Tướng Kỳ từng bị Nguyễn Tấn Dũng chặn đường về
Đọc thêm HỒ SƠ WIKILEAKS |
---|
WESTMINSTER (NV) - Lần đầu tiên phía Mỹ đề nghị Việt Nam cấp visa cho cựu Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước, ông Nguyễn Tấn Dũng giận dữ, đỏ mặt, mất bình tĩnh và gọi tất cả các cựu viên chức chính quyền miền Nam là “tội đồ” và sẽ “không bao giờ được chào đón” về Việt Nam, theo tiết lộ của các công điện ngoại giao được Wikileaks tiết lộ. Các công điện này cũng cho thấy, trong hai lần đầu về Việt Nam, Tướng Kỳ dành nhiều thời giờ vận động cho việc tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.
Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ (trái) cùng vợ ông, bà Lê Kim, trả lời báo chí trong lần đầu ông về lại Việt Nam, tháng 1 năm 2004. Công điện ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trước đó khi phía Mỹ đề nghị Việt Nam cấp visa cho Tướng Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã giận dữ bác bỏ và gọi ông Kỳ và các viên chức Việt Nam Cộng Hòa là “tội đồ”. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng, nổi giận với Ðại Sứ Raymond Burghardt được tường thuật lại trong một công điện từ tòa đại sứ ở Hà Nội gởi về Bộ Ngoại Giao, ngày 11 tháng 3, 2003, và sau đó lại được nhắc lại trong một công điện khác, ngày 28 tháng 3, 2003.
Wikileaks không có toàn bộ các công điện ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng trong số những công điện mà Wikileaks có được, lần đầu tiên danh tánh Tướng Kỳ xuất hiện là trên bức công điện 11 tháng 3. Công điện đó tường thuật cuộc họp giữa Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với Ðại Sứ Burghardt, một cuộc họp do ông Dũng yêu cầu, để tìm cách nâng cao quan hệ hai nước.
Trong buổi họp, ngoài nhiều đề tài khác, Phó Thủ Tướng Dũng phàn nàn về những nghị quyết cờ vàng ở California và Virginia. Ông nói ông hiểu rằng hiến pháp Mỹ không cho phép Bộ Ngoại Giao ngăn chặn những nghị quyết đó, nhưng yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ “tác động nhiều hơn”.
Ðại Sứ Burghardt cho rằng lý do cốt yếu là vì phía chính quyền Việt Nam chưa hết lòng kết nối với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ông đề nghị một số biện pháp, và nói thêm, “thậm chí mời cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ về thăm quê hương”.
Lúc đó, theo công điện này, “PTT Dũng phản ứng đầy xúc cảm, cho rằng các viên chức chế độ Sài Gòn cũ phải chịu trách nhiệm đã đưa 1 triệu lính Mỹ vào và gây chết chóc cho 3 triệu người Việt Nam; họ là ‘tội đồ’ và sẽ không bao giờ được chào đón trở về.”
Cái gọi là “phản ứng đầy xúc cảm” của ông Dũng được miêu tả kỹ hơn trong công điện ngày 28: “Mặt ông bất thình lình rắn lại và ông phó thủ tướng gần như nổ tung vì giận dữ.”
Thấy vậy, Ðại Sứ Burghardt bàn rằng chắc phải “nhiều thế hệ nữa” mới có sự hàn gắn giữa hai bên, và ông Dũng “đồng ý”.
Hơn hai tuần sau, Ðại Sứ Burghardt gặp thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng, kể lại chuyện này. Ông Bàng tỏ ý là ông đại sứ nên nói những chuyện như vậy với bên ngoại giao, như “Phó Thủ Tướng Vũ Khoan, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên, cựu Phó Thủ Tướng Nguyễn Mạnh Cầm, hơn là với những người từng trong quân đội hay an ninh như PTT Dũng.”
Chẳng bao lâu sau đó, quan điểm của ông Dũng bị thất bại. Chính quyền Việt Nam cấp visa cho Tướng Kỳ, và ông về thăm Việt Nam trong một chuyến đi được quảng bá rầm rộ vào tháng 1, 2004.
Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa
Sau chuyến đi đó, tới cuối năm 2004 ông Kỳ trở lại Việt Nam lần thứ nhì. Trong lần này, ông có gặp phó tổng lãnh sự và tham tán chính trị Mỹ, và buổi gặp mặt này được ghi lại trong một công điện đề ngày 9 tháng 11, 2004.
Trong cuộc nói chuyện, Tướng Kỳ cho biết trong chuyến về đầu tiên, ông đã đề cập tới việc sửa sang lại Nghĩa trang Quân đội, nhưng những người ông gặp đều không muốn làm chuyện này. Họ cho rằng việc làm này “quá nhạy cảm” đối với phái bảo thủ và quân đội. Khi đó, ông Kỳ đã nói với họ, “Nếu các ông muốn hòa giải với Việt kiều, các ông phải hòa giải với người đã chết, trước đã.”
Ba tuần trước khi về lại Việt Nam lần thứ nhì, Tướng Kỳ tổ chức một buổi tiếp tân tại nhà ở Quận Cam, cho thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Phú Bình. Lúc đó, ông Bình mới loan báo chính quyền Việt Nam đã đồng ý sẽ sửa sang lại Nghĩa trang Quân đội. Theo lời ông Bình, người được giao trách nhiệm trong việc này là Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ Quốc Phòng.
Ông Kỳ nói, sau khi nghĩa trang được sửa sang xong, ông sẽ dẫn đầu một phái đoàn người Việt hải ngoại làm lễ khai mạc.
Trong công điện này, Tổng Lãnh Sự Seth Winnick chú thích thêm là chính phái đoàn ngoại giao Mỹ cũng nhiều lần đề nghị phía Việt Nam tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa như một cách mở cửa với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Ðó là chuyện xảy ra năm 2004. Tuy nhiên, sau đó, không có dấu hiệu gì là phía chính quyền Việt Nam đứng ra tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Nghĩa trang vẫn nằm trong quyền cai quản của Quân khu 7 và không ai được vào “khu vực quân sự” này. Phải tới năm 2006 mới có một quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đã là thủ tướng, “chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An (tức Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa) bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật”.
Sau khi quyết định đó được đưa ra, có những nhóm người Việt hải ngoại đứng ra tự bỏ công sức sang sửa các ngôi mộ trong nghĩa trang, và đó là những nỗ lực duy nhất tu bổ nghĩa trang này.
––-
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com
HỒ SƠ WIKILEAKS |
---|