Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Bài viết từ quê hương "bác"

Bùi Tính - Những trò lố...

Bùi Tính
Báo Hà Nội Mới ra ngày 21 tháng 8 chính thức gọi hành động biểu tình chống yêu nước là "trò lố”. Do hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do báo chí nên tôi không thể nói việc này là do chính quyền đạo diễn được. Nói vậy mấy anh em an ninh lại quy chụp chống Nhà Nước thì nguy. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi báo chí nói về người yêu nước như vậy, ngược lại, tôi thầm cám ơn tờ báo này. Lâu nay, tôi không biết gọi mấy cái chuyện liên quan đến việc điều hành đất nước bằng từ gì. Nay thì rõ ràng, dùng từ trò lố là hay nhất.
Trước tiên, xin nhắc cho bà con nhớ là tháng 9 này được gọi là “Tháng An Toàn Giao Thông”. Thật ra đây là một trò lố của chính quyền. Thế 11 tháng khác thì gọi là cái gì? Đến tháng này, các ông ấy huy động toàn bộ lực lượng công an giao thông ra trực chiến, chưa kể cơ động, công an phường, dân phòng ra hỗ trợ. Đi đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu “an toàn là bạn, tai nạn là thù”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Trong khi từ năm này qua năm khác, dùng đủ các “chiêu” mà tai nạn giao thông chỉ tăng chứ không giảm. Bao nhiêu cái đầu “đỉnh cao trí tuệ” không biết để đâu? Mỗi năm có một cái tháng gọi là “Tháng An Toàn Giao Thông” chắc chỉ có ở Việt Nam. Không là trò lố thì là gì nữa?
Có tháng trò lố thì cũng có “tuần trò lố”. Đó là tuần lễ an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng đoàn, từng đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp. Lập biên bản, phạt hành chính, ký giấy cam kết… rồi đâu lại hoàn đó. Ngộ độc vẫn ngộ độc, thịt thối vẫn thối, rau nhiễm hóa chất vẫn đầy hóa chất. Không hiểu nổi toàn đỉnh cao trí tuệ mà suy nghĩ luẩn quẩn như gà mắc tóc. Pháp luật đâu không dùng đến? Một năm 52 tuần các ông bảo vệ người dân 1 tuần, phát động tùm lum, đó không là trò lố thì là cái gì?
Nếu như hai trò lố trên gần đây mới có thì một trò lố tiêu biểu đã có cách đây khá lâu đó là “Chủ đề năm học”. Mỗi một năm học ở Việt Nam sẽ có một chủ đề. Một số chủ đề gần đây là:
- 2007-2008: “Năm học kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”
- 2008-2009: “Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”.
- 2009-2010: “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”,
- 2010-2011: “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục
Không biết năm nay sẽ là chủ đề gì đây. Hy vọng là không có. Theo tôi thì năm học nào cũng cần phải kỷ cương, năm nào cũng phải nâng cao chất lượng giáo dục. Và ứng dụng CNTT thì phải thường xuyên, liên tục theo đà tiến bộ của công nghệ. Một cá nhân hay một tổ chức có thể phát động phong trào, phát động chủ đề. Chứ chuyện kinh bang tế thế, chuyện giáo dục thì phải có luật pháp, có chiến lược, có tư tưởng rõ ràng. Quản lý giáo dục bằng các trò lố như “chủ đề năm học”, “nói không với bệnh thành tích”, thì giáo dục không nát bét mới lạ.
Mỗi khi nhìn hình ảnh ông Hồ Chí Minh đeo khăn quàng đỏ, tôi không sao nhịn được cười. Lố kinh khủng. Đội viên chủ tịch nước Hồ Chí Minh! Các lãnh đạo của ta học hỏi tấm gương này rất nhanh. Ngày khai giảng, các ông ấy mặc đồng phục học sinh, đeo khăn quàng đỏ đánh trống. Đúng là trò lố. Trên không ra trên, chủ tịch, phó thủ tướng như mấy ông diễn hề trên sân khấu thảo nào ở dưới nó chẳng thèm nghe!
Gần như ngay sau khi ở hải ngoại xuất hiện bộ phim : “Sự thật về Hồ Chí Minh” thì ở trong nước phát động phong trào “học tập tấm gương đạo đức HCM”. Cái phong trào này thật sự là một trò lố. Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển cũng đều phải dựa vào nhà nước pháp trị - thượng tôn luật pháp (*). Đằng này lại… sống - chiến đấu - lao động - học tập theo gương một ông nào đó thì đúng là dở hơi. Giả dụ ông ấy tuyệt vời đến đâu thì cũng có cái sai. Mà dù sao thì ông ấy cũng chẳng bao giờ “đúng” bằng luật pháp được. Có lố không khi ông quan chức hàng đầu hứa trước dân chúng… “sẽ theo gương bác”. Cái trò lố “Theo Gương Bác” được đẩy lên cao trào bằng cách giới thiệu các điển hình mà họ cố tình gán ghép “Theo Gương Bác” một cách lố lăng.
- Một chị cán bộ thuế đúng hẹn với dân vì “Bác dạy người công chức phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
- Một anh công nhân kỹ thuật sáng chế được thiết bị ra dây nhảy đa dụng vì “Trong công việc cũng như trong cuộc sống tôi luôn học ở Bác hai điều cần, kiệm”.
- Tại phòng khám thanh niên Bệnh viện Q.10 (TP.HCM), bác sĩ không chỉ tận tình khám bệnh mà còn luôn lắng nghe, tư vấn cho bệnh nhân vì “bác dạy rằng “Cán bộ, nhân viên y tế cả nước phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”.
- Một cán bộ trẻ là trưởng phòng quản lý thành công vì luôn áp dụng lời Bác dạy: “Nói phải đi đôi với làm”.
Thiệt tình, viên chức Nhà Nước ăn lương từ thuế nhân dân mà không đúng hẹn với dân thì dân nó không kiện cho à! Hay ông trưởng phòng gì đấy không làm tốt thì Giám đốc nó giũa cho một trận chứ đùa sao!
Tuy nhiên, mặc dù vớ vẩn nhưng các điển hình trên dù sao cũng “làm một việc tốt gì đó vì Bác dạy thế”. Đằng này, có một điển hình “Theo Gương Bác”, làm theo lời bác bằng cách xây nhà thờ cho bác(!).
Chuyện người yêu nước đi biể tình, nó vừa hợp hiến, vừa hợp đạo thì bị coi là trò lố. Trong khi chuyện trị nước, chuyện kinh bang tế thế, chuyện an sinh xã hội, chuyện quốc gia đại sự thì quản lý bằng những trò lố. Thời buổi toàn đồ đểu.
Bùi Tính (viết từ Nghệ An)
__________________________
(*) Thật ra thì khẩu hiệu “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” cũng treo đầy đường. Nhưng từ thằng to nhất đến thằng bé nhất, chẳng ai theo cả.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"