ĐCS VN sập bẫy trong các cuộc biểu tình chống bá quyền Trung Quốc?
Phạm Hồng Sơn
Một đặc tính chung của mọi kẻ cầm quyền, dù là dân chủ hay độc tài,
là đều không thích thú lắm với những hoạt động độc lập (tự phát, tự tổ
chức) của dân chúng, vì những hoạt động độc lập của dân chúng thường có
xu hướng phân ly với ý muốn của kẻ cầm quyền. Điều khác chỉ là trong
chính thể dân chủ, kẻ cầm quyền buộc phải tôn trọng mọi việc làm của dân
chúng khi pháp luật không cấm (kể cả biểu tình phản đối chính phủ),
hoặc nếu biết khôn khéo thì tỏ ra hoan nghênh hoặc nếu khôn ngoan thực
sự thì biết quan sát, lắng nghe để áp dụng, phối hợp những gợi ý, xu
hướng có lợi cho chính sách cầm quyền từ mọi hoạt động độc lập của dân
chúng. Việc cấm cản những việc làm mà pháp luật không cấm là sự tự sát
chính trị và có thể bị truy tố đối với kẻ cầm quyền trong chính thể dân
chủ.
Cũng có một đặc điểm chung gần như phổ quát từ trước đến nay cho mọi
chính thể độc tài hay dân chủ là không kẻ cầm quyền nào lại đi xúc xiểm,
trấn áp người thể hiện lòng yêu nước khi chủ quyền quốc gia bị xâm lấn
hay quốc thể bị sỉ nhục. Các chính đảng, các chính trị gia luôn coi việc
ủng hộ tình cảm yêu nước, các phong trào quần chúng yêu nước là những
cơ hội quí để có được cảm tình, lấy thêm sự ủng hộ của cử tri cho bản
thân và chính đảng của mình. Ngay việc lãnh đạo của một quốc gia viếng
thăm một ngôi đền “nhạy cảm”, đi tới một hòn đảo đang tranh cãi hay chỉ
là một thay đổi nhỏ trong sách giáo khoa lịch sử của một quốc gia này
cũng có thể gây ra những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ và tạo ra cơ hội
hiếm quí cho các chính trị gia muốn có thêm uy tín ở các quốc gia khác.
Rất đáng tiếc ở Việt Nam hiện nay các chính trị gia của ĐCS VN dường
như lại không sử xự đúng như thế. Nếu như Việt Nam đã có một hệ thống
chính trị dân chủ chấp nhận sự tồn tại của các đảng khác, bên cạnh sự
tồn tại của ĐCS VN, thì chắc chắn những sự kiện xúc xiểm, sách nhiễu,
đạp mặt, bắt bớ người biểu tình phản đối hành vi ngang ngược của Trung
Quốc vừa qua đã đem lại rất nhiều cơ hội gia tăng uy tín cho các đảng
chính trị khác. Đáng tiếc, tại Việt Nam lại chưa có đảng nào ngoài ĐCS
VN được phép hoạt động nên các cơ hội đó đều bị bỏ trống. Nhưng điều
đáng tiếc hơn nữa là ĐCS VN, đảng duy nhất hiện có mặt trên chính
trường, lại không những không tận dụng được cơ hội đó mà còn đang đi
theo chiều ngược lại và ngược lại với cả ngọn cờ “độc lập dân tộc” mà
ĐCS VN đã từng phất cao để giành quyền lực. Thật quá khó hiểu cho ĐCS VN
hiện nay! Có đảng cầm quyền nào, có kẻ cầm quyền nào, có tên bạo chúa
nào lại không muốn có thêm cảm tình, tin cậy của dân chúng?
Hay ĐCS VN đã quá mất tự tin đến nỗi cứ cho rằng những người biểu
tình chống âm mưu thôn tính, đồng hóa đang ngày càng tỏ ra trắng trợn
của Trung Quốc đã bị một thế lực nào đó xúi giục, mua chuộc, ép buộc?
Cũng có thể. Nhưng ngay cả ĐCS VN với vị thế đang toàn quyền, cùng với
một hệ thống trấn áp khổng lồ (cảnh sát, dùi cui, nhà tù,…) kèm theo một
nguồn lực gần như bất tận về vật chất và truyền thông mà còn không
khuất phục, mua chuộc được những cô gái trẻ, những phụ nữ chân yếu tay
mềm thì sao lại có thể cho rằng một thế lực khác có thể thành công đối
với chính những con người đó?
Phải chăng những phụ nữ trung trinh, những đàn ông trẻ trung hay thâm
trầm, đầy tri thức đó lại lú lẫn đến mức dám đánh đổi cả tương lai đang
tràn trề, hạnh phúc gia đình đang tràn đầy hay đời sống vật chất đang
thành đạt, viên mãn để đổi lấy những giá trị ảo, những lời dụ khị hão
huyền nào đó? Cũng có thể, nhưng nếu họ thực là những người kém cỏi và
tầm thường như vậy thì “hồn vía” của họ sao còn giữ được khi phải trực
tiếp nếm mùi hay nghe kể lại những “hang ổ mafia” trong Hỏa Lò hay các
nhà tạm giữ cấp quận, huyện? Nói gì đến việc họ lại vẫn bình thản chia
sẻ, thương yêu, gắn bó với nhau hơn sau những ngày bị sỉ nhục, giam cầm.
Những tưởng sau cuộc đối thoại lịch sự bất ngờ ngày 27/08/2011 giữa
một số người tham gia và ủng hộ biểu tình với cơ quan công quyền thành
phố Hà Nội (do ĐCS VN lãnh đạo), chính quyền sẽ đối xử thật trọng vọng
với những người biểu tình chống mộng bá quyền Trung Quốc và sẽ tỏ ra hối
hận, nhanh chóng chủ động khắc phục mọi sai lầm trong việc đối xử trước
đây với người biểu tình. Nhưng hết sức khó hiểu, người biểu tình vẫn bị
hắt hủi, nghi kỵ và thù ghét. Ngay cả yêu cầu rất chính đáng và thiện
chí từ những người biểu tình có uy tín (yêu cầu Đài phát thanh, Truyền
hình Hà Nội phải cải chính và xin lỗi cho những bình luận sai trái, vu
khống, xúc phạm toàn thể người biểu tình) cũng đã bị bất chấp, khinh
thường hay việc gặp gỡ, chia sẻ của những người đã từng tham gia biểu
tình với nhau cũng luôn bị các lực lượng công lực của ĐCS VN dò xét, phá
rối, xúc phạm thô bạo.
Phải chăng ĐCS VN đang bị sa vào bẫy của một tổ chức hay một thế lực
nào đó muốn phá đi nốt những gì là uy tín, trông mong vào ĐCS VN vẫn còn
sót lại đâu đó trong dân chúng? Hay quyền lực tuyệt đối thì không chỉ
tha hóa tuyệt đối mà còn u muội tuyệt đối (absolute power, absolute
ignorance)?
Phạm Hồng Sơn
Nguồn: Đàn Chim Việt