Gặp gỡ tại Bộ Ngọai Giao ở Hà Nội vào năm 1989
Tháng 11 năm 1989, tôi có dịp bay từ Sài Gòn ra Hà Nội
để phụ giúp với phái đòan doanh nhân ngọai quốc từ Hongkong qua gặp gỡ
bàn thảo với giới chức tại một số bộ và cơ quan chuyên môn về vấn đề
kinh doanh buôn bán với Việt Nam.
Phái đòan này gồm 2 người là Mike Morrow, người Mỹ trưởng văn phòng
cố vấn đầu tư và Tony Howell, người Anh chuyên viên của Hãng Jardines
Matheson. Tôi vừa là cố vấn luật pháp, vừa là thông dịch viên cho phái
đòan này trong thời gian một tuần lễ ở Hanoi. Phòng Thương mại Việt Nam ở
Hà Nội đã sắp xếp lịch trình gặp gỡ với các cơ quan ở đây, theo sự yêu
cầu của phái đòan.
Trong một buổi chiều, ba người chúng tôi đã đến trụ sở của Bộ Ngọai
Giao. Tại đây, chúng tôi được ông Đặng Nghiêm Bái, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ
tíếp đón với sự hiện diện của ông Lê Văn Bàng và cô Minh Tuyền. Ông Bái
đã từng làm Đại sứ ở London. Còn ông Bằng sau này làm Đại sứ ở Mỹ.
Cuộc trao đổi diễn ra trong gần 2 giờ và mọi người đều nói bằng tiếng
Anh, nên khỏi mất thời gian phiên dịch. Mở đầu, ông Bái cho biết là Bộ
trưởng Nguyễn Cơ Thạch kiếu lỗi vì gặp chuyện “ đột xuất”, nên không thể
tiếp phái đòan như đã hẹn trước với Phòng Thương Mại được. Tiếp theo
ông Bái nhường lời cho phía khách. Mike Morrow giải thích lý do của cuộc
gặp gỡ, đại ý nói rằng: Giới doanh nghiệp thành phố Seattle tiểu bang
Washington dự trù tổ chức một hội nghị với đề tài “Làm ăn buôn bán với
Việt nam” (Doing business with Vietnam) vào tháng 9 năm 1990, và muốn
mời Bộ trưởng Thạch đến nói chuyện trong dịp này, nhân chuyến ông đến
New York tham dự Đại Hội Thường Niên của Liên Hiệp Quốc vào thời gian
đó. Cuộc trao đổi bữa nay là để trình bày sơ khởi về nội dung và lịch
trình làm việc của Hội nghị, trong đó có phần dành cho Bộ trưởng Thạch
tiếp xúc với giới doanh nhân Mỹ trong vùng Seattle và phụ cận.
Ông Bái nêu thắc mắc: Việt Nam là một quốc gia lớn có tầm cỡ, mà sao
chúng tôi lại phải đến bàn thảo với giới doanh gia của một thành phố?
Mike Morrow đáp: Vì hiện nay, chưa có sự bang giao giữa Hanoi với
Washington, mà lệnh cấm vận cũng chưa được bãi bỏ, nên chỉ có ở Seattle
chúng tôi mới dám “ xé rào đi tiên phong” trong việc thăm dò công chuyện
giao thương với Việt Nam. Đàng khác, tuy chỉ là một thành phố, nhưng
riêng công ty Boeing chế tạo máy bay tại đây đã là một thứ business tầm
vóc quốc tế rồi. Đó là chưa kể đến ngành khai thác hải sản và nhiều công
ty xí nghiệp khác nữa ở trong vùng này qua Vancouver Canada lên đến tận
Alaska.
Ông Bái gật đầu tỏ ý ghi nhận sự trình bày của Mike, và cuộc trao đổi
tiếp tục đi sâu vào một số chi tiết cần thiết sao cho Bộ trưởng có thể
quyết định tham gia với cuộc Hội nghị dự trù ở Seattle vào năm tới. Kết
thúc, ông Bái hứa là sẽ trình bày lại nội dung cuộc gặp gỡ này với Bộ
trưởng Thạch và sẽ chính thức thông báo bằng văn thư cho Mike Morrow ở
địa chỉ tại Hong Kong.
Vào cuối tháng 11 năm 1989 đó, thì ở Đông Âu các chế độ cộng sản lần
lượt sụp đổ thật là mau lẹ. Lúc tôi gặp chị bạn làm bác sĩ ở bệnh viên
Bạch Mai, thì chị hỏi tôi “Anh có thể đóan được một ngày gần đây, liệu
Việt Nam ta cũng sẽ có cuộc thay đổi như bên trời Âu chăng?” Tôi cũng ậm
ờ trả lời là người dân mình chắc cũng mong đợi điều đó lắm đấy.
Nhưng sao tôi chưa thấy có dấu hiệu khởi sự chuẩn bị gì cà. Vụ đàn áp
Thiên An Môn vừa cách nay có mấy tháng thôi mà. Bà con vẫn còn cảnh
giác bất động, mà nhà nước thì rút kinh nghiệm để đề phòng tối đa…
Câu chuyện tiếp theo mới đáng nói, đó là vào cuối tháng 4 năm 1990,
cả tôi và Mike Morrow đều bị công an bắt giữ ở Đà nẵng và đem về giam ở
Saigon trong khu vực của Tổng nha Cảnh sát cũ tại góc đường Cộng Hòa và
Nguyễn Trãi.
Mike bị giữ trong cỡ 3 tuần lễ, rồi bị trục xuất về lại Hongkong. Còn
tôi thì bị giữ khá lâu với bản án 12 năm tù về tội “Tuyên truyền chống
chủ nghĩa xã hội” của Tòa án Sài Gòn tuyên xử vào ngày 14 tháng 5 năm
1992. Chuyện vụ án chính trị này, tôi đã có dịp viết đến rồi, nay khỏi
cần nhắc lại nữa.
Trong bài này, tôi muốn ghi lại chi tiết liên quan đến cuộc gặp gỡ
nói trên ở Bộ Ngọai Giao. Đó là trong suốt ba tháng bị thẩm vấn liên tục
tại cơ quan an ninh, thì có lần ông Đại tá Quang Minh là điều tra viên
căn vặn tôi về chuyên gặp gỡ với Bộ Ngọai Giao.
Tôi trả lời việc này là công khai chính thức, chắc là Bộ Ngọai Giao
đã phải báo cáo với cấp trên rồi, sao quý vị lại còn hỏi gì đến tôi nữa?
Ông Quang Minh nói: Chúng tôi muốn biết thêm về phía ông nữa, chứ dĩ
nhiên là Bộ Ngọai Giao cũng đã báo cáo lên thượng cấp rồi.
Và rồi cũng như mọi lần, ông đưa giấy bút cho tôi về phòng để viết
bài trả lời những câu hỏi mà ông lấy cuốn sổ ra đọc cho tôi chép. Ông
hẹn trong 2 ngày sẽ cho người đến lấy bản trả lời này. Tôi cũng tường
thuật lại đại khái sự việc như đã ghi ở đầu bài viết này. Nói chung, thì
ông Quang Minh đối xử với tôi không đến nỗi tàn tệ nghiệt ngã gì cho
lắm, nếu so sánh với một số cán bộ công an khác.
Nhân tiện cũng xin ghi lại ông Quang Minh tên thật là Ngô Văn Dần,
người gốc Thanh Hóa, năm 1990 ông vào cỡ trên 65 tuổi. Ông biết rành
tiếng Pháp cỡ trình độ tú tài thời Pháp thuộc. Có lần ông nói tiếng
Pháp, gọi tôi là “assassin de génie”! (kẻ sát nhân ngọai hạng). Cũng như
Chánh án Lê Thúc Anh trước phiên tòa, thì gọi tôi là “thứ cáo già chính
trị”! Hai cái biệt danh này kể ra cũng ngộ nghĩnh đấy chứ? Làm sao mà
tôi lại có thể dễ dàng quên nó đi được?
Tôi chưa bao giờ gặp gỡ riêng với ông Nguyễn Cơ Thạch, nhưng được
nghe nói rất nhiều về ông qua những dịp nói chuyện với những người tôi
quen biết. Trước hết là giáo sư Nguyễn Độ là vị thầy dậy tôi ở trường
Luật năm xưa. Sau năm 1975, tôi hay đến viếng thăm thầy và chúng tôi
chuyện trò rất tâm đắc. Giáo sư Độ cho biết là hồi cuối thập niên 1930,
ông có học chung với Nguyễn Cơ Thạch ở lycée Albert Saraut. Và sau 1975
hai người lại gặp nhau chuyện trò vui vẻ thân thiết bình thường.
Giáo sư còn cho biết là bà Thạch là cháu gọi Bà Chánh án Lê văn Thu
nhạc mẫu của ông là Cô, nên ngòai tình bạn, hai ông lại còn có liên hệ
bà con với nhau nữa. Nay thì cả hai người bạn học này đều đã lìa xa cõi
thế gian này, và chắc chắn hai ông đã gặp lại nhau nơi cõi bên kia vậy.
Một số người khác trong gia đình còn cho biết là ông Thạch đã giúp đỡ
rất nhiều người trong thân tộc để họ đi định cư ở nước ngòai, ngay từ
hồi đầu thập niên 1980, lúc chưa có chuyện “mở cửa với bên ngòai” nữa.
Còn Mike Morrow, thì cho biết là đã quen biết với ông Thạch từ rất
lâu, hồi ông còn là Phụ tá Bộ trưởng Ngọai Giao cuối thập niên 1970. Và
sau này, khi ông lên giữ chức vụ Bộ trưởng, thì chính Mike Morrow là
người ký giả ngọai quốc đầu tiên đã phỏng vấn ông Tân Bộ trưởng Nguyễn
Cơ Thạch. Mike còn cho tôi biết ông Thạch có sự hiểu biết nhiều về thế
giới bên ngòai và là một người có đầu óc cởi mở phóng khóang có thể tin
cậy được (open- minded and reliable). Rất tiếc là tôi đã không có cơ hội
gặp được ông Thạch để mà có thể tường thuật lại cho quý bạn đọc, mặc
dầu đã có hẹn trườc bữa đó.
Và vị Bộ trưởng Ngọai Giao vừa được thăng chức mấy tháng đầu năm 2011
này có tên là Phạm Bình Minh, thì ông Minh này chính là con trai của
ông Nguyễn Cơ Thạch, mà tên thật chính là Phạm Văn Cương. Tôi được người
bà con trong gia đình bà Thạch cho biết chuyện này từ lâu, lúc ông Minh
còn là Thứ trưởng Bộ Ngọai giao. Thật đúng là cái chuyện “Cha truyền
con nối “ vậy đó.
California, tháng Chín 2011
© Đòan Thanh Liêm