phiên Tòa Trình Diễn’ Xử Những Nhà Dân Chủ Ðã Làm Nổi Bật Những Thách Thức Trong Việc Quảng Bá Nhân Quyền tại Việt Nam.”
Phần tóm lược của công điện viết: “Phiên tòa xét xử 4 nhà hoạt động dân chủ, trong đó có luật sư nổi tiếng, từng được học bổng Fulbright, Lê Công Ðịnh, nhà đấu tranh và blogger Nguyễn Tiến Trung, khai diễn và kết thúc cùng ngày, vào hôm 20 tháng 1, tại thành phố Hồ Chí Minh.”
“Cả 4 người bị kết tội ‘tìm cách lật đổ chính quyền,’ lãnh án từ 5 đến 16 năm tù, cộng thêm nhiều năm quản thúc. Trong khi phán quyết kéo dài chỉ sau 15 phút xét xử của tòa, điều chẳng ai ngạc nhiên, phiên-tòa-một-ngày này cho chúng ta một dẫn chứng rành rành về cách chính phủ và đảng CSVN biến việc bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa thành một tội hình sự.”
“Luật sư Lê Công Ðịnh thú nhận đã gia nhập một đảng không-cộng-sản (và do đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì (ông) đã có hành vi chống chính quyền, nhưng ông thừa nhận đã không làm bất cứ điều gì sai trái).”
“Bản tuyên bố chỉ trích phiên xử một cách gay gắt, do vị tổng lãnh sự tham dự phiên tòa đưa ra, đã được truyền thông quốc tế phổ biến rộng rãi, nhưng không tờ báo Việt Nam nào đưa tin.”
Ngoài Luật sư Lê Công Ðịnh và Blogger Nguyễn Tiến Trung, phiên tòa còn xử 2 nhà dân chủ khác là ông Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức. Tất cả 4 người, theo bản tường trình, đều bị kết tội một cách chóng vánh, qua một phiên tòa vi phạm nhiều thủ tục tố tụng.
“Với tốc độ ‘nhanh như chớp’ và việc nhất định không xét đến nhiều cáo buộc hành hạ tù nhân, ngụy tạo bằng chứng, bắt phải nhận tội, phiên tòa cho thấy rõ Việt Nam còn lâu mới có được một ngành tư pháp chuyên nghiệp và độc lập.” Công điện viết.
Mô tả diễn tiến của phiên tòa, công điện dùng cụm từ “A Short Road to Guilty” (tạm dịch: Một Bản Án Ði Bằng Lối Tắt) và ghi rõ:
“Phần lớn thời giờ của phiên tòa kéo dài 10 tiếng đồng hồ này được dành cho việc đọc đi đọc lại, những 3 lần, gần như nguyên văn, một bản văn dài lê thê kết tội 4 bị cáo. Bản văn này, được đọc lần đầu tiên, lúc phiên tòa vừa khai mạc, như bản cáo trạng; lần thứ nhì được đọc như cáo buộc theo kết quả điều tra; và lần thứ ba được đọc như lời kết tội chính thức của tòa.”
“Sau thủ tục này, các thẩm phán bàn luận chỉ 15 phút trước khi kết án 4 bị cáo.”
Một đoạn của công điện nêu lên đặc điểm của bản cáo trạng, như sau:
“Trọng tâm của bản cáo trạng cáo buộc các bị can thành lập một nhóm có tên là ‘Nhóm nghiên cứu Chấn’ với mục đích ‘lật đổ chính quyền.’ Mặc dù thế, bản cáo trạng không hề cho biết nhóm đã thực hiện hoặc chuẩn bị cho bất cứ hành vi bạo động nào, hay khuyến khích người khác có những hành động như vậy. Thay vào đó, các công tố viên cáo buộc Trần Huỳnh Duy Thức, trong vai trò lãnh đạo của nhóm, đã tuyên bố rằng năm 2010 đánh dấu sự khởi đầu việc Chủ Nghĩa Cộng Sản bị sút giảm hỗ trợ của quần chúng, và đến năm 2020, đảng CSVN sẽ mất quyền kiểm soát đất nước vì càng ngày người ta càng đòi hỏi sự mở rộng nhân quyền và một chế độ dân chủ đa đảng.”
Khiếm khuyết nghiêm trọng
Nhận định rằng phiên tòa nói trên là biểu hiện của một “tiến trình (pháp lý) khiếm khuyết nghiêm trọng” (a deeply flawed process), công điện đơn cử việc ông Trần Huỳnh Duy Thức, ngay từ đầu phiên xử, đã yêu cầu “thay thế toàn bộ thẩm phán và công tố viên bằng một đội ngũ khách quan hơn, lý do là vì tất cả những người này là đảng viên đảng CSVN, một vế của việc tranh tụng, mà ông thì bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền và đảng.”
“Sau khi yêu cầu của ông bị khước từ,” công điện viết tiếp: “Khi Trần Huỳnh Duy Thức yêu cầu hủy bỏ cáo buộc vì trong tù ông đã bị truy bức, nhục hình để ép nhận tội, người công an tòa án ngồi phía sau lưng ông bật đứng dậy để quản thúc ông, nhưng quan tòa vẫy tay ra hiệu cho công an ngồi xuống. Tuy nhiên, sau đó, những gì ông nói bị át đi bởi sự nhiễu sóng.”
Cũng theo công điện, ông Lê Thăng Long, tương tự Trần Huỳnh Huy Thức, khai rằng mình đã bị tra tấn, ép cung, nhưng “lời khai của ông luôn bị các thẩm phán cắt ngang,” hoặc microphone không phát tiếng.
Ngoài ra, công điện cho biết, trong suốt phiên tòa, cả hai ông Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Huy Thức liên tục khai rằng các tài liệu, chứng cớ dùng để buộc tội họ đều đã bị sửa đổi, hay giả mạo.
Sự tham dự của giới truyền thông báo chí trong phiên tòa được xem là phiên xử công cộng cũng có nhiều đặc điểm đáng ghi nhận. Công điện viết: “Không phóng viên hay người quan sát nào được vào phòng xử, một số ít người quan sát ngoại quốc được cho phép ngồi xem trước một máy truyền hình được đặt trong một căn phòng phía ngoài phòng xử. Tổng Lãnh Sự, Ðại Sứ Liên Hiệp Âu Châu và Ðan Mạch, và một số chính khách Canada và Úc là những nhà ngoại giao ngoại quốc duy nhất được chứng kiến phiên xử.”
“Ba phóng viên ngoại quốc của AP, Reuters và AFP, và một phóng viên người Việt Nam làm việc cho hãng tin DPA của Ðức, và khoảng 30 phóng viên của báo chí Việt Nam cũng có mặt. Phóng viên ngoại quốc bị cấm không được mang theo điện thoại cầm tay, máy ảnh hay bất cứ dụng cụ điện tử nào, trong khi đó phóng viên của báo chí nhà nước không bị giới hạn nào.”
Tại sao sự giới hạn chỉ áp dụng cho phóng viên ngoại quốc? Công điện giải thích: “Làm như vậy, không một hình ảnh hay âm thanh nào về những hành vi sai trái của các quan chức trong phiên xử được ghi lại. Trong quá trình tố tụng, nhiều lúc âm thanh bị tắt ngúm, hay bị át đi vì nhiễu sóng ngay khi các luật sư bào chữa bắt đầu cất tiếng để tranh cãi.”
Công điện cũng đơn cử việc microphone bị im tiếng trong phần phát biểu của Blogger Nguyễn Tiến Trung, và trong phần tranh cãi rất hùng hồn của Luật sư Triệu Quốc Mạnh, bào chữa cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Cái tội dân chủ
Sự mỉa mai châm biếm của công điện càng trở nên rõ hơn ở đoạn có tựa “Bị Kết Cái Tội Dân Chủ,” mở đầu bằng đánh giá việc nhận tội của Luật sư Lê Công Ðịnh: “Trong khi Lê Công Ðịnh đã nhận tội trong một khuôn khổ rõ ràng là của một thỏa thuận được điều đình rất cẩn thận để đạt được sự giảm án, ngôn từ của Ðịnh trong việc nhận tội vô cùng sâu sắc và đầy hàm chứa.”
“Ðịnh tuyên bố rằng ông không có lời bào chữa, vì ông không làm gì để phải cần bào chữa. Thay vào đó, ông chỉ đơn giản thừa nhận rằng, theo Hiến Pháp Việt Nam, Ðảng Cộng Sản Việt Nam là đảng duy nhất và vĩnh viễn có quyền lãnh đạo đất nước. Vì đảng Dân Chủ Việt Nam, mà Ðịnh đã gia nhập, kêu gọi tiến trình đa đảng cho Việt Nam, cho nên, trước pháp luật Việt Nam, Ðịnh phạm tội theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự. Ngoài việc thừa nhận gia nhập đảng Dân Chủ Việt Nam, Ðịnh không nhận mình có tội gì khác.”
Công điện kết luận: “Dù xét theo ngôn từ nhận tội rất khéo léo của Lê Công Ðịnh, hay bản cáo trạng dài lê thê của công tố viện, người ta cũng phải đi đến một kết luận: Bởi vì theo Hiến Pháp Việt Nam, đảng CSVN là đảng duy nhất được nắm quyền, cho nên bất cứ ai bàn luận gì đến dân chủ, hay cổ động cho việc dân chủ hóa Việt Nam, đều phạm tội, một trọng tội mà hình phạt là nhiều năm dài tù tội, thậm chí có thể phải chịu án tử hình.”
Ðón đọc: Trung Quốc ảnh hưởng lên Ðảng Cộng Sản Việt Nam ra sao?
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
Bắt đầu từ ngày 08 tháng 09, Người Việt khởi đăng công điện ngoại giao của Hoa Kỳ liên quan tới Việt Nam, bị lộ ra trong vụ Wikileaks.
Wikileaks là một cơ sở bất vụ lợi có mục đích đòi hỏi chính quyền phải minh bạch, bằng cách công bố các tài liệu mật do các nguồn nặc danh cung cấp. Wikileaks bắt đầu nổi tiếng với những tiết lộ bí mật về chiến tranh Iraq, kể cả một đoạn phim trong đó lính Mỹ tưởng phóng viên Reuters mang vũ khí và nã súng bắn họ.
Nhưng phải tới tháng 10 năm 2010, Wikileaks mới thật sự nổi tiếng và ai cũng biết tên. Ðó là lúc Wikileaks loan tin lấy được 260,000 công điện ngoại giao của Hoa Kỳ và tuyên bố sẽ bắt đầu công bố những công điện này.
Ðây là những công điện do các tòa đại sứ, lãnh sự của Mỹ từ khắp nơi gởi về Bộ Ngoại Giao.
Ðây là những tài liệu được đặt trong một mạng lưới tài liệu mật của quân đội Mỹ, gọi là “SIPRnet.” Sau vụ khủng bố 11 tháng 9, chính phủ Tổng Thống George W. Bush ra lệnh cho các cơ quan quân đội, ngoại giao, tình báo phải chia sẻ tài liệu mật cho nhau, mục đích là để các cơ quan chính quyền có đầy đủ thông tin chống khủng bố.
Tuy nhiên, một tác dụng ngược của nó là khiến hàng ngàn quân nhân bỗng có thể đọc được công điện mật của ngành ngoại giao.
Một trong hàng ngàn quân nhân đó là Trung sĩ Bradley Manning, sau này bị giáng lon xuống binh nhì. Ông Manning tải toàn bộ công điện mật của bộ Ngoại Giao về máy mình, rồi chuyển qua cho Wikileaks.
Số tài liệu bị lộ gồm 251,287 công điện. Ban đầu, qua thỏa thuận với bốn tờ báo lớn của thế giới, tờ El País (Tây Ban Nha), Der Spiegel (Ðức), Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh) và The New York Times (Mỹ), Wikileaks và những tờ báo này công bố công điện từ từ, theo từng đợt, và sau khi xóa bớt tên những người cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, sau khi bị lộ mật mã cho tài liệu này, Wikileaks vào ngày 1 tháng 9 quyết định công bố tất cả, không bôi xóa gì hết.
Tài liệu liên quan tới Việt Nam trong Wikileaks lên tới hơn 5,000 công điện. Chỉ riêng mục lục các công điện này, khi in ra giấy, đã lên tới 192 trang.
Trong những ngày sắp tới, Người Việt sẽ chọn lọc và khởi đăng công điện của Wikileaks, được chia ra theo những mục đề tài sau đây:
* Nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam
* Các tù nhân lương tâm
* Nhân quyền, tôn giáo
* Quan hệ với Trung Quốc
* Quan hệ với Mỹ
* Kinh tế, giáo dục
Bộ tài liệu này sẽ được cập nhật liên tục.
Người Việt Online.